Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng
Ông Đức, 55 tuổi, sống tại quận Đống Đa, là một trong những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng chất lượng không khí trong thành phố. Với chứng viêm mũi dị ứng kinh niên, việc ra đường tham gia giao thông ở Hà Nội là một nỗi ám ảnh với ông Đức.
“Hằng ngày, tôi sẽ cố đi làm sớm bằng ôtô, tuy có thể hơi bất tiện vào giờ cao điểm buổi sáng nhưng có thể tránh được phần nào ảnh hưởng của không khí ô nhiễm” - ông Đức cho biết.
Thực tế cho thấy, tình trạng không khí tại Hà Nội đã trở nên ô nhiễm nghiêm trọng. Theo thông tin từ IQ Air, trong khoảng thời gian từ ngày 4.2 tới ngày 5.3.2024, chất lượng không khí trong thành phố chủ yếu ở mức không lành mạnh.
Chỉ có 2 ngày 24.2 và 29.2 được ghi nhận chất lượng không khí tốt, 7 ngày có chất lượng không khí trung bình, còn lại đều được ghi nhận là chất lượng không khí không lành mạnh cho con người. Đặc biệt, trong ngày 5.3, chỉ số không khí được ghi nhận ở mức rất không tốt, cao hơn hẳn các ngày còn lại trong tháng.
Khí thải từ phương tiện giao thông cũng là một nguồn đáng kể tạo ra các hạt mịn và ôxit nitơ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí đô thị, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UENP).
Xe máy - nguồn phát thải ô nhiễm không hề nhỏ
Theo báo cáo “Đánh giá tác động tiêu cực của việc sử dụng xe máy cũ tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số đề xuất để hướng đến sử dụng xe máy an toàn và bền vững”, được đăng trên Tạp chí Khoa học công nghệ giao thông vận tải, số 29-08/2018, các nguồn gây ô nhiễm không khí tại TPHCM chủ yếu là từ các phương tiện giao thông. Trong các nguồn ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông thì xe máy là nguồn phát thải chính khí CO, SO2, NOx, CH4, VOC và bụi TSP.
Trong phạm vi nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng máy đo khí thải Testo 350 để đo nhanh nồng độ khí thải CO, NOx và HC từ các loại xe máy khác nhau với tuổi đời sử dụng khác nhau nhằm mục đích là so sánh và đánh giá khả năng gây phát thải ô nhiễm không khí của các loại xe máy theo thời gian sử dụng.
Kết quả, đã ước tính sơ bộ hệ số phát thải đối với xe máy trong điều kiện giao thông thực tế ở Hà Nội, sử dụng hệ thống băng thử phân tích khí xả trong phòng thử Chassis dynamometer cho ra kết quả đối với bốn loại khí thải HC, CO, CO2 và NOx lần lượt là 1.109g/km, 11.355(g/km), 43.971 (g/km) và 0.124 (g/km). So sánh các kết quả này với Tiêu chuẩn khí thải EURO 3 áp dụng đối với các xe máy đăng ký mới, có thể thấy nồng độ khí thải phát ra từ các loại xe máy đang lưu hành đều vượt quá mức 2 đến 3 lần được áp dụng tại EURO 3, ngoại trừ đối với NOx.
Trao đổi với PV Lao Động, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - chỉ ra rằng, lượng xe cá nhân ở các thành phố, đặc biệt là Hà Nội đang tăng ngày một nhanh.
Theo đó, chỉ riêng Hà Nội hiện đã có 6,6 triệu xe máy, 1,2 triệu ôtô, tốc độ tăng cao hơn gần 12% so với các dự báo. Trong số xe này, lượng xe cũ với thời gian sử dụng lâu năm chiếm một phần không nhỏ, góp phần làm gia tăng lượng khí thải, gây ảnh hưởng tới chất lượng không khí chung của thành phố.
Xe máy, môtô cũng cần phải kiểm soát khí thải
Trao đổi với Lao Động về vấn đề phương tiện giao thông cũ gây ảnh hưởng tới giao thông và môi trường, TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia - cho biết, hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định về niên hạn sử dụng cho các phương tiện ôtô, xe máy cá nhân. Quy định niên hạn sử dụng chỉ áp dụng cho các loại ôtô như xe tải, xe khách hay xe taxi.
Vào tháng 10.2023, Bộ Công an đã đề xuất xe máy phải kiểm định khí thải và được thực hiện tại các trạm kiểm định đạt chuẩn. Đây là dự luật được tách một phần từ Luật Giao thông đường bộ 2008.
Tại dự thảo mới nhất đang được lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định mới về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Theo đề xuất, xe môtô, xe gắn máy phải kiểm định về khí thải; việc kiểm định khí thải được thực hiện tại các trạm kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Tuy nhiên, vì xe máy là phương tiện đi lại, làm việc chính của phần lớn người dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, việc kiểm định xe máy sẽ phải đối mặt với một số khó khăn nhất định.
Theo TS Khương Kim Tạo, cần có thêm những biện pháp hỗ trợ định hướng cho người dân, đặc biệt là những người lao động đang phải dựa vào xe máy để kiếm sống.
Song song với đó, cần thắt chặt kiểm soát chất lượng xe cũng như tiêu chuẩn khí thải từ khâu nhập khẩu, lắp ráp với các loại xe máy mới.