Anh Lê Văn Hiệp (kinh doanh tại tỉnh Sơn La, quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) cho biết, mỗi dịp Tết về quê, anh hay đi chúc Tết họ hàng, làng xóm. Gặp nhau tay bắt, mặt mừng, rộn ràng trong không khí xuân, nhưng điều anh ngại nhất là những chén rượu mừng.
Ở quê anh Hiệp, khách đến chúc Tết, chủ nhà ai cũng mang rượu ra mời. Chén đầu là chén chào xuân, còn nếu chủ nhà quý mến, có thể mời chén thứ hai, thứ ba. “Chén thứ 2, thứ 3 mình có thể từ chối, nhưng chén thứ nhất rất khó mà nói không, vì đây là chén rượu mừng xuân, thể hiện sự mến khách của chủ nhà. Nếu mình từ chối, có thể sẽ làm phật ý chủ nhà vì họ kiêng bị từ chối đầu năm, coi đây là “điềm xui” đầu năm” – anh Hiệp kể.
Nếu đến chúc Tết một nhà thì không sao, nhưng thường anh phải đi chúc Tết rất nhiều nơi. Mỗi chỗ đến chỉ cần uống 1,2 chén, thì sau một vòng chúc Tết xóm làng, lượng rượu tiêu thụ vào người là không nhỏ.
Để hạn chế lượng rượu vào người, theo anh Hiệp, chỉ có một cách nói với chủ nhà rót rượu vào cốc nhỏ; nếu không, chủ nhà sẽ có xu hướng rót đầy rượu vào cốc to, vì quan niệm như thế mới là quý khách.
Không chỉ đi chúc Tết họ hàng, mỗi lần đi họp lớp, họp đồng môn, anh Hiệp cũng uống rất nhiều. Theo anh Hiệp, chỉ có ngày Tết Âm lịch, những người đi làm ăn xa quê mới trở về đông đủ; còn những dịp nghỉ lễ khác như 2.9, 30.4… người về, người không. Vì vậy, các buổi họp lớp, họp đồng môn diễn ra nhiều. Nào là họp lớp cấp 1, cấp 2, họp nhóm bạn thân chơi với nhau.
“Thực ra, những buổi họp lớp như này, dù ít xảy ra ép rượu nhau, nhưng tâm lý của mọi người là lâu lắm mới gặp nhau, cảm thấy rất vui nên sẽ có xu hướng uống nhiều bia rượu. Tuy không phải ép buộc, nhưng cứ có bạn mời là lại cạn ly, ngại từ chối, vì chẳng lẽ bao lâu mới gặp nhau, bạn mời cốc rượu mà lại từ chối. Hơn nữa, dịp Tết là dịp nghỉ dài ngày, “ngày rộng tháng dài”, không phải lo ngày hôm sau đi làm, nên ai cũng có tâm lý thoải mái. Kết quả là sau những buổi họp lớp, họp đồng môn, hầu như nam giới ai cũng quá chén” – anh Hiệp kể.
Theo anh Hiệp, anh chưa chứng kiến hậu quả nào quá lớn của những lần quá chén này, nhưng tình trạng say xỉn, va chạm giao thông, bị thương tích là thường xuyên xảy ra.
Anh Lê Văn Tuyên (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) cho rằng, đối với không ít người, ngày thường họ đã ngại từ chối mỗi khi được mời bia rượu, vì nhiều lý do như cả nể, ngại bị "nói ra, nói vào", còn vào ngày Tết, tâm lý ngại từ chối bia rượu còn nặng hơn vì đây là ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, anh Tuyên cho rằng, cần vượt qua tâm lý này, vì điều quan trọng của các mối quan hệ không phải là số rượu uống nhiều hay không, mà là sự chia sẻ, quan tâm lẫn nhau, có chung những câu chuyện, vấn đề cần trao đổi.
“Nếu bị ai ép rượu, tôi sẽ thẳng thừng từ chối, vì nếu ép nhau, điều đó thể hiện đã không tôn trọng nhau rồi. Nhiều người không uống rượu là có lý do cá nhân, ví dụ họ đang bị bệnh gì đó, hoặc chỉ đơn giản là không muốn say" – anh Tuyên nói.
Theo anh Tuyên, đừng ngại từ chối nếu không muốn uống rượu. Khi xảy ra chuyện gì đó do say rượu, người khổ nhất chính là nạn nhân và những người thân của họ.
"Uống rượu với tâm thế thưởng thức và trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện với nhau mới là cách uống văn minh chứ không phải cạn chén "trăm phần trăm", làm khổ bản thân mình và nhiều người khác" - anh Tuyên nói.