Dự Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân này 12.6 (Chương trình), nhiều CNLĐ Bình Dương bày tỏ sự vui mừng trước thông tin lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 1.7.2022.
Anh Nguyễn Thanh - công nhân Công ty TNHH East West Industries Việt Nam KCN VSIP II, Thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương - chia sẻ: “Tham dự Chương trình, tôi rất vui khi nghe Thủ tướng thông tin việc ký Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Tôi nghĩ đây là niềm mong mỏi của mọi người lao động trong bối cảnh giá cả tăng” - anh Thanh chia sẻ.
Anh Hoàng Trọng Hùng - công nhân ở KCN VSIP bày tỏ: “Hiện lương và thu nhập của tôi tương đối ổn rồi, tuy nhiên nhiều lao động làm việc ở bên ngoài khu công nghiệp chưa được mức 4.680.000 đồng/tháng. Với quy định mới, các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh tăng lương, giúp NLĐ có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống” - anh Hùng bày tỏ.
Ở nhà trọ Trung Kiên, phường Tân Định, thị xã Bến Cát, Bình Dương có khoảng 400 phòng trọ cho thuê. Đa số công nhân ở đây làm việc trong công ty gỗ, may mặc, giày da. Hầu hết người lao động có lương và phụ cấp từ 5-7 triệu đồng/tháng. Đối với công nhân phải nuôi con, cha mẹ già, ai cũng ra sức tăng ca để có khoản thu nhập từ 7-9 triệu đồng/tháng.
Chị Sơn Thị Ngọc (22 tuổi, quê Cà Mau, công nhân công ty giày da) cho biết, lương cơ bản của chị hiện 4,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm các khoản phụ cấp được 5,5-6 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng chị phải cố gắng tăng ca thêm 50-60 giờ để có thu nhập tăng thêm 2,5 triệu đồng nuôi 2 con nhỏ. Lương tối thiểu được điều chỉnh, mỗi tháng chị Ngọc có thêm 260.000 đồng, đủ để trả tiền điện, nước hoặc ăn sáng.
Những ngày giữa tháng 6.2022, giá xăng tiếp tục tăng, trong khi lương chưa tăng người lao động tiếp tục phải thắt chặt chi tiêu, nhất là với gia đình có con cái trong độ tuổi ăn học. Chị Nguyễn Thị Kiều (công nhân công ty gỗ ở khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát) cho biết, thu nhập một tháng trung bình từ 7-9 triệu đồng.
“Thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 16 triệu đồng/tháng nhưng phải trang trải rất nhiều khoản. Con tôi đang học mầm non và cấp 1, mỗi tháng phải chi cho các cháu gần 4 triệu đồng. Ngoài ra, tiền trọ 2 triệu đồng, tiền ăn của gia đình 4 triệu đồng, chưa kể tiền xăng xe, điện thoại... tối thiểu hết 10 triệu đồng. Tôi lo thời gian tới, nếu điều chỉnh học phí thì mỗi tháng chúng tôi có thể phải chi thêm 600.000 đồng tiền học cho các con” - chị Kiều cho biết.
Tương tự, làm việc ở KCN VSIP 1 (thành phố Thuận An), anh Lê Lộc cho biết, thu nhập của 2 vợ chồng dao động từ 15-20 triệu đồng/tháng. Số tiền này đủ để gia đình 4 người sinh hoạt trong điều kiện tằn tiện và còn dư chút đỉnh để gửi cho cha mẹ ở quê vào dịp lễ Tết. “Giá xăng tăng, kéo theo nhiều mặt hàng khác cùng tăng. Trong khi đó mình lại có 2 con rồi nên phát sinh nhiều chi phí. Vợ chồng phải gói ghém lắm mới có thể duy trì được cuộc sống”, anh Lộc cho hay.
Để giảm chi tiêu, gia đình anh Lộc nhận gạo, cá khô, lạc... do bố mẹ gửi từ quê vào.
Đẩy nhanh chi hỗ trợ tiền thuê trọ
Đại diện Sở LĐTBXH Bình Dương cho biết, hiện nay sở đang cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện xét duyệt chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đến nay cơ quan BHXH đã xác nhận cho khoảng trên 1.200 đơn vị với khoảng 50.000 lao động. Hiện các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ cho người lao động. Cơ quan chức năng cũng thường xuyên liên lạc để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoàn tất hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động.