Người mê bảo tồn chó Phú Quốc

Minh Châu |

Anh Phạm Diễm Bình, SN 1970, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) là chủ của 2 trại nuôi chó tại H.Định Quán và TX.Long Khánh (Đồng Nai) với 50 con chó Phú Quốc đẻ và hàng trăm chó con, chó giống các loại.

Anh Bình chia sẻ rằng: Hạnh phúc cả đời anh là có được người vợ hiền và con chó khôn. Bởi thế, anh đã dành hết tuổi trẻ của mình để bảo tồn và phát triển loài chó “xoáy lưng” Phú Quốc đặc biệt thông minh, góp phần nâng tầm chó Phú Quốc trở thành loài chó Việt được yêu quý trên cả nước và được những người mê chó trên thế giới biết đến. 

Người nuôi chó Phú Quốc ở Đồng Nai

Hiện nay, anh Bình có 3 cơ sở nuôi chó Phú Quốc, trong đó có 2 trang trại lớn tại H.Định Quán và TX.Long Khánh (Đồng Nai) và “trạm trung chuyển” ngay tại TP.Biên Hòa với hơn 50 con chó Phú Quốc đẻ và hàng trăm con chó Phú Quốc nhỏ, lớn, chó giống…

Anh Bình nói: Ban đầu tôi nuôi chó Phú Quốc vì mê loài chó xoáy lưng thông minh này, sau đó thương chó Phú Quốc cũng là loài chó quý nhưng chưa được trân trọng đúng mức, tôi bắt đầu nghiên cứu về chó Phú Quốc.

Tôi đã về tận đảo Phú Quốc nơi loài chó này được đặt tên, gặp những người già, những người thợ đi săn chuyên nghiệp để nghe họ kể những câu chuyện về loài chó này. Từ đó, tôi góp nhặt các câu chuyện lại, xâu chuỗi nó trở thành một quá trình, một phương pháp chăm sóc nuôi dưỡng và cao hơn cả là để bảo tồn và nâng tầm loài chó Phú Quốc ở nước ta.

“Năm 1990 tôi tham gia quân ngũ nhưng vì mê chó tôi xin vào làm quân khuyển và học được các kỹ năng huấn luyện chó cũng như khả năng chăm sóc chữa trị cho loài chó. Sau một thời gian gắn bó thì tôi ra quân. Lúc đó, tôi cũng không nghĩ ra được nghề gì để kiếm được tiền và lại tiếp tục theo đuổi đam mê nuôi chó – với kinh nghiệm sẵn có – tôi vào TPHCM mở trung tâm để huấn luyện và bán chó.

Hồi đó tôi đi nhập các giống chó lạ vào Việt Nam khiến những người mê chó rất thích thú. Đến năm 1993, có một vị giám đốc bệnh viện đến gặp tôi và giao cho tôi huấn luyện một cặp chó lạ với dãy xoáy kiếm trên lưng, lúc đó tôi chưa có khái niệm về chó Phú Quốc và chỉ “vỡ lẽ” ra khi vị giám đốc này kể cho tôi nghe về loài chó này. Sau đó nhiều ngày, tôi bắt đầu huấn luyện cặp chó này và tôi thấy loài chó này rất thông minh so với các loài chó khác.

Đến năm 1995, lại có một Việt Kiều gửi cho tôi nuôi một con chó Phú Quốc và nói rằng đó là món quà bà được tặng từ một người bạn ngoài đảo Phú Quốc và tôi lại càng hiếu kỳ hơn về loài chó đặc biệt thông minh này mà muốn nghiên cứu sâu về nó. Sau đó, tôi quyết định khăn gói ra đảo Phú Quốc để tìm hiểu về loài chó này. Mỗi năm tôi lại sắp xếp ra đảo Phú Quốc, ăn ở ngoài đó một tháng để nghiên cứu về chó Phú Quốc” – anh Bình chia sẻ.

“Ra đảo Phú Quốc lần đầu tiên, không quen biết ai cả, tôi muốn tìm chó Phú Quốc rất khó, phải hỏi những người chạy xe ôm ở bên đường thì ai cũng cười tôi mà nói rằng: “Ở đây là đảo Phú Quốc nên chó nào cũng là chó Phú Quốc cả!”.

Sau đó, tôi mới miêu tả đặc điểm của giống chó có xoáy lưng chạy dài thì ai cũng ồ lên vì loài chó đó người dân ngoài đảo Phú Quốc gọi là chó “xoáy lưng” và chỉ tôi vào các lồng chó đang chuẩn bị đem đi giết thịt. Cảm giác đó khiến tôi rất buồn” – anh Bình nhớ lại.

Anh Phạm Diễm Bình bên chú chó Phú Quốc mà anh ưng ý nhất.
Anh Phạm Diễm Bình bên chú chó Phú Quốc mà anh ưng ý nhất.

Loài chó săn cự phách

Để nghiên cứu loài chó Phú Quốc, anh Bình được cánh xe ôm chỉ đường, tìm những người đi săn già nhất đảo vì họ có những bầy chó Phú Quốc chuyên đi săn cùng chủ. Khi biết anh Bình tới để tìm hiểu về loài chó này thì cả gia đình họ đều quây quần trong nhà, vẻ mặt vui mừng hớn hở kể cho anh Bình nghe về lịch sử của loài chó này.

Theo đó, chó Phú Quốc ngoài đảo là loài chó làm bạn với con người và là trợ thủ đắc lực trong việc đi săn. Khi trong làng có đám, người dân sẽ đặt họ bắt một con heo 50 ký hay một con nai 30 ký thì người thợ săn và đàn chó của mình bắt đầu vào cuộc.

Sáng sớm lúc khoảng 4h, khi gia chủ thức dậy nấu cơm để chuẩn bị khăn gói cho người đi săn vào rừng săn thú thì đám chó cũng cảm nhận được “cuộc đi săn” và bắt đầu nhốn nháo ở ngoài sân. Những người đi săn, ngoài mang theo đồ nghề, còn mang theo dụng cụ làm vườn như thường ngày và cùng bầy chó đi về phía cửa rừng.

Những người đi săn có kinh nghiệm kể rằng, không phải cứ lên rừng là có thú ngay, họ vẫn đi làm rẫy bình thường còn bầy chó “xoáy lưng” thì bắt đầu đánh hơi, tìm kiếm để lùa bắt, vây thú.

“Trong một bầy chó có 5-7 con như vậy, mỗi con chó có một nhiệm vụ riêng. Trong đó có con chó cắn, con xé, con lôi và con theo. Con cắn là con chuyên sủa để gây động và gây rối khiến con thú khi nghe tiếng chó sủa thì hoảng sợ và bỏ chạy; con xé là con làm nhiệm vụ chính tấn công con mồi khi đã dồn được con mồi vào đường cùng; con lôi là con sẽ ra đòn triệt hạ cuối cùng để kết liễu con mồi và cuối cùng là con theo có nhiệm vụ đánh hơi dấu vết khi con mồi bỏ chạy, có 2 loại con theo là loại đánh hơi thấp để đánh hơi những con nhỏ và con đánh hơi cao để đánh hơi những con thú lớn hơn như con hươu, con nai” – anh Bình phân tích.

Do đó, khi phát hiện một con thú hoang, đàn chó bắt đầu sủa đuổi tập trung khiến con mồi hoảng loạn bỏ chạy, nhưng người chủ vẫn vô tư làm việc bình thường vì với kinh nghiệm đi săn của mình, họ vẫn biết được con thú chạy theo hướng nào và biết được đó là con thú gì căn cứ theo nhịp sủa của đàn chó. Đến khi con mồi bỏ chạy mỏi mệt thì người chủ lúc đó mới liệu thế để tấn công con mồi.

Theo anh Bình, mặc dù là nghề đã gắn bó hàng chục năm, nhưng khi nhà nước có lệnh cấm thì người dân ngoài đảo Phú Quốc đều bỏ nghề không đi săn thú nữa. Từ đó, loài chó Phú Quốc không còn những chuyến đi săn thú rừng cùng chủ nữa, nhưng bản năng săn mồi vẫn còn rất mạnh.

Theo anh Bình, loài chó Phú Quốc còn có khả năng bắt chim, bắt cá rất nhạy. Khi gặp chim đậu trên cây, con chó Phú Quốc sẽ biết lựa thế nằm phục, rồi bất ngờ vồ mạnh khiến con chim va vào cây rơi xuống đất; còn để bắt cá, khi phát hiện một con cá nằm gần bờ, con chó Phú Quốc sẽ chạy vòng quay dưới nước khiến con cá không có đường chạy thoát và nhảy lên bờ.

Bảo tồn và nâng tầm chó Phú Quốc

Vì quá mê khả năng thông minh của chó Phú Quốc, đến giữa năm 2004, anh Bình quyết tâm đưa chó Phú Quốc về đất liền để thuần dưỡng. Tuy nhiên, đó là quá trình không dễ dàng.

Anh Bình kể rằng: Muốn có được chó thì phải đến nhà họ chơi để lấy tình thân vì họ rất hiếu khách, chỉ đến một lần cũng là bạn. Nhưng muốn có chó Phú Quốc thì phải trao đổi hàng hóa, có thể là hộp sữa, hộp bánh… những thứ ở ngoài đảo không đó, chứ nếu mà hỏi mua chó thì sẽ làm chủ nhà mất lòng. “Chỉ những con chó cắn người thì họ mới bán cho những người thu mua chó để giết thịt” – anh Bình nói.

Sau đó, việc trao đổi hàng hóa không hiệu quả do số lượng ít và không có nhiều thời gian, anh Bình bắt mối với những người làm xe ôm quê gốc ở Phú Quốc dễ thân thiết với người dân, để họ chào giá bán chó với mức giá “khủng”. Khi đó ngoài đảo giá trị của một con chó “xoáy lông” chỉ khoảng 100-200 ngàn đồng/con, nhưng anh Bình cho chào giá trung bình là 800 ngàn đồng/con; những con đẹp có thể lên tới 1,5 triệu đồng/con thì dễ dàng mua được chó ưng ý.

“Lúc đó mỗi đợt tôi nhận được khoảng 20 con chó xoáy lông gửi từ Phú Quốc về, cứ ỷ y là có kinh nghiệm, nhưng không ngờ khi đem về đến đất liền thì chết rất nhiều. Đợt đó, tôi nhận tổng cộng 200 con chó Phú Quốc đưa về đất liền nhưng chỉ vực lại được 5 con, với lại không sinh sản được do tiêm thuốc quá nhiều.

Mãi về sau, đến năm 2005, tôi quay trở lại đảo Phú Quốc để tìm hiểu nguyên nhân thì mới biết rằng người dân ở đây không bao giờ xổ lãi hay tiêm phòng cho chó mèo cả nên tôi dặn các mối xe ôm, nếu thấy đàn chó nào đẹp thì đem thuốc tới để xổ lãi và chích ngừa cho nó trước. Sau đó, khi được tuổi sẽ mang vào đất liền. Từ đó, tôi mới thuần dưỡng thành công loài chó Phú Quốc ngay tại đất liền như bây giờ”, anh Bình kể.

Và đến nay, khi đã có hơn 20 năm tuổi nghề, thì anh Phạm Diễm Bình mới tạm hài lòng với công sức của mình khi đã có thể bảo tồn và nâng tầm giá trị của loài chó Phú Quốc Việt Nam trở thành thú cưng và đã nhận được những đơn đặt hàng từ nước ngoài để cung cấp cho nhu cầu và thị hiếu nuôi vật cưng của giới trẻ nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới...

Tuy nhiên, anh Bình vẫn còn nhiều trăn trở với loài chó “xoáy lưng”, anh kể: “Hàng năm tôi vẫn quay lại đảo để lựa những con chó đực tốt để nhân giống, nhưng giờ ra đảo rất buồn, tìm được một con chó thuần cũng rất khó do đã bị lai tạo nhiều. Mọi người vẫn gọi nó là “quốc khuyển” hay “vương khuyển” nhưng thương hiệu chó Phú Quốc “vẫn mạnh ai nấy làm” chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, tôi cũng đang "tự bơi", tự đi đăng ký thương hiệu chó Phú Quốc nhưng mấy năm nay vẫn chưa được chứng nhận.

Tôi mong mỏi chó Phú Quốc của tôi đăng ký thương hiệu thành công lắm. Vì tôi thấy chó Phú Quốc không phải là loại chó tầm thường, nhưng lại chưa được nhìn nhận đúng mức. Khi tôi nghiên cứu chó Phú Quốc ngoài đảo, tôi thấy nhiều lò giết mổ chó, thu mua với giá chỉ 100-200 ngàn đồng/con.

Trong khi đó, ở trong đất liền, lại có người bỏ ra vài cây vàng để mua một con chó ngoại về để cung phụng. Tôi khẳng định chó Việt mình cũng quý như chó ngoại vậy, nên tôi mơ ước rằng người Việt mình đừng giết thịt loài chó Phú Quốc nữa mà hãy bảo tồn nó để cả quốc tế biết tới loài chó Việt thông minh này".

Chó Phú Quốc là loài chó riêng của đảo Phú Quốc - Việt Nam, là một trong ba dòng chó có lông xoáy trên lưng của toàn thế giới. Dòng chó này được phân biệt với các loại chó khác là các xoáy lông ở trên sống lưng. Chó Phú Quốc cũng đã có tên trong bách khoa từ điển nổi tiếng của Pháp. Tuy nhiên, nguồn gốc của chó Phú Quốc hiện nay chưa có tài liệu nào chứng minh hay xác định một cách chính danh. Còn theo dân gian truyền khẩu thì chó lông xoáy của Việt Nam đầu tiên được tìm thấy ở đảo Phú Quốc. Loài chó này cũng được cho rằng có tổ tiên là một giống chó lông xoáy của Pháp, khi lạc trên hoang đảo Phú Quốc. Sau đó, qua quá trình lai giống tự nhiên đã sinh sôi nảy nở ở vùng đất này. Chó Phú Quốc thuần chủng có vòng xoáy trên lưng với bốn màu: Đen, trắng, vàng và vện (những vệt vằn với các sắc đậm nhạt như cọp vằn).

Minh Châu
TIN LIÊN QUAN

Chó Phú Quốc - từ Đảo đến Đồn

LỤC TÙNG |

Tinh khôn, trung thành hơn hẳn rất nhiều giống chó khác, chó Phú Quốc là người bạn thân thiết của người dân Đảo Ngọc và các chiến sĩ biên phòng.

Khám phá chó Phú Quốc

LÂM ĐIỀN |

Dù còn tồn tại nhiều giả thuyết về nguồn gốc, nhưng nhiều người dân và nhà khoa học dễ chấp nhận nhất là thuyết chó Phú Quốc sống hoang dã trên rừng của đảo Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Chó săn Phú Quốc: Đi tìm một huyền thoại

LỤC TÙNG |

“Với chó Phú Quốc, đi săn không chỉ đơn giản là đớp lấy con mồi, mà là cả một nghệ thuật. Không chỉ ngầm phân công nhau từng vị trí công việc cụ thể để lùa con mồi to hơn mình nhiều lần vào “bước đường cùng”, chúng còn dùng miệng cắn cây cỏ, tứ chi dọn dẹp xung quanh khu vực con mồi để khi chủ tới dễ bề ra tay” - ông Nguyễn Xuân Bính - thợ săn chó Phú Quốc “vang bóng một thời” - như đưa tôi vào thế giới của chó săn Phú Quốc với những pha mạo hiểm đến nghẹt thở và những điều rất khác với trước nay vẫn lưu truyền về cách tuyển lựa chó săn Phú Quốc.

Bên trong phòng ICU, bác sĩ thở phào nhẹ nhõm vì có máu

PHONG LINH - MỸ LY |

Không còn cảnh mòn mỏi chờ máu, đó là niềm vui của y bác sĩ, người nhà bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU), Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ sau một thời gian dài thiếu máu điều trị, cấp cứu.

"Thánh ăn" Mỹ bỏ cuộc trước thử thách bún sứa khổng lồ ở TPHCM

Quang Thiện |

Raina Huang, một YouTuber chuyên thi ăn nhanh, phải “chào thua” thử thách ăn hai tô bún sứa khổng lồ nặng 4,4kg tại một quán ăn ở TPHCM.

Công viên ven sông lớn nhất TPHCM chuẩn bị mở cửa đón khách, nhiều hoạt động đặc sắc

MINH QUÂN |

TPHCM - Công viên bờ sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) rộng gần 20 ha sẽ khánh thành giai đoạn một ngày 23.12 tới, hứa hẹn là điểm vui chơi, giải trí thu hút người dân và du khách.

Quảng Ninh lỡ hẹn hầu hết những sản phẩm du lịch chủ lực

Nguyễn Hùng |

Trong số 38 sản phẩm mà các đơn vị, địa phương của Quảng Ninh đăng ký đưa vào phục vụ du khách năm 2023 thì hầu hết các sản phẩm được du khách, các công công ty du lịch chờ đợi nhất đã không thể ra mắt. Nhiều vấn đề được đặt ra từ việc lỡ hẹn những sản phẩm du lịch chủ lực này.

Thông tin sai lệch bủa vây sau khi Châu Hải My qua đời

Thùy Trang |

Châu Hải My là mỹ nhân đẹp nức tiếng của màn ảnh Hong Kong (Trung Quốc). Cô qua đời ở tuổi 57 vì bạo bệnh.

Chó Phú Quốc - từ Đảo đến Đồn

LỤC TÙNG |

Tinh khôn, trung thành hơn hẳn rất nhiều giống chó khác, chó Phú Quốc là người bạn thân thiết của người dân Đảo Ngọc và các chiến sĩ biên phòng.

Khám phá chó Phú Quốc

LÂM ĐIỀN |

Dù còn tồn tại nhiều giả thuyết về nguồn gốc, nhưng nhiều người dân và nhà khoa học dễ chấp nhận nhất là thuyết chó Phú Quốc sống hoang dã trên rừng của đảo Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Chó săn Phú Quốc: Đi tìm một huyền thoại

LỤC TÙNG |

“Với chó Phú Quốc, đi săn không chỉ đơn giản là đớp lấy con mồi, mà là cả một nghệ thuật. Không chỉ ngầm phân công nhau từng vị trí công việc cụ thể để lùa con mồi to hơn mình nhiều lần vào “bước đường cùng”, chúng còn dùng miệng cắn cây cỏ, tứ chi dọn dẹp xung quanh khu vực con mồi để khi chủ tới dễ bề ra tay” - ông Nguyễn Xuân Bính - thợ săn chó Phú Quốc “vang bóng một thời” - như đưa tôi vào thế giới của chó săn Phú Quốc với những pha mạo hiểm đến nghẹt thở và những điều rất khác với trước nay vẫn lưu truyền về cách tuyển lựa chó săn Phú Quốc.