Trang bị tác phong “thói quen, nếp nghĩ, nếp làm" từ sớm
Ông Mai Thiên Ân cho rằng, thực tế sản xuất, kinh doanh ở tất cả doanh nghiệp trên thế giới đã chứng minh: Rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động cho người lao động (NLĐ) là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động.
Doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu đòi hỏi người lao động phải có trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng mềm và ý thức lao động tốt. Người lao động muốn nâng cao thu nhập cho bản thân phải có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, ý thức và tác phong tốt.
Tuy nhiên, theo ông Ân, thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều người lao động chưa thực sự quan tâm và đặt việc rèn luyện, nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu như: Không tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động gây ra các chấn thương, thậm chí tử vong.
Không tuân thủ nội quy, giờ giấc, tác phong làm việc như đi trễ, về sớm, nghỉ giảo lao không đúng thời gian quy định, có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc; xin nghỉ phép không có lý do chính đáng; phối hợp trong công việc kém; làm việc nhóm không hiệu quả.
Không tuân thủ quy trình sản xuất dẫn đến sản phẩm lỗi ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu doanh nghiệp và lòng tin của đối tác...
Ông Ân cho biết, ông cũng như bao công dân Việt Nam, mong muốn nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, trong đó nâng cao năng suất lao động là động lực chính.
Tại diễn đàn, ông Mai Thiên Ân đề xuất, kiến nghị có thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho người lao động từ từ sớm để trở thành “thói quen, nếp nghĩ, nếp làm” khi còn ngồi trên ghế nhà trường, xem xét định hướng ở các cấp bậc phù hợp.
Ví dụ, học cơ bản từ cấp trung học phổ thông cho đối tượng lao động phổ thông, học nâng cao cho các cấp bậc trung cấp, cao đẳng, đại học và xem xét nội dung học phù hợp với ngành nghề họ đang theo học, vì mỗi nghề nghiệp khác nhau cũng cần có tác phong công nghiệp khác nhau.
Có quy chế tài chính cho phép công đoàn cơ sở có đủ nguồn lực trong việc đầu tư hoặc chi tiêu cho các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, khen thưởng về tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.
Duy trì văn hóa doanh nghiệp lâu dài, bền vững
Cùng tham luận tại diễn đàn với chủ đề “Môi trường lao động an toàn, dân chủ, văn hóa doanh nghiệp phát triển, góp phần tăng năng suất lao động”, ông Phan Tuấn Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty Honda Việt Nam, thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam - cho hay, môi trường làm việc an toàn, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, phát triển văn hóa doanh nghiệp đã thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Sự thành công của Honda Việt Nam là quá trình phát triển và duy trì văn hóa doanh nghiệp lâu dài và bền vững dựa vào 3 triết lý: Niềm tin cơ bản, Tôn chỉ công ty và Chính sách quản lý.
Ông Phan Tuấn Anh lấy ví dụ, năm 1996, cứ 48 giây có một xe máy được lắp ráp rời khỏi dây chuyền, đến năm 2024 giảm xuống còn 24 giây. Tính đến nay, công ty đã cung cấp gần 40 triệu chiếc xe máy, ôtô ra thị trường.
Tại diễn đàn, vị chủ tịch công đoàn đề xuất tới tổ chức Công đoàn, Chính phủ: Có các quy định, chế tài cụ thể về việc xử lý người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ các quy định dân chủ tại doanh nghiệp.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng cường tổ chức các diễn đàn, hội nghị, chuyên đề chuyên sâu để các công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động tham gia chia sẻ những khó khăn và trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, xây dựng quy chế dân chủ và văn hóa doanh nghiệp.
Chủ trì diễn đàn gồm có: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu.