Không nên đặt ra vấn đề uỷ quyền khi công đoàn khởi kiện đòi quyền lợi BHXH

BÁO LAO ĐỘNG |

Hội thảo "Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc” diễn ra tại Hội trường tầng 6, trụ sở Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

16h15: Hội thảo kết thúc.

16h00: Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu kết luận hội thảo.

Ông Hiểu đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo của hai Tổng Biên tập Báo Lao Động và Báo Bảo vệ pháp luật. Hội thảo được tổ chức trong thời điểm ý nghĩa khi sắp đến ngày truyền thống của 2 ngành và Chính phủ đang hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình Quốc hội.

Ông Hiểu nhận định, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đang diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng quyền lợi trước mắt, trực tiếp của người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, ảnh hưởng đến niềm tin của NLĐ vào hệ thống bảo hiểm xã hội.

Không chỉ vậy, tình trạng này còn gây ra sự bất công, không công bằng giữa các doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp trốn đóng BHXH về bản chất được lợi nhuận nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp giữ BHXH để lấy tiền đó kinh doanh, thay vào việc đi vay ngân hàng. Lợi thế này không phải là lợi thế pháp luật cho phép, vi phạm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” – ông Hiểu nói.

 
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu kết luận hội thảo

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mặc dù hệ thống pháp luật đã xác định hành lang pháp lý để giải quyết nợ, trốn đóng BHXH nhưng còn nhiều bất cập, xa thực tế, thiếu thống nhất nên dẫn đến thiếu tính khả thi, khiến tình trạng nợ BHXH gia tăng và diễn biến phức tạp.

Ông Hiểu cho biết, Hội thảo đã gợi ý nhiều giải pháp để hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi NLĐ, trong đó có giải pháp về chính sách pháp luật. Có ý kiến đề xuất mở rộng chủ thể khởi kiện là cơ quan BHXH. Cùng với đó, tiếp tục trao quyền khởi kiện cho công đoàn nhưng không cần phải quy định về uỷ quyền của NLĐ đối với công đoàn, vì công đoàn là đại diện đương nhiên của NLĐ.

Ngoài ra, hiện nay, các cơ quan chức năng đã thể hiện trong dự thảo luật bảo hiểm xã hội, đó là ngừng sử dụng hoá đơn; hoãn xuất cảnh chủ doanh nghiệp trây ì nợ BHXH…

Ông Hiểu kiến nghị thiết chế hành lang pháp lý để giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm xã hội hiện tại; đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm, có tiếng nói trong quá trình xây dựng pháp luật, kể cả ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện.

“Không mong muốn hình sự hoá hành vi này, nhưng cố tình trây ì thì phải tìm ra và xử lý nghiêm, làm gương cho các đối tượng khác” – ông Hiểu nói.

Ông Hiểu đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm.

 
Ảnh: Tô Thế

15h55: Bà Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc Phân xưởng may - Nhà máy Dệt kim Haprosimex (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex) hỏi: Việc nợ lương của NLĐ có thể gửi đơn đến đâu để đòi được quyền lợi chính đáng của mình?

LS Nguyễn Danh Huế trả lời: Đầu tiên, NLĐ đã trực tiếp đến thoả thuận để đòi tiền lương từ phía doanh nghiệp. NLĐ có thể gửi đơn kiến nghị đến cơ quan bảo vệ quyền lợi của NLĐ là LĐLĐ quận, huyện, thành phố hoặc tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp.

NLĐ cũng có thể gửi đơn đến Sở LĐTBXH TP. Hà Nội để kiến nghị, đòi tiền lương từ phía doanh nghiệp. Khả dĩ nhất là tập hợp NLĐ, sau đó gửi đơn khởi kiện lên toà án.

Khi khởi kiện lên toà án, toà án sẽ tiến hành hoà giải. Toà án có trung tâm hoà giải tiền tố tụng toà án, khi NLĐ gửi đơn khiếu kiện, trung tâm hoà giải sẽ mời doanh nghiệp đến, đây cũng là cơ hội để đàm phán giữa 2 bên.

Nếu trong trường hợp này không được, NLĐ hoàn toàn có thể yêu cầu toà án giải quết và buộc doanh nghiệp phải trả khoản nợ lương của mình. Tuy nhiên, NLĐ phải lường trước các khó khăn, đó là Công ty Cổ phần hay Công ty TNHH bản chất đều là TNHH, các cổ đông góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn họ đã góp vào doanh nghiệp. Chính vì thế, nếu người đứng đầu công ty dù có tài chính mạnh trong khi công ty không có tiền thì NLĐ cũng không thể lấy tiền từ cá nhân của chủ doanh nghiệp.

15h50: Chủ trì hội thảo tiếp tục điều hành thảo luận.

Gặp khó khi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm

15h40: Ông Lại Viết Quang - Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình bày tham luận "Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị nợ BHXH bắt buộc".

TS Lại Viết Quang - Vụ trưởng vụ 7 - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trình bày tham luận. Ảnh: Tô Thế
TS Lại Viết Quang - Vụ trưởng vụ 7 - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trình bày tham luận. Ảnh: Tô Thế

Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự đã chỉ ra một số điểm quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều luật này gồm 5 Khoản, trong đó, Khoản 1 quy định các dấu hiệu pháp lý của tội phạm và khung hình phạt cơ bản; các Khoản 2, 3 quy định các trường hợp phạm tội với tình tiết tăng nặng; Khoản 4 quy định khung hình phạt bổ sung đối với người phạm tội và Khoản 5 quy định khung hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Chủ thể của tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là tội trốn đóng bảo hiểm) là người có nghĩa vụ đóng các loại hình bảo hiểm này.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định có 2 đối tượng phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là người sử dụng lao động và người lao động.

Tuy nhiên, vì nghĩa vụ của người sử dụng lao động là lập hồ sơ gửi đến cơ quan bảo hiểm, thực hiện việc đóng bảo hiểm theo mức quy định đối với người sử dụng lao động, đồng thời thay mặt người lao động đóng phần của họ bằng cách trích từ tiền lương của người lao động nên Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động dường như hướng tới chủ thể chính là người sử dụng lao động.

Ông Quang cũng chỉ ra nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều này. “Như vậy, có thể thấy rằng, về cơ bản, khi người sử dụng lao động và người lao động giao kết hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên thì sẽ phải có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nếu các bên không thực hiện nghĩa vụ này thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự” – ông Quang khẳng định.

Ông Quang cho rằng, theo quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm nhưng khi được phát hiện, yêu cầu hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính thì doanh nghiệp thực hiện việc khắc phục nên cũng không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Mặc dù đã có các quy định của pháp luật nhưng trên thực tế, việc khởi tố, truy tố, xét xử những vụ án theo Điều luật này còn gặp nhiều khó khăn do không có đủ yếu tố cấu thành tội phạm như đã nêu trên” – ông Quang thông tin.

Nên trao thêm quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cho tổ chức công đoàn cơ sở cấp trên

15h24: Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch Công ty Luật Hừng Đông trình bày tham luận về những khó khăn của người lao động khi khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH đến Tòa án.

Luật sư Nguyễn Danh Huế trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Tô Thế
Luật sư Nguyễn Danh Huế trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Tô Thế

Luật sư Huế cho biết, nợ đọng bảo hiểm xã hội không chỉ tác động trực tiếp đến người lao động mà còn gây hệ luỵ rất xấu cho xã hội.

Ông mong những kiến nghị, giải pháp được nêu ra trong Hội thảo sẽ được lan toả đến cơ quan chức năng để sửa đổi những bất cập của chính sách pháp luật, cải thiện và chấm dứt tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội trong tương lai gần.

Nêu lên những khó khăn của người lao động khi khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH đến Tòa án, ông Huế cho biết, thứ nhất, ngành BHXH chỉ được phép kiểm tra ở một số điểm, khi phát hiện doanh nghiệp sai phạm, ngành BHXH lại phải đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước xử phạt.

Nhưng khi cơ quan quản lý vào cuộc, họ lại không thể dùng kiến nghị của ngành BHXH để xử phạt mà lại phải thanh tra lại từ đầu nên rất rắc rối.

Theo quy định hiện nay, chức năng thanh tra, xử phạt thuộc thẩm quyền của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, nhân lực của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội có hạn, trong khi khối lượng các công việc khác lại rất nhiều;

Thứ hai, hành vi chậm đóng BHXH chỉ bị phạt tối đa đến 75 triệu đồng (đối với cá nhân) và 150.000.000 đồng (đối với tổ chức). Mặc dù mức phạt này đã tăng lên nhiều so với mức cũ, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có số nợ BHXH lên đến hàng tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp rất tinh vi, chấp nhận bị phạt do nợ BHXH để chiếm dụng quỹ BHXH khi quỹ này có thể lên tới hàng tỉ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức phạt hành chính.

Thứ ba, cũng là vướng mắc lớn nhất, là sự bất cập, chưa thống nhất trong các quy định của pháp luật.

Hiện, việc khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH chịu chi phối của 4 đạo luật, gồm: Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ luật Lao động.

Nhưng 4 Luật này đang quy định chưa thống nhất, mâu thuẫn, tạo ra những cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện.

Cụ thể, có luật quy định công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH; có luật lại quy định công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện; có luật lại chỉ quy định chung là công đoàn có quyền khởi kiện.

Việc giao quyền khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho công đoàn cơ sở (vì xác định đây là tranh chấp lao động tập thể về quyền) là không phù hợp với thực tế, vì hầu hết đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đang hưởng lương từ chủ doanh nghiệp nên rất ít người “dám” đứng ra khởi kiện người sử dụng lao động bởi sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Đồng thời, theo Điều 14 Luật BHXH năm 2014 quy định tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại Khoản 8, Điều 10 của Luật Công đoàn.

Công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện ra tòa.

Thế nhưng, theo các điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động (quy định trong Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật BHXH và Bộ luật Tố tụng dân sự) thì để tổ chức công đoàn khởi kiện được và tòa án chấp nhận thụ lý vụ án phải có giấy ủy quyền của người lao động.

“Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc khởi kiện của tổ chức công đoàn chưa phát huy hiệu quả.

Bởi kể cả khi đã có đầy đủ giấy ủy quyền thì lúc đó việc tranh chấp sẽ được coi là tranh chấp cá nhân, tòa án sẽ phải xét xử mỗi một người lao động bị nợ BHXH là một vụ án, quá trình tham gia tố tụng tốn nhiều thời gian; việc tập hợp công nhân cũng gặp trở ngại khi mà họ đã chuyển đi làm ở những doanh nghiệp hoặc địa phương khác” – ông Huế nói.

Không chỉ vậy, việc khởi kiện cũng gặp vướng mắc khi mà công ty phá sản, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn…

Trong những trường hợp này, dù người lao động khởi kiện nhưng công ty tuyên bố phá sản, không thể tìm được người chịu trách nhiệm thì việc người lao động đòi BHXH là gần như không thể.

“Từ những vướng mắc bất cập như trên, cần thiết phải sửa đổi hành lang pháp lý liên quan để tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn cơ sở có thể tiến hành khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH mà không cần tới sự ủy quyền của người lao động.

Thủ tục, hồ sơ khởi kiện cần đơn giản hóa, nhanh gọn, vì nhiều cán bộ công đoàn cơ sở và người lao động nhận thức pháp luật còn hạn chế, khó có thể hoàn tất đầy đủ giấy tờ khởi kiện theo yêu cầu của tòa án.

Cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề trên vẫn là cần phải sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Tố tụng dân sự” – luật sư Huế nêu ý kiến.

Ông Huế cho rằng, nên trao thêm quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cho tổ chức công đoàn cơ sở cấp trên.

Phương án này sẽ tránh được tâm lý e ngại của công đoàn cơ sở cấp dưới khi phải trực tiếp khởi kiện doanh nghiệp vì thực tế là cán bộ công đoàn cơ sở đang nhận lương từ chính doanh nghiệp.

Đồng thời, BHXH là cơ quan có chức năng hỗ trợ thông tin và cùng bám sát việc thu hồi nợ BHXH từ các doanh nghiệp để các quy định về công tác khởi kiện của công đoàn được đồng bộ, thống nhất.

“Điều quan trọng hơn, mỗi lao động cần mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm về BHXH, nhằm đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho mình” – ông Huế nói.

Ông Huế bày tỏ mong muốn, những ý kiến tại Hội thảo sẽ được gửi đến Quốc hội để sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa 4 luật (Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Bảo hiểm xã hội và Tố tụng dân sự) trong khởi kiện nợ đọng bảo hiểm xã hội của tổ chức công đoàn sẽ được giải quyết để quyền lợi của người lao động được đảm bảo.

15h25: Đại biểu tại Hội thảo xem Clip phóng sự: “Giải pháp bảo vệ quyền lợi NLĐ và sự hỗ trợ của các bên trong quá trình hỗ trợ NLĐ đòi quyền lợi” do Trung tâm Media – Báo Lao Động thực hiện.

Làm thế nào để giảm tình trạng nợ đóng BHXH?

15h15: PV Nguyễn Viết Long - Báo Pháp luật TPHCM hỏi: Trách nhiệm của cơ quan BHXH ở đâu khi mà để các công ty, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động nhiều như vậy?

Ông Dương Văn Hào – Trưởng ban Quản lý Thu – Sổ, thẻ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Ông Dương Văn Hào – Trưởng ban Quản lý Thu – Sổ, thẻ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) trả lời: Cơ quan BHXH hết sức thấu hiểu, trăn trở trong việc thực hiện chức năng của Chính phủ giao.

Cơ quan BHXH có 2 nhiệm vụ cơ bản: Tổ chức thực hiện chính sách và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện chính sách.

Trong thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ của mình, cơ quan BHXH đã triển khai nhiều giải pháp từ việc cử cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình của doanh nghiệp để đôn đốc số nợ đọng BHXH cũng như gửi thông báo kết quả đóng BHXH về chủ doanh nghiệp.

Theo đó, người lao động đều được xác nhận quá trình đóng BHXH của năm đó. Điều này thể hiện sự công khai thông tin với người lao động và chủ thể doanh nghiệp.

Đặc biệt triển khai sử dụng bảo hiểm xã hội số, hiện nay, tỉ lệ người lao động được cài đặt VSSID hơn 90%, người lao động có thể kiểm tra quá trình đóng BHXH, BHYT,... Khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực, BHXHVN được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra các đơn vị trong việc thực hiện đóng BHXH.

Việc nợ BHXH hiện nay vẫn còn tiếp diễn nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn, không có tiền trả lương, thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, bên cạnh khởi kiện hình sự, cơ quan BHXH đề xuất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấm xuất cảnh với chủ nợ từ 12 tháng trở lên; không vinh danh, không khen thưởng đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm...

Có những doanh nghiệp “kinh doanh trên cả nỗi đau của người lao động”

15h10: Trao đổi thêm tại Hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, đối với 200.000 lao động đang bị trốn đóng BHXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã từng nhiều lần kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ, Quốc hội có các giải pháp đảm bảo quyền lợi cho họ; nếu không, họ đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có những người lao động không thể về hưu.

“Tôi còn nhớ trong một diễn đàn, tôi nghe được câu chuyện có người lao động về hưu mà không có lương hưu mang về cho vợ. Người vợ không thể hiểu được tại sao làm bao nhiêu năm mà khi nghỉ hưu lại không có lương hưu” – ông Hiểu kể.

Ngoài ra, ông Hiểu cho biết, có những trường hợp người lao động mất không được nhận tiền tử tuất; sinh con, khi con đã lớn vẫn chưa được nhận tiền thai sản.

“Duy trì cuộc sống bình thường đã khó, khi có sự kiện lớn như sinh con thì người lao động đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu bị nợ đọng xã hội, khi về lâu dài sẽ có nhiều người không có lương hưu.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, không ít doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội do khó khăn nhưng cũng có những doanh nghiệp cố tình trây ì khoản tiền này, “kinh doanh trên cả nỗi đau của người lao động” - ông Hiểu nói.

Xử lý hành chính trước khi xử lý hình sự trong trốn đóng BHXH

15h00: PV Bích Ngọc - Đài tiếng nói Việt Nam hỏi: Việc công ty không đóng bảo hiểm cho người lao động trong quá trình người lao động làm việc sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Để xảy ra tình trạng trên có phải là do chưa có chế tài đủ mạnh, ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao như thế nào và có đề xuất gì?

Giải đáp câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, các chế tài mà pháp luật quy định, áp dụng, hành lang pháp lí đều đã có và đầy đủ.

Nhưng trên thực tế, chúng ta đang gặp khó khăn trong việc áp dụng luật.

Đầu tiên, vướng mắc khi chưa thể xử lý hình sự là điều kiện trước đó phải có xử lý hành chính trong việc trốn đóng BHXH.

Hiện nay, cơ quan xử lý hành chính không bao quát được việc này, chưa làm hết trách nhiệm.

Do đó, hành lang pháp lí xử lý hành chính là điều kiện để xử lý hình sự.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cơ quan cao nhất đại diện cho người lao động có ý kiến với Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền tích cực đẩy mạnh việc này.

Trong doanh nghiệp cần thiết có một cơ quan đại diện để đứng ra khởi kiện.

Không nên đặt ra vấn đề uỷ quyền khi công đoàn khởi kiện đòi quyền lợi BHXH

14h50: Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời câu hỏi của phóng viên về quyền khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội của tổ chức công đoàn.

 
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Tô Thế

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, công đoàn được giao quyền khởi kiện bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động.

Việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH chịu sự chi phối của 4 luật: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Bảo hiểm xã hội và Tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng luật, thẩm tra luật đã không để ý đến sự thống nhất, nên các đạo luật có sự mâu thuẫn nhau.

Có đạo luật yêu cầu công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, có đạo luật nêu rõ là công đoàn cơ sở; có đạo luật bắt buộc người lao động phải uỷ quyền, có đạo luật thì yêu cầu chung.

Chính vì có sự khác nhau như vậy, nên dù các cấp công đoàn rất nỗ lực đưa các vụ việc ra toà, nhưng đến nay, cơ bản là bế tắc, toà không thụ lý các vụ việc.

 
Ảnh: Tô Thế

Ông Hiểu cho biết, trong nhiều diễn đàn, ông đã từng kiến nghị xem xét sửa các luật để đảm bảo tính đồng bộ; nếu cần thiết thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể giải thích luật để công đoàn thực hiện được quyền này.

Đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHXH có quy định để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi kiện thì phải do NLĐ uỷ quyền. Chúng tôi kiến nghị xem xét sửa lại quy định này, bởi theo Điều 10 Hiến pháp, công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của người lao động.

Vì vậy, với công đoàn không nên đặt ra vấn đề uỷ quyền.

Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp có hàng nghìn, chục nghìn người lao động, nếu rơi vào những trường hợp này thì thủ tục hành chính, thời gian, để tiến hành khởi kiện sẽ rất lớn.

 
Các nhà báo đặt câu hỏi cho đại diện các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý. Ảnh: Tô Thế 

Phải có chủ thể khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

14h35: Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình bày tham luận về một số thủ đoạn vi phạm pháp luật trong việc trốn đóng BHXH bắt buộc, việc truy cứu trách nhiệm và kiến nghị, đề xuất.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình bày tham luận về một số thủ đoạn vi phạm pháp luật trong việc trốn đóng BHXH bắt buộc, việc truy cứu trách nhiệm và kiến nghị, đề xuất.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình bày tham luận về một số thủ đoạn vi phạm pháp luật trong việc trốn đóng BHXH bắt buộc, việc truy cứu trách nhiệm và kiến nghị, đề xuất.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do hai chủ thể có nghĩa vụ đóng là người sử dụng lao động và người lao động, trong đó, người sử dụng lao động đóng tổng số 18%, người lao động đóng tổng số 8%.

Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chia sẻ: Vì mục đích vụ lợi hoặc động cơ, mục đích khác nên thời gian vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã lợi dụng một số quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện, quy định về chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH chưa nghiêm để có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc với các thủ đoạn điển hình như:

Một là, mặc dù không trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc đối với quỹ BHXH nhưng trốn tránh nghĩa vụ này đối với người lao động, chiếm đoạt phần BHXH bắt buộc của người lao động đã bỏ ra.

Hai là, người sử dụng lao động không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc hoặc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian mà pháp luật quy định.

Ba là, người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động nhưng hết thời hạn định kỳ mà pháp luật quy định (01 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng) phải có nghĩa vụ đóng, nhưng người sử dụng lao động vẫn không chịu đóng mặc dù đã được thông báo hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Bốn là, người sử dụng lao động đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định với các trường hợp.

Năm là, một số doanh nghiệp tuyển dụng người lao động làm việc tại các vị trí đơn giản đã xác định chỉ sau một thời gian sử dụng lao động sẽ sa thải và tuyển mới các đối tượng lao động khác nên chỉ ký kết hợp đồng thời vụ hoặc trả lương không có hợp đồng lao động...

Đồng thời, không kê khai, báo cáo về số lao động này và không đăng ký đóng bảo hiểm xã hội để trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng nhận định theo số liệu thống kê của cơ quan này cho thấy kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay, các cơ quan tố tụng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất cứ vụ án hình sự nào theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Việc người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc thời gian qua xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn... khiến người lao động không được hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, muốn rút BHXH một lần cũng không được, về già cũng không có lương hưu…

“Đây là những hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an sinh xã hội, khiến xã hội không thể phát triển bền vững. Phòng ngừa, truy cứu trách nhiệm và xử lý hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc là sự đòi hỏi khách quan, bức thiết trong việc xây dựng, hình thành một xã hội văn minh, ổn định, vì quyền lợi của người dân” – ông Hạnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Hạnh cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như xử lý, khắc phục tình trạng này: Các cơ quan thanh tra lao động và chính quyền địa phương không ngừng đề cao trách nhiệm quản lý hoạt động sử dụng lao động; Tuyên truyền giúp người lao động hiểu biết về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đóng BHXH bắt buộc; Tiếp tục tăng cường sự tham gia tuyên truyền, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của người lao động; Hoàn thiện quy định pháp luật, đặc biệt là các chế định miễn trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự của người lao động trong trường hợp người lao động đồng thuận với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc.

Bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, cũng cần chú ý đến việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, hình phạt bổ sung.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự đối với những trường hợp này khi không có người đứng ra khởi kiện theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Cơ quan bảo hiểm xã hội chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được Quốc hội giao

14h25: Ông Phan Nghiêm Long (Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) trình bày tham luận về khó khăn trong xử lý nợ đóng bảo hiểm xã hội và những tác động đến người lao động.

 
Ông Phan Nghiêm Long (Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Ảnh: Tô Thế

Theo ông Phan Nghiêm Long, khi người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với người lao động (NLĐ), đó là, NLĐ không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác, coi như tất cả các chế độ trước đó mà NLĐ đáng được hưởng đều bằng không” – ông Long cho biết và cho rằng, hệ quả này còn tác động đến gia đình của người lao động và cả xã hội.

Ông Long cho rằng, mặc dù các quy định của pháp luật cơ bản ngày một hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ quyền lợi của chủ thể tham gia, nhưng đâu đó vẫn chưa thể bao quát bảo vệ quyền lợi của các chủ thể, trong đó có người lao động, khiến họ phải gánh chịu hậu quả khôn lường.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, theo ông Long là cơ quan bảo hiểm xã hội chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được Quốc hội giao.

Cụ thể, ông Long phân tích, tại Khoản 3 Điều 23 Luật BHXH năm 2014, Quốc hội đã giao cơ quan BHXH có trách nhiệm tổ chức thực hiện thu, chi BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT; hàng năm, xác nhận thời gian đóng BHXH cho từng NLĐ.

Theo đó, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, không để xảy ra tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Ngoài ra, Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực ngày 1.1.2018 đã quy định tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.

Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15.8.2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 214 tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của Bộ luật Hình sự đã quy định chi tiết về một số thuật ngữ như trốn đóng BHXH; gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH; không đóng tiền BHXH; không đóng đầy đủ quy định tại khoản 1 Điều 216; 6 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều 216.

Theo đó, một số hành vi chậm đóng BHXH theo thống kê của cơ quan BHXH như trên thuộc vào hành vi trốn đóng BHXH quy định tại Điều 216.

Đồng thời, Khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP cũng quy định “Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan bảo hiểm xã hội gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Mặc dù, thời gian qua, BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố đã chuyển hồ sơ các đơn vị không thực hiện Quyết định, Kết luận thanh tra đến cơ quan công an, kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự, nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được đơn vị nào.

Ông Long còn nêu nguyên nhân từ sự tuân thủ pháp luật của bản thân chủ sử dụng lao động; nguyên nhân từ phía cơ quan quản lý tại địa phương… Để khắc phục tình trạng trốn, chậm đóng BHXH, ông Long đề nghị bổ sung quy định của pháp luật đối với cơ quan BHXH có trách nhiệm xác định, khai thác và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH là đơn vị theo dõi và nắm thông tin rõ nhất về việc đăng ký tham gia, đóng BHXH của các đơn vị sử dụng lao động, do đó, để tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật và sự tuân thủ pháp luật của người sử dụng lao động, có thể cân nhắc bổ sung quy định của pháp luật về việc cơ quan BHXH có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động như Luật BHXH 2006 có quy định.

Ròng rã đi đòi nợ BHXH

14h20: Bà Nguyễn Thị Huyền - Quản đốc Phân xưởng may - Nhà máy Dệt kim Haprosimex (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex) phát biểu tại Hội thảo.

 
Bà Nguyễn Thị Huyền - Quản đốc Phân xưởng may - Nhà máy Dệt kim Haprosimex. Ảnh: Tô Thế

Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương từ tháng 1.2017 và nợ BHXH từ tháng 7.2011 của toàn bộ gần 500 anh chị em công nhân.

Tính đến trước tháng 3.2023, số tiền Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ BHXH của người lao động là hơn 15 tỉ đồng.

Trong 6 năm ròng rã, người lao động đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà người lao động nhận được là: “Doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho người lao động”.

Do bị nợ BHXH, BHYT nên quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hàng trăm người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đặc biệt, trong số gần 500 công nhân Nhà máy Dệt thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex bị lãnh đạo nợ lương, nợ BHXH… hoàn cảnh của 2 chị em chị Lê Thị Là khó khăn nhất: Chị Là 2 lần sinh con nhưng đến thời điểm trước tháng 3.2023, chị chưa được nhận chế độ thai sản; đáng buồn hơn, em gái chị Là - chị Ngân - không may qua đời năm 2012, tới trước tháng 3.2023 - gia đình vẫn chưa được nhận tiền tử tuất.

Làm tại nhà máy từ tháng 12.2008 thì đến tháng 9.2012, sức khoẻ chị Ngân giảm sút. Lúc này, chị Ngân mang thai cháu thứ 2 được 5 tháng tuổi.

Chị Ngân được sau đó phát hiện mắc bệnh ung thư máu. Khi đó, mọi chi phí thuốc men cho Ngân đều do gia đình chi trả, bởi chị không được tham gia BHYT.

Sau đúng 1 tuần phát hiện ra bệnh thì chị Ngân mất cùng với đứa con chưa kịp chào đời.

Giai đoạn này, hoàn cảnh gia đình chị Ngân hết sức khó khăn… Để có tiền làm tang cho chị Ngân, người thân trong gia đình đến trụ sở của cơ quan BHXH nộp hồ sơ nhằm được hưởng chế độ tử tuất.

Tuy nhiên, phía cơ quan BHXH cho biết, do Công ty CP Tập đoàn Haprosimex chưa đóng đủ BHXH cho chị Ngân nên không thể hoàn thiện hồ sơ thủ tục để chi chế độ tử tuất cho gia đình.

Thấu hiểu hoàn cảnh của Ngân, cùng cảnh công nhân nghèo với nhau, nên anh chị em trong Nhà máy đã cùng nhau ủng hộ 1 ngày lương để hỗ trợ gia đình làm đám tang cho Ngân.

Khi mẹ mất, con trai chị Ngân mới 3 tuổi - nay cháu đã 14 tuổi, học lớp 8 - nhưng đến trước tháng 3.2023, chế độ tử tuất của chị Ngân, gia đình vẫn chưa được nhận.

Bản thân chị Là - chị gái chị Ngân - cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều năm làm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex, nữ công nhân 3 con này đang bị công ty nợ lương, nợ BHXH dẫn đến quyền và lợi ích chính đáng bị vi phạm nghiêm trọng.

Chị Là đã sinh 3 cháu, tuy nhiên, với 2 cháu sinh năm 2016 và 2017, tới thời điểm trước tháng 3.2023, chị Là vẫn chưa được nhận chế độ thai sản.

Để nuôi 3 con ăn học, chị Là hàng ngày cùng chồng bươn chải kiếm tiền, ai thuê gì làm nấy: từ thợ may gia công, lái xe ôm, phụ hồ…

Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, người lao động đã nhiều lần tìm gặp lãnh đạo công ty để đòi quyền lợi… nhưng đáp lại người lao động là những lời hứa suông.

Người lao động đã làm đơn kêu cứu đến nhiều nơi, nhưng vô vọng. Sau hàng chục lần đi đòi quyền lợi không được, người lao động đã phản ánh sự việc với Báo Lao Động và các cơ quan báo chí khác.

Đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã trả hết số tiền nợ đọng BHXH của người lao động - hơn 15 tỉ đồng; phía cơ quan BHXH thành phố Hà Nội đã tiến hành chốt sổ BHXH cho gần 100 người lao động còn lại của Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex để đảm bảo quyền lợi cho họ…

14h15: Đại biểu tại Hội thảo xem clip phóng sự: “Nhức nhối tình hình nợ đóng, trốn đóng BHXH hiện nay” do Trung tâm Media Báo Lao Động thực hiện.

14h10: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu khai mạc Hội thảo.

 
Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ảnh: Tô Thế

Theo ông Dũng, bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước.

Trong 37 năm thực hiện đường lối đổi mới, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song chính sách an sinh xã hội luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước.

Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên khẳng định quyền an sinh xã hội cơ bản cho người dân.

Điều 34 quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” và Điều 59 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội”.

Bộ Luật Lao động (năm 2019) quy định rõ người sử dụng lao động có nghĩa vụ: Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động. Luật Việc làm (năm 2013) mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp)…

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi tham gia vào quan hệ lao động, người sử dụng lao động và người lao động, theo các trường hợp luật định, phải cùng nhau có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Trong trường hợp các bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì sẽ bị áp dụng các trách nhiệm pháp lý trong đó có trách nhiệm hình sự.

“Thời gian vừa qua đã có nhiều vi phạm, tội phạm phát sinh trong lĩnh vực bảo hiểm nói chung, đặc biệt là bảo hiểm xã hội vì động cơ vụ lợi, với số tiền vi phạm như trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt… lên đến hàng trăm tỉ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhân dân, đặc biệt, việc trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã tác động, ảnh hưởng đến số lượng lớn người lao động, gây thất thu đối với quỹ bảo hiểm, khiến an sinh xã hội không được bảo đảm, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước” – ông Dũng nhấn mạnh.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chính sách về bảo hiểm xã hội, tiếp tục cảnh báo, nhận diện, đánh giá chính xác, đầy đủ về tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội hiện nay để từ đó có những kiến nghị, đề xuất khoa học nhằm khắc phục tình trạng này.

Trên cơ sở được sự nhất trí của lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Lãnh đạo VKSND tối cao, Báo Lao Động và Báo Bảo vệ pháp luật phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo diễn ra trong vòng 1/2 ngày.

14h00: Hội thảo chính thức diễn ra.

Dự Hội thảo có ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Lại Viết Quang – Vụ trưởng Vụ thi hành Quyền công tố và Kiểm sát xét xử hình sự - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; ông Nguyễn Văn Thắng - Tổng Biên tập Báo Bảo vệ pháp luật; ông Vũ Minh Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn; ông Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – Tổng Biên tập Báo Lao Động; cùng đại diện các Ban của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Hà Nội; các chuyên gia, luật sư, đặc biệt, có sự tham dự của đại diện người lao động và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Hội thảo được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Báo Lao Động và Báo Bảo vệ pháp luật thực hiện, nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2023) và 63 năm thành lập Viện Kiểm sát nhân dân (26.7.1960 – 26.7.2023)

Hội thảo với các chuyên đề, tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, luật sư và chính người lao động tại hội thảo cung cấp các thông tin phản ảnh toàn diện thực trạng việc nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ); Nâng cao hiểu biết cho NLĐ về các quy định của pháp luật, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi tham gia các quan hệ lao động và nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Giúp NLĐ nhận diện các hành vi vi phạm liên quan đến việc đóng BHXH bắt buộc và cách thức khởi kiện đòi bồi thường, khắc phục hậu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm hại...

Từ đó, nhận định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là ngành Bảo hiểm xã hội, với chức năng, quyền hạn về kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm về BHXH, BHTN, BHYT...; trách nhiệm trong việc đảm bảo thu đúng, thu đủ, đầu tư và sử dụng hiệu quả quỹ BHXH, không để tiếp tục xảy ra những sai sót, nợ đọng kéo dài mà không có hướng giải quyết quyết liệt như thời gian qua...

Đồng thời, xác định các giải pháp, kiến nghị khả thi trong việc hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc, việc truy cứu trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm và bảo vệ người lao động.

Chương trình Hội thảo sẽ được tường thuật trực tuyến trên Báo Lao Động điện tử (Laodong.vn), Youtube và Fanpage của Báo Lao Động; Báo Bảo vệ pháp luật điện tử (Baovephapluat.vn); Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn), Fanpage của Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Cổng Thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam…

 
BÁO LAO ĐỘNG
TIN LIÊN QUAN

Làm rõ thực trạng việc nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Hà Anh |

Chiều 21.7, tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”.

Thu nhiều, hiệu quả đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội chưa cao

Đình Trường |

Chỉ trong 6 tháng 2023, toàn ngành giải quyết cho khoảng 37.000 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng; 665.423 người hưởng các chế độ BHXH một lần. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng thu trùng, chi sai BHXH, sinh lời đầu tư từ quỹ này chưa đạt hiệu quả cao,...

Các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội 15.797 tỉ đồng

Hà Anh |

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính đến thời điểm 30.6.2023, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải tính lãi là 15.797 tỉ đồng, chiếm 3,3% số phải thu. Tổng số đơn vị chậm đóng là 302.372 đơn vị tương ứng với hơn 4.541.850 người lao động.

71 cán bộ, giáo viên gửi tâm thư xin giảm nhẹ cho cựu Phó Chủ tịch Hà Nội

Việt Dũng |

71 người gồm giáo viên, cán bộ của trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) gửi "tâm thư" tới TAND Hà Nội xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Chử Xuân Dũng - cựu Phó Chủ tịch Hà Nội, bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu.

Nhiều đường đi bộ nhếch nhác, vắng bóng người qua lại tại Hà Nội

Vĩnh Hoàng |

Hà Nội - Sau vài năm đưa vào sử dụng, những tuyến đường dành riêng cho người đi bộ rơi vào cảnh hoang tàn, nhếch nhác và ngập rác thải.

Tranh chấp chỗ đỗ xe ô tô tại Goldmark City tiếp tục căng thẳng

CAO NGUYÊN |

Tối qua (24.7), tại khu chung cư Goldmark City (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), tình trạng tranh chấp liên quan đến khu vực đỗ xe lại nóng lên khi nhiều ô tô không được xuống hầm.

Hé lộ tạo hình và diễn xuất của bé An phim điện ảnh “Đất rừng Phương Nam”

DI PY |

Phim điện ảnh “Đất Rừng Phương Nam” đang thu hút sự chú ý của khán giả, trong đó nhân vật bé An do diễn viên nhí Hạo Khang thủ vai nhận được nhiều sự kì vọng. Theo tiết lộ của đoàn làm phim, Hạo Khang tham gia casting vai “Cò” nhưng lại bén duyên với vai diễn “linh hồn” của phim - bé An.

Thanh tra đột xuất ngôi trường bị phụ huynh quây kín cổng đòi làm rõ việc thu chi

Tô Công |

UBND huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan thanh tra, làm rõ việc quản lý, sử dụng các khoản thu, chi xã hội hóa tại Trường Tiểu học Văn Luông.

Làm rõ thực trạng việc nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Hà Anh |

Chiều 21.7, tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”.

Thu nhiều, hiệu quả đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội chưa cao

Đình Trường |

Chỉ trong 6 tháng 2023, toàn ngành giải quyết cho khoảng 37.000 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng; 665.423 người hưởng các chế độ BHXH một lần. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng thu trùng, chi sai BHXH, sinh lời đầu tư từ quỹ này chưa đạt hiệu quả cao,...

Các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội 15.797 tỉ đồng

Hà Anh |

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính đến thời điểm 30.6.2023, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải tính lãi là 15.797 tỉ đồng, chiếm 3,3% số phải thu. Tổng số đơn vị chậm đóng là 302.372 đơn vị tương ứng với hơn 4.541.850 người lao động.