Giải bài toán biến đổi khí hậu trong bối cảnh mưa lũ, sạt lở đất

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Những ngày vừa qua, mưa lớn kéo dài tại các tỉnh miền Trung đã gây ra tình trạng ngập lụt và sạt lở tại nhiều nơi, gây thiệt hại về cả người và của. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định: Các sự cố miền Trung vừa qua là tổ hợp các sự cố thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu. Theo Bộ trưởng, cần hạn chế tác động của con người, thông qua các công cụ đánh giá tác động môi trường, quy chuẩn môi trường để đưa môi trường dần trở lại trạng thái tự nhiên.

Bài toán biến đổi khí hậu

Báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố ngày 12.10 cho biết, biến đổi khí hậu là nguyên nhân của hơn 7.000 thảm họa thiên nhiên trong vòng 20 năm qua. Từ năm 2000 tới năm 2019, thế giới đã ghi nhận 7.348 thảm họa thiên nhiên lớn khiến hơn 1,2 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng tới 4,2 tỉ người.

Báo cáo cũng cho biết, các thảm họa thiên nhiên trong vòng 20 năm qua đã gây thiệt hại kinh tế lên tới gần 3.000 tỉ USD. Bão và lũ lụt chiếm tới 72% các thảm họa thiên nhiên lớn và số lượng các trận lũ lớn tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ qua.

Theo các nhà khí tượng học, năm 2020, Trái Đất còn ghi nhận sự xuất hiện trở lại của hiện tượng La Nina, khiến thời tiết cực đoan, mùa mưa lũ trở nên nghiêm trọng hơn.

Gần đây nhất, chúng ta chứng kiến những vụ sạt lở gây nên những thiệt hại nghiêm trọng về người và của tại các tỉnh miền Trung.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, biến đổi khí hậu đang diễn ra sớm và mạnh hơn so với chúng ta đã từng dự báo. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước và nhiều hiện tượng cực đoan như thiên tai, lũ lụt khác trên phần lớn các khu vực ở nước ta như hiện nay.

Tác động rõ nét nhất của biến đổi khí hậu là làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy trên hầu hết các sông, suối, làm cho nhiều sông, suối bị suy giảm dòng chảy nghiêm trọng, nhiều nơi đạt mức thấp kỷ lục và gia tăng tình trạng lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở bờ sông, suối ở nhiều địa phương trên cả nước. Hệ quả của nó là kéo theo tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đặc biệt là thiếu nước sạch phục vụ mục đích sinh hoạt của nhân dân ở nhiều địa phương như chúng ta đã thấy trong thời gian qua.

Theo Tiến sĩ Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến rất phức tạp và cực đoan trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam. Bão lũ liên tục, mưa lớn cả về lượng, cường độ và thời gian vượt mọi dự kiến làm lũ dâng cao, đất đồi bị sạt lở kể cả những nơi đã được thiết lập doanh trại quân đội tồn tại ổn định hàng chục năm qua.

Đối với khu vực miền Trung, với đặc điểm tự nhiên mưa lũ lớn, lòng sông dốc và hẹp, cửa sông bị sa bồi và thay đổi qua từng năm, nhiều vùng địa chất yếu,... nên thường xuyên chịu tổn thất lớn về người và tài sản trong mùa lũ hàng năm.

Về nguyên nhân chủ quan, từ lâu, các nhà khoa học đã cảnh báo tàn phá thiên nhiên là cái giá phải trả rất đắt do con người gây ra. Bài toán quy hoạch phát triển kinh tế xã hội bền vững thiếu “nhạc trưởng” chỉ huy chung nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở của các ngành đã làm cho bài toán phòng tránh thiên tai ngày càng phức tạp. Tại Việt Nam, mùa bão năm 2020 được dự báo sẽ dồn dập vào cuối năm và có tính chất phức tạp do tác động của hình thái La Nina.

Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia phân tích, trong điều kiện xảy ra La Nina, xoáy thuận nhiệt đới thường xảy ra nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão (tháng 9, 10, 11), tập trung nhiều ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ. Tính cực đoan này dẫn đến tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ tại cùng một địa phương.

Thích ứng bền vững trước biến đổi khí hậu
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Khương Trung
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Khương Trung

Trao đổi với Lao Động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, các sự cố miền Trung vừa qua là tổ hợp các sự cố thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu, đúng như dư luận nêu.

Sự cố thiên tai được điều chỉnh trong nhiều luật: Phòng chống giảm nhẹ thiên tai, luật khí tượng thuỷ văn. Trong dự thảo luật bảo vệ môi trường đề cập sự cố môi trường do các dự án gây ô nhiễm, suy thoái, huỷ hoại môi trường, sự cố nhân tai do con người. Đồng thời luật cũng định chế những chính sách giảm phát thải khí nhà kính - nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu, và thời tiết dị thường cực đoan như đã nói ở trên.

Luật Bảo vệ môi trường nhấn mạnh quan điểm con người phải sống hài hoà với tự nhiên, bảo vệ và phát triển thiên nhiên, môi trường sinh tồn của con người và thích ứng bền vững trước biến đổi khí hậu.

Theo Tiến sĩ Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, các cơ quan từ trung ương đến các địa phương cần rà soát gắn chặt nhiệm vụ phòng tránh thiên tai vào quy hoạch chung của các ngành và quy hoạch tổng thể. Đẩy mạnh, kiện toàn nâng cao chất lượng công tác dự báo và cảnh báo về thời tiết, chủ động di dời dân đến vùng an toàn trước thiên tai.

Để chủ động phòng tránh thiên tai một cách hiệu quả, Nhà nước và các ngành, các chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động thống nhất dựa trên cơ sở tầm nhìn chung: “Quản lý thiên tai hiệu quả, sử dụng tài nguyên khôn ngoan, ứng phó với biến đổi khí hậu - nước biển dâng một cách mềm dẻo, vì một nền kinh tế ổn định và thịnh vượng, môi trường đa dạng và bền vững”.

Còn theo ông Piotr Osiński, Giảng viên bộ môn Địa kỹ thuật, Khoa kỹ thuật xây dựng và môi trường, trường Đại học Warsaw University of Life Science, Ba Lan, với diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan cùng với hoạt động của con người, nguy cơ xảy ra mất ổn định mái dốc trong tương lai là rất cao nên các tai biến về địa chất sẽ trở nên khó lường, trong tương lai chúng ta cần phải làm nhiều hơn để có thể ứng phó với những biến đổi đó.

Trong đó có 3 vấn đề cần lưu ý: Thứ nhất là có những chỉ dẫn, cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân ở khu vực đó, các vấn đề liên quan đến ổn định mái dốc. Thứ hai, cần thực hiện nhiều hơn, việc đầu tư cho hệ thống cảnh báo sớm để chúng ta có thể đưa ra các biện pháp chủ động hơn, kịp thời hơn trong giảm thiểu tác động tiêu cực của tình trạng này. Thứ 3, Chính phủ các nước nên xem xét đầu tư đồng bộ, bài bản để các nhà khoa học có đầy đủ nguồn lực để nghiên cứu...

* Nói về câu chuyện đang được dư luận quan tâm thời gian gần đây là mưa lũ ở miền Trung có phần tác động từ việc phát triển thuỷ điện thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, ở góc độ Bộ Tài nguyên và Môi trường, về thủy điện, bao giờ cũng có 2 mặt. Quan điểm chúng ta không khuyến khích phát triển bằng mọi giá thuỷ điện nhỏ. Tại các phiên họp của Quốc hội khóa XIII, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành đã tham mưu cắt giảm hơn 400 hồ thủy điện nhỏ rồi. Trong thời gian sắp tới, chúng ta hết sức thận trọng khi xây các thủy điện nhỏ. Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rằng, chúng ta không nên tiếp tục phát triển các thủy điện nhỏ. Hay khi phát triển các loại thủy điện thì phải chú ý phương án công nghệ để nó hài hòa với môi trường. Tức là chúng ta không làm các đập dâng, mà sử dụng năng lượng thế năng tự nhiên của nước. Chi phí đầu tư thủy điện sẽ tăng nhưng sẽ bền vững. Chúng ta cũng nên có lựa chọn các công nghệ có liên quan để tính toán vấn đề môi trường, dòng chảy, dòng đi của cá, bùn, phù sa có thể duy trì thường xuyên khi có các đập thủy điện.

* “Tôi muốn nói các vấn đề sự cố thiên tai do con người, thông qua quy hoạch Bảo vệ Môi trường, phân vùng môi trường để chúng ta thực hiện thật tốt hơn. Cần hạn chế tác động con người, phát triển kinh tế, ví dụ như thủy điện đến môi trường tự nhiên... Thông qua các công cụ đánh giá tác động môi trường, quy chuẩn môi trường để đưa môi trường dần trở lại trạng thái tự nhiên. Đây là xu thế đảo ngược tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo hệ sinh thái tự nhiên

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội), Uỷ viên thường trực Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng cực đoan của thời tiết. Thời gian qua, chúng ta cũng đã phải chứng kiến nhiều “cơn thịnh nộ” của thiên nhiên. Đây là vấn đề chung của toàn cầu chứ không chỉ có riêng quốc gia nào trên thế giới. Do đó, vấn đề bảo vệ môi trường rất được quan tâm. Lần này Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) nhằm có những giải pháp căn cơ trong việc bảo vệ môi trường. Đại biểu Khánh nhấn mạnh các giải pháp như kiểm soát chặt chẽ hơn, thực chất hơn các nguyên nhân do con người, do phát triển kinh tế thông qua kiểm soát chất thải để bảo vệ môi trường. T.Vương

NHÓM PHÓNG VIÊN
TIN LIÊN QUAN

Vừa dọn xong bão lũ, người dân Huế lại bị nước ngập bủa vây

Hà Giang - Anh Đạt |

Vừa dọn dẹp xong , người dân nhiều nơi ở tỉnh Thừa Thiên Huế lại phải sống chung với biển nước gần 1 tuần nay.

Hiện tượng La Nina khiến bão lũ nguy hiểm khó lường như thế nào?

Thảo Anh |

Mùa bão năm 2020 có xu hướng muộn hơn trung bình nhiều năm và diễn biến khó lường do tác động của trạng thái La Nina.

Bão lũ sắp dồn dập tấn công, đê điều tại Việt Nam có đủ sức chống lũ?

Thảo Anh - Hà Sơn |

Hệ thống đê điều góp phần rất lớn trong an toàn phòng lũ, đảm bảo an toàn dân sinh. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch ứng phó bài bản nên vẫn xảy ra tình trạng chạy theo sự cố, hỏng đến đâu, vá đến đấy. Giải pháp nào để đảm bảo an toàn đê điều khi mùa bão lũ sắp dồn dập?

Xe khách đâm nhau trên cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

Vừa dọn xong bão lũ, người dân Huế lại bị nước ngập bủa vây

Hà Giang - Anh Đạt |

Vừa dọn dẹp xong , người dân nhiều nơi ở tỉnh Thừa Thiên Huế lại phải sống chung với biển nước gần 1 tuần nay.

Hiện tượng La Nina khiến bão lũ nguy hiểm khó lường như thế nào?

Thảo Anh |

Mùa bão năm 2020 có xu hướng muộn hơn trung bình nhiều năm và diễn biến khó lường do tác động của trạng thái La Nina.

Bão lũ sắp dồn dập tấn công, đê điều tại Việt Nam có đủ sức chống lũ?

Thảo Anh - Hà Sơn |

Hệ thống đê điều góp phần rất lớn trong an toàn phòng lũ, đảm bảo an toàn dân sinh. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch ứng phó bài bản nên vẫn xảy ra tình trạng chạy theo sự cố, hỏng đến đâu, vá đến đấy. Giải pháp nào để đảm bảo an toàn đê điều khi mùa bão lũ sắp dồn dập?