Khi nghệ sĩ sợ, còn khán giả thì quay lưng với gameshow...

Bích Hà |

Một làn sóng tẩy chay các chương trình truyền hình thực tế vô bổ, dung tục được công chúng và nghệ sĩ đồng thuận ủng hộ, đang dấy lên mạnh mẽ. Phản ứng tức giận của họ hoàn toàn có cơ sở, khi một thời, cũng là hài nhưng công chúng có được những tiếng cười ý nhị, cũng là nhạc nhưng công chúng tìm thấy sự tinh tế, thăng hoa. Trong khi thời nay, hài thì dễ dãi, thô thiển, nhạc thì ồn ào, lắm scandal.
Gameshow đang giật lùi văn hóa

Đó là trăn trở của NSND Hồng Vân, Giám đốc sân khấu Kịch Phú Nhuận tại một hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa góp phần xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại do HĐND và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức. Hồng Vân so sánh, để lấy 100 triệu đồng của chương trình “Thách thức danh hài” quá dễ, chỉ cần lên “chọc lét” Trấn Thành bằng vài tiểu phẩm tào lao, “chẳng có đầu có cuối”, trong khi những gameshow đầu tiên trên truyền hình như “Chiếc nón kỳ diệu”, “Đường lên đỉnh Olympia” thì để lấy 10 triệu đồng phải “vắt óc”.

“Gameshow bùng nổ với tỉ lệ người xem rất cao khiến chúng ta ngộ nhận mặt bằng văn hóa là người dân thích tiếp nhận những điều đó. Thật ra, gameshow, nhất là gameshow hài đang giật văn hóa người dân đi xuống, giật thẩm mỹ xuống đến mức lệch lạc”- Hồng Vân kết luận. Chị cũng sợ đến một ngày, vì sự nở rộ của các chương trình vô bổ, khán giả sẽ quay lưng hoàn toàn với gameshow, quay lưng với cả nghệ sĩ, gây thiệt thòi cho những nghệ sĩ chân chính, chương trình tử tế.  “Tôi biết ai cũng phải làm việc để kiếm sống nhưng họ nên có trách nhiệm với văn hóa của mình”- chị khẩn thiết kêu gọi.

Rất nhiều người đồng tình với ý kiến của Hồng Vân. Bởi thực tế, khán giả đang bắt đầu quay lưng dần với các chương trình giải trí trên truyền hình và mất dần niềm tin ở nghệ sĩ. Ngay cả với các nghệ sĩ, sau những va vấp, nếm trải với một vài mùa tham gia gameshow, họ đã bắt đầu “thấm” và “sợ”. NSƯT Hữu Châu tuyên bố: “Có những giám khảo đáng học trò tôi, nhận xét của họ rất mắc cười vì vậy tôi tuyệt đối không coi game show”. Nhạc sĩ Quốc Trung cũng thật thà, rằng vài năm nay ông không xem các chương trình giải trí trên truyền hình, nhất là cuộc thi âm nhạc. Phần vì không thích, phần vì thấy không học được gì.

Suốt một tuần qua, nhiều nghệ sĩ khác cũng bức xúc, phản ứng gay gắt về các chương trình truyền hình thực tế. Giọng hát Việt 2017 bị chê “như chợ vỡ” bởi những màn tranh giành thí sinh của các huấn luyện viên. Ca sĩ Tùng Dương thì thẳng thắn tiết lộ những “góc tối” về việc sắp xếp kết quả, trao “nhầm” quán quân, khiến anh mất dần niềm tin vào truyền hình thực tế.

“Tôi cam đoan những cuộc thi kiểu đó luôn có sự can thiệp của nhà sản xuất, không thể trong sáng hoàn toàn” - Tùng Dương chia sẻ. Chưa kể người tổ chức không quan tâm đến chất lượng, chỉ quan tâm đến chiêu trò, vô tình hoặc cố ý tạo những scandal và bắt tay nhau tìm mọi cách để đẩy rating, lấy tiền quảng cáo, thay vì nghĩ tới việc làm ra những chương trình có tính giáo dục, thẩm mỹ.

Đành rằng,  gameshow chỉ mang tính giải trí, nhìn một cách công bằng thì góp phần làm phong phú “thực đơn” giải trí của khán giả, nhưng không phải vì thế mà nghệ sĩ dễ dãi trong lời ăn tiếng nói, gu thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật của mình. Vì dù gì, đó vẫn là một hình thức tuyên truyền văn hóa, có sức tác động tới nhận thức của nhiều lớp công chúng.

Các nghệ sĩ hài chạy show từ chương trình này đến chương trình khác, liên tục dùng chiêu giả gái và moi móc đời tư, khiến khán giả ngao ngán. Ảnh: TL

Làm lệch chuẩn âm nhạc, biến dạng tiếng cười

Những chương trình âm nhạc lên sóng ngày càng nhiều, nhưng ít chương trình thuần Việt. Cũng có chương trình là cái nôi để ca sĩ trưởng thành, phát hiện ra những tài năng mới, thổi làn gió mới cho nền âm nhạc Việt. Nhưng tại sao bây giờ, khán giả, nghệ sĩ lại phản ứng gay gắt với gameshow như vậy? Đơn giản, đó không còn là bệ phóng cho những tài năng thực sự, mà ở đó chỉ thấy những chiêu trò, scandal. Thậm chí có những bài hát, giai điệu, ca từ không tốt cũng được lăng xê trên đài truyền hình gây nên sự lệch chuẩn trong thẩm mỹ âm nhạc của khán giả.

 Đó là một số ca khúc của ca sĩ Sơn Tùng M-TP bị dính nghi án đạo nhạc, có ca từ thể hiện sự bất cần, có ca sĩ còn đánh giá là “hết sức ngông cuồng” vẫn được cổ xúy và đưa lên truyền hình. Ca khúc “Không quan tâm” của một thí sinh trong Nhân tố bí ẩn “lên sóng” gây nên cuộc tranh luận gay gắt, với ngay cả những huấn luyện viên của chương trình. Vietnam Idol thì ngày càng “nghèo” tài năng, khi chất lượng thí sinh giảm dần đều sau mỗi mùa. Một vài chương trình mới như The Remix, Sing My Song chỉ gây ấn tượng ở vài số đầu tiên, càng về sau càng đuối, chất lượng bài hát đi xuống rõ rệt, bên cạnh đó là nhiều chiêu trò.

Nhạc sĩ Phú Quang mới đây đã lên tiếng: “Tôi nói điều này có thể các đài truyền hình sẽ không hài lòng nhưng họ đang làm náo loạn âm nhạc Việt. Có những bạn trẻ mùa trước là thí sinh, mùa sau đã chễm chệ ngồi vị trí huấn luyện viên, giám khảo. Các vị giám khảo trẻ đó đôi khi còn hát sai lời, sai nhạc, thậm chí một nốt nhạc bẻ đôi không biết; không hề có kinh nghiệm, kiến thức âm nhạc cơ bản nhưng ngồi bình luận, nhận xét như ai. Như vậy, chúng ta đang khiến cho âm nhạc Việt đi xuống, thậm chí bị biến dạng”.

Tùng Dương thì cho rằng: “Đừng tưởng có vài bài hit có thể làm được huấn luyện viên”, ám chỉ chuyên môn của các ca sĩ Đông Nhi, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh khi ngồi “ghế nóng” Giọng hát Việt. Những nhận xét thẳng thắn này tiếp tục gây nên “sóng gió”, tranh cãi. Nhưng quả thực, trong những số đầu tiên phát sóng của chương trình, họ đã chưa chinh phục được phần đông khán giả, chưa khiến mọi người “tâm phục khẩu phục”, ngoài việc bị chê ăn mặc “lố”, nhận xét tào lao chưa gắn với chuyên môn.

Đấy là các chương trình ca nhạc, về các chương trình hài càng có nhiều nỗi lo. Không ít nghệ sĩ đã chỉ đích danh là “gameshow hài đang làm biến dạng tiếng cười”, bằng việc mua vui tiếng cười của một bộ phận công chúng dễ dãi. Vì 2 năm trở lại đây, khi quay lưng với nhiều chương trình ca nhạc, khán giả chuyển sang giải trí bằng các chương trình hài. Rõ ràng phải có lợi nhuận, có rating cao các nhà sản xuất mới không tiếc tiền đầu tư, đua nhau làm chương trình hài như vậy.  Có thời điểm, hàng chục chương trình hài thay nhau lên sóng đều đặn hằng ngày, dù nội dung na ná nhau, vẫn những giám khảo cũ, thí sinh từ chương trình này chạy qua chương trình khác.

Nhưng, vì không có bất cứ quy định ràng buộc nào khác, các thí sinh làm đủ trò quái dị, chỉ với mục đích khiến giám khảo cười. Có nhiều tình huống tục tĩu, khán giả chẳng thể cười nổi mà giám khảo vẫn cố cười để tạo gay cấn. Vì khán giả chửi cứ chửi, họ càng làm, miễn có tiền.

Nhưng những lùm xùm liên quan đến các chương trình gameshow thời gian qua, rõ ràng chứng minh một thực tế: Đã hết thời của hài nhảm, chương trình vô bổ. Khán giả ngày nay rất tinh tế, họ không chấp nhận bỏ tiền và phí thời gian với các món ăn hời hợt, chắp vá và nói “không” với gameshow phản cảm. Khán giả cũng nên có sự lựa chọn, khắt khe, để đòi hỏi các nhà sản xuất, người làm trong lĩnh vực văn hóa phải nghiêm túc với các sản phẩm của mình. Vì muốn tồn tại và thu hút khán giả, gameshow Việt buộc phải không ngừng thay đổi, nếu không sẽ thua cuộc ngay trên sân nhà.  

Đáng lo nhất là gameshow hài đang bị thả nổi, phủ sóng hầu hết giờ vàng các ngày trong tuần, từ đài trung ương, đến địa phương. Đặc biệt là các tiểu phẩm ngày càng nhạt và dung tục, quay đi quay lại vẫn “những gương mặt cũ”, với những chiêu cũ như: Chọc cười bằng đời tư, bằng hành động và ngôn ngữ thô tục. Có khán giả còn bức xúc khi lúc nào mở tivi lên cũng thấy hài của Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương, rồi  lôi chuyện yêu đương của nhau ra “đá xéo”.

Nhìn một cách công bằng, gameshow góp phần làm phong phú “thực đơn” giải trí của khán giả, nhưng không phải vì thế mà nghệ sĩ dễ dãi trong lời ăn tiếng nói, khán giả dễ dãi trong gu thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật của mình. Vì dù gì, gameshow vẫn là một hình thức tuyên truyền văn hóa, có sức tác động tới nhận thức của nhiều lớp công chúng.

Bích Hà
TIN LIÊN QUAN

Shipper mỏi tay giao hàng dịp cận Tết Nguyên đán Quý Mão

Vương Trần |

Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều shipper với thùng hàng phía sau yên xe len lỏi khắp các ngõ ngách của thành phố để kịp giao hàng tận nhà cho khách.

Khán giả mong chờ Cô Đẩu tái xuất Táo Quân 2023

Nhóm PV |

Suốt 20 năm qua, chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân Việt Nam mỗi đêm 30 Tết. Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ngắn về những kỉ niệm với Táo Quân của người dân.

Do khó khăn, khoảng 450.000 lao động ở lại Bình Dương ăn Tết

ĐÌNH TRỌNG |

Tại Bình Dương, có khoảng 450.000 lao động ngoại tỉnh không về quê dịp Tết. Nguyên nhân số lượng lớn công nhân ở lại Bình Dương ăn Tết do điều kiện kinh tế, cuộc sống còn nhiều khó khăn, không đủ chi phí để về quê.

Bản tin công đoàn: Cách tính lương hưu của NLĐ nghỉ hưu tháng 2.2023

Nhóm PV |

Bản tin công đoàn hôm nay có những nội dung chính sau: Hỗ trợ từ 1 - 3 triệu đồng cho lao động mất việc, giảm giờ làm; Chuyến tàu mùa Xuân đưa giấc mơ sum họp của công nhân thành hiện thực; Cách tính lương hưu cho người lao động...

Hà Nội: Tấp nập người mua, kẻ bán tại chợ hoa Hoàng Hoa Thám ngày cận Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

Những ngày cuối năm, đường Hoàng Hoa Thám trở nên rất náo nhiệt và nhộn nhịp, nhiều người dân Hà Nội đã tới đây mua sắm các cây cảnh, hoa cảnh để trang trí dịp Tết Quý Mão 2023.

Tóc Tiên: “Tết tôi thường cùng chồng về Hà Nội đón năm mới”

Mi Lan |

Nữ ca sĩ Tóc Tiên chia sẻ, cô thích khí hậu se lạnh, những món ăn đường phố ở Hà Nội. Tóc Tiên thường cùng chồng là nhà sản xuất âm nhạc Hoàng Touliver về Hà Nội đón năm mới.

Chợ đầu mối Long Biên tấp nập ngày cận Tết, cửu vạn làm không ngơi tay

Minh Hà - Việt Anh |

Tại chợ Long Biên ngày cận Tết, xe chở hàng về các chợ đầu mối càng đông, nối đuôi nhau thành một hàng dài. Không khí làm việc tại đây luôn khẩn trương, tất bật. Cửu vạn làm không nghỉ tay.

Những giải pháp nào vực dậy thị trường bất động sản năm 2023?

Bảo Chương |

Vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở mà nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái.