Những chuyến xuân qua

Tản văn của Tống Phước Bảo |

Tôi hay gọi những chuyến xe cuối năm ăm ắp người chạy về hai đầu thành phố là những chuyến xuân. Khi mùa trở ngọn gió se se, thị thành vốn quen nắng ấm quanh năm bỗng the thắt một nỗi sum vầy. Con nắng mai non rải những tia vàng len lỏi vào dòng người hối hả. Thời gian này, người ta tính bằng một từ gọn lỏn: Chạp.

Chạp réo rắt những câu hỏi ngày về cố xứ. Chạp giục giã những bước chân vội vàng cho kịp mùa sang. Chạp gieo neo lòng người những lắng lo chuyện lương thưởng. Chạp chen chúc giọng Bắc Trung Nam ở bến xe, ở ga tàu. Chạp ký thác nỗi vui cho người về và xác tính niềm buồn cho kẻ ở lại. Như muôn cánh chim di trở gót theo Chạp, ngàn vòng bánh lăn, trăm tiếng còi tàu, từ phía Đông ngược đi Bắc về Trung, từ phía Tây xuôi dòng Cửu Long về châu thổ chín cửa sông. Dù có xa mấy thì ai cũng muốn về nhà năm ba ngày Tết nhứt.

Thị thành phồn hoa với hơn mười triệu dân, tám phương tứ hướng gá thân mình cho khoảng đời nhọc nhằn mưu sinh. Tưởng là quãng thời nhưng rồi trở thành lưu dân định cư hồi nào hổng hay. Cứ vậy mà mỗi độ Tết đến xuân về, dọc ngang trăm con phố, ngàn hẻm nhỏ, câu chuyện về Tết vẫn cứ rổn rảng từ ngày ông Táo chầu trời.

Tranh minh hoạ HẢI TRE
Tranh minh hoạ HẢI TRE

Sớm mai đã nghe giọng Bắc tính toán vé tàu vé xe. Chiều sẫm trời mấy dì miền Trung quày quả trở về với mấy mẹt quà vặt quê cũng đắng đót lòng dạ tiền nong đắt đỏ. Tối thì nghe đám công nhân miền Tây gọi điện cho các nhà xe rồi thở dài thườn thượt. Chuyến xuân cũng âm ba vào tận giấc ngủ mệt nhoài.

Xóm nhỏ nằm trong lòng phố lớn. Hẻm nối liền hẻm như chuyện đời nối liền năm tháng. Xóm nhỏ nhưng hun hút sâu, như phận đời người neo mình nơi thị thành cũng cơ cầu nhiều nỗi. Mấy bà già Bắc theo con cái dọn về xóm nhỏ mang theo nhiều ký ức rêu phong vàng phai lên tuổi mình. Những cái Tết chẳng về được xứ quê, mấy bà già Bắc rủ nhau gói bánh chưng, tìm miến dong Bắc Kạn, mua đậu phụ Làng Mơ, ghé chợ Đo Đạc ở Quận 2 để thấy cái xứ quê của mình dạt dào trong Gạo Tám Xoan, Nếp Cái Hoa Vàng, mắm tôm, xôi gấc, trái nhót, chanh đào, bưởi Diễn Châu… và đặc biệt là bánh chưng Tranh Khúc.

Người Bắc nhớ xứ thèm quê lại lê la khắp các cửa hàng dọc đường Chu Mạnh Trinh (Q.1), Trần Quốc Toản (Q.3), Ông Tạ (Q.Tân Bình), Hòa Hưng (Q.10), Xóm Mới (Q.Gò Vấp), Chu Văn An (Bình Thạnh), để tìm cho mình phong vị chuẩn xứ quê. Cứ hễ thấy hàng quán nào bày kẹo lạc, hũ cà muối, dưa cải thì không cần nhìn biển hiệu cũng biết ngay đó là tiệm bán đồ Bắc.

Mấy dì miền Trung cũng dạt về căn phòng trọ cuối xóm theo bao mùa bão lũ mù trời. Có năm mấy dì long đong với mẹt bánh quà quê bán Tết trong các khu hội chợ, đường hoa ráng kiếm thêm chút đỉnh. Vì lẽ này, vì việc nọ mà họ phải bám trụ với thị thành rồi ăn cái Tết xa xứ. Người miền Trung ăn Tết nhất định chẳng thể thiếu món thịt heo ngâm mắm, bắp bò mật mía, bánh thuẫn, bánh nổ, bánh tổ, bánh lăn và bánh in.

Có lần mấy dì miền Trung ở lại với Tết Sài thành, đêm ba mươi ngồi chung mâm cơm đoàn viên với dân xóm trọ, bày món bắp bò mật mía ra rồi vọng cố hương qua vị quê mà lần hồi kể chuyện. Khúc ruột nối hai đầu đất nước, hễ bước ra vườn bứt nắm lá trà xanh, chọn loại lá bánh tẻ, đủ chát đủ ngọt, đừng chọn lá non quá mà chẳng đượm mùi. Rồi sửa soạn nào là ớt khô, gừng, tỏi, hành khô, thêm nắm củ sả, mẩu vỏ quế thơm nồng, dăm cái hoa hồi, chục nụ đinh hương, vài ba trái thảo quả, cùng đôi chén mật mía, mắm ngon, thế là đã có một tuyệt chiêu bí kíp trong tay để làm món này. Thịt bắp bò kho mật mía này thái thật mỏng, cuốn với lá mơ, chuối chát, khế chua thái sợi, chấm tương Nam Đàn hoặc mắm nêm đâm ớt ngon. Bỏ một miếng thịt vào miệng, là nghe cả một trời quê mình trong đó. Mấy dì miền Trung kể, mà ánh mắt xa xăm. Bận đó, tôi nhớ cả nhà mình đã xuýt xoa khen lấy khen để người miền Trung đúng là có cái món Tết quá ư tinh túy.

Mấy đứa công nhân trẻ miền Tây trôi nổi như đám lục bình cặp về xóm theo cái khu công nghiệp vừa mở quanh ven đô. Ở được thì rủ rê, xóm nhỏ dần dà thành khu trọ cho công nhân khắp vùng miền tụ về. Công nhân mùa này cũng chênh vênh theo những đơn hàng. Nhưng bữa hai lăm Tết, mấy “chiếc” công nhân ùa về xóm trên tay cầm mấy giỏ quà, nghe ríu rít nói cười như chim sáo gọi mùa. Công đoàn phát quà, có thêm cái bao lì xì. Lương ứng trước một nửa, tiền thưởng thì lãnh đủ. Vậy là cũng ấm lòng. Là chẳng còn thon thót lo sợ chuyện không có tiền về Tết. Cũng có đứa chọn ở lại với Tết thị thành, xin vào mấy nhà hàng, quán ăn phụ tết, nghe nói lương được cao hơn ngày thường.

Từ thị thành này về lại miền Tây kỳ thực cũng không xa mấy, nên dãy phòng trọ của đám công nhân thường hiu hắt ngày Tết. Riêng mấy đứa công nhân miền Bắc, miền Trung thì lắm khi ở lại nhiều, bởi tiền tàu tiền xe ngốn hết gần nửa tháng lương. Nhất là những năm sau dịch, hàng hóa công việc cứ lao đao bữa có, bữa không. Mấy bận đó, Tết trong xóm nhỏ bỗng gần gũi ba miền. Cái Tết thiếu khó nhưng nghĩa tình đầy đặn. Không đâu như đất này, Tết đại đồng tụ hội ba miền là vậy.

Vài năm trở lại đây, khu công nghiệp có những chuyến xe 0 đồng chở mấy người công nhân về quê ăn Tết. Độ chừng 26 Tết đã nghe dân tình réo nhau í ới. Mấy bà già Bắc, mấy dì miền Trung thoáng chốc thành ngoại, thành nội, thành luôn mẹ của đám công nhân để hưởng xuất tặng cho người thân. Bữa ông tổ trưởng của xóm nhỏ cười hề hà nói bây ăn gian quá chừng, mà thiệt tình người ta biết hết trơn, nhưng đất này vậy đó, biết nhưng im re, bởi cả năm trường bôn ba khó khăn, chỉ có một mùa sum vầy. Tết mà, ai cũng thấu nỗi vọng cố hương, đâu ai nỡ để lỡ làng cuộc đoàn viên. Đất này, người với người, thương nhau mà sống, nương nhau mà kiếm tiền.

Xóm nhỏ vui thiệt, hẹn nhau ngày ăn tất niên xóm. Là mấy bà già Bắc nấu món Bắc, mấy dì miền Trung lo món Trung, mấy đứa công nhân lăng xăng phụ họ. Hai tám Tết, xuân len từng bước gió vào con hẻm nhỏ. Nồi bánh chưng, bánh tét nấu chung như vốn dĩ đất trời quyện vào nhau cùng ăn Tết. Mùi bánh chín, thức ăn bày ra, chúc nhau những câu bình an, kể nhau nghe những vui buồn. Rồi cười tươi rói, coi như rũ hết muộn phiền, để lòng bình yên đón một năm mới sang. Đêm chập choạng đã thấy những balô túi xách quảy ngang nhà nhau, câu chào rổn rảng nở trên môi cười. Những chuyến xuân bắt đầu đưa Tết về khắp trăm miền.

Trăm ngàn xóm nhỏ trên đất Sài thành là trăm ngàn câu chuyện. Mỗi câu chuyện là một mùa xuân. Nhiều mùa xuân gom lại mới làm nên cái Tết trải khắp dải đất hình chữ S này. Quá nửa đời mình ruổi rong bao miền đất lạ, muôn vạn nẻo xa, duy chỉ có thị thành phồn hoa này là tôi thấy có nhiều chuyến xuân nhất. Chỉ cần những ngày cạn Chạp, bước chân ra phố nhìn nô nức từng chuyến xuân qua, thấy lòng mình như đã là Tết.

Tản văn của Tống Phước Bảo
TIN LIÊN QUAN

Rét mướt, người dân đi 30 km lễ đền, chùa trước ngày rằm tháng Chạp

MINH HÀ - HOÀNG XUYẾN |

Chiều 24.1, người dân Thủ đô đã bắt đầu đổ về các đền, chùa để làm lễ bái nhân ngày rằm cuối cùng của năm Qúy Mão 2023.

Thị trường thực phẩm, đồ cúng rằm tháng Chạp bắt đầu tăng nhiệt

Minh Hà - Hoàng Xuyến |

Theo ghi nhận, tại các chợ truyền thống ở Hà Nội, hôm nay (23.1), thị trường mua bán đồ cúng rằm tháng Chạp đã bắt đầu sôi động, các tiểu thương cho biết, giá cả các mặt hàng có sự tăng nhẹ, đặc biệt là các loại quả và hoa tươi.

Tháng Chạp, lá bàng rực lên màu đỏ

Hải an |

Tên cây bàng nghe có thể bình dân, dung dị nhưng bàng mới là người bạn thân của thành phố. Vóc dáng của bàng lực lưỡng, như một người đàn ông trụ cột che chở cho những mái ngói thâm nâu suốt tứ thời, bát tiết. Dưới những gốc bàng, một cuộc sống đậm chất thị dân nảy sinh.

Giữ nguyên thu kinh phí Công đoàn 2% là hợp tình, hợp lý

Nam Dương (thực hiện) |

Đó là ý kiến của ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trong cuộc trao đổi với phóng viên
Báo Lao Động.

Tập đoàn Dabaco đã bị tỉnh Bắc Ninh xử phạt hành chính

Trần Tuấn |

Bắc Ninh - Đưa công trình là tòa nhà ở xã hội Dabaco Khắc Niệm vào sử dụng khi chưa nghiệm thu, Tập đoàn Dabaco đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Lo ngại về chất lượng nhiều gói thầu dịch vụ công ích tại Cao Bằng

Tân Văn |

Liên tiếp từ năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Nga Hải đã trở thành nhà thầu trúng nhiều dự án xây lắp, dịch vụ công ích trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, chất lượng của các dự án này lại đang là dấu hỏi.

Nhiều người dân ở TPHCM lại xếp hàng dài từ sáng sớm chờ mua vàng miếng SJC

NGỌC LÊ |

Sáng 10.6, hàng trăm người dân lại tiếp tục xếp hàng chờ đợi trước trụ sở Công ty TNHH MTV thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3 (TPHCM) để chờ mua vàng miếng.

Nơi cứ đến Tết Đoan Ngọ, người dân đổ xô đi tắm biển giữa trưa

Thanh Trà |

Ngày Tết Đoan Ngọ (tức 5.5 Âm lịch), hàng nghìn người dân TP Quy Nhơn (Bình Định) và các vùng lân cận đổ xô đi tắm biển vào chính Ngọ.

Rét mướt, người dân đi 30 km lễ đền, chùa trước ngày rằm tháng Chạp

MINH HÀ - HOÀNG XUYẾN |

Chiều 24.1, người dân Thủ đô đã bắt đầu đổ về các đền, chùa để làm lễ bái nhân ngày rằm cuối cùng của năm Qúy Mão 2023.

Thị trường thực phẩm, đồ cúng rằm tháng Chạp bắt đầu tăng nhiệt

Minh Hà - Hoàng Xuyến |

Theo ghi nhận, tại các chợ truyền thống ở Hà Nội, hôm nay (23.1), thị trường mua bán đồ cúng rằm tháng Chạp đã bắt đầu sôi động, các tiểu thương cho biết, giá cả các mặt hàng có sự tăng nhẹ, đặc biệt là các loại quả và hoa tươi.

Tháng Chạp, lá bàng rực lên màu đỏ

Hải an |

Tên cây bàng nghe có thể bình dân, dung dị nhưng bàng mới là người bạn thân của thành phố. Vóc dáng của bàng lực lưỡng, như một người đàn ông trụ cột che chở cho những mái ngói thâm nâu suốt tứ thời, bát tiết. Dưới những gốc bàng, một cuộc sống đậm chất thị dân nảy sinh.