Nơi khó có Công đoàn chăm lo
Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp (39 tuổi, quê Nghệ An) - công nhân Công ty TNHH Long Rich Việt Nam là một trong số hàng nghìn người lao động (NLĐ) được thụ hưởng các chương trình chăm lo của tổ chức Công đoàn TPHCM, trong đó có chương trình “Vì sức khỏe NLĐ”. Chị Diệp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đang mang trong mình căn bệnh u não, chương trình khám bệnh miễn phí đã tạo điều kiện cho chị được thăm khám sức khỏe.
“Tôi thấy các hoạt động chăm lo của các cấp Công đoàn TP trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 rất thiết thực, kịp thời, đồng hành cùng NLĐ để chúng tôi thấy mình không bị bỏ lại phía sau. Mong nhiệm kỳ mới, tổ chức Công đoàn TP sẽ có nhiều hoạt động chăm lo đến với NLĐ hơn” - chị Diệp nói.
Chị Huỳnh Thị Kim Hằng (31 tuổi, quê Long An) - công nhân Công ty TNHH May da giày Khải Hoàn 3, đã kịp thời nhận được sự chăm lo từ các cấp Công đoàn khi thu nhập bị giảm sút do tình hình sản xuất khó khăn. Chị Hằng cho biết, trong nhiệm kỳ qua với nhiều khó khăn, nhưng tổ chức Công đoàn TPHCM đã luôn nỗ lực mang đến những chương trình chăm lo kịp thời cho NLĐ, hy vọng nhiệm kỳ 2023 - 2028, tổ chức Công đoàn TP sẽ đổi mới hơn nữa các hoạt động chăm lo cho NLĐ.
Để Công đoàn ngày càng lớn mạnh
Gửi gắm kỳ vọng đến đại hội Công đoàn TPHCM lần thứ XII, ông Nguyễn Phước Đại - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam - mong muốn, trong nhiệm kỳ tới, Công đoàn TPHCM sẽ đổi mới và đi sâu vào đời sống NLĐ. Các hoạt động của Công đoàn TP tổ chức sẽ hướng về cơ sở, hỗ trợ CĐCS nhiều hơn trong các mặt hoạt động, cũng như chăm lo nhiều hơn cho CNLĐ.
“Chúng tôi mong muốn các cấp Công đoàn TP sẽ chăm lo tốt hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn để làm nổi bật hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn, để CNLĐ cảm nhận được sự chăm lo, chia sẻ từ các cấp Công đoàn, đó cũng là điều giúp Công đoàn ngày càng lớn mạnh. Hiện nay, các doanh nghiệp đang có xu hướng cắt giảm lao động lớn tuổi, cần phải nhìn nhận để làm sao có những quyết sách kịp thời, hợp lý” - ông Đại chia sẻ.
Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam - chia sẻ, một trong những nhu cầu lớn của đoàn viên, NLĐ là nhanh chóng được nắm bắt, tiếp cận với các quy định mới của pháp luật về lao động. Nhiệm kỳ qua, các cấp Công đoàn TP đã làm được nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật cho đoàn viên, NLĐ, tuy nhiên vẫn còn đơn điệu. Trong thời gian tới, tổ chức Công đoàn TP cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật. Khi có dự thảo luật hoặc văn bản luật mới có hiệu lực, cần làm ngay bảng so sánh giữa những điểm cũ và mới gửi cho CĐCS. Đồng thời, sớm họp triển khai cho CĐCS hiểu để tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên, NLĐ.
Sắp tới đây, sẽ có tổ chức đại diện NLĐ được phép ra đời, hoạt động tại doanh nghiệp, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam, nhất là tại CĐCS. Vì thế, nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, đặc biệt là tại CĐCS là nhiệm vụ cấp bách.
Ở một số ít nơi, vẫn có tình trạng cán bộ không có chuyên môn về Công đoàn, nhưng vẫn được điều động về làm công tác Công đoàn ở quận, huyện.