Tổng Giám đốc Roscosmos Yury Borisov cho biết, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM Sarmat - một trong những vũ khí hạt nhân mạnh nhất của Nga - đã đi vào hoạt động.
RT đưa tin, ông Borisov tiết lộ thông tin này hôm 31.8 trong một sự kiện của Roscosmos.
ICBM Sarmat được cho là có tầm bắn xa nhất và nặng nhất trong kho vũ khí hạt nhân của Nga. Giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của Sarmat đã diễn ra vào năm ngoái.
Tên lửa nhiên liệu lỏng liên lục địa hạng siêu nặng của Nga dự kiến sẽ thay thế tên lửa R-36M2 Voevoda đã lỗi thời. Tầm bắn của Sarmat ước tính ít nhất là 11.000 km, có khả năng mang theo đầu đạn khoảng 10 tấn.
Hồi tháng 6 năm nay, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Sarmat - có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân trở lên - sẽ sớm được triển khai trong chiến đấu.
Sarmat cũng có thể mang một số lượng chưa xác định các thiết bị bay siêu vượt âm dạng tàu lượn Avangard hoặc hỗn hợp đầu đạn cùng nhiều mồi nhử chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, tên lửa Sarmat là sự đáp trả với hệ thống vũ khí tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ.
Sarmat có khả năng bay lên với gia tốc rất lớn, giúp rút ngắn khoảng thời gian nó có thể bị theo dõi bởi các vệ tinh có cảm biến hồng ngoại, chẳng hạn như hệ thống dò tìm tín hiệu hồng ngoại từ trên quỹ đạo của Mỹ, khiến việc đánh chặn nó trở nên khó khăn hơn.
Sarmat được cho là có thể bay theo quỹ đạo qua Nam Cực, hoàn toàn miễn nhiễm với bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại nào.
Theo nhiều nguồn tin khác nhau, địa điểm phóng của Sarmat sẽ được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động "Mozyr", được thiết kế để loại bỏ lợi thế tấn công phủ đầu của kẻ thù tiềm tàng bằng cách phá hủy bằng động học các loại bom, tên lửa hành trình và đầu đạn ICBM ở độ cao tới 6 km.