Tháng 7.2022, hãng xe VinFast đã chính thức công bố dừng kinh doanh ô tô chạy xăng, tập trung vào sản xuất, kinh doanh ô tô điện. Tại thời điểm đưa ra công bố, quyết định này nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các chủ xe cũng như người yêu thích ô tô. Câu chuyện về hướng đi của VinFast vẫn được đem ra bàn luận rất lâu sau khi hãng công bố quyết định của mình.
Trên thế giới, Ủy ban châu Âu đã quyết tâm loại bỏ ô tô chạy xăng dầu vào năm 2035. Một số bang của Mỹ cũng đưa ra mốc 2035 là thời hạn cuối để bán ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các hãng ô tô lớn như Volvo, Ford, MG cũng đã đưa ra định hướng đến 2030 sẽ chỉ còn xe thuần điện. Thậm chí, các hãng siêu xe như Lamborghini cũng không nằm ngoài cuộc đua khi giới thiệu các mẫu siêu xe thuần điện, thể hiện sự cam kết với ngành công nghiệp này trong tương lai.
Vậy, tại sao xe điện, phương tiện mà nhiều người cho rằng chúng “bất tiện” với quãng đường di chuyển ngắn, thời gian sạc lâu, lại trở thành một xu hướng mới?
Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn vào thực tế xa hơn những bất cập mà việc sử dụng xe điện mang lại. Ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô cùng với thực trạng sử dụng trên khắp thế giới đang tạo ra những áp lực không nhỏ đến môi trường sống của con người.
Theo chuyên trang thống kê The World Counts, ngành giao thông vận tải là một trong những nguồn phát thải CO2 lớn nhất và là nguồn gây ô nhiễm không khí chính với 2 phương tiện mới tham gia giao thông mỗi giây. Đến năm 2030, con số này sẽ nhiều hơn 4.
Bên cạnh ảnh hưởng của việc sản xuất xe, sử dụng ô tô tham gia giao thông cũng gây ảnh hưởng không kém, vì 80-90% tác động đến môi trường của ô tô đến từ việc tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính.
Ô tô điện nổi lên như một giải pháp để giảm thiểu những ảnh hưởng của việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch mang lại, khi có thể giảm một nửa lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, bù đắp tới 540 Megaton CO2 tương đương, theo The World Counts.
Cơ bản, nhu cầu xe điện đang gia tăng là một ví dụ điển hình của việc ứng dụng công nghệ sạch (cleantech) và ảnh hưởng tích cực của nó tới môi trường sống của chúng ta.
Công nghệ sạch là gì?
Trong tài chính, thuật ngữ công nghệ sạch (cleantech - clean technology) được dùng để chỉ các công nghệ khác nhau nhắm tới việc cải thiện tính bền vững của môi trường. Cách sử dụng thuật ngữ này đã thay đổi qua nhiều năm, một số người dùng coi nó đồng nghĩa với các thuật ngữ như “công nghệ xanh” để chỉ các nguồn năng lượng tái tạo, các phương pháp tái chế mới và các phương pháp thân thiện với môi trường khác, theo Investopedia.
Trong lịch sử, công nghệ sạch được dùng để chỉ nhiều loại công nghệ và thực tiễn, từ sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió cho đến cải tiến quy trình có thể nâng cao hiệu quả trong chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất. Ngày nay, cuộc thảo luận chủ đạo về các vấn đề môi trường có xu hướng sử dụng các thuật ngữ có ý nghĩa môi trường rõ ràng hơn, chẳng hạn như “công nghệ xanh” hoặc “công nghệ thân thiện với môi trường”.
Công nghệ xanh không chỉ được áp dụng trong ngành công nghiệp ô tô. Các nhà đầu tư quan tâm đến các công ty và công nghệ thân thiện với môi trường hiện có rất nhiều lựa chọn, từ các công ty riêng lẻ đến danh mục đầu tư đa dạng. Cùng với đó, sự gia tăng đều đặn việc làm liên quan đến lĩnh vực này cũng thể hiện xu hướng thay đổi của nền công nghiệp thế giới.
Rõ ràng, sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp xe điện không chỉ thể hiện nhu cầu về xe trên thế giới đang thay đổi, mà rộng hơn, nó còn thể hiện nhu cầu ứng dụng công nghệ xanh trong các ngành công nghiệp truyền thống cũng như mong muốn giảm tải áp lực môi trường từ người tiêu dùng cũng như các công ty sản xuất.