Cụ bà 87 tuổi, may chăn ấm tặng người nghèo

Phố Nhơn |

Từng trải qua những năm tháng khốn khó của cuộc sống, cụ bà Võ Thị Vân Khanh (87 tuổi, ở tổ 8, khu vực 4, phường Lý Thường Kiệt, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) hiểu rõ nỗi cơ cực của người nghèo. Nhiều năm qua, cụ Khanh âm thầm đi xin vải rẻo ở các tiệm may và tự tay mình may rất nhiều chăn, áo gối, quần đùi gửi tặng cho người nghèo ở địa phương và huyện miền núi khó khăn của tỉnh Bình Định.

Biến vải vụn thành chăn ấm tặng người nghèo

Căn phòng chật chội, mọi thứ được tối giản và sắp xếp gọn gàng. Giữa phòng có chiếc vách gỗ nhỏ, ngăn giường ngủ với cái máy may và những bao vải vụn đủ màu sắc được cụ Khanh xếp khá ngay ngắn dưới chân giường. Cụ đang gò người may vá, chốc chốc lại ho sù sụ.

Đôi mắt cụ Khanh sáng lên khi chỉ về những chiếc chăn hoa đủ màu sắc được ghép lại từ những mảnh vải vụn mà cụ xin của những tiệm vải, nhà may ở TP.Quy Nhơn. “Tôi vốn là một thợ may, con gái tôi cũng là thợ may. Mỗi lần thấy con gái bỏ đi những miếng vải rẻo, tôi thấy tiếc nên nghĩ mình còn sức thì gom lại may cái gì đó. Rồi nghĩ đến những người nghèo, những đứa trẻ mồ côi nên tôi nghĩ đến việc may chăn, giúp đỡ họ trong khả năng của mình”, cụ Khanh lý giải về việc làm của mình.

Nghĩ vậy nên cụ Khanh xin vải rẻo về chọn lựa, cắt thành miếng vuông cùng kích cỡ và tự tay may thành những chiếc áo gối, cái quần đùi, cái chăn xinh xắn. Để có được nhiều chiếc chăn cho người nghèo (chiều ngang từ 1 - 1,2 m, dài 1,9 - 2m), cụ cắt những tấm vải thành hình vuông, chữ nhật theo kích thước đều nhau và ráp chúng lại bằng máy may là ra thành phẩm. Sau đó, cụ may đường viền cẩn thận để chiếc chăn chắc, bền hơn.

Cụ Khanh kể: “Năm 2012, tôi bắt đầu may chăn, áo gối từ vải vụn. Lúc đầu, tôi may cho mấy người nghèo ở địa phương sinh sống. Khoảng một năm trở lại đây, tôi tận dụng vải rẻo may thêm quần đùi cho trẻ em. Rồi cùng với chăn, áo gối, tôi nhờ các con chuyển lên cho bà con nghèo ở huyện miền núi Vân Canh. Tôi từng sống ở đó nên biết người đồng bào còn nghèo lắm. Mấy năm trước, mỗi năm tôi may được 40 cái chăn, nay sức khỏe yếu nên chỉ được từ 20 - 25 cái thôi”.

Cụ Khanh bảo, một cái chăn giá có mấy chục ngàn đồng, đối với nhiều người chỉ bằng bữa ăn, nhưng với những người nghèo thì có khi vài ngày công dành dụm cũng chưa mua được. Từng trải qua những tháng năm khốn khó nên cụ biết người nghèo họ vất vả trăm bề, từ miếng ăn đến giấc ngủ cũng thấy họ khổ. Vậy nên giúp được gì cho họ thì cụ giúp. Với cụ, cho đi cũng chính là nhận lại.

“Mình không có điều kiện để giúp đỡ nhiều về tiền bạc cho người nghèo nên giúp bằng việc may và tặng chăn, một công việc tương đối phù hợp sức mình. Hơn nữa, tận dụng phế phẩm là hàng vạn mảnh vải dư thừa và biến chúng thành vật hữu ích cũng là góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, là việc nên làm”, cụ Khanh tâm sự.

Nói rồi, cụ Khanh bảo, mới được biết Quy Nhơn có Làng trẻ em SOS, cụ mong sao năm nay sức khỏe ổn định để may chăn, áo gối, quần đùi tặng cho các em nhỏ sống ở đây. “Nhiều lần thấy tôi ho, đứng lên ngồi xuống đi lại khó khăn vì vẹo cột sống nhưng vẫn mải mê với đống vải vụn, con cái xót lòng muốn ngăn không cho tôi làm nữa. Tụi nó nói mãi nên tôi hứa với tụi nó là làm trong khả năng của mình, lúc nào mệt thì nghỉ, vẫn giữ gìn sức khỏe. Tôi còn nhiều dự định lắm, may cho người nghèo rồi các em nhỏ ở làng trẻ SOS nữa, sợ chết đi lại bỏ lỡ dở”, cụ Khanh bộc bạch.

Cụ Khanh xếp những chiếc chăn do mình may từ vải vụn. Ảnh: P.N

 

Cuộc đời nhiều khốn khó

Ngồi trò chuyện, cụ Khanh kể, cuộc sống của cụ có nhiều thăng trầm. Cụ sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Thời ấy, bà cũng được cha mẹ cho đi học như bao bạn bè, nhưng cái đói cái nghèo đeo bám nên năm 12 tuổi phải nghỉ học rồi đi làm cách mạng. “Hồi ấy, biết tôi có ý chí cách mạng nên các chú cán bộ cho tôi làm giao liên, đưa thư phục vụ cách mạng. Toàn bộ thư từ đều viết trên lá chuối, cứ trưa là tôi giả vờ cầm tàu chuối đi chơi, rồi băng qua đồn địch, tiếp cận với bộ đội ta, chiều lại nhong nhong ra về nên địch không nghĩ gì hết”, cụ Khanh chia sẻ.

Cũng trong thời gian này, cô giao liên Khanh được gia đình cho đi học may. Bà Bảo: “Đi học may cũng là cái cớ để qua mặt kẻ thù. Mấy chú cán bộ bảo tôi phải đi học, nếu lỡ may bị bọn chúng bắt thì còn có lý do mà nói. Ý là nói tôi nhỏ tuổi, đang theo học may chứ chẳng biết gì đến cách mạng. Cũng từ đó tôi bắt đầu làm quen với đường kim mũi chỉ”.

Năm 19 tuổi, cụ Khanh lập gia đình, rồi có chút vốn liếng về may, cụ mở tiệm may ngay tại quê nhà. Thời gian sau đó, vợ chồng cụ cùng 6 người con vào TP.Quy Nhơn sinh sống. “Hồi mới vào đây, hai vợ chồng tôi làm đủ thứ nghề nhưng vì con đông nên miếng ăn chẳng thấm thía vào đâu. Rồi chồng tôi đau bệnh liên miên, tôi vừa lo cho chồng vừa chạy vạy mưu sinh cho cả nhà. Nhưng có lẽ vì cái nghề may có duyên với mình nên cuối cùng tôi cũng quay lại nghề may, thêu để nuôi các con ăn học”, cụ Khanh cho biết.

Sau năm 1975, cụ Khanh tham gia xây dựng kinh tế mới tại xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) đó là những năm tháng cơ cực khốn khó trong cuộc đời. Phận nữ nhi nhưng cũng lại là trụ cột gia đình khi chồng mất sớm, cụ chẳng quản từ việc giữa đêm đi đuổi heo rừng đến trèo cây hái mít bán. “Nhớ hồi mới lên Canh Hiển, những đêm mưa, cái bạt che tạm cứ dột, cả đêm ngồi co ro, lạnh lẽo không sao chợp mắt được. Bao nhiêu công sức, tiền của, tôi dồn hết cho những khu vườn cây trái ở vùng miền núi này. Khi đến mùa thu hoạch thì heo rừng phá nên thất lên thất xuống, vất vả lắm”, cụ Khanh nhớ lại.

Năm 1991, sức khỏe suy giảm, cụ Khanh bị bệnh dạ dày, khớp và cột sống nên được các con đưa về Quy Nhơn sống cho đến nay. Cụ Khanh tâm sự: “Về sống ở đây, các con cho tiền, tôi cứ bỏ heo đất dành dụm, khi đập heo thì nhờ Hội Người cao tuổi phường đến nhận rồi chia cho người nghèo. Đặc biệt, hằng năm, tôi đều dành chăn, tiền tặng cho các hộ nghèo ở xã Canh Hiển”.

Sau lời chào tiễn chúng tôi ra về, cụ Khanh với đôi tay chai sần vẫn thuần thục đưa mũi kim lên xuống một cách đều đặn và chính xác. Cứ nghĩ đến những tấm chăn nhiều màu sắc của cụ phủ lên mình, xua tan cái lạnh giá cho những phận nghèo, chúng tôi chợt nghĩ đến hình ảnh ánh mắt cụ lại long lanh hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Tú Sương - Chủ tịch Hội LHPN phường Lý Thường Kiệt, cho biết: “Khi cụ Khanh cầm tận tay những tấm chăn để tặng cho trẻ em, phụ nữ nghèo, tôi thấy rất trân trọng và cảm ơn cụ. Cụ dù tuổi cao nhưng đã làm việc rất ý nghĩa. Hy vọng rằng tấm gương của cụ sẽ được nhân rộng trong phụ nữ và nhân dân”.

Phố Nhơn
TIN LIÊN QUAN

Góp thêm đôi điều về làm từ thiện

LÊ XUÂN CHIẾN |

Cho đi tức là nhận lại. Làm từ thiện giúp người nhưng đồng thời giúp mình trở nên hoàn thiện hơn, vị tha nhân ái hơn, nghĩa là “người” hơn. Đi làm từ thiện rất vất vả và đôi khi bị hiểu nhầm bởi những cái nhìn ích kỷ, hẹp hòi, đố kỵ. Thế nhưng người làm từ thiện rất vui khi họ mở lòng mình, giúp ích được cho cộng đồng. Khi đó lòng họ thật thanh thản, tâm an, miệng mỉm cười.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Góp thêm đôi điều về làm từ thiện

LÊ XUÂN CHIẾN |

Cho đi tức là nhận lại. Làm từ thiện giúp người nhưng đồng thời giúp mình trở nên hoàn thiện hơn, vị tha nhân ái hơn, nghĩa là “người” hơn. Đi làm từ thiện rất vất vả và đôi khi bị hiểu nhầm bởi những cái nhìn ích kỷ, hẹp hòi, đố kỵ. Thế nhưng người làm từ thiện rất vui khi họ mở lòng mình, giúp ích được cho cộng đồng. Khi đó lòng họ thật thanh thản, tâm an, miệng mỉm cười.