Văn hóa - Xã hội: Cô gái trẻ viết ca khúc

NGUYỄN THỤY KHA |

Dù hôm nay, đã có nhiều cô gái ở các độ tuổi là tác giả của nhiều ca khúc, tác phẩm nhạc không lời như Giáng Son, Kim Ngọc, Lưu Thiên Hương... thì thêm một sự xuất hiện của một cô gái viết ca khúc như Bùi Việt Hà cũng vẫn khiến ta thấy vui mừng và trân trọng.

Bùi Việt Hà sinh năm 1992 tại thành phố Nam Định. Cha cô: Bùi Quốc Bình, vốn là người lính thuộc quân chủng phòng không, hiện là thầy dạy guitare cổ điển tại nhà. Hà là một cô bé có chút đặc biệt ở tuổi mới lớn. Không hiểu sao, một lần trong giờ học, tóc cô tự nhiên lem lém cháy. Cứ ngỡ bạn bè nghịch, hóa ra là do nhiệt lượng tỏa ra từ trong cô, khiến cha mẹ cô vô cùng hoảng hốt. Mặc dù khi đi khám bệnh, vẫn thấy thể trọng cô rất bình thường, nhưng lời đồn về “cô gái cháy tóc” đã làm tốn bao nhiêu giấy mực của phóng viên một số báo. Đến bây giờ trên mạng vẫn còn treo bài về sự kỳ lạ này.

Không biết có phải do tàng trữ năng lượng như vậy, Hà đã sớm viết ca khúc, mà ca khúc của cô toàn là bàn về thân phận, về giấc mơ. Cha cô đã nhận ra thấy năng lượng của con gái. Ông dạy con xướng âm, ký âm để ghi lại bài hát. Trong cuộc thi “Bài hát Việt”, Bùi Việt Hà đã lọt mắt xanh của nhạc sĩ An Thuyên. Với tư cách là hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật Quân đội, ông đã đặc cách nhận Bùi Việt Hà vào Khoa Sư phạm âm nhạc. Khi tốt nghiệp, Bùi Việt Hà được nhận về công tác tại Cung Văn hóa Hữu Nghị, làm ca sĩ phòng nghệ thuật dưới sự chỉ đạo của ca sĩ Quỳnh Hoa. Bên cạnh công việc, Bùi Việt Hà vẫn có thú sáng tác ca khúc và đi biểu diễn các nơi cũng như đi dạy guitare cho các em nhỏ.

Ca sĩ Bùi Việt Hà. Ảnh: NVCC.

Giai điệu ca khúc Bùi Việt Hà lại thấm đượm nhiều âm hưởng dân ca Bắc Bộ. Ở ca khúc “Hơi ấm tình mẹ” được viết năm 2008, khi ấy cô gái mới 16 tuổi đã thấy một giọng điệu rất già dặn: “Đêm nay gió mùa về/ Sương rơi lạnh lắm sắt se cõi lòng/ Con lại nhớ, nhớ về những ngày bên mẹ/ Thuở xa xưa cũng mùa đông năm ấy/ Mẹ ngồi ôm con trao hơi ấm vỗ về/ Thương con thơ dại run run đôi tay gầy...”.

Khi đó, Bùi Việt Hà mới xa nhà lên học âm nhạc tại Hà Nội. Sau đoạn mở đầu, đoạn cao trào thật da diết: “Trọn tình yêu thương mẹ dành cho con đó/ Mãi mãi khắc ghi tạc sâu vào tâm trí/ Hình bóng của mẹ nhọc nhằn sớm khuya/ Không quản dãi dầu mẹ nuôi con lớn khôn/ Làm sao con quên mái nhà đơn sơ kia/ Nơi con sống trong một tuổi thơ êm đềm/ Dẫu có bôn ba đi khắp bốn phương trời/ Tình mẹ bao la con mãi ghi nhớ suốt đời”.

Ảnh: Dương Minh Long.

Bài “Ngủ quên” viết mùa thu năm 2010 cũng có một ý tứ rất lạ. Với một giọng điệu dung dị, tác giả mô tả lại giây phút ngủ quên và lạc vào thế giới của giấc mơ. Ở đó, thấy “Người về nơi xa ấy/ Sao vội đi chẳng giã từ/ Nghe âm thanh đâu đây/ Vẫn có tiếng bước chân ai” và tác giả muốn thoát khỏi những giấc mơ đó, trở về với hiện thực của chính mình để đi tới tương lai. Bài “Chiếc gương vỡ” cũng là một tứ độc đáo. Tác giả soi mình vào chiếc gương vỡ và thấy tất cả buồn đau, nỗi ê chề. Rồi cô ước mong có một ngày gương sẽ liền vào nhau, vì nếu cứ để gương vỡ sẽ thành người vô hình. Gương lành là để mình trở về với con người thật của mình.

Bài “Ơ hờ” tuy có ca từ phảng phất một ca khúc ngày xưa “Trả hết trả hết cho người”, nhưng hơi thở toàn bài thì lại khác. Đến đoạn: “Ơ hờ về vùng trời hoang vu ấy mà đếm lá tình xoay theo chiều gió heo may se chút tịch liêu...” thì thấy Bùi Việt Hà khác biệt, một Bùi Việt Hà “Liêu trai”. Mà “Liêu trai” thật khi cô cất giọng hát “Đốn ngộ một tình yêu”: “Đêm độc thoại tay lần lần tràng hạt/ Nam mô cầu về một bến bình yên/ Từ thuở hồng hoang sông vô tư chảy xiết/ Nối mạch ngầm thẩm thấu nối hồn thơ/ Gom góp đầy giọt sương mai cõi tạm/ Trước hồn mình lặng lẽ cuối vườn hoang/ Lặng lờ thiết tha em như dòng sông quan họ/ Tàng hình chạy trốn thế gian để anh đốn ngộ tình yêu”.

Ca khúc được viết đầu năm 2011, khi ấy cô gái mới 19 tuổi mà sao lại già dặn đến thế, mơ hồ đến thế.

Ca khúc “Khát” viết đầu năm 2013. Lại một quan niệm rất riêng về “Khát”. Cũng vẫn cứ lời lẽ “Liêu trai”, mơ hồ như ở tận đâu đâu: “Lội dòng tình riêng thấm mệt rồi/ Cứ thả thuyền anh vô định thôi/ Cập bến khi nào em chẳng ngờ/ Lênh đênh chông chênh thương về đâu/ Mặn mòi nhiều không chút tình si/ Lạc loài một phương nào ai oán/ Lùa bóng trăng khuya em soi mặt/ Nghiêng nghiêng đung đưa đợi ngày lên”.

Cao trào chuyển sang điệu thức tưởng sau đoạn đầu ở điệu thức thứ. Tứ “Khát” bắt đầu được đẩy tới cùng: “Tựa núi thán bao la không ôm trọn mây/ Cỏ úa đợi chân ai vô tình giẫm nát/ Thế là uống cạn hết tháng ngày của nhau/ No đầy một dòng sông còn khát không anh/ Đừng nhắc thêm bao ân tình ngày ấy/ Lại nữa thôi cho qua những gì đã có/ Em ngồi giữa khoảng không lặng lờ nhìn theo/ Bóng người khuất dần mãi chẳng thể quay về”.

Đầu năm nay, khi gặp bài thơ ngắn của tôi, Bùi Việt Hà viết thành một ca khúc mang chất Pop khá sinh động. Khi biểu diễn, cô đội một chiếc mũ phớt trông phảng phất hình ảnh người chăn bò bất cần đời. Người nghe đón chào ca khúc này bởi sự hồn nhiên của nó. Lấy trên mạng bài thơ “Chiều không em” của tôi, Bùi Việt Hà cũng trải rộng tâm hồn trẻ trung của mình vào những câu thơ. “Chiều không em” đã được nhạc sĩ lão thành Huy Du phổ nhạc rất khúc triết, rất kinh viện qua giọng hát Thùy Dung. Đến Phú Quang, “Chiều không em” trở thành một bản pop lãng mạn qua giọng hát Mỹ Hạnh, Ngọc Anh...

Cứ ngỡ bài thơ đã được định vị trong âm nhạc vì bản phối của Phú Quang quá nổi tiếng. Vậy mà qua Bùi Việt Hà, vẫn thấy một “Chiều không em” tươi mới như tuổi thế hệ 9X. Những đảo phách trong nhịp 2/4 đã tạo nên nhịp điệu riêng ở bản phổ của Bùi Việt Hà. Từ câu thơ “Cây nối cây mà màu xanh cô đơn”, cô gái đã biến thành ca từ như của chính mình: “Chiều không em hàng cây nối cây/ Màu xanh cô đơn man mác buồn”. Như Huy Du, Bùi Việt Hà để nguyên hai câu thơ rất đời: “Bản nhạc hay không có người nghe/ Điếu thuốc thơm dài chờ môi kia”. Đến khi kết thì mới thấy rõ sự trẻ trung khi Bùi Việt Hà thêm hẳn một câu: “Hết thương rồi thôi tạm biệt nhé/ Giờ riêng anh hoàng hôn một mình”.

Bùi Việt Hà đang ở độ tuổi nhiều ước vọng. Mong sao qua thời gian, cô sẽ trở thành một tác giả tiếp bước các đàn chị.

NGUYỄN THỤY KHA
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.