Không xin thôi việc vì đến năm học mới
Chị Nguyễn Thị Duyên (34 tuổi, quê Phú Thọ), hiện đang sinh sống và làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). 3 tháng gần đây công ty ít đơn hàng, chị Duyên nằm trong nhóm công nhân phải giãn việc, không được tăng ca.
Có thâm niên lâu năm ở công ty, thu nhập của chị Duyên trước đây không dưới 10 triệu đồng/tháng; còn hiện tại, mỗi tháng chỉ làm việc 3 tuần, số giờ làm thêm cũng không có nhiều nên tiền nhận về của nữ công nhân chỉ còn hơn 6 triệu đồng.
Chị Duyên có 2 con (lớp 3 và lớp 1); vào dịp đầu năm học, người mẹ 2 con này thêm đau đầu vì các khoản tiền học phí, cặp, sách giáo khoa...
Năm nay con trai đầu lên lớp 3, chị Duyên cho biết, sách giáo khoa năm học mới cao hơn 3 lần so với giá cũ. “Bộ sách giáo khoa chưa bao gồm sách tiếng Anh tôi mua 183.000 đồng. Theo tôi được biết, giá sách năm cũ chỉ 58.000 đồng” - chị Duyên nói và cho biết thêm, số tiền chênh lệch này, với nhiều gia đình có thu nhập tốt sẽ chẳng ảnh hưởng gì, nhưng với đồng lương công nhân ít ỏi trong bối cảnh giảm việc thì đây là nỗi lo với chị.
Để có chi phí cho các con vào năm học mới, vợ chồng chị Duyên đành phải rút khoản tiền tích cóp đi làm từ đầu năm tới nay cho con. Theo chị, khoản tiền tiết kiệm này dùng để phòng khi ốm đau, nhưng với tiền lương hiện nay, gia đình công nhân chắt chiu mới đủ sống.
Bộ phận nơi anh Nguyễn Văn Hưng (Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long) làm việc có 70 nhân công thì 10 người đã xin nghỉ việc thời gian này. Lý do chính vì công ty không có đơn hàng, nhiều người xin nghỉ hẳn để về quê, có người tìm kiếm công việc khác.
Đã từng lưỡng lự giữa việc đi hay ở lại, anh Hưng chọn tiếp tục gắn bó với công ty vì năm học của các con sắp bắt đầu, nhiều khoản chi phí “dội” lên gia đình anh Hưng. “Nếu xin chuyển chỗ khác, tôi không chắc sẽ được nhận vào làm luôn và lượng công việc ở đó có ổn định. Do vậy, tôi sẽ nán lại, chờ ngày công ty nhiều việc” - anh Hưng cho hay.
Chật vật lo các khoản tiền nộp học
Anh Tâm (công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) có 2 con, một cháu lên lớp 5, cháu còn lại lên lớp 2. Như nhiều phụ huynh khác, anh khá lo lắng về các khoản đóng góp kinh phí cho năm học mới này. Tuy vậy, anh vẫn chưa biết rõ về các khoản thu đầu năm học mới vì trường chưa tổ chức họp phụ huynh. “Ngày 5.9, trường tổ chức khai giảng, nên tôi đoán một vài ngày tới trường sẽ họp phụ huynh để thông báo về những khoản đóng góp đầu năm học” - anh Tâm nói.
Theo anh Tâm, những năm trước, nhà trường thường thu “một cục” vào đầu năm học và đầu kỳ học thứ 2, nên phụ huynh học sinh thường phải đóng một khoản khá lớn so với mức thu nhập còn khiêm tốn của công nhân. “Năm nay, tuy cũng chia nhỏ các khoản thu như năm trước, nhưng tôi khá lo lắng, vì vừa qua, nhà trường sửa chữa khá nhiều, làm lại sân trường, sửa cổng, tôi đoán có thêm khoản thu này” - anh Tâm nói.
Không chỉ phải đóng các khoản tiền ở trường, anh Tâm còn phải chi một khoản tiền khá lớn cho con để theo học một trung tâm tiếng Anh ở gần đó với hy vọng con mình sẽ có khả năng ngoại ngữ phục vụ tốt hơn cho cuộc sống sau này. Nam công nhân chia sẻ, anh ít khi tìm hiểu về các khoản thu của trường, nhưng ở trường nơi các con anh đang học chưa phát sinh những khoản thu quá đáng. Khi các khoản thu đưa ra, phụ huynh của các lớp đều không có ý kiến gì.
“Vợ chồng tôi đều làm công nhân, cuộc sống còn khá khó khăn với rất nhiều các khoản phải chi tiêu. Vì vậy, như nhiều công nhân khác, tôi mong các khoản thu của nhà trường hợp lý, ít đến mức có thể để công nhân như chúng tôi không phải vất vả, chật vật lo các khoản tiền nộp hằng ngày cho con” - anh Tâm bày tỏ.