CUỘC THI BÚT KÝ, PHÓNG SỰ VỀ CÔNG NHÂN, CÔNG ĐOÀN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG HÀ TĨNH

Sắc áo Công đoàn ở Hương Liên

Linh Anh |

Lần đầu gặp Mơ, tôi hơi ngạc nhiên bởi thấy cô diện bộ đồng phục màu xanh lam của tổ chức Công đoàn. Như đoán được thái độ của tôi, Mơ nói: “Có hai trang phục mà các cô giáo ở đây lựa chọn để mặc trong những dịp đặc biệt: Áo dài và áo Công đoàn. Nhất là những dịp đi ủng hộ, giúp đỡ bà con, chúng em thường chọn áo Công đoàn. Anh thấy cũng đẹp đấy chứ”.

Đậm tình với Hương Liên

Mơ, sinh năm 1994, là một trong những giáo viên trẻ của Trường Mầm non Hương Liên. Lúc đầu tôi cũng nghĩ, Mơ “chính gốc” ở xã miền núi phía Tây Nam huyện Hương Khê này. Hóa ra không phải. Mơ là người xã Hương Long, cách Hương Liên khoảng 30km. Ấy thế mà mỗi ngày, đều đặn, Mơ cùng một cô giáo nữa cũng ở Hương Long, sáng đi, chiều về. Nói là 30km nhưng đèo dốc, quanh co, vào mùa mưa thường xuyên sạt lở.

Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh - ông Phan Mạnh Hùng nói với tôi rằng: “Mình là đàn ông mà còn phải nể các cô giáo, đi đường bằng chừng ấy cây số đã mệt rồi, đằng này ngày nào cũng phải “đánh võng” trên những đoạn dốc cao, cua tay áo đi về như thế”.

Chuyện cán bộ, giáo viên ở Hương Liên vất vả đi lại thì ở Hương Khê ai cũng rõ. Thế rồi vào giữa năm 2022, Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng Vàng đã tài trợ 2,2 tỉ đồng cùng vốn đối ứng của LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh hơn 500 triệu đồng, xây dựng công trình nhà công vụ cho giáo viên, đoàn viên công đoàn xã Hương Liên với tống vốn đầu tư gần 2,8 tỉ đồng. Công trình gồm có 10 phòng ở nội trú, khu nhà bếp, khu nhà tắm, nhà vệ sinh.

Tại sao lại là ở Hương Liên mà không phải ở nơi khác? Bởi Hương Liên là một “xã đặc biệt” của Hương Khê, nói như Phó Chủ tịch huyện Hương Khê Trần Quốc Bảo. Ông Bảo giải thích ngắn gọn: Hương Liên có vị trí cách biệt với các địa phương khác, địa hình phức tạp bao quanh bởi rừng núi, khó khăn trong giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, đây là nơi duy nhất ở Hà Tĩnh có đồng bào người Chứt sinh sống, tập trung ở bản Rào Tre.

Cũng cần nói thêm về người Chứt ở đây. Vào những năm 1960, trong lần đi tuần tra đường biên, cột mốc quốc gia, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện nhóm người lạ sinh sống trong các hang đá vùng núi giáp biên. Sau thời gian tìm hiểu tập quán, cách sinh hoạt…, bộ đội mới biết đây là nhóm người Chứt di cư từ Quảng Bình ra. Lúc này chỉ có 18 người, sống như thời nguyên thủy, săn bắt, hái lượm, không biết chăn nuôi, làm nông nghiệp. Sau này, để tránh nguy cơ tuyệt chủng, những người Chứt lang thang trong rừng được định cư ở Rào Tre, một thung lũng dưới chân núi Ka Đay xã Hương Liên, Hương Khê.

Việc đầu tư cho Hương Liên đối với chính quyền địa phương cũng chính là làm thay đổi cuộc đời của những người dân ở đây, trong đó có người Chứt. Đầu tư không chỉ có vật chất mà còn cả về con người. Đó là việc luân chuyển các giáo viên từ xuôi lên thì việc xây nhà lưu trú công vụ là rất cần thiết.

Hôm khánh thành nhà công vụ, có sự hiện diện của Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng; Tổng Biên tập Báo Lao Động, Giám đốc Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng Nguyễn Ngọc Hiển cùng lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo huyện Hương Khê, LĐLĐ huyện Hương Khê và đông đảo cán bộ, công nhân viên chức, người lao động xã Hương Liên.

Rồi đến tháng 11.2023, một công trình khác do Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng tài trợ cũng đã tiếp tục được khởi công ở Hương Liên. Đó là công trình lớp học có quy mô 2 tầng, 4 phòng với tổng kinh phí hơn 4 tỉ đồng; trong đó, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng tài trợ 2,8 tỉ đồng, còn lại là đối ứng 30% của chủ đầu tư UBND huyện Hương Khê.

Tôi hỏi Mơ: “Sao cô giáo không ở nhà công vụ mà cứ phải đi - về vất vả thế?”. Mơ nói: “Nhà công vụ sạch đẹp, mới đây, bếp ăn của nhà công vụ còn có thêm chức năng nấu ăn trưa cho một số em đồng bào Chứt. Nhưng ở Hương Liên vẫn còn những thầy cô ở nhà xa hơn, có người còn cách trường 50-60km nên để các anh chị ấy ở lại. Hơn nữa, em còn hai cháu ở nhà dưới Hương Long, vẫn phải chạy đi chạy về”.

Thắm lửa ước mơ từ màu áo công đoàn

Mơ cũng nói, việc Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng cùng lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh và LĐLĐ Hương Khê quan tâm xây dựng các công trình giáo dục ở Hương Liên khiến bà con rất vui mừng và cùng chính quyền quyết tâm đưa Hương Liên hoàn thành các mục tiêu nông thôn mới.

“Hương Liên đang đổi thay, không còn là xã 3K: kém, khó, khổ nữa anh nhé. Cũng một phần nhờ nỗ lực của tổ chức Công đoàn. Vì thế với người dân và cả các thầy cô chúng em, được mặc lên người màu áo xanh công đoàn là vinh dự lắm”- Mơ nói.

Các cô giáo quyên góp cho những hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: L.A
Các cô giáo quyên góp cho những hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: L.A

Mừng thì mừng vậy nhưng Mơ và các cô giáo ở đây đều hiểu rằng, còn rất nhiều khó khăn đối với các em học sinh ở Hương Liên.

Tôi còn nhớ một bức email Mơ gửi, kể về một trường hợp gia đình khó khăn, học sinh có nguy cơ phải nghỉ học. Tên em là Hải Đăng. Mơ viết: “Một hôm, em chờ mãi vẫn không thấy con đến lớp. Anh Hào, bố của Đăng không có công việc ổn định, chị Hoa, mẹ của Đăng thì bị tàn tật, chân đi không vững, gia đình hoàn cảnh khó khăn, mẹ phải gồng gánh nuôi 3 đứa con còn nhỏ, tuổi ăn tuổi học. Qua những lần trò chuyện cùng mẹ Hải Đăng, tôi nhận thấy ở chị một bản lĩnh, yêu gia đình, thương con, vượt lên trên số phận; khó khăn không làm mẹ gục ngã, cố gắng nuôi con gà, con vịt, trồng rau, trồng bưởi, làm thuê, làm đủ việc để cho con một cuộc sống ấm no, bằng bạn bằng bè, được học hành đầy đủ. Cuộc sống gia đình Hải Đăng trông chờ vào tiền công mỗi ngày bố đi làm keo thuê, nhưng vào mùa mưa kéo dài chẳng có ai thuê nữa, sức khỏe mẹ thì yếu dần. Em có đến nhà hỏi: “Đăng ơi! Con có muốn đi học không? Con trả lời, cô ơi. Con sèm (thèm) đi học lắm, nhưng nhà không có tiền, hết gạo ăn luôn rồi cô ạ, con ở nhà để anh Hai đi học...

4 tuổi, con đã rất hiểu chuyện, ở độ tuổi của con, các bạn sèm chơi, sèm mua quần áo đẹp, sèm ăn ngon. Nhưng con “sèm đi học”. Em chứng kiến nước mắt mẹ Hải Đăng rơi, chị tâm sự với em, cô ơi, xin lỗi vì các cháu không tới lớp, nhà hết cách rồi cô ạ. Ba tháng rồi, không ai thuê mướn làm gì cả, bố, mẹ đi rừng kiếm măng, kiếm củi về bán mua gạo thôi. Hai anh lớn đi học, mẹ cũng chưa có tiền để đóng nộp, mẹ biết các cô thương các cháu, giúp đỡ các cháu nhiều, nhưng học phí của các cháu mẹ không có để đóng nữa rồi cô ạ. Có lẽ mẹ xin cho Hải Đăng nghỉ đã…”.

Các cô tìm cách giúp Đăng, nhưng cũng chỉ được một phần. “Trường hợp của Đăng ít dần, nhưng cũng cần hỗ trợ nhiều” - Mơ viết trong thư.

Đến gần Tết Giáp Thìn 2024, Mơ lại nhắn tin: “Thông qua tổ chức Công đoàn, một nhà tài trợ hảo tâm, là một doanh nghiệp sữa có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh đã tặng các em nhỏ trường Hương Liên 121kg sữa bột. Họ không đòi hỏi gì cả, đánh ôtô tải mang tận sữa đến trường. Các con, các cô mừng lắm, tổ chức trao quà, cho các em uống sữa. Hôm đó trường như ngày hội, các cô ở đây nói với nhau: “Ấm lòng cùng ly sữa nóng công đoàn” anh ạ”.

sa
Công đoàn Trường Mầm non Hương Liên đến tận nhà thăm hỏi, chia sẻ, động viên tinh thần đối với các thương binh, bệnh binh là cha mẹ của các đoàn viên trong nhà trường. Ảnh: L.A

Tôi dần hiểu vì sao Mơ và các thầy cô giáo ở Hương Liên yêu quý màu áo xanh công đoàn đến vậy. Từ những công trình tài trợ hàng tỉ đồng đến những ly sữa nóng cho các con đã góp phần thay đổi cuộc sống ở đây.

Phan Thị Hoài Mơ – cô giáo trẻ ấy, chỉ là đại diện cho hàng trăm thầy cô ở xã biên giới vùng sâu, vùng xa của Hương Khê cùng tâm huyết: Thắp lửa cho những giấc mơ trẻ em ở Hương Liên, từ màu xanh sắc áo công đoàn…

Linh Anh
TIN LIÊN QUAN

Những con đường hạnh phúc ở Hương Liên

Linh Anh |

“Hương Liên là một trong những xã khó khăn của huyện, trong đó có đặc điểm là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Chứt. Bởi thế, chúng tôi xác định, để Hương Liên phát triển thì phải đi trên hai con đường: Con đường giáo dục và con đường sinh kế. Đó là những con đường hạnh phúc”.

Mong có thêm nhà công vụ cho giáo viên bám bản vùng cao

Khánh Linh |

Theo ông Vàng A Lả - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sơn La, tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, đoàn đại biểu Sơn La mong muốn sẽ có chính sách tổng thể hỗ trợ đầu tư xây dựng thêm nhà công vụ cho giáo viên bám bản, giúp con đường gieo chữ ở vùng cao bớt nhọc nhằn.

Bàn giao nhiều nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn Hà Tĩnh

TRẦN TUẤN |

HÀ TĨNH - Dịp Tháng Công nhân năm 2022, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã tổ chức khánh thành, bàn giao nhiều nhà công vụ giáo viên vùng khó khăn trong niềm vui mừng, phấn khởi của cán bộ, giáo viên, nhất là những giáo viên trực tiếp được thụ hưởng các công trình ý nghĩa đó.

Ngắm nhìn hàng ngàn bông sen bung nở nơi làng quê La Chữ

PHÚC ĐẠT - NGUYỄN LUÂN |

HUẾ - Cứ đến độ tháng 5 tháng 6, những ai khi ghé thăm làng quê La Chữ (phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) sẽ được đắm mình vào khung cảnh yên bình của một vùng quê có những đầm sen đang thi nhau nở rộ.

Cận cảnh dự án Cồn Tân Lập- đất vàng Nha Trang đang bị điều tra

Hữu Long |

Khánh Hòa - Cơ quan công an đang điều tra xác minh, điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thu hồi đất và giao đất để thực hiện dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập tại TP Nha Trang.

Vì sao Trung tâm đăng kiểm ở Hòa Bình đứng trước nguy cơ đóng cửa?

Minh Nguyễn |

Hòa Bình - Những ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm việc Trung tâm đăng kiểm tại thành phố Hòa Bình đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.

Loạt phụ cấp theo chế độ tiền lương mới từ ngày 1.7

Hoàng Lê |

Quy định mới chế độ phụ cấp tiền lương theo phân loại đơn vị hành chính đối với cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh. Thực hiện nhất quán khoán quỹ phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố trên tỉ lệ chi thường xuyên của Uỷ ban nhân dân cấp xã; đồng thời, quy định số lượng tối đa những người hoạt động không chuyên trách theo từng loại hình cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Hà Nội công bố tỉ lệ chọi lớp 10 THPT công lập năm 2024

Vân Trang |

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội vừa công bố số lượng học sinh dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025.

Những con đường hạnh phúc ở Hương Liên

Linh Anh |

“Hương Liên là một trong những xã khó khăn của huyện, trong đó có đặc điểm là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Chứt. Bởi thế, chúng tôi xác định, để Hương Liên phát triển thì phải đi trên hai con đường: Con đường giáo dục và con đường sinh kế. Đó là những con đường hạnh phúc”.

Mong có thêm nhà công vụ cho giáo viên bám bản vùng cao

Khánh Linh |

Theo ông Vàng A Lả - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sơn La, tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, đoàn đại biểu Sơn La mong muốn sẽ có chính sách tổng thể hỗ trợ đầu tư xây dựng thêm nhà công vụ cho giáo viên bám bản, giúp con đường gieo chữ ở vùng cao bớt nhọc nhằn.

Bàn giao nhiều nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn Hà Tĩnh

TRẦN TUẤN |

HÀ TĨNH - Dịp Tháng Công nhân năm 2022, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã tổ chức khánh thành, bàn giao nhiều nhà công vụ giáo viên vùng khó khăn trong niềm vui mừng, phấn khởi của cán bộ, giáo viên, nhất là những giáo viên trực tiếp được thụ hưởng các công trình ý nghĩa đó.