Nâng cao tính chuyên nghiệp khi đầu tư trái phiếu
Sau những bất cập trong quá trình phát triển thị trường trái phiếu khiến tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng tiêu cực, ngày 16.9.2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65) với nhiều điểm mới liên quan đến các đối tượng tham gia vào thị trường.
Nghị định bổ sung quy định doanh nghiệp phát hành phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm trong một số trường hợp cụ thể theo quy định của Luật Chứng khoán và việc này sẽ áp dụng từ ngày 1.1.2023. Khi doanh nghiệp phát hành cho nhà đầu tư cá nhân phải có hợp đồng kí kết với đại diện người chủ sở hữu trái phiếu; phải có xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản từ việc phát hành trái phiếu.
Liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, nghị định bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm về nghĩa vụ công bố thông tin của nhà phát hành cho nhà đầu tư và trách nhiệm trong việc sử dụng vốn và các quy định khác.
Nghị định được nhiều người kỳ vọng sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải đảm bảo có 2 tỉ đồng danh mục đầu tư với giá trị trung bình trong vòng 6 tháng và việc xác nhận đó sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng đây là một điểm rất mới, tăng trách nhiệm của nhà đầu tư hơn khi đưa ra quyết định đầu tư của mình. Đó là khi mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đọc một bản công bố thông tin và phải tự ký vào bản đó, xác nhận tiếp nhận đầy đủ những thông tin doanh nghiệp công bố; đồng thời hiểu pháp luật và chịu trách nhiệm về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…
Nới dần room tín dụng
Sau thời gian thắt chặt room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước thời gian gần đây đưa ra nhiều quyết định khiến các doanh nghiệp với giới đầu tư đặt kỳ vọng. Đầu tháng 12.2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% (nới room) cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, khoảng 240.000 tỉ sẽ được cung thêm cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản, theo đó được tăng thêm luồng tiền, nâng tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 vào khoảng hơn 400.000 tỉ đồng.
Đây là tin vui và gây bất ngờ vì trước đó dù có nhiều đề nghị, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không nới room quá 14% để kiểm soát lạm phát. Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước chỉ nới room cho một số ngân hàng thuộc nhóm Big 4 và các ngân hàng tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.
Nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách được tháo gỡ
Ngày 17.11.2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP.Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, tổ công tác sẽ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng. Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh là tổ phó.
Trong khi đó nhiều luật liên quan tới bất động sản sắp được sửa đổi và thông qua. Giới chuyên gia cho rằng, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai, tiếp sau đó là hàng loạt luật khác như Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp thị trường bất động sản khởi sắc khi đang ở đáy năm 2012.
PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho hay, sau 10 năm, cơ hội lại đến khi năm 2023, Quốc hội cũng sẽ thông qua nhiều luật, đặc biệt là Luật Đất đai. “Thị trường sẽ bước sang giai đoạn mới. Chưa lần nào chuyển tiếp mà thị trường xấu đi” - ông Chung khẳng định.