“Làng bán máu” năm xưa...

Lê Thanh Phong |

“Làng bán máu” là tựa bài phóng sự cách đây 25 năm trên Lao Động, xin được kể lại như nhớ về một kỷ niệm khó quên ở miền Tây rất đáng yêu đáng nhớ đối với tôi.

Những năm đó, chuyên mục phóng sự trên Báo Lao Động được bạn đọc yêu thích, với những cây bút tên tuổi như Vĩnh Quyền, Huỳnh Dũng Nhân. Còn những cây bút phóng sự rặt miền Tây là Ngô Hoàng Giang, Lê Thanh Nguyên, cộng tác viên ruột có Phan Trung Nghĩa,...

Vào nghề báo, là phóng viên Báo Lao Động, ai cũng muốn thể hiện mình bằng một phóng sự, nhưng được đăng thì khó lắm. Hồi đó, Lao Động chỉ có báo giấy, tuần 3 kỳ. Gửi một bài phóng sự, chờ dài cổ chưa thấy đăng, nếu để vài tuần thì biết chắc là “xong om”, cách nói của người Huế. Tôi nhớ mình cũng bị vứt cũng vài chục phóng sự, kể lại mà còn “gớt nước mắt”. Nhưng chính miền Tây là nơi đã giúp tôi viết được nhiều phóng sự, sướng nhất là gửi phát đăng ngay vì phóng sự nào cũng nóng hổi.

Tôi có máu xê dịch, nên vui như bắt được vàng khi Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn từ Hà Nội vào Sài Gòn, gọi lên phòng làm việc của sếp ở 120 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bảo “cậu chuẩn bị tăng cường cho Văn phòng Đồng bằng sông Cửu Long”. Chẳng chuẩn bị gì, ngay hôm sau là lên đường, bắt đầu cho những chuyến đi dài khắp miền Tây, từ rừng U Minh cho đến các hải đảo, từ đồng ruộng sông ngòi cho đến biển khơi, những phóng sự “Đời ngư phủ”, “Ra biển Đông tìm cổ vật”, “Phú Quốc đảo nghèo” có được nhờ những chuyến lang thang đó.

Nhưng “Làng bán máu” là phóng sự để lại dấu ấn và cảm xúc nhất trong các phóng sự của tôi. Trước hết, tôi được giải nhất phóng sự trên Lao Động năm đó nhờ tác phẩm này. Giải thưởng được 5 triệu đồng, lúc đó to lắm, uống rượu đế vô tư cả tháng. Chuyện giải thưởng chỉ vui vẻ chóng qua, cái đọng lại chính là nhờ phóng sự “Làng bán máu”, một vùng quê nghèo là ấp Đa Hòa, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh được biết đến, với những con người kiệt cùng, chỉ biết bán máu nuôi thân.

Phóng sự gây chấn động cả nước, để rồi sau đó có những đổi thay vì được các chương trình hỗ trợ từ Trung ương, các dự án xóa đói giảm nghèo của địa phương. Các chương trình, dự án của nhà nước, chính quyền và các tổ chức xã hội đã tạo công ăn việc làm cho người dân. Dự án nuôi bò, nuôi vịt, trồng xoài, các công trình tưới tiêu làm cho đất đai có tươi tốt hơn, trồng trọt chăn nuôi có hiệu quả, cuộc sống của bà con được cải thiện, có cái để nuôi bản thân và gia đình, từ đó bỏ dần nghề bán máu.

Sau khi phóng sự được đăng, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã xây một ngôi trường ở “Làng bán máu”, mục đích là để cho trẻ em nghèo được đến trường, có cái chữ, về sau có cái nghề, đó là cách không bán máu căn cơ nhất.

Còn nhớ, 25 năm trước, khi đi qua vùng đất nghèo Trà Vinh, tình cờ tạt vào một ngôi nhà ven đường nghỉ chân, và cũng để tìm hiểu cuộc sống của bà con. Tôi bắt gặp một thanh niên ốm o, xanh xao, đôi mắt lờ đờ, vô hồn. Dù anh thanh niên không thích một người lạ tọc mạch, nhưng rồi câu chuyện cũng bắt đầu, khi anh ta kể về gia đình mình, không ai có nghề nghiệp, có cái chữ, cũng không ruộng vườn, chỉ làm thuê làm mướn nhưng không đủ sống, cuối cùng phải đi bán máu.

Câu chuyện của anh kéo tôi vào cuộc, tôi quyết định bỏ những đề tài đang theo đuổi, dành mấy ngày đi đến các gia đình trong ấp, gặp mọi người để ghi lại từng mảnh đời nhọc nhằn của họ, những thân phận thê thảm mà tôi chưa hề được biết, cả trong trí tưởng tượng cũng không có.

Nói là nhà cho nó như người ta vẫn gọi, nhưng thực ra chỉ là những tấm phên che chắn, tuềnh toàng, xiêu vẹo, và hình như người ta không quan tâm gì chuyện nhà khi chưa có đủ cái ăn, khi bụng đang đói.

Lúc đó, có nhiều người cho rằng bà con ấp Đa Hòa biếng lười lao động đến nổi không có ăn phải bán máu. Tôi không nghĩ thế, mà vì họ làm mãi không đủ ăn nên đành phải bán máu, dần bị kiệt sức, dẫn đến làm việc nặng cũng không được.

Tôi đã theo chân những con người không tài sản, không ruộng vườn, không nghề nghiệp đó đến nơi bán máu, rồi xem họ đi chợ mua gạo, ít thực phẩm đủ nuôi gia đình vài ngày. Trong một gia đình, hai vợ chồng thay nhau đi bán máu, cứ thế ngày này qua tháng khác. Có người không đủ sức cầm cự, chết khi còn trẻ tuổi.

Thời đó, nước mình còn nghèo, nhiều làng quê nghèo, nhưng không có nơi nào người dân phải kéo nhau đi bán máu để nuôi thân. Tôi bị ám ảnh về những gương mặt xanh xao vì thiếu ăn, những hố mắt sâu lạc thần vì khô máu đó.

Phóng sự “Làng bán máu” ra đời, và sau đó người ta gọi ấp Đa Hòa là làng bán máu, báo chí cũng khai thác đề tài này nhiều năm sau.

Và rất vui là đến nay, cái tên “làng bám máu” không còn được nhắc đến, bởi vì người dân Đa Hòa đã có cuộc sống tốt hơn, nhà cửa khang trang, thôn ấp có sức sống. Vui hơn, bà con ở ấp Đa Hòa không những không còn đi bán máu, mà tham gia hiến máu nhân đạo để giúp đỡ cộng đồng.

Lê Thanh Phong
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.