Trước đợt dịch thứ 4, doanh thu của một quán cà phê có 5 nhân viên trên đường Trần Quý Kiên, Hà Nội đạt gần 10 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, sau khi dịch bùng phát, quán cà phê này phải chuyển sang hình thức bán mang về và bán online, doanh thu sụt giảm chỉ còn 400.000 - 500.000 đồng/ngày.
Được biết, khách mua mang về chủ yếu là các loại cà phê, không mua các loại đồ uống như sinh tố, nước ép… Đợt đóng cửa nghỉ dịch vừa qua, cửa hàng này không có nhiều khách mua mang về. Do doanh thu quá kém, quán đã phải cho 4 nhân viên nghỉ việc đến khi có thông báo mới.
"Từ 0h ngày 22.6, chúng tôi phải chuẩn bị cho ca sáng để bắt đầu làm việc bình thường. Tuy nhiên, nhân viên của chúng tôi cho nghỉ việc tạm thời đã về quê không kịp lên đi làm. Chúng tôi phải xoay xở với 2 nhân viên, một chạy bàn kiêm thu ngân và một nhân viên pha chế", anh Nguyễn Thanh Sơn (SN 1997) - quản lý quán cà phê cho biết.

Với diện tích mặt bằng gần 200m2, 2 tầng và chứa được khoảng 40 chỗ ngồi, quán hoạt động hết công suất để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Thậm chí, để có thể đáp ứng nhu cầu kịp thời của khách, cả quản lý cũng phải ra chạy bàn và phục vụ cùng nhân viên.
Tương tự, quán cà phê, tiệm cắt tóc cũng nằm trên đường Trần Quý Kiên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) của chị Nguyễn Thị Duyên (SN 1995) phải hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.


Ghi nhận của PV Báo Lao Động sáng ngày 28.6, sau gần 1 tuần Hà Nội nới lỏng các dịch vụ thiết yếu, hoạt động của tiệm cắt tóc này đang dần đi vào ổn định. Lượng khách trong một buổi sáng phải đến hơn 10 người. Lượng nhân viên gần 10 người cũng không ngừng làm việc. Bên cạnh đó, nhiều khách đến sau vẫn ngồi chờ đến lượt.

Khi được hỏi về mong muốn lớn nhất, chị Duyên chia sẻ: "Tôi chỉ mong dịch qua nhanh. Nếu dịch tiếp tục bùng phát thì những nghề dịch vụ như chúng tôi không biết xoay xở thế nào để chi trả những chi phí phát sinh".