Đồ cúng ông Công ông Táo bao gồm mũ Táo quân, 2 mũ ông (2 cánh chuồn) và 1 mũ bà (không cần cánh chuồn). Đồ vàng mã sẽ được đốt sau lễ cúng ngày 23 tháng Chạp.
Mâm cỗ mặn cúng ông Táo gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã. Trong đó, không thể thiếu món cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép chính là phương tiện để ông Táo lên trời.
Ở miền Bắc, các gia đình cũng mua thêm 3 con cá chép, cá vàng sống thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ. Sau khi làm lễ thì đem ra sông thả, chúng được coi như là phương tiện đưa Táo quân lên trời.
Ngoài ra, hình tượng cá chép cũng truyền tải khát vọng "cá chép hóa rồng" ngụ ý thăng hoa, tinh thần bền lòng chinh phục tri thức và sự thành công. Ở miền Trung thì thường cúng một con ngựa giấy đầy đủ yên cương, riêng miền Nam chỉ cúng áo, mũ giấy là đủ.
Hiện nay, nhiều bà nội trợ đã dùng gà luộc ngậm hoa hồng bằng đĩa thịt vai luộc hay canh măng, canh mọc, canh bóng.. được thay bằng các món khác như bánh chưng gấc, xôi chè, thịt đông, nem rán, miến xào lòng gà, hành muối... cho phù hợp thời tiết hoặc khả năng chuẩn bị.
Thông thường đồ cúng, đỗ lễ chỉ có trà, bánh, kẹo... với mong muốn Táo quân "ngọt giọng". Có thể không cần thiết làm cả mâm cỗ mặn với đầy đủ các món nói trên. Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc nữa.
Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.
Ngày nay, trên thực tế, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo đã được đơn giản đi rất nhiều, không bắt buộc phải có đủ các món như mâm cỗ truyền thống. Các gia đình có thể tùy chỉnh các món ăn trong mâm cúng sao cho phù hợp với văn hóa vùng miền, điều kiện kinh tế cũng như khẩu vị.