Nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên: “Ký ức Điện Biên sống mãi trong tôi”

Thu Hiền thực hiện |

Trong những ngày cuối tháng Tư này, ký ức về Điện Biên Phủ, về cuộc kháng chiến 9 năm tràn ngập các phương tiện thông tin, chúng tôi may mắn gặp được một người lính già thủa ấy, ông là một chàng trai con nhà giàu Hà Nội đang được học hành tử tế nhưng đã vứt bỏ tất cả để tìm đến tinh thần tự do trong cuộc kháng chiến chống Pháp, giành độc lập. Thế hệ những chàng trai Hà Nội ngày đó theo kháng chiến không phải là ít. Họ đã góp phần tạo nên một khuôn mặt chiến tranh đầy hào khí và lãng mạn. Ông là Lê Nguyên, nhà thơ, nhà biên kịch điện ảnh, nay đã ngoài 80. Ông dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thân tình giàu hình ảnh xen lẫn những bài thơ của ông trên từng chặng cuộc đời. Ông kể:

3 anh em chúng tôi (Lê Hiệp, Lê Nội, Lê Nguyên) từ trước ngày toàn quốc kháng chiến đã tham gia Hội Hướng đạo sinh của cụ Hoàng Đạo Thúy. Ngày đó, phong trào Hướng đạo sinh thu hút rất nhiều thanh thiếu niên của các thành phố lớn, nhất là Hà Nội.

Và chính cụ Thúy đã gieo vào lòng chúng tôi ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ trước đất nước, cộng với lòng yêu thương dân tộc giống nòi. Hai điều đó dần hun đúc trong tâm hồn chúng tôi một ý nghĩa khác của đời sống, không cam chịu thân phận nô lệ.

Mặt khác, trong nhà tôi, có một anh thư ký của cụ thân sinh tôi, tên Sơn, là cán bộ Việt Minh. Cứ tan học về là 3 anh em chúng tôi chạy ngay lên gác thượng, khóa trái cửa để anh Sơn giao cho truyền đơn rồi đem dán ở khắp nơi. Từ đó, trong tim chúng tôi luôn hướng về Việt Minh.

Năm 15 tuổi, tôi ra ga đầu cầu (Long Biên) để đi tàu lên Phú Thọ, Yên Bái, tìm đường vào chiến khu và cũng để tìm hai người anh tôi đã đi trước đó. Tôi nhập cuộc đúng vào giai đoạn cầm cự của cuộc kháng chiến, hoạt động trong Đội võ trang tuyên truyền.

Lúc ấy, tại Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, địch đã chiếm hết nên chúng tôi phải hoạt động trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Lúc đó đội võ trang vừa hoạt động bí mật trong rừng, phải vận động từng người dân đi theo kháng chiến, vừa phải đào củ mài, xuống sông đánh cá để có lương thực. Cứ thế cho đến khi hình thành được Đại đội Độc lập ở Phố Ràng.

Nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên.
Nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên.

Ông đã có mặt trực tiếp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Câu chuyện nào làm ông xúc động và ấn tượng nhất?

- Từ những ngày đầu tham gia cuộc kháng chiến, tôi đã làm báo, tờ báo đầu tiên tôi làm có tên là “Thành đồng biên giới”, rồi sau đó là báo “Công Đồn”. Năm 1953, khi được lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ, khi ấy mới hơn 20 tuổi, tôi được giao phụ trách tờ Anh Dũng, tờ báo của Sư đoàn 312. Làm báo trong thời điểm đó vô cùng khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phát hành đều đặn một tuần một số.

Tôi vừa là phóng viên, vừa được là phái viên của Sư đoàn. Tôi đề nghị cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên có nhiệm vụ viết bài. Tôi có nhiệm vụ gom các bài viết rồi biên tập, họa sĩ Nguyễn Thụ phụ trách trình bày, anh Huy Toàn nhận trách nhiệm viết chữ ngược để in lytô.

Tất cả công việc này chúng tôi đều thực hiện dưới chiến hào và Sư đoàn 312 còn giao hẳn cho một tiểu đội việc phát hành báo đến tận từng đơn vị. Hiện nay, ở Bảo tàng Cách mạng, vẫn lưu giữ 3 số báo Anh Dũng được phát hành vào thời điểm 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những ký ức Điện Biên đến giờ vẫn sống mãi trong tôi. Có những câu chuyện đến hết cuộc đời này tôi cũng không quên được.

Chẳng hạn như lá thư của Nguyễn Văn Hải chiến sỹ thi đua của Sư đoàn 312 viết cho tôi bên chiến hào, lúc im tiếng súng trên tờ giấy lượm được của phía địch. Lá thư đó, sau này tôi đã tặng lại cho bảo tàng, nhưng nội dung và nét chữ của Hải đến giờ tôi vẫn thuộc lòng. Cậu ấy viết vào rạng sáng và đến chiều thì hy sinh.

Còn buổi chiều ngày 7.5.1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào những giờ phút kết thúc. Dưới chiến hào, bùn đất lẫn máu ngập đến tận đầu gối. Đúng lúc đó, một chỉ huy đề nghị tôi huy động tất cả phóng viên hỗ trợ tấn công. Lúc bấy giờ, dưới sức ép của pháo địch, tất cả anh em đã trở thành điếc đặc.

Tôi phải lấy một tờ giấy, ghi vài dòng lên đó đại ý hiện nay bên bộ đội đang cần tiếp viện, anh em cố gắng, cuối cùng ngót một tiểu đội đã được huy động. Lúc bấy giờ có một hai tên địch lăn xuống chiến hào cúi lạy. Tôi ra đứng trên mép hào, thì bỗng thấy cả một rừng cờ trắng vẫy lên. Cái cảm xúc vào thời khắc ấy trong tôi thật khó tả. Bởi dù là bên chiến thắng hay thất bại thì cuộc chiến tranh nào cũng không ít bi thương.

Trong buổi chiều hoàng hôn hôm ấy, máu của cả hai bên nhuộm đỏ đường đi. Người chết cả phía ta và địch nhiều vô kể. Rồi những người bị thương dìu nhau đi. Cảnh tượng ấy vừa kiêu hùng, vừa bi tráng mà suốt 60 năm qua, nhắm mắt lại tôi vẫn thấy ngay trước mặt.

Vậy câu chuyện những ngày hòa bình đầu tiên, thưa ông?

- Sau tiếp quản thủ đô chừng hai tuần tôi mới từ nơi đóng quân tại Bắc Ninh về Hà Nội, ô tô đỗ ở Bến Nứa nhưng tôi lại không về nhà mà thả bộ vòng qua Hàng Đậu, chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào, ra Bờ Hồ, Hàng Khay, vào một hiệu ảnh chụp một tấm hình rồi mới về Hàng Thùng. Người đầu tiên đón tôi là mẹ, bà ôm chầm lấy tôi rồi nói mỗi một câu: “Lớn thế này rồi à?”. Có lẽ đó là giây phút ấm áp nhất của đời tôi.

Bỏ Hà Nội để dấn thân vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, nơi cái sống cận kề cái chết, vậy mà trở về, ông vẫn nguyên vẹn một chàng trai Hà Nội, hào hoa, phong nhã. Phải chăng tinh thần lãng mạn và lạc quan đó đã đưa ông từ anh bộ đội Lê Nguyên thành nghệ sĩ Lê Nguyên sau này?

- Thực ra, với những người trai Hà Nội như chúng tôi, tình yêu với nghệ thuật với thơ và nhạc nó như một tố chất nằm sẵn trong con người mình. Trong chiến dịch Hòa Bình năm 1950, sau trận đánh ác liệt với quân địch, chỉ huy biết tôi có làm thơ và viết nhạc đã yêu cầu tôi viết một bài để động viên tinh thần anh em.

Tôi đã ngồi trong hang đá viết bài “Dưới chân Ba Vì” rồi phổ nhạc. Đó là tác phẩm đầu tiên của tôi trong một hoàn cảnh mới. Điều tôi xúc động nhất là hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng vừa rồi lên Sơn Tây vẫn có người nhớ đến bài hát của tôi, và hằng năm vào ngày 27.12, ngày kỷ niệm thành lập Sư đoàn 312 bài hát đó vẫn được cất lên.

Vậy cơ duyên nào khiến ông rẽ ngang từ một nhà báo sang với điện ảnh?

- Năm 1958, tôi được giao nhiệm vụ tham gia tìm kiếm hiện vật tại chiến trường Điện Biên Phủ để xây dựng bảo tàng. Năm 1960, sau khi hoàn thành xong công việc tôi được cử sang bổ sung cho Bộ Văn hóa và được cử đi học Khóa 1, Khoa biên kịch phê bình phim Trường Sân khấu - Điện ảnh. Từ đấy có duyên nợ với điện ảnh.

Sau 1975, tôi làm công tác biên tập tại Xưởng phim tổng hợp TP.HCM và may mắn được tham gia vào thời gian điện ảnh Việt Nam có những tác phẩm nổi tiếng nhất. Có nhiều bộ phim đã gây xúc động mạnh mẽ và đến giờ vẫn để dấu ấn sâu đậm trong tôi như “Cánh đồng hoang”, “Vùng gió xoáy” của đạo diễn Hồng Sến, “Về nơi gió cát” của Huy Thành...

Sau những thành công đó, ông lại lạc vào thế giới của trẻ thơ, lại có những thành công trong thể loại phim hoạt hình. Phải chăng ông đã chán người lớn hay vì một lý do gì, thưa ông?

- Cái đó hình như cũng là duyên nợ thôi. Để có những kịch bản phim hoạt hình được sử dụng, tôi đã trải qua không ít khó khăn. Tôi đã viết kịch bản phim hoạt hình dưới một cái tên khác, rồi gửi đường bưu điện ra Cục Điện ảnh.

Đến khi kịch bản được duyệt tôi mới nói đấy là kịch bản của mình. Có những kịch bản tôi làm ngược lại so với logic thông thường. Chẳng hạn kịch bản “Kiến và ve sầu”, rất nhiều người đã phản đối vì chưa quen với một logic khác. Nhưng khi ra phim, ai cũng công nhận một cách nhìn hay.

Trẻ thơ có logic riêng của nó. Và đó chính là điều thu hút tôi. Có những kịch bản hoạt hình không phải được viết từ thế giới của tôi mà chính là con trai tôi (họa sĩ Lê Thiết Cương – PV) đã gợi ý cho tôi viết như “Câu chuyện bất ngờ”.

Lúc đó Cương, mới 6 tuổi, một hôm theo bố từ xưởng phim về, nó cứ đứng trước cửa kính đẩy ra đẩy vào rồi đưa ra cho tôi một câu hỏi: “Bố ơi, người ta có thể trông thấy cái mặt thật của mình không?”. Lúc ấy, tôi đã nảy ra một ý tưởng trong đầu nhưng phải đến 2 năm sau mới bắt tay vào viết kịch bản và được giải thưởng Liên hoan phim. Đây cũng là bộ phim sử dụng thủ pháp người giả, người thật, tức là từ nhân vật hoạt hình chuyển sang nhân vật là con người.

Đã có 5 tập thơ được xuất bản, 3 tập sẽ in và rất nhiều thơ tặng bạn bè, đồng nghiệp. Hình như thơ mới là bạn đồng hành dài lâu nhất của ông. Thế hệ trẻ chúng tôi rất muốn nghe quan niệm của ông về thơ?

- Những ký ức từ khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cùng những kỷ niệm năm tháng làm điện ảnh... tất cả đã khiến tôi trào dâng cảm xúc và cầm bút viết. Với tôi, thơ là tiếng nói từ sâu thẳm con người mình, giúp tôi giải tỏa những cảm xúc của mình.

Từ xưa thơ là những điệu hát ru con, những câu ca dao. Thơ có thế mạnh là nói được tất cả các cung bậc cảm xúc, tình cảm. Cho nên, với tôi và những người làm thơ, đấy là tiếng ngân của lòng, là ngôn ngữ trực cảm tuyệt diệu mà tạo hóa ban cho con người.

Ông đọc cho tôi nghe những vần thơ tràn đầy yêu thương với một chất giọng run run ấm áp. Cái khí chất lãng mạn của một thời trai trẻ nơi ông mang trọn vẹn tinh thần lãng mạn của cuộc kháng chiến 9 năm mà dấu son cuối cùng là chiến dịch Điện Biên Phủ. Và đẹp đẽ thay, ông vẫn là con người của thời kỳ đó.

Nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên sinh năm 1931 tại Hà Nội.Ông tham gia cách mạng từ trước ngày toàn quốc kháng chiến. Tham gia các chiến dịch Hoàng Su Phì, Biên giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Lý Thường Kiệt, Tây Bắc, đặc biệt là 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ.Năm 1960 học Khóa I Trường Sân khấu điện ảnh. Ông đã có nhiều đóng góp cho các thể loại phim truyện, tài liệu, hoạt hình.
Thu Hiền thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.