Một chuyến luân chuyển

Cẩm Văn |

Sau chiếc bàn lớn, ông Trưởng văn phòng Đồng bằng sông Cửu Long - Lê Thanh Nguyên vuốt nhẹ mái tóc rối đã ngả màu quá nửa, buông nhẹ mấy tiếng: “Tao sống gần trọn đời người với đồng bằng còn chả hiểu hết đồng bằng, mày vào đây dăm ba bữa nhằm nhò gì. Thôi nói anh em đưa đi mấy chỗ cho dễ mường tượng…”

1.

Quãng độ tháng 6, tháng 7 năm 2003, cánh phóng viên trẻ ở trụ sở 167 Tây Sơn (Hà Nội) “nháo nhác” vì một loạt các quyết định luân chuyển đi vùng miền. Chuyện ấy vốn là thông lệ của Lao Động, trẻ là phải đi, phải vào những chỗ đang còn nhiều khó khăn, đút chân gầm bàn sớm quá, hay như lời của bác Phó Tổng Biên tập Trần Đức Chính lúc bấy giờ là “sa lông máy lạnh” sớm quá nó hỏng hết người đi.

Mỗi người nhẹ phải đi 1 tháng, không vướng víu yêu đương con cái như tôi lúc ấy nhận ngay cái “lệnh” 2 tháng. Những chỗ phải đi cũng chả được chọn, anh nào mê biển mà được điều vào văn phòng miền Trung ở Đà Nẵng chả khác gì chuột sa chĩnh gạo, anh nào mê hội hè với cái náo nhiệt sôi động phố phường mà được vào cơ quan thường trú TPHCM quá là nằm mơ giữa ban ngày…

Tôi khác, lúc ấy vốn chỉ quen với ngút ngàn trùng điệp núi rừng Tây Bắc, với những hẻm sâu hun hút mạn Đông Bắc xen lẫn những con đường đèo uốn lượn liên hồi đến vô cùng tận. Cái mảng miếng công việc lúc ấy cũng khác, lúc đưa tin kéo điện đến bản này, lúc mở thêm cái đường liên thôn khai phá cái thế ốc đảo ở bản kia... Phảng phất, váng vất đâu đấy trong các bản tin chuyển về tòa soạn vẫn là hương say nồng của men lá, của bát thắng cố nồng nặc giữa chợ phiên cuối tuần... Lạ là bác Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn lúc bấy giờ lại “quyết” điều vào tít tắp mạn Đồng bằng sông Cửu Long, cái xứ mà trong tâm trí mường tượng của tôi chả có gì ngoài nước với… nước.

2.

Sau cuộc “trình diện” chớp nhoáng với định hướng tác nghiệp rất chi là... mông lung và bao la của Trưởng văn phòng Lê Thanh Nguyên, tôi theo sau chiếc Honda của anh Cao Thành Long vào thăm quan mô hình nuôi tôm sú trên đất cát quanh mấy xã Vĩnh Trạch Đông, Vĩnh Thịnh của Bạc Liêu. Cả đồng bằng lúc ấy sôi động chuyện nuôi tôm, nhà nhà người người nuôi tôm và tôi kịp đọc đâu đó những câu chuyện về các đại gia chân đất đồng bằng giàu lên nhanh chóng nhờ con tôm, chân chất xách bao tải tiền mua xe sang như người ta chạy ù ra chợ mua tạm bó rau cho bữa cơm chiều...

Cho đến tận bây giờ, thay bằng hình ảnh của những đồng lúa thẳng cánh cò bay xa tít tận chân trời như tôi hình dung lúc mới vào, đồng bằng trước mắt tôi là những vuông tôm nối dài liên tiếp những vuông tôm, phẳng lì không có đến một gợn vướng víu núi đồi, cũng chả cần đến những hàng rào ngăn cách đất này của tôi, đất này của ông. Những con tôm kéo lên cho kịp bữa trưa cũng lạ lắm, to đến hai ba đốt ngón tay người lớn, nó lạ lẫm và khiến tôi ái ngại đến khó tả khi nghĩ đến những con tép đồng bé cỏn con vùng chiêm trũng quê tôi kéo lên mỗi khi giở trời...

Tôi không hiểu trọn vẹn câu chuyện mà anh Cao Thành Long nói với chủ vuông và những người làm công trong bữa trưa, đâu đó là chuyện người này người kia vừa xuất được mẻ tôm lớn, tiền thu về xếp tầng tầng lớp lớp, rồi là chỗ nọ người ta cho con tôm ăn dày quá, thành ra tôm không những là chả lớn được mà còn lăn ra bệnh... Tôi lạc nhịp giữa một bể âm thanh với chất giọng lạ lẫm đến khó nghe của người đồng bằng. Nhưng tôi nhớ đó là một bữa trưa vui vẻ, với rổn rảng tiếng nói cười của những con người khí khái hào sảng, chân chất và đặc biệt hiếu khách...

“Người đồng bằng sướng thật” - tôi nghĩ thế, đồng lúa cứ thế mà trổ bông nhờ phù sa màu mỡ sau mỗi mùa nước lên nước rút, rồi tôm cá đầy đồng, rồi là những con lươn dài và to bằng đến bắp tay người lớn có thể “nhếch mép” cười khảy lũ lươn đồng chiêm trũng Hà Nam quê tôi như bọn nhi đồng chỉ xứng ngồi ở chiếu dưới...

3.

Rồi nước về sớm, nước sông Hậu sông Tiền lên nhanh quá, nhanh đến nỗi người làng chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) chả kịp cắt những đồng lác đang ngang cao quá ngực người giờ ngập chìm trong nước.

Làng chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Làng chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Làng chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

“Đồng bằng còn chưa vào mưa lũ chính vụ mà ngập sớm quá” - phóng viên Ngô Hồng Thủy của văn phòng đồng bằng thở dài khi chở tôi chạy men theo tỉnh lộ 841 hướng về phía huyện Lấp Vò. Hồng Thủy là người Quảng Trị, vốn là lính nghĩa vụ từng ôm ba lô - súng thi đấu mấy giải bơi lội hội thao toàn quân nên cũng chả xa lạ gì chuyện mưa, chuyện nước.

Tôi nghĩ đó sẽ là một bản tin buồn, một bản tin không mấy “tươi sáng” cho số báo ngày mai. Cả xã Định Yên lúc ấy bao quanh là nước, chỗ nào cũng nước, nước ngập trắng hằng hà sa số những đồng lác đang độ khỏe nhất. Chỉ duy nhất có con đường thảm nhựa được đắp cao chạy dọc xã còn cho khách phương xa tạm hình dung về một thứ ranh giới nhân tạo giữa bạt ngàn nước lũ đầu mùa. Nước ngập trắng đồng nên bến lác Định Yên vốn tấp nập ngược xuôi những thuyền ghe đến lấy hàng, náo nhiệt người mua người bán giờ cũng im ắng và vắng lặng đến khó tả.

“Dân sẽ xót lắm đây” - tôi nghĩ thế và tạm hình dung những tiêu đề bài viết bi lụy, thương xót cho nỗi vất vả, khổ cực của người nông dân đồng bằng. Nhưng người trồng lác không nghĩ như tôi hình dung, trong suốt câu chuyện với những người mà chúng tôi kịp gặp trên đường qua xã Bình Thành, Định An trước khi vào Định Yên, mưa lũ và nước lên là chuyện bình thường của cả trăm năm nay với người đồng bằng.

Nước lên rồi nước sẽ lại xuống thôi...

4.

Sau chuyến luân chuyển, tôi cũng có đôi dịp được phân công vào lại Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp đưa tin một số sự kiện, khi là khởi công một dự án công nghiệp quan trọng ở Cà Mau, lúc là hoàn thành một cột điện ở vị trí trọng yếu của mạch 2 đường dây 500kV Bắc - Nam. Đồng bằng lúc này với tôi thân quen, gần gũi và thú vị hơn rất nhiều, không còn là một vùng đất xa lạ chỉ toàn nước với... nước như tâm trí mường tượng ban đầu.

Nhưng tôi biết chắc rằng, ngay lúc này và ở đâu đó trên bầu trời rất cao, ông Trưởng văn phòng Đồng bằng sông Cửu Long - Lê Thanh Nguyên ngày nào dường như vẫn đang vuốt nhẹ mái tóc rối ngả màu và buông nhẹ mấy tiếng: “Tao sống gần trọn đời người với đồng bằng còn chả hiểu hết đồng bằng, mày vào đây dăm ba bữa nhằm nhò gì”.

Cẩm Văn
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.