Cao Bằng “khát“… một con đường

Long Nguyễn |

Cao Bằng – vùng địa linh, không chỉ là nơi phên dậu bảo vệ Tổ quốc, cái nôi của cách mạng Việt Nam mà còn bởi cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ oai hùng. Thế nhưng, suốt nhiều năm qua, vì giao thông khó khăn nên nền kinh tế miền địa đầu vẫn cứ quẩn quanh trắc trở, như chính những con đường dẫn lên xứ này...
Nhọc nhằn đường lên non

Khó thể diễn tả bằng lời nỗi gian truân đường xá để đến với Cao Bằng. Xấp xỉ 300 km tính từ Hà Nội, dù về Lạng Sơn rồi theo QL4A, hay chọn hướng Thái Nguyên - Bắc Kạn rồi đi QL3, thì đường nào lên Cao Bằng cũng vẫn rất khó. Nếu khác, có chăng, chỉ bởi tính chất.

Bải hoải dừng chân bên chừng dốc, giữa đèo Bông Lau lộng gió, ôn cố tri tân để nhắc nhớ nơi này từng ghi dấu nhiều trận đánh oanh liệt của cha ông ta trước quân đội Pháp tinh nhuệ. Nhưng giờ đây, đoạn đèo huyền thoại giáp danh giữa Lạng Sơn và Cao Bằng này lại đang chứng kiến bao nhọc nhằn của cánh tài xế.

Từng đoàn xe container ì ạch nhích từng mét trên mặt đường nhằng nhịt sỏi đá. Xe này tiến, đồng nghĩa xe đối diện phải nép vào sát vách núi mà chờ đợi. Đường thì hẹp quá, lại không có lan can bảo vệ, chỉ một chút sơ sẩy là cả chiếc xe nặng nề có thể trật bánh rơi xuống vực thẳm.

Chỉ chút sơ sẩy, điều xấu nhất có thể xảy ra... Ảnh: LN.
Chỉ chút sơ sẩy, điều xấu nhất có thể xảy ra... Ảnh: LN.

Chong mắt nhìn theo vết bánh xe đang tạo hành từng hõm lớn trên mặt đất, ông Hoàng Văn Thạch – Giám đốc Sở GTVT Cao Bằng - giọng nghèn nghẹn: “Cao Bằng vẫn xác định QL4A là trục đường chính yếu để kết nối với các tỉnh bạn. Đoạn đường hỏng này thuộc Lạng Sơn, nhưng lại là huyết mạch giao thông của tỉnh chúng tôi. Do đường xấu, hàng hóa mạn Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh… vận chuyển lên rất khó khăn và hay tắc. Tôi lâu nay cuộc họp nào cũng đề xuất trung ương cho cải tạo, nâng cấp nhưng chưa được. Thế mới thành giai thoại để nói vui: Cao Bằng xin sửa đường cho… Lạng Sơn”.

Hành trình thực tế tiếp theo của chúng tôi trên QL3 nối từ TP.Bắc Kạn lên TP.Cao Bằng cũng chẳng khá khẩm hơn. Quãng đường hơn 100km thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 4 miền núi (như QL4) cũng rất nhỏ hẹp, quanh co, dốc dựng đứng và đặc biệt rất nhiều khúc cua giật tay áo khiến hầu hết người trên xe đều choánng váng mệt mỏi.

Đã thế, cung đường còn vắt qua 5 đỉnh đèo hiểm trở bậc nhất vùng núi phía bắc nên sương mù thường giăng dày đặc. Ở những khúc cua, do đường hẹp, nên phần lớn các cục bê tông (bờ bò) đều đã ngã đổ hoặc bị hất văng xuống vực thẳm. Ông Thạch cho biết thêm: “Mặt đường QL3 tuy khá hơn, nhưng bản chất lại cực khó di chuyển. Nhưng vì QL4A xấu quá nên người ta vẫn buộc phải đi. Đường này hay xảy ra tai nạn và mỗi khi như vậy, coi như chờ nguyên cả ngày cho đến khi có xe cẩu đến giải tỏa”.

Điểm nghẽn của phát triển

Bên cạnh 2 tuyến đường nối với trung ương nói trên, người đứng đầu ngành vận tải tỉnh Cao Bằng cũng giúp chúng tôi mục sở thị QL34 nối sang Hà Giang, là tuyến liên tỉnh cuối cùng trong mạng lưới giao thông nghèo nàn của địa phương này. Đây là con đường rất nhỏ, thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 5 miền núi nhưng còn nhiều đoạn vẫn dang dở dù đã... gần xuống cấp. Đã thế, toàn bộ gói an toàn giao thông như gương cầu, hộ lan… đều không được triển khai.

Ông Hoàng Văn Thạch - Giám đốc Sở GTVT Cao Bằng trên đoạn đường tránh QL34 thi công dang dở. Ảnh: LN.
Ông Hoàng Văn Thạch - Giám đốc Sở GTVT Cao Bằng trên đoạn đường tránh QL34 thi công dang dở. Ảnh: LN.

Ông Thạch chia sẻ, khác với các địa phương trong cả nước, đặc thù của Cao Bằng chỉ duy nhất có đường bộ. Do đó, nếu không được cải thiện, nền kinh tế của tỉnh cũng vì thế mà bế tắc theo. “Chúng tôi đều hiểu rằng, điểm nghẽn của phát triển kinh tế chính là hạ tầng giao thông. Nếu không phát triển được giao thông, thì nền kinh tế cũng mãi mãi không phát triển được” – ông Thạch tâm sự.

Cũng theo vị Giám đốc Sở GTVT, Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới dài nhất cả nước với 333km giáp Trung Quốc cùng nhiều cửa khẩu và các lối mở. Do đó, tiềm năng phát triển nền kinh doanh cửa khẩu là rất rõ ràng, nhưng vì đường không có nên cứ quẩn quanh mãi. Cao Bằng cũng có các nhà máy sản xuất phôi thép, thuốc lá, mía đường… nên nhu cầu giao lưu hàng hóa và vận tải về xuôi rất cao...

“Biết đất nước còn nghèo, chúng tôi nào dám mơ cao tốc, dù biết chính phủ đã có chủ trương. Chỉ khẩn mong có một con đường nâng cấp lên từ QL4A. Trong giai đoạn từ giờ đến 2020, chỉ một con đường cấp 3 thôi để 2 xe dễ dàng tránh được nhau, cũng là hạnh phúc lắm rồi. Thế nhưng mong mỏi mãi vẫn chả được…”- ông Thạch buồn rầu cho biết.

Dồi dào tiềm năng, nhưng...

Cùng chung tâm trạng khao khát một con đường để miền địa đầu này có cơ hội thay da đổi thịt, ông Sầm Việt An - Giám đốc Sở VH-TT&DL - cho biết: Cao Bằng có tiềm năng du lịch rất lớn bởi đây là vùng đất cổ, ngay từ thời Lý, Trần đã là thủ phủ của các thủ lĩnh địa phương. Sau đấy đến thời nhà Mạc định đô hơn 80 năm nên cũng kéo theo các di sản văn hóa rất đậm đặc.

Ông Sầm Đức An - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cao Bằng: Nếu hỏi chúng tôi cần cái gì nhất để phát triển kinh tế xã hội và du lịch, thì đó là một con đường. Ảnh: LN.
Ông Sầm Đức An - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cao Bằng: Nếu hỏi chúng tôi cần cái gì nhất để phát triển kinh tế xã hội và du lịch, thì đó là một con đường. Ảnh: LN.

Cung cấp cho PV nhiều bộ hồ sơ giấy tờ liên quan, ông An tự hào: “Từ năm 1499, trấn Cao Bằng đã thành lập như một đơn vị hành chính độc lập và tồn tại tới ngày nay. Như vậy, so với các tỉnh khác là rất lâu đời. Chưa kể các nhà khoa học đang có thiên hướng nghiên cứu Thục Phán An Dương Vương là người Cao Bằng, gốc Âu Việt.

Sấm trạng Trình cũng nhắc đến Cao Bằng như một vùng đất yên bình. Trước là quân Trung Quốc, sau là thực dân Pháp cũng sớm nhìn thấy địa thế quan trọng của Cao Bằng. Rồi đến Bác Hồ khi về nước cũng chọn Cao Bằng là nơi cư trú để dựng xây cách mạng, Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng được đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập ở đây…”

Chính từ thực tế đó, kết hợp với địa hình hiểm trở, ông An cho biết, Cao Bằng hiện có hơn 200 di tích và rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Nổi tiếng nhất là thác Bản Giốc (Trùng Khánh), hang Cốc Bó (khu di tích Pác Bó), động dơi (Hạ Lang), khu rừng Trần Hưng Đạo, đỉnh Phja Đén (Nguyên Bình) cao chỉ sau Fansipan khí hậu như Sapa, hồ trên núi…

Cũng theo vị lãnh đạo Sở VH-TT&DL, thời gian gần đây, Cao Bằng còn có thêm một số loại hình du lịch như du lịch tâm linh, du lịch biên giới, du lịch mạo hiểm… nhưng phần lớn đều chưa phát triển vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố quan trọng là do hạ tầng giao thông rất yếu kém sao với các địa phương khác.

“Ai đến với Cao Bằng cũng đánh giá ở đây có tiềm năng phát triển du lịch lớn, nhưng khổ nỗi, không thể đi nổi. Đường xá lên Cao Bằng vừa yếu kém lại độc đạo nên mấy ngày mới đi được vài điểm du lich. Các hãng lữ hành tính toán thấy không thuận lợi nên không mặn mà… Nếu hỏi chúng tôi cần cái gì nhất để phát triển kinh tế xã hội và du lịch, thì chắc chắn đó là một con đường” – ông An tâm sự.

Được biết, tháng 4.2015, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng, Bộ trưởng Bộ GTVT thời ấy là ông Đinh La Thăng đã nhất trí với kiến nghị của tỉnh về việc đầu tư nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 4A từ Cao Bằng đi Lạng Sơn thành đường cao tốc. Tiếp đó, tháng 6.2016, người kế nhiệm ông Thăng là ông Trương Quang Nghĩa cũng tiếp tục ghi nhận những kiến nghị của Cao Bằng về vấn đề này.

Có đường thì mới có kinh tế hàng hóa

Sáng 9.1.2017 tại buổi làm việc tại Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã góp ý về đường hướng phát triển cho tỉnh, ý kiến thành viên đoàn công tác cho rằng, sự phát triển của tỉnh chưa xứng với tiềm năng.

Tỉnh có các lợi thế chưa được khai thác hết là du lịch và kinh tế cửa khẩu. Hiện nay, tỉnh chỉ đón khoảng 800.000 lượt khách mỗi năm. Nằm giáp với Trung Quốc, Cao Bằng có thị trường tiêu thụ rộng lớn, có 3 cửa khẩu chính và nhiểu cặp cửa khẩu phụ, lối mở. Tuy nhiên, thương mại qua biên giới còn thấp, theo con số chính thức là khoảng 800 triệu USD, quá nhỏ so với kim ngạch thương mại 100 tỷ USD giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Nguyên nhân chưa khai thác hết lợi thế chính là giao thông khó khăn khi mà “có đường thì mới có kinh tế hàng hóa”, như phát biểu của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Với tinh thần giao thông là quan trọng bậc nhất, là điểm then chốt trong phát triển đối với Cao Bằng, Thủ tướng đồng ý với một số kiến nghị của tỉnh về hỗ trợ kinh phí xây dựng, nâng cấp một số tuyến đường...

Theo Chinhphu.vn

Đứng cuối về chỉ số năng lực cạnh tranh

Theo báo cáo mới nhất, năm 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Cao Bằng tiếp tục đứng trong nhóm cuối cùng của bảng xếp hạng, cụ thể 63/63. Mặc dù được đánh giá là đã có nhiều nỗ lực để đổi mới, song do giao thông quá khó khăn nên Cao Bằng vẫn chưa thể là điểm đến đầu tư. Đây là bài toán khó mà bản thân Cao Bằng không thể tự mình giải quyết nên rất cần sư quan tâm hỗ trợ từ các cấp trung ương.

Long Nguyễn
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.