Tăng cường tư vấn dịch vụ pháp lý để hạn chế trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

NHÓM PV |

Tăng cường tư vấn dịch vụ pháp lý cho người lao động; tiếp tục hoàn thiện Luật Việc làm; dùng kinh nghiệm quốc tế để có Luật Việc làm tiên tiến... từ đó hình thành văn hoá tuân thủ, thực hiện pháp luật của người sử dụng lao động trước các biến cố của thị trường lao động... là những giải pháp chuyên gia đưa ra trong chương trình lưu trực tuyến với chủ đề: "Cách nào hạn chế trục lợi bảo hiểm thất nghiệp" (BHTN) do Báo Lao Động tổ chức.

Khách mời tham dự chương trình là bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH); bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

* MC: Thưa bà Nguyễn Thị Lan Hương, việc xác định trách nhiệm của  các cơ quan liên quan trong việc trục lợi BHTN là rất quan trọng nhằm định rõ trách nhiệm, quy được "lỗi" trong quá trình xử lý vi phạm. Xin ông/bà định rõ các cơ quan liên quan đến tình trạng trục lợi BHTN, đơn vị nào chịu trách nhiệm chính và việc xử lý cần "xiết" mạnh hơn ra sao?

- Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Về việc xác định trách nhiệm, theo tôi, từ quy trình thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm phải có trách nhiệm đầu tiên, từ đón nhận, phổ biến quy chế, quản lý bằng phần mềm... Trung tâm phải phổ biến rõ, tư vấn về quy trình, thủ tục, trách nhiệm phải làm nếu có vấn đề xảy ra. Trung tâm cũng là nơi theo dõi người lao động trong quá trình họ tiếp cận và hoà nhập vào thị trường lao động.

Về phía người lao động, họ cần phải lưu ý điều quan trọng nhất, đó là một khi đã có công việc khác thì không được quyền hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Để giám sát việc này, nếu thực hiện thông qua cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ có độ trễ, nên trung tâm cần phối hợp với bảo hiểm xã hội để hậu kiểm.

Cùng với đó, cần tăng cường tư vấn dịch vụ pháp lý cho người lao động; tiếp tục hoàn thiện Luật việc làm; dùng kinh nghiệm quốc tế để có luật việc làm tiên tiến, tốt hơn, từ đó hình thành văn hoá tuân thủ, thực hiện pháp luật của người sử dụng lao động trước các biến cố của thị trường lao động.

* MC: Thưa bà Vũ Thị Thanh Liễu, với vai trò là cơ quan tiếp nhận, giải quyết chế độ BHTN, xin bà tư vấn kỹ hơn cho người lao động hiểu rõ những  nguy cơ bị truy thu, xử phạt nếu vi phạm hưởng trợ cấp BHTN. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các ông bà có đề xuất gì, hỗ trợ gì từ cơ quan quản lý nhà nước để triển khai công việc liên quan đến BHTN hiệu quả hơn, chính xác hơn?

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu: Người lao động trước hết phải hiểu rằng, trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được hưởng quyền lợi khi mất việc nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo Điều 49 của Luật việc làm như sau:

Đã chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc (HĐLV) và có các giấy tờ như: Bản chính hoặc bản sao của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ các trường hợp: NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng).

Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV đối với NLĐ ký HĐLĐ không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. Đã nộp hồ sơ hưởng TCTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng (90 ngày), kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ/HĐLV.

Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN.

Căn cứ Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, cơ quan bảo hiểm phải tiến hành truy thu số tiền đã chi sai khi phát hiện ra hành vi sai phạm trong quá trình thực hiện, giải quyết thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp.Theo Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020, người lao động sẽ bị chấm dứt việc hưởng trợ cấp khi thất nghiệp của mình nếu đã có việc làm nhưng vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp, cụ thể:

Đã ký hợp đồng với bên sử dụng lao động từ đủ 01 tháng trở lên (áp dụng cho hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hợp đồng mùa vụ hoặc hợp đồng theo công việc nhất định từ đủ 01 tháng trở lên).

Có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm áp dụng cho những người không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Người lao động sau khi thất nghiệp trở thành chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh và có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Người lao động đã có việc làm và thông báo cho Trung tâm dịch vụ việc làm biết.

Như vậy, nếu người lao động đã/đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì sẽ bị truy thu số tiền bảo hiểm đã/đang nhận từ Quỹ bảo hiểm.

Do vậy, người lao động hết sức chú ý có việc làm lập tức phải thông báo ngay cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương nơi mình đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp BHTN biết để tránh tình trạng trùng đóng trùng hưởng - có việc làm mà vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp dẫn tới thiệt đơn thiệt kép khi bị phát hiện gian lận trục lợi BHTN là vừa bị thu hồi tiền trợ cấp, bị xử phạt hành chính và không được bảo lưu thời gian đã tham gia BHTN.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Văn Thắng
Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Văn Thắng

Như tôi đã đề cập ở phần trên, đối với các đơn vị trực tiếp tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động và tiến hành thẩm định, tham mưu các quyết định liên quan đến giải quyết chính sách BHTN thì chúng tôi rất cần được hỗ trợ sử dụng ứng dụng phần mềm BHTN để tính đúng, đủ hiệu quả và chính xác hơn.

Cụ thể là phần mềm BHTN giúp quản lý các nghiệp vụ trong quá trình giải quyết BHTN đối với người lao động; giúp cho công tác quản lý, thống kê, báo cáo luôn được chính xác và kịp thời. Đồng thời, người lao động tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí; góp phần giảm giấy tờ thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người lao động, thực hiện cải cách cách đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Có thể khẳng định rằng, việc ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách BHTN là vô cùng cần thiết. Đồng thời, việc ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách BHTN sẽ giúp hạn chế trục lợi, gian lận BHTN hơn.

MC: Thưa bà, có ý kiến cho rằng, nếu có người làm giả giấy tờ, hồ sơ để chiếm đoạt tiền BHTN, thì động cơ vụ lợi là vì mục đích riêng, sự gian dối dễ được chứng minh. Còn với các doanh nghiệp (DN), trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp chịu nhiều áp lực bởi thuế, bảo hiểm xã hội, các chi phí không chính thức… Như vậy, ranh giới giữa nợ bảo hiểm xã hội vì khó khăn khách quan và trốn đóng bảo hiểm xã hội vì gian dối (để quy vào phạm tội hình sự) đang khá mong manh. Do đó, cần có hướng dẫn chi tiết hơn nữa từ các bộ, ngành có liên quan để điều tra, thẩm định, kết luận và xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi gian dối nhằm trốn đóng bảo hiểm xã hội theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bà có đồng tình với nhận định này không?

- Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Doanh nghiệp đóng các loại bảo hiểm cho NLĐ thì thực ra đó là một phần thu nhập của NLĐ. Khi luật pháp đã quy định, doanh nghiệp phải thực hiện đúng và đầy đủ. Trách nhiệm của chủ sử dụng lao động động cần được quy định mạnh hơn trong pháp luật.

Trong thực tế, rất nhiều chủ sử dụng lao động không muốn trốn đóng BHXH. Nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa phát triển, bản thân NLĐ cũng không gắn bó, trong khi chi phí đóng BHXH của chủ sử dụng lao động cũng quá nặng. Tỉ lệ đóng BHXH của doanh nghiệp cần được chia sẻ. Ở nước ngoài, nhiều DN chỉ đóng 50% mức lương tối thiểu vùng. Khi giảm được tỉ lệ này, các chính sách văn minh mới được thực hiện, ngược lại khi DN phải đóng BHXH cho NLĐ với tỉ lệ cao thì họ sẽ trốn.

Chúng ta đang cải cách về luật BHXH thì quyền lợi của chủ sử dụng lao động cũng cần được gắn liền. Đặc biệt, mối quan hệ giữa DN với NLĐ cần được gắn kết hơn nữa, trong đó có ứng dụng CNTT như chúng ta vừa bàn. Chúng ta cần có công nghệ để buộc họ phải thực hiện, không nên để xảy ra tình trạng vi phạm mới xử phạt. Khi thiết lập một chế độ BHXH, nguyên tắc quan trọng nhất là bao phủ toàn dân, ở mức tối thiểu, chấp nhận được để mọi người đều được hưởng lợi.

Người lao động cần chủ động, tiếp cận các thông tin về chính sách BHTN tại các TTDVVL. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh
Người lao động cần chủ động, tiếp cận các thông tin về chính sách BHTN tại các TTDVVL. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh

Các nhóm giải pháp

* MC: Thưa hai vị khách mời, để hạn chế trục lợi BHTN, cơ quan chức năng đưa ra 6 nhóm giải pháp. Một là, cần sửa chế độ trợ cấp thất nghiệp trả theo ngày. Hai là, cần bổ sung quy phạm “xác định lỗi mất việc do người lao động và lỗi mất việc do người sử dụng lao động” để từ đó quy định thành hai chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp khác nhau.

Ba là, cần xem xét việc sửa đổi Khoản 2, Điều 50, Luật Việc làm năm 2013 về thời gian tính hưởng. Bốn là, cần rút ngắn thời gian thực hiện quy trình đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Điều 4 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ xuống còn 15 ngày.

Năm là, xem xét nâng mức “hỗ trợ học nghề và mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động” cao hơn mức quy định hiện hành. 6 là tăng mức phạt và xử lý hình sự với hành vi trục lợi BHTN.

Với 6 nhóm giải pháp này, quý vị cho rằng đã đủ ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng trục lợi BHTN chưa?

- Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Tôi đồng tình với 6 nhóm giải pháp này cả về trước mắt lẫn lâu dài. Với nhóm giải pháp trả theo ngày, tôi nghĩ rằng, trả theo tuần sẽ hợp lí hơn, bởi trong thời gian này, người lao động vẫn đi tìm việc để họ có trách nhiệm hơn với chính công việc của mình. Tuy nhiên, việc trả TCTN cần được theo dõi đầy đủ từ cả phía cơ quan chức năng và người lao động.

Về việc đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong vòng 3 tháng, người lao động phải làm hồ sơ, vậy 3 tháng đó họ sống bằng gì? Quy định như vậy quá dài. Chúng ta cần phải giảm thời gian này xuống để người lao động tiếp cận với loại chính sách này.

Về chính sách hỗ trợ học nghề cần cụ thể hơn, nâng mức hỗ trợ này lên. Các TTDVVL cần liên kết với hệ thống đào tạo nghề, các trường nghề hỗ trợ NLĐ học nghề, để đây trở thành cơ hội để họ được nâng cao tay nghề, cải thiện trình độ trong lúc thất nghiệp.

Hệ thống TTDVVL cần thực hiện tốt hơn vai trò đào tạo, tư vấn, hỗ trợ việc làm.

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu: 6 nhóm giải pháp này thực sự là rất kịp thời dựa trên tình hình thực tế đang thực hiện tại đơn vị, về cơ bản đã đủ ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng trục lợi BHTN hiện nay.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang. Ảnh minh họa: Quế Chi
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang. Ảnh minh họa: Quế Chi

* MC: Thưa hai vị khách mời, xin các vị điểm những hạn chế của Luật Việc làm 2013 dẫn đến những nguy cơ có thể khiến người lao động tìm mọi cách trục lợi bảo hiểm thất nghiệp. Những chính sách này cần được điều chỉnh như thế nào trong thời gian tới?

- Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Theo quy định, theo Luật Việc làm 2013, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không vi phạm luật lao động thì được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Tôi cho rằng, Bộ luật Lao động phải chặt chẽ hơn nữa, nên xử lý hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho những trường hợp người lao động bị buộc phải thôi việc do không bố trí được công việc; còn đơn phương thì phải hạn chế, tìm hiểu kỹ. Về các chính sách hỗ trợ khác, thì phải đồng bộ hơn.

Cùng với đó, cần tập trung vào chức năng cơ bản của Trung tâm giới thiệu việc làm là giới thiệu, kết nối việc làm.

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu: Việc trục lợi bảo hiểm thất nghiệp một phần do luật chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội về việc có việc làm của người lao động, nên xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Hơn 14 năm thực hiện giải quyết chính sách BHTN, việc chưa có chức năng về kết nối được với dữ liệu quản lý thu của cơ quan BHXH nên trước khi giải quyết chế độ hưởng BHTN cho NLĐ tại Trung tâm DVVL còn gặp nhiều khó khăn trong việc kịp thời phát hiện NLĐ có quá trình trùng đóng BHXH, với việc hưởng BHTN.

Nhiều trường hợp NLĐ bị phát hiện sau khi đã được giải quyết hưởng TCTN hoặc trong quá trình giải quyết chi trả TCTN, hoặc quá trình chốt sổ BHXH cho NLĐ cơ quan BHXH phát hiện. Vì vậy, việc giải quyết thu hồi TCTN đối với NLĐ thường mất nhiều nguồn lực, thời gian và tồn tại qua nhiều năm và còn khó thực hiện hơn nhiều khi phát hiện NLĐ vi phạm bị thu hồi là lúc NLĐ đã hết hưởng TCTN.

* MC: Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thực hiện chính sách BHTN là vô cùng cần thiết. Đồng thời, việc ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách BHTN sẽ giúp hạn chế trục lợi, gian lận BHTN. Bà có đánh giá như thế nào về tình hình ứng dụng CNTT trong giải quyết BHTN tại nước ta hiện nay. Có bài học nào chúng ta có thể học hỏi và áp dụng ngay, căn cứ tình hình thực tế và nền tảng thông tin hiện có?

- Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Lao động thất nghiệp sử dụng CNTT khi nhận BHTN, còn các hoạt động khác như kết nối việc làm, đào tạo nghề thì cổng thông tin trực tuyến thì không bao quát hết được. Việc đào tạo rất quan trọng khi lao động mất việc nhưng hoạt động này lại bị coi nhẹ.

Trong thời gian tới, có nhiều việc làm sẽ mất đi, số lao động cũng theo đó mất đi. Mất việc làm và chờ đợi việc làm mới ở thế giới vẫn đang dừng lại ở giai đoạn phục hồi. Kinh tế ngổn ngang nhưng có thể ứng dụng ngay CNTT, còn thị trường lao động rất khó để sử dụng.

Việc tái hoà nhập thị trường lao động không phải ngày một, ngày hai. Chúng ta cần sử dụng đồng bộ, khẩn cấp các biện pháp để phục hồi thị trường lao động. Sử dụng mỗi chính sách BHTN là chưa thoả đáng. Chính sách BHTN để lao động tái hoà nhập thị trường lao động. Giải pháp hoàn thiện BHTN phải trở thành 1 đề án mà vai trò của các TTDVVL rất quan trọng.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Thắng
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Thắng

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu: Việc ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách BHTN là vô cùng cần thiết. Đồng thời, việc ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách BHTN sẽ giúp hạn chế trục lợi, gian lận BHTN.

Cụ thể là phần mềm BHTN giúp quản lý các nghiệp vụ trong quá trình giải quyết BHTN đối với người lao động; giúp cho công tác quản lý, thống kê, báo cáo luôn được chính xác và kịp thời. Đồng thời, người lao động tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí; góp phần giảm giấy tờ thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người lao động, thực hiện cải cách cách đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, phần mềm BHTN mà Trung tâm DVVL Hà Nội cũng như 1 số TTDVVL trong cả nước tác nghiệp thì vẫn còn nhiều hạn chế về thiếu chức năng thao tác, hay xảy ra sự cố. Nhất là từ thời điểm ngày 21.6.2022 cho đến ngày 7.4.2023 (gần 1 năm), phần mềm tác nghiệp BHTN bị sập, không thể thực hiện được, toàn bộ dữ liệu đã thực hiện lưu trên hệ thống bị mất, không thể tra cứu, phải thao tác thủ công trên file Excel nên Trung tâm DVVL Hà Nội cũng như các TTDVVL đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tiếp nhận hồ sơ NLĐ như: không kiểm trùng được hồ sơ NLĐ nếu đã có các lần hưởng trước, không lọc trùng được NLĐ đã nộp hồ sơ BHTN trước đó hay chưa…

Dữ liệu hồ sơ quản lý phải xử lý nhập thủ công trên file Excel để đảm bảo đủ các dữ liệu để phối hợp với cơ quan BHXH và ngân hàng trong việc chi trả TCTN cho NLĐ (trường hợp sau khi khôi phục được phần mềm thì dữ liệu này sẽ không thể tra cứu được trên phần mềm nếu không được nhập lại dữ liệu).

Toàn bộ thao tác nghiệp vụ về bảng tính hưởng, thẩm định và dự thảo ban hành các loại quyết định (Quyết định hưởng TCTN, hỗ trợ nghề, tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt, thu hồi, huỷ, bảo lưu...), công tác tiếp nhận NLĐ thông báo TKVL, theo dõi tình trạng NLĐ… đều phải thực hiện thủ công.

Việc xử lý thao tác các nghiệp vụ hoàn toàn thủ công dẫn đến tốn rất nhiều nhân lực, thời gian của cán bộ nghiệp vụ, tính chính xác sẽ không cao. Chính vì những khó khăn này, mà tính ứng dụng CNTT vào thực tế thực hiện chưa cao, chưa đạt hiệu quả tối ưu.

* MC: Quá trình tác nghiệp thực tế, PV Báo Lao Động ghi nhận tình trạng trục lợi quỹ BHTN, đồng thời chứng kiến những khó khăn mà NLĐ gặp phải khi hoàn thiện quy trình hưởng BHTN. Đáng nói, khó khăn từ NLĐ là khá phổ biến, có người không rõ quy trình, không đảm bảo giấy tờ cần thiết... Cấp vĩ mô, ông/bà có đề xuất gì về chính sách để thuận lợi hơn lao động? Ví như thông tin tích hợp trên CCCD có thể giúp giải quyết nhanh chóng các chế độ an sinh, trong đó có thụ hưởng BHTN?

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu: Tôi rất chia sẻ với người lao động khi thời gian vừa qua, tình trạng thất nghiệp tăng lên nhiều. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, 6 tháng dầu năm, hồ sơ nộp để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 32% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm trước. Tháng 6 vừa qua có 10.000 hồ sơ nộp đến trung tâm. Đây là rất con số rất đáng lo ngại.

Do vậy, trong thời gian qua, từ tháng 5.2022, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, của UBND Thành phố Hà Nội, hiện trung tâm đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ của người lao động qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, giúp người lao động giảm bớt khó khăn, thủ tục nhanh gọn hơn, giảm thiểu việc phải đi lại. 7 tháng đầu năm, trung tâm đã tiếp nhận 16.000 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được nộp qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Tôi cũng rất ủng hộ việc tích hợp trên CCCD để có thể giúp giải quyết nhanh chóng các chế độ an sinh, trong đó có thụ hưởng BHTN.

* MC: Thưa bà Lan Hương, xin bà nói rõ hơn về những nghiên cứu với tư cách cá nhân liên quan đến trục lợi quỹ BHXH và những hệ lụy đối với an sinh xã hội?

- Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Khi một chính sách bị thực hiện không đúng sẽ gây ra những hệ luỵ. Đầu tiên là thất thu phần đóng (số người được hưởng tăng lên). Ngay từ đầu không ai muốn thất nghiệp để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng khi đến trung tâm dịch vụ việc làm, có người lao động sẽ nghĩ đến việc một lúc được hưởng 2 chế độ (bảo hiểm thất nghiệp và tiền lương) khi vẫn đi làm công việc khác.

Bên cạnh đó, nếu trong quá trình thực hiện còn có những vướng mắc, thông tin không minh bạch rõ ràng có thể khiến thất thoát quỹ. Làm chính sách bảo hiểm thì quan trọng nhất là giám sát thất thoát, lạm dụng quỹ.

Có trường hợp người lao động đến các Trung tâm Dịch vụ việc làm không thiết tha với 3 chế độ đầu, mà chỉ muốn được hưởng trợ cấp. Có câu chuyện cười ra nước mắt, đó là khi gọi điện người lao động lấy bảo hiểm thất nghiệp thì nói: “Đợi em đi làm về rồi em lấy”.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: Văn Thắng
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: Văn Thắng

Ngoài ra, vấn đề tái hoà nhập thị trường lao động. Đây là những người có kinh nghiệm lao động, gánh nặng mưu sinh lớn, nếu không tái hoà nhập thị trường lao động, mà chỉ nhìn thấy lợi nhỏ trước mắt thì có khả năng sẽ làm sai lệch, không phát huy được vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp - nhanh chóng hỗ trợ họ tái hoà nhập thị trường lao động chứ không phải là để tạo nguồn thu nhập nào đó cho người lao động.

* MC: Thưa bà Liễu, một câu hỏi mà chúng tôi muốn hỏi riêng bà. Xin bà cho biết những trường hợp cụ thể có dấu hiệu trục lợi BHTN của người lao động? Tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, đã phát hiện những trường hợp nào, cách xử lý ra sao?

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu: Hiện nay, trong quá trình thực hiện tiếp nhận giải quyết, việc phát hiện NLĐ vi phạm BHTN đã hưởng sai TCTN có cả các trường hợp đang trong thời gian hưởng TCTN và các trường hợp đã chấm dứt hưởng TCTN (tức là đã hưởng hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp). Các trường hợp vi phạm việc hưởng TCTN thuộc các trường hợp sau đây:

Do Trung tâm DVVL phát hiện: khi NLĐ đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN; hoặc trong thời gian đang hưởng NLĐ đến thông báo tình trạng việc làm hàng tháng.

Một số là các trường hợp theo kết quả các kỳ Kết luận của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra công tác quản lý thu của đơn vị tại cơ quan BHXH phát hiện NLĐ có việc làm, được đóng BHXH nhưng vẫn hưởng BHTN mà không thông báo cho Trung tâm DVVL Hà Nội.

Một số là các trường hợp NLĐ tự nguyện đến trung tâm có đơn đề nghị xin được xem xét giải quyết, có xuất trình Hợp đồng lao động và xin hoàn trả tiền TCTN do nhận thấy bản thân đã hưởng sai quy định.

Hoặc một số các trường hợp theo Thông báo của cơ quan BHXH gửi đến Trung tâm DVVL để phối hợp giải quyết do trong quá trình giải quyết chi trả TCTN phát hiện NLĐ tiếp tục tham gia đóng BHXH, BHTN tại đơn vị mới trong thời đang hưởng TCTN của lần hưởng trước (NLĐ trùng đóng, trùng hưởng); hoặc phát hiện trong quá trình giải quyết chế độ hưu trí; giải quyết chế độ tử tuất cho NLĐ.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Văn Thắng
Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Văn Thắng

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đã áp dụng các biện pháp kiểm soát trong thực hiện chế độ BHTN với người lao động, đồng thời thực hiện đồng loạt các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trên, phòng tránh việc trục lợi BHTN. Đầu tiên là tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại về chính sách BHXH, BHTN cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động.

Đối với các trường hợp phải thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp, cán bộ trung tâm đã hướng dẫn và đôn đốc người lao động nộp lại tiền đã hưởng sai quy định cho cơ quan BHXH theo các quyết định chấm dứt, hủy, thu hồi đã ban hành. Sử dụng nhiều hình thức liên lạc thông báo người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để hoàn thiện các thủ tục giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Thực tế thách thức

* MC: Thưa hai vị khách mời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 9.000 đơn vị. Kết quả, ngành đã ban hành, tham mưu ban hành 448 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 15 tỉ đồng; yêu cầu truy thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của 23.118 lao động đóng chưa đúng quy định với số tiền truy thu là 62,4 tỉ đồng. Đồng thời, yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số tiền hơn 37,6 tỉ đồng tiền hưởng các chế độ không đúng quy định. Quý vị có đánh giá như thế nào về các con số nói trên?

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu: Số tiền truy thu trên là khá lớn nhưng đây là đối với các đơn vị doanh nghiệp. Còn đối với cá nhân người lao động (NLĐ) nơi chúng tôi tiếp nhận và giải quyết thì trên thực tế trong quá trình trao đổi, làm việc và trực tiếp lắng nghe người lao động là đối tượng hưởng chính sách BHTN trình bày về lý do dẫn đến hành vi vi phạm việc hưởng TCTN, đa số NLĐ vi phạm không cố tình vi phạm pháp luật BHTN, không cố ý trục lợi tiền trợ cấp thất nghiệp mà chủ yếu bởi một số lý do như sau:

Nguyên nhân từ NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ):

NLĐ chưa nắm rõ các quy định về pháp luật lao động nói chung và các quy định về BHTN nói riêng.

NLĐ nhầm lẫn khái niệm có việc làm, đa số đều cho rằng, bắt đầu được tham gia đóng BHXH, BHTN mới bị cắt hưởng TCTN.

NLĐ chưa có sự trao đổi cụ thể rõ ràng với doanh nghiệp về nội dung và hiệu lực của hợp đồng lao động (khi mới vào làm việc trao đổi là thử việc và chưa được nhận hợp đồng lao động (HĐLĐ). Tuy nhiên, khi được nhận và ký HĐLĐ thì ngày có hiệu lực của HĐLĐ lại được xác định từ trước thời điểm ký kết, hoặc thời gian thử việc doanh nghiệp vẫn báo tăng đóng BHXH, BHTN)...

Do nhu cầu có việc làm nên dù chưa được ký kết HĐLĐ, NLĐ vẫn đi làm và hưởng lương dẫn đến không xác định được chính xác ngày có việc làm theo HĐLĐ.

Vì khoảng cách địa lý giữa nơi làm việc của NLĐ với trụ sở làm việc của chủ sử dụng lao động, dẫn tới NLĐ được nhận và ký HĐLĐ muộn hơn so với ngày có hiệu lực trên HĐLĐ đã được đơn vị xác định.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Thắng

NLĐ vi phạm hầu hết là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp vừa và nhỏ, các khu chế xuất. Hơn nữa, qua trao đổi với NLĐ thì đội ngũ cán bộ nhân sự tại các doanh nghiệp cũng chưa nằm vững các quy định về pháp luật lao động để tư vấn cho NLĐ, dẫn tới hướng dẫn và thực hiện chưa đúng các quy định về giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ). (Nhiều trường hợp thông báo với trung tâm là mới vào thử việc tại đơn vị, tuy nhiên sau đó đơn vị lại ký HĐLĐ chính thức bao gồm cả thời gian thử việc dẫn đến NLĐ hưởng sai...). Đây là một nguyên nhân khách quan, nhưng cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới số lượng NLĐ vi phạm BHTN.

* MC: Xin 2 vị khách mời đưa ra nhận định về tình hình, nguy cơ trục lợi quỹ BHTN trong bối cảnh hiện nay?

- Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội: Dưới cái nhìn của đơn vị thực hiện quản lý đối tượng, cá nhân người lao động (NLĐ) được hưởng chính sách BHTN và cụ thể là Trung tâm DVVL thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐTBXH) thì hiện nay, trong quá trình thực hiện tiếp nhận giải quyết, việc phát hiện NLĐ vi phạm BHTN đã hưởng sai trợ cấp thất nghiệp (TCTN) có cả các trường hợp đang trong thời gian hưởng TCTN và các trường hợp đã chấm dứt hưởng TCTN (tức là đã hưởng hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp).

- Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH): Bảo hiểm thất nghiệp là nguồn thu nhập thay thế cho người lao động khi đang làm việc nhưng phải tạm thời không có việc làm, họ cần có nguồn thu nhập thay thế.  Khi thị trường lao động biến động thì cần đến bảo hiểm thất nghiệp và vấn đề này sẽ nóng lên - đây là chuyện bình thường. Người tham gia bảo hiểm thất nghiệp có nhu cầu chính đáng khi việc làm không đảm bảo, phải dựa vào bảo hiểm thất nghiệp.

Vấn đề trục lợi, chiếm đoạt tiền bảo hiểm thất nghiệp thì về lý thuyết, bảo hiểm thất nghiệp có 4 nhiệm vụ: hỗ trợ đào tạo, tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối việc làm, hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian nhất định. Hiện nay, thực tế 3 khâu đầu còn mờ nhạt so với khâu thứ 4. Vì theo nguyên tắc, các giải pháp trên không hoạt động và trong thời gian người lao động chưa kết nối thị trường lao động nhưng có mong muốn tham gia song chưa có khả năng triển khai. Còn nếu về các nguyên nhân khác thì có nguy cơ bị lạm dụng, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động tìm kiếm việc làm tại phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Lương Hạnh
Người lao động tìm kiếm việc làm tại một phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Lương Hạnh

Chương trình do Báo Lao Động tổ chức, được tường thuật trên Báo Lao Động điện tử laodong.vn.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành “phao cứu sinh” hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động khi thất nghiệp và giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động.

Tổng kết Luật Việc làm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sau hơn 7 năm thực hiện luật, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 14,3%.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 2010 đến hết năm 2022, có gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Số người được hưởng các chế độ tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng.

Từ năm 2010 đến hết năm 2022, có gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh
Từ năm 2010 đến hết năm 2022, có gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh

Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, thu hẹp nên số người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng vọt so với các năm trước, dẫn đến có tình trạng trục lợi quỹ.

Số liệu thống kê mới nhất từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 9.000 đơn vị.

Kết quả, ngành đã ban hành, tham mưu ban hành 448 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 15 tỉ đồng; yêu cầu truy thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của 23.118 lao động đóng chưa đúng quy định với số tiền truy thu là 62,4 tỉ đồng.

Đồng thời, yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số tiền hơn 37,6 tỉ đồng tiền hưởng các chế độ không đúng quy định.

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Tìm giải pháp xử lý trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, giữ "bệ đỡ" cho lao động

LƯƠNG HẠNH - QUỲNH CHI |

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành "bệ đỡ" cho người lao động bị giảm thu nhập, mất việc. Tuy nhiên, do số lượng người thụ hưởng lớn, trường hợp hưởng trùng, tình trạng trục lợi từ quỹ đã xảy ra.

Cách nào hạn chế trục lợi bảo hiểm thất nghiệp?

LƯƠNG HẠNH - LÊ PHƯƠNG |

Sáng 24.8, Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Cách nào hạn chế trục lợi bảo hiểm thất nghiệp" sẽ diễn ra tại Trường quay của Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Trường hợp được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp

LƯƠNG HẠNH |

Người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây.

Lí do khiến UBND thị xã Sơn Tây bất ngờ di dời chợ hoa Tết khiến tiểu thương khốn đốn

NHÓM PV |

Mấy ngày qua, các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ hoa Tết trung tâm thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đứng ngồi không yên sau khi nhận được thông báo phải di dời vào chợ mới ngay trước Tết.

Đề nghị truy tố cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức liên quan việc mua kit test Việt Á

Anh Tú |

TPHCM - Ngày 23.1, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an TPHCM đã ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra ở Bệnh viện TP Thủ Đức, Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Công ty TNHH Thiết kế xây dựng TM&DV Nam Phong (Công ty Nam Phong).

Đề cử Oscar 2024: Siêu phẩm “Oppenheimer” tiếp tục áp đảo

Thùy Trang |

Oscar 2024 chính thức công bố đề cử cho các hạng mục.

Cựu Cục phó Trần Hùng bị tuyên y án 9 năm trong vụ sách giáo khoa giả

Việt Dũng |

Toà phúc thẩm cho rằng, có đủ cơ sở để xác định cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng của Cao Thị Minh Thuận thông qua người môi giới trong vụ sách giáo khoa giả.

Cập nhật giá vàng chốt phiên 23.1: Tăng vọt, ngân hàng đẩy mạnh mua vào

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng chốt phiên 23.1: Tính đến 18h30, giá vàng trong nước niêm yết quanh ngưỡng 73,95 - 76,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Trong khi đó, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở mức 2.023,1 USD/ounce.

Tìm giải pháp xử lý trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, giữ "bệ đỡ" cho lao động

LƯƠNG HẠNH - QUỲNH CHI |

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành "bệ đỡ" cho người lao động bị giảm thu nhập, mất việc. Tuy nhiên, do số lượng người thụ hưởng lớn, trường hợp hưởng trùng, tình trạng trục lợi từ quỹ đã xảy ra.

Cách nào hạn chế trục lợi bảo hiểm thất nghiệp?

LƯƠNG HẠNH - LÊ PHƯƠNG |

Sáng 24.8, Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Cách nào hạn chế trục lợi bảo hiểm thất nghiệp" sẽ diễn ra tại Trường quay của Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Trường hợp được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp

LƯƠNG HẠNH |

Người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây.