Việt Nam - hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng

Linh Anh |

“Người Việt Nam da nâu, mắt đen, thảo thơm bất khuất như cành sen”.... Tôi đã trực tiếp nghe ca sĩ Tùng Dương hát câu này trong ca khúc "Một vòng Việt Nam" nhưng có lẽ chỉ đến khi cơn bão số 3 ập đến, kéo theo là mưa lũ ở nhiều khu vực tại Bắc Bộ thì mới cảm nhận hết được mấy từ “thảo thơm”, “bất khuất”.

Những lúc khó khăn nhất, gian khổ nhất, chịu đựng đau thương nhiều nhất thì sự kiên cường, sự yêu thương, đùm bọc, tình người lại rực sáng. Bởi trong mỗi người vẫn còn đó hai chữ “đồng bào” thiêng liêng.

Từ khi còn bé, chúng tôi đã được học rằng, Việt Nam là đất nước có vị trí địa lý chịu nhiều ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường, đặc biệt là bão lũ. Sự khắc nghiệt ấy đã đi vào câu hát quen thuộc “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Cũng chính sự khắc nghiệt mà điều kỳ diệu nảy nở từ lòng người: tình yêu thương, sự chia sẻ và tinh thần đùm bọc đồng bào đã trở thành một phần không thể thiếu của người Việt Nam.

Bão lũ không phân biệt giàu nghèo, không hỏi thăm kẻ mạnh người yếu. Nhưng ngay khi tin tức về những ngôi làng bị ngập lụt, những mái nhà bị sập đổ được phát đi, người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc lại hướng về những nơi gặp thiên tai bằng tất cả trái tim mình. Những chuyến xe chở đầy nhu yếu phẩm nối dài hàng cây số, những người không giàu có vẫn sẵn sàng bớt đi bữa cơm để dành chút gạo, ít muối gửi vào vùng bão. Tất cả gom góp từ lòng thương và sự thấu hiểu rằng, hôm nay người ta gặp nạn, ngày mai có thể mình là người cần giúp đỡ.

Một chiếc xuồng chở người dân từ vùng ngập nước phường Quang Vinh (TP Thái Nguyên) đang tiếp cận khu vực khô ráo với nhiều lực lượng sẵn sàng bảo đảm an toàn cho người dân. Ảnh: VGP
Một chiếc xuồng chở người dân từ vùng ngập nước phường Quang Vinh (TP Thái Nguyên) đang tiếp cận khu vực khô ráo với nhiều lực lượng sẵn sàng bảo đảm an toàn cho người dân. Ảnh: VGP

Không chỉ có vật chất, tình người trong bão lũ còn thể hiện qua hành động cứu trợ kịp thời và tận tâm. Có những người hùng âm thầm, những chiến sĩ cứu hộ không quản mưa gió, vượt qua từng con sóng dữ để đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Có những người dân bình thường, tự nguyện biến nhà mình thành nơi trú ẩn tạm thời cho hàng chục gia đình khác, không đòi hỏi điều kiện hay phần thưởng.

Tình người Việt Nam trong cơn bão lũ còn thể hiện qua sự đoàn kết. Khi khó khăn đến, mọi hiềm khích nhỏ bé giữa con người bỗng dưng tan biến. Người thành phố, người nông thôn, già trẻ gái trai, ai cũng sẵn lòng chung tay đóng góp, không phân biệt giai cấp hay địa vị xã hội. Trên mạng xã hội, những thông tin kêu gọi giúp đỡ lan truyền chóng mặt. Từ những người nổi tiếng cho đến những người dân thường, tất cả đều hòa chung một nhịp đập của lòng yêu thương và sự sẻ chia.

Bão lũ có thể tàn phá nhiều thứ, nhưng không thể quét sạch được tinh thần kiên cường và tình nghĩa đồng bào của người Việt. Sau những trận bão, người ta không chỉ thấy sự mất mát mà còn cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của sự yêu thương, của lòng nhân ái. Bão lũ đi qua, để lại những mảnh đời tàn tạ, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để chúng ta nhận ra rằng, chỉ cần có tình người, mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua.

***

Trong cả triệu tấm lòng thảo thơm hướng về đồng bào đang chịu ảnh hưởng bởi bão lụt, tìm ra một câu chuyện mang tính bao quát, đầy đủ không dễ. Nhưng mạng xã hội, báo chí đã đề cập đến câu nói đầy cảm hứng của GS.TS. Lê Ngọc Thạch - Giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) khi ông cầm cuốn sổ tiết kiệm của cả cuộc đời lên tới 1 tỉ đồng để đóng góp ủng hộ đồng bào. Số tiền ấy, ông nói là để dành từ tiền hưu trí, tiền đi dạy và cả tiền viết sách suốt nhiều năm qua. Thấy đồng bào miền Bắc đang khổ sở vì bão lũ, ông không kiềm lòng được nên quyết định cầm sổ tiết kiệm của mình ủng hộ hết. Ông chỉ giữ lại phần tiền lãi để lo cho các chương trình thiện nguyện khác.

Một cụ bà được đưa khi cấp cứu sau khi di chuyển khỏi vùng ngập lụt tại TP Thái Nguyên. Ảnh: Phùng Minh
Một cụ bà được đưa đi cấp cứu sau khi di chuyển khỏi vùng ngập lụt tại TP Thái Nguyên. Ảnh: Phùng Minh

"Có thể 1 tỉ đồng là nhiều với đóng góp của một cá nhân, nhưng cũng chỉ là hạt cát so với những thiệt hại mà đồng bào miền Bắc đang gánh chịu" - GS.TS. Lê Ngọc Thạch chia sẻ.

Có lẽ, chính hai chữ “đồng bào” thiêng liêng đã hối thúc một thầy giáo già không hề tiếc khoản tiền rất lớn mà cả đời tích cóp. Chính hai chữ “đồng bào” khiến ông cảm thấy khoản tiền 1 tỉ đồng “chỉ như hạt cát”.

Những ngày này, bên cạnh những cụm từ “hỗ trợ, cứu trợ” thì những cụm từ “tự nguyện”, “miễn phí” được nhắc đến nhiều. Hầu hết hướng về bà con vùng đang chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt. Có những người không còn nhà ở, không còn cái ăn, có nhiều người còn đang còn bị cô lập.

Không chỉ là câu chuyện “hạt cát - 1 tỉ đồng” như ở trên mà mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đang hướng về đồng bào lũ lụt bằng khả năng của mình. Một đồng, một gói mỳ, một quả trứng, một cái bánh chưng lúc này cũng đều quý, không phân biệt ít - nhiều. Tôi đã thấy những chung cư vận động nhau trên các hội nhóm thông qua mạng xã hội gom góp thực phẩm, chăn áo rồi chủ động dùng xe bán tải chở đồ lên thẳng Thái Nguyên, Yên Bái; tôi đã đọc được ở một số vùng tại Đà Nẵng, Nghệ An tập hợp nhau làm bánh chưng, bánh tét gấp gáp gửi về vùng lũ để mong đồng bào ấm lòng... Có vô vàn câu chuyện như vậy sao kể hết.

Để vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm, các doanh nghiệp vận tải cũng nhanh chóng vào cuộc và tất nhiên là miễn phí. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa phát đi thông báo cho biết, sẽ hỗ trợ vận chuyển miễn phí hàng hóa cứu trợ đồng bào các tỉnh bị ảnh hưởng bão số 3. Việc vận chuyển sẽ được triển khai từ ngày 11.9. Nơi gửi hàng bao gồm các ga: Sài Gòn, Sóng Thần, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa. Trước đó, ngày 10.9, Vietnam Airlines cho biết đối với hàng cứu trợ, sẽ miễn phí cước vận chuyển, phụ thu nhiên liệu và các phí liên quan đồng thời được đặt giữ tải ưu tiên trên chuyến bay của các hãng từ các sân bay trên cả nước đến Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Thọ Xuân (Thanh Hóa), Vân Đồn (Quảng Ninh), Điện Biên. Vietjet cũng miễn cước vận chuyển đối với hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến với đồng bào vùng bão lũ đến ngày 20.9. Bamboo Airways cũng thông báo tiếp nhận vận chuyển miễn phí hàng hóa cứu trợ cho các tỉnh miền Bắc đến hết ngày 26.9 áp dụng trên tất cả các chuyến bay của hãng Bamboo Airways khởi hành từ TP Hồ Chí Minh/Đà Nẵng/Cam Ranh/Quy Nhơn/Đà Lạt đến Hà Nội.

Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng tiếp nhận mì ủng hộ đồng bào vùng bão lũ từ Công ty TNHH Lương thực Hà Việt. Ảnh: Hà Việt
Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng tiếp nhận mì ủng hộ đồng bào vùng bão lũ từ Công ty TNHH Lương thực Hà Việt. Ảnh: Hà Việt

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam với sứ mệnh Doanh nghiệp Bưu chính quốc gia vì cộng đồng, phát huy truyền thống “Nghĩa tình” của người Bưu điện, phối hợp với Hội chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức chương trình hỗ trợ vận chuyển miễn phí hàng hóa cứu trợ đến các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3. Từ ngày 11.9 các tổ chức, cá nhân có thể đến bưu cục của Bưu điện Việt Nam trên toàn quốc để gửi hàng cứu trợ tới 12 tỉnh, thành phố bao gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang.

Dường như chúng ta đang có một “cuộc hành quân” hướng về đồng bào khó khăn vì lũ lụt. Cuộc “hành quân” này mang tên tình thương và trách nhiệm. Cả đất nước đang làm theo lợi kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của cơn bão số 3:

“Tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng bào ta ở trong và ngoài nước trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và khả năng, điều kiện tiếp tục phát huy mạnh mẽ “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất, đến tận tay các gia đình bị thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra”.

***

Tổ chức Công đoàn là một trong những tổ chức hưởng ứng và hành động theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sớm nhất. Bởi lẽ trong số các đồng bào đang gặp khó khăn ở những nơi thiên tai tàn phá cũng có những công nhân, lao động, đoàn viên và gia đình họ. Chăm lo chăm sóc cho đoàn viên, người lao động và những người dân nói chung là trách nhiệm và nghĩa vụ của hệ thống Công đoàn.

Ngay sau khi có lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã họp cho ý kiến về việc hỗ trợ đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi).

Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN yêu cầu LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương chủ động có văn bản đề nghị Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị thiệt mạng do ảnh hưởng của bão (10 triệu đồng/người chết); đoàn viên, người lao động bị thương nặng phải nằm viện điều trị (hỗ trợ mức tối đa là 5 triệu đồng/người).

Đối với những địa phương, ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3 gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Công đoàn Đường sắt Việt Nam... chủ động xác định đối tượng, căn cứ mức độ bị thương và thiệt hại về tài sản (nhà cửa bị tốc mái, lũ cuốn trôi, sạt lở, nhà cửa hư hỏng cần sửa chữa ngay...) để kịp thời hỗ trợ đoàn viên, người lao động, với mức hỗ trợ từ nguồn tài chính công đoàn từ 1 đến 3 triệu đồng/trường hợp.

Cùng với đó, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương kêu gọi đoàn viên, người lao động không bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 quyên góp tiền hỗ trợ cho những nơi bị ảnh hưởng bão, lũ, với mức ủng hộ thấp nhất là 1 ngày lương/người.

Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng được thành lập từ năm 1996 theo sáng kiến của Báo Lao Động cũng bắt nguồn từ nghĩa tình và trách nhiệm đối với những thiệt hại mà bão lũ gây ra cho đồng bào ở thời điểm đó.

Gần 30 năm, Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng Vàng đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm để trở thành một địa chỉ, một nhịp cầu để nối rộng những vòng tay nhân ái, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Và mỗi ngày qua đi, những nghĩa cử cao đẹp, những hành động nhân ái vẫn tiếp tục được Quỹ nhân rộng, trao gửi yêu thương tới người nghèo, người gặp khó khăn khắp mọi miền cả nước.

Cho đến nay, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng đã và đang tiếp nhận thêm nhiều tấm lòng thảo thơm của người dân gửi đến bà con vùng lũ.

“Với tinh thần mỗi đóng góp từ cá nhân, doanh nghiệp... dù nhỏ bé cũng là nguồn động viên to lớn, giúp đồng bào vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống nên cán bộ, công nhân Công ty HAVIET foods đã đồng lòng bước đầu ủng hộ giúp đỡ nhân dân vùng bão lũ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống...”, ông Vũ Hoàng Hà - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Hà Việt - chia sẻ khi đưa hàng tới tận nơi nhờ Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng Vàng gửi tới đồng bào.

Còn cần rất nhiều sự chung tay, giúp đỡ, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cùng chia sẻ với đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt... để sớm phục hồi, ổn định cuộc sống.

***

Thế nên, có thể nói rằng trong những cơn bão lũ, điều còn lại không chỉ là đất đá, gạch vữa hay những ngôi nhà đổ nát, mà là những câu chuyện cảm động về tình người. Những câu chuyện ấy không chỉ là những mẩu tin trên báo chí, những dòng trạng thái trên mạng xã hội mà là minh chứng sống động về tinh thần đoàn kết của dân tộc. Mỗi mùa bão lũ đi qua, tình người Việt Nam lại càng thêm sâu đậm, trở thành ngọn lửa sưởi ấm và xua tan đi những ngày tháng u ám do thiên tai gây ra.

Tình người, như vậy, chính là ánh sáng dẫn đường, là niềm tin để chúng ta cùng nhau vượt qua mọi giông bão của cuộc đời.

Những con người thảo thơm bất khuất, vì Việt Nam - hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng.

Linh Anh
TIN LIÊN QUAN

Đoàn viên, công đoàn TPHCM ủng hộ đồng bào bị lũ lụt

Nam Dương |

Các cấp công đoàn của TPHCM đã, đang nhanh chóng đóng góp, ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão, lũ lụt.

Hàng tỉ đồng chi trả thiệt hại về người do bão, lũ lụt

Minh Ánh |

Các doanh nghiệp bảo hiểm có báo cáo mới nhất tình hình thiệt hại và bồi thường thiệt hại do cơn bão số 3, vụ sập cầu Phong Châu và lũ lụt tại các tỉnh miền núi Phía Bắc.

Thủ tướng: Phòng chống lũ lụt đi đôi với khôi phục sản xuất

Trần Tuấn |

Kiểm tra tại Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Phòng, chống lũ lụt đi đôi với khôi phục sản xuất.

Mực nước Thủy điện Hòa Bình ra sao sau mưa lớn?

Minh Nguyễn |

Sau mưa lớn, mực nước ở hồ Thủy điện Hòa Bình tiếp tục dâng cao so với thời điểm đóng cửa xả lũ.

Một học sinh lớp 2 bị xe ôtô cán tử vong trong sân trường

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Một phụ huynh lái xe ôtô bán tải đã vô tình cán tử vong một nữ học sinh lớp 2 ngay trong sân trường.

Đắk Nông điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt

PHAN TUẤN |

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông vừa quyết định điều động, phân công, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt.

Quán cơm bình dân đông khách nhất Hạ Long bị tẩy chay

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long đã có công văn đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc vụ quán Cơm sạch bà Liên bị dư luận đề nghị tẩy chay.

Thượng Hải hứng bão mạnh nhất 75 năm

Thanh Hà |

Bão Bebinca đổ bộ Thượng Hải (Trung Quốc) sáng 16.9 với cường độ bão cấp 1, sức gió vượt qua cơn bão mạnh nhất tấn công thành phố này năm 1949.

Đoàn viên, công đoàn TPHCM ủng hộ đồng bào bị lũ lụt

Nam Dương |

Các cấp công đoàn của TPHCM đã, đang nhanh chóng đóng góp, ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão, lũ lụt.

Hàng tỉ đồng chi trả thiệt hại về người do bão, lũ lụt

Minh Ánh |

Các doanh nghiệp bảo hiểm có báo cáo mới nhất tình hình thiệt hại và bồi thường thiệt hại do cơn bão số 3, vụ sập cầu Phong Châu và lũ lụt tại các tỉnh miền núi Phía Bắc.

Thủ tướng: Phòng chống lũ lụt đi đôi với khôi phục sản xuất

Trần Tuấn |

Kiểm tra tại Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Phòng, chống lũ lụt đi đôi với khôi phục sản xuất.