Thương ngàn

Trích tiểu thuyết chưa xuất bản của Vĩnh Quyền |

Cảm giác rờn rợn khi phóng ô-tô nhập vào bóng râm của quầng mây đỏ che nửa gầm trời dù tôi đã liên tục theo dõi vụ cháy rừng khốc hại nhất trong lịch sử nước Úc, bắt đầu từ tháng 9 (2019) giữa mùa hè nam bán cầu tại bang New South Wales.

Gần ba tháng nay ngày nào truyền hình cũng tràn ngập hình ảnh chim muông cuống cuồng tìm đường thoát khỏi biển lửa, xác chúng ngổn ngang trước ống kính nhà báo.

Chúng tôi, sáu nghiên cứu sinh khoa bảo tồn thiên nhiên của đại học Sydney, thành lập đội tình nguyện, tự tìm hiểu kỹ năng cứu nạn, trang bị bảo hộ và gửi đăng ký phục vụ đến cơ quan chức năng. Giờ, rừng đã vào giai đoạn cao điểm cháy, khóa học của chúng tôi cũng vừa kết thúc, vẫn chưa nhận được điều động.

Vé máy bay giá rẻ mua từ mấy tháng trước, chỉ còn hai ngày nữa về nước, tôi không thể chờ. Thuê một ôtô bán tải, chất đầy những can nước mát, lồng nhựa, khăn tắm, sữa tươi, và túi thuốc mỡ neosporin trị bỏng, tôi một mình lên đường. Thật ra tôi có gọi Katy, mong được ở bên cô lúc này, nhưng cô có lịch thăm mẹ ở viện dưỡng lão.

Thêm một giờ nữa, tôi bắt đầu chạy xuyên những rừng cây cháy đen trùng trùng. Lửa đã tắt nhưng mặt đất dày xốp lớp bụi tro không ổn định hầm hập nóng và rải rác những cột khói bốc lên vật vờ lãng đãng. Cảm giác đơn độc trôi dần vào hỏa ngục khiến tôi tự mâu thuẫn: vừa tiếc không có Katy bên cạnh vừa mừng cô không bị cuốn vào chuyến đi chết chóc.

Tôi trở lại Úc, tiếp nối chương trình nghiên cứu bảo lưu, là theo khuyên của Katy, người phụ nữ Úc thuê tôi phiên dịch trong chuyến khảo sát loài sói đỏ - Cuon alpinus được cho là còn vài cá thể trong những cánh rừng Tây Nguyên Việt Nam.

* * *

Chuyến khảo sát hai tuần trong rừng khộp kết thúc với cuộc họp đoàn bên lửa trại. Nói đoàn theo thói quen chứ lúc đó nếu không tính con chó luôn theo sát chân tôi thì chỉ có tôi và Katy, cô tiến sĩ say mê nghiên cứu động vật hoang dã.

Nhớ cái đêm ấy: Vàng rơm, vàng nâu của tóc, của da dẻ đàn bà Úc chuyển nhẹ khi sẫm khi sáng theo ánh vàng hổ phách chập chờn của lửa, và vàng chanh của trăng, phối thành bức ảnh gam vàng hoang dã trong trí tưởng tôi. Những ngón tay khẽ co duỗi nhưng tôi gần như bất động, máy ảnh nằm im trong túi da đặt trên đùi. Tôi biết sẽ không có được bức ảnh đang có trong đầu vì mọi thứ lung linh đẹp đẽ trước mắt sẽ khác sau tiếng click bấm máy.

Katy bỗng chuyển đề tài: Ông học tiếng Anh ngành lâm sinh ở đâu?

Đại học. Tôi đáp gọn.

Lửa trại yếu dần, mềm ẻo như mảnh lụa chấp chới bay lên. Tiếng đập cánh của con chim lớn ngái ngủ trong lùm cây gần đó và bản hòa tấu the thé giữa dế, tắc kè, và ve rừng chung quanh cũng đang lúc cao trào làm tăng bầu khí trầm lắng. Vẻ mặt chờ đợi thật thà đến tội nghiệp của Katy khiến tôi hắng giọng, nói đôi điều. Rằng tôi học tiếng Anh gần như ngay những ngày đầu trở lại đời dân sự sau năm năm làm lính trinh sát với mảnh lựu đạn cắm trong đầu, quà lưu niệm của tên trùm buôn lậu ma túy xuyên biên giới Việt-Campuchia.

Giờ nó vẫn ở đây. Tôi vỗ nhẹ lên chỏm đầu.

Vẻ mặt Katy lúc ấy xót cho vết thương của tôi. Điều đó khiến tôi cảm động, tiếp câu chuyện.

Thứ đầu tiên tôi thấy khi tỉnh lại là bóng trắng ngồi cạnh chân giường, phát liên tục lời rì rầm như cầu kinh. Vậy là mình chết rồi, mãi tuổi 23, tôi nghĩ. Đường nét, sắc màu rõ dần, tôi nhận ra mình còn sống, đang ở quân y viện và bóng trắng là cô y tá trẻ trong bộ đồng phục. Cô reo lên khi bất chợt gặp mắt tôi, liến thoắng cho biết tôi đã hôn mê hơn một tuần, đến nỗi cô có thể vừa canh chừng cái xác sống là tôi vừa ôn thi tiếng Anh lớp đêm mà không bị nhắc nhở. Cả bệnh viện chẳng ai nghĩ tôi có thể sống sót.

Họ gọi tình trạng của tôi lúc ấy là gì nhỉ?

Katy nói một từ nhưng tôi không hiểu.

Cô giải thích, cuối cùng cũng gợi được một khái niệm chuyên môn ngành y, chết lâm sàng.

Tuần sau, cô y tá khoe ảnh chụp dịp bế giảng khóa tiếng Anh, trình độ A. Tôi lặng người nhận ra cô giáo.

Katy hơi chồm tới trước: Người yêu?

Tôi gật đầu: Ngay khi tự đi lại được, tôi ghi danh lớp tiếng Anh, nôn nóng gặp người yêu thời trung học, tâm trạng căng thẳng như trước giờ nổ súng. Nhưng rồi trong mắt người đàn bà một con ấy tôi chỉ là kỷ niệm đáng yêu thời hoa niên. Bỏ lại sau lưng mùa mưa và mối tình buồn ở Tây Nguyên, tôi vào Nam tìm sự thay đổi. Ký ức rừng bằng cách nào đó dẫn tôi đến phân hiệu Đồng Nai trường Đại học lâm nghiệp. Và bằng cách nào đó, cái lớp đêm Anh ngữ dọn đường cho tôi chọn chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp tôi có thể vượt qua kỳ thi giành học bổng toàn phần một chương trình nghiên cứu tại Úc. Vậy mà một năm sau tôi phải nộp đơn xin bảo lưu kết quả, lên đường về nước vì lý do sức khỏe.

Tôi dừng lại đốt nối thuốc lá. Katy nhìn tôi hút trong im lặng, không giấu vẻ ái ngại. Bất ngờ cô nghiêng người đón điếu thuốc trên tay tôi, đưa lên môi rít khẽ, nhả khói thật chậm vẻ đánh giá hương vị, rồi vừa nhìn vào mắt tôi vừa thả nhẹ điếu thuốc vào đống than hồng hừng hực trước mặt. Đóm lửa nhỏ bùng lên, tắt trong khoảnh khắc, như chẳng có gì vừa xảy ra.

Nãy giờ ông hút hơn mười điếu rồi đấy. Katy nói giọng nửa khuyên hơn nửa trách buộc.

Hồi đáp của tôi không rõ tiêu cực hay tích cực khi ngồi hai tay bó gối, không động đến gói thuốc, nhưng rõ có một bất ngờ thú vị dành cho tôi. Rằng một gã rừng rú vẫn mềm lòng khi được quan tâm, vẫn thúc thủ trước sức độc đoán dịu dàng của phụ nữ.

Katy nối chuyện: Hai tuần qua tôi thấy ông băng rừng không biết mệt, hy vọng đã vượt qua giai đoạn khó khăn về sức khỏe?

Katy à, vấn đề của tôi thuộc lĩnh vực tâm trí chứ không về thể chất. Một năm qua tôi có cảm giác dần trở lại bình thường, tuy vậy bệnh tình vẫn có thể tái phát, bởi nguyên nhân ẩn đâu đó trong ký ức, hoặc chính nó là ký ức, thứ mà ta không thể can thiệp.

Ngưng một lúc, cố vượt thói quen đốt tiếp một điếu thuốc, tôi nói chọn lâm nghiệp khi vào đại học tôi chẳng cân nhắc gì vì nó kết nối với tuổi thơ của đứa con trai người nhận khoán rừng kinh tế mới và cả quãng đời lính trinh sát sau đó nữa. Có thể nói tôi thuộc đường ngang lối tắt rừng biên giới Việt-Căm ở Tây Nguyên như thuộc bàn tay mình. Học nghề lâm tôi có thể trở lại không gian quen thuộc đó. Miếng tôi ăn ngon nhất là thịt rừng không ướp gia vị, nướng nửa sống nửa chín, thị dân gọi nướng mọi. Ngụm tôi uống ngon nhất là rượu đồng bào dân tộc chưng cất từ các loại rễ cây trên hai nghìn mét cao quanh năm ngậm sương giá. Chẳng biết từ lúc nào trong tôi hình thành tâm lý ngại giao tiếp xã hội, chỉ thấy thật sự thoải mái, an toàn khi được một mình trong rừng. Nói cách khác, theo học ngành lâm là tôi chọn cho mình một nghề tương lai nối dài quá khứ. Mọi chuyện có vẻ trôi chảy nếu tôi dừng lại ở đấy.

Thế rồi, tri thức đại học mang đến cho tôi cái giật mình muộn. Rằng lâu nay “đứa con của rừng”, mà tôi thích thú tự xưng, không thật sự hiểu, thậm chí nhìn nhận sai về “bà mẹ rừng”. Những trang văn khoa học lâm sinh, những bộ phim tài liệu về thế giới tự nhiên dần gieo cấy vào tôi những rung động trữ tình chưa từng có. Rung động ấy dẫn tôi đến chương trình nghiên cứu sau đại học tại Úc, chuyên ngành bảo tồn thiên nhiên. Vào học phần thực địa, với tiểu sử cựu trinh sát biên phòng, tôi được gửi đến một biệt đội chống tội phạm săn bẫy thú hoang dã. Hào hứng được tuần lễ thì em trai tôi gửi email báo tin dữ ở nhà. Cha tôi bị bắt khi dẫn đường một nhóm người trang bị cưa xăng xâm nhập địa phận khu bảo tồn thủy tùng.

Được biết đến từ thời kỷ băng hà, thủy tùng nay chỉ có mặt tại nam Trung Quốc, Lào và Việt Nam với tình trạng nguy cấp. Việt Nam sở hữu hơn hai trăm cây, trong đó có những cây trên 700 năm tuổi, tập trung tại hai huyện Ea Hleo và Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Gã chủ mưu thú nhận lặn lội từ Hà Nội vào Tây Nguyên săn thủy tùng vì tin lời đồn đó là cây thuốc trị được bá bệnh, kể cả ung thư. Còn cha tôi khai làm vậy vì cần tiền chạy chữa ung thư cho mẹ tôi.

Tối hôm đó tôi không ngủ được, vừa hờn trách vừa xót thương người cha thất học suốt đời lam lũ, rồi giận bản thân vô dụng, chưa giúp được gì cho cha mẹ và em. Khoảng bốn giờ sáng, cơn đau khủng khiếp bùng phát từ vết thương cũ, đúng hơn là từ mảnh lựu đạn ghim ở vỏ não mà các bác sĩ đánh giá hãy để yên vậy an toàn hơn phẫu thuật lấy bỏ, vì có nguy cơ gây bại liệt. Nghĩ đấy là hậu quả một đêm căng thẳng dằn vặt soi chiếu đa chiều cái tình cảnh mâu thuẫn mỉa mai không thể chia sẻ với ai của mình, tôi dùng một viên paracetamol kèm hít thở sâu với lời nhủ thầm mọi chuyện rồi sẽ ổn, lặp lại cho đến lúc thiếp đi.

Hôm sau, thay vì xin nghỉ ốm tôi theo biệt đội vào rừng thực hiện nhiệm vụ phá dỡ, thu gom bẫy và cứu hộ thú mắc bẫy. Buổi sáng trôi nhẹ nhàng cho đến khi điều thầm lo xuất hiện. Cơn đau đầu trở lại, âm ỉ rồi tăng cấp. Mắt cay hoa nắng, bước chân ngắn dần, tôi tụt lại phía sau đồng đội, cuối cùng đành bỏ cuộc, ngồi thở dốc trong bóng râm tán cây bao-báp. Mở bi-đông nước, uống thêm viên paracetamol, tôi liên tục lặp thầm lời tự quyết trước khi ngất lịm, rằng tôi nhất định thuộc về đội quân bảo vệ rừng.

Không rõ bao lâu sau đó, tôi mơ hồ thấy Tâm, em trai mười sáu tuổi của tôi ló ra từ rặng gumbi, loài cây thấp mọc ven suối, đảo mắt cảnh giác rồi nhanh nhẹn đặt bẫy dây. Chính tôi truyền nghề cho nó trước ngày lên đường nhập ngũ. Vào lính tôi được no đủ hơn nhiều, những ngày đầu đặc biệt ưa thích hương vị đồ hộp mới mẻ. Chẳng bao lâu nó khiến tôi phát ốm, và không chỉ mình tôi. Vậy là lúc rỗi tôi lang thang vào rừng, không với bẫy dây mà khẩu CKC bắn tỉa, săn thịt tươi cho tiểu đội, gọi là “cải thiện”. Tôi giỏi việc này đến mức anh em gán biệt danh “Thợ Săn”.

Tôi thấy tôi bắc hai tay làm loa gọi lớn: Tâm ơi, nghe lời anh, dừng lại… Thực ra chỉ là chuỗi âm thanh ú ớ tức nghẹn trong lồng ngực, cũng có thể là trong hộp sọ đang muốn nổ tung. Không nghe và không thấy tôi, Tâm lẳng lặng chui biến vào bụi gumbi sau khi xong việc. Bất chấp cơn đau, tôi gượng đứng lên, từng bước loạng choạng rời bóng râm cây bao-báp, quyết gỡ cái bẫy của đứa em trai. Rồi tôi ngã sấp, vụt thoát cơn mê sảng nhức nhối ảo giác.

Lát sau, qua bộ đàm tôi báo tình cảnh tồi tệ của tôi với đội trưởng. Trong lúc chờ được cấp cứu, tôi nằm trên mặt đất rừng khô khốc rực nắng, nhớ những lần từ đơn vị trinh sát về thăm nhà tôi vui gặp bữa cơm có thịt mà mẹ không phải bỏ tiền chợ. Dân nghèo vùng kinh tế mới chúng tôi gọi “miếng của rừng”. Rồi sự thể thay đổi khi tôi vào đại học. Từ cái nhìn con chim rừng là miếng thịt tươi biết bay đến cái nhìn phân loài quý hiếm, tôi không thể hình dung được việc con người có thể ăn thịt những loài chim đặc hữu Việt Nam, được các nhà khoa học vinh danh “báu vật quốc gia”, như khướu Ngọc Linh chẳng hạn.

Một lần, trong bữa ăn, tôi lên tiếng bảo em trai ngừng sử dụng bẫy dây, thứ bẫy cực kỳ đơn giản nhưng rất hiệu quả, có thể tóm từ sóc bé mọn đến voi khổng lồ. Nói cách khác đó là bẫy mù, tuyệt diệt chẳng chừa loài nào. Đặt bẫy dây là vô tình gây tội ác. Cả nhà ngừng đũa nghe tôi, rồi lẳng lặng chia phe. Ba tôi và Tâm cúi mặt, gắng gượng nhai nốt đĩa chim nướng. Tôi và mẹ ăn rau. Tan nát bữa cơm đoàn tụ.

Chuyện đến đấy thì tôi nghẹn lời nhìn mãi xuống than hồng, giấu dòng nước mắt hiếm hoi. Lúc ấy tôi tin đôi mắt xanh tin cậy của Katy trong bóng rừng đêm đã dẫn dụ tôi bước ra khỏi tôi, ngoảnh lại đời mình, nửa khinh bạc nửa xót xa, và cất thành lời.

Sau một lúc im lặng bối rối, Katy xích lại gần hơn, luồn mấy ngón tay dài vào tóc tôi, mân nhẹ lên sẹo ở chỏm đầu, mà đôi khi nó là vết thương chưa lành hẳn, cũng là ngòi nổ khơi dòng ký ức cay nghiệt nơi tôi.

Ổn rồi, vậy là ổn rồi… Katy thì thào. Ngừng một lúc, cô tiếp: Chẳng thể thay đổi ký ức thương tổn nhưng tình yêu có thể làm nên ký ức tương lai, thứ ký ức xoa dịu đau buồn trong ký ức quá khứ.

Tiếng rung ngân của con dế bụi đâu đấy át lời cám ơn khẽ của tôi.

* * *

Vào vùng lõi, thỉnh thoảng gặp cảnh người dân cứu giúp những con thú sống sót lê thân ra được vệ đường. Tôi tiếp tục lái xe cho đến khi gặp đám cháy thật sự đầu tiên. Đội cứu hỏa chuyên nghiệp xem chừng thấm mệt sau hơn mấy tháng lăn xả vào cuộc chiến không cân sức với thần Vulcan.

Nhìn trang phục bảo hộ và những gì tôi đã chuẩn bị, đội trưởng hài lòng trước lời đề nghị được chia sẻ của tôi. Ông trao vòi nước nhưng tôi lắc đầu. Vừa mang ba-lô tôi vừa nói lý do tôi có mặt ở đây. Ông ngẩn một giây rồi hiểu. Đội cứu hỏa phải cật lực chặn đường đi của lửa, trong khi trong cánh rừng đang cháy kia còn bao nhiêu sinh linh cần được cứu.

Đội trưởng lệnh ba nhân viên cùng lúc bắn nước tập trung vào một vị trí. Tôi lao theo. Thác nước ấy vừa khống chế tạm thời sức nóng khủng khiếp vừa đẩy tôi trôi qua bên kia tường lửa.

Tôi đã thích thú nghe bà Bộ trưởng môi trường Sussan Lei phát biểu trên đài truyền hình ABC về thái độ cần có khi cứu hộ động vật hoang dã trong thảm họa cháy rừng quốc gia. Rằng tất cả các loài đều quan trọng như nhau để được cứu, không nhất thiết là loài quý hiếm hay đáng yêu. Lúc này và nơi góc rừng này tôi không phải cân nhắc tính bình đẳng ấy vì gặp toàn gấu túi koala, loài tôi đặc biệt thương quý. Có lẽ trước đó các loài thú nhanh nhạy như kangaroo, hươu, nai… đã kịp phóng đến những khoảnh rừng chưa bén lửa. Chính vẻ đủng đỉnh ngây ngô đáng yêu của koala đã hạn chế khả năng thoát hiểm. Thay vì lánh càng xa ngọn lửa càng tốt, chúng leo lên cây gần nhất, ngồi thu lu trông như quả cầu. Thật đau lòng chứng kiến cảnh những con koala xấu số ôm chặt thân cây, cùng cháy rồi cùng rơi đổ.

Leo từng cây, gỡ từng con koala còn sống, trùm khăn ướt, bế ra khỏi vành đai lửa với sự hỗ trợ của những vòi phun nước “mở cửa”, trao từng con cho nhóm khách qua đường chăm sóc, rồi tôi tất tả quay lại. Ban đầu còn đếm thầm, ba con… năm con… sau đó không nhớ bao nhiêu. Để rồi kết thúc bởi một cành cây cháy đổ quật trúng vào chân trái. Anh lính cứu hỏa kịp lao vào cõng tôi ra xe cứu thương chờ sẵn gần đấy.

Điều bất ngờ là họ đặt tôi vào thùng xe dành cho bầy koala được giải thoát trước đó. Những đôi mắt hiền ngơ ngác nhìn nhau rồi xúm lại nhìn vào mắt tôi, những bàn tay bé nhỏ bỏng rộp rướm máu quờ quạng cố chạm khẽ vào tôi khiến tôi tin chúng nhận ra tôi là ai, bày tỏ lòng biết ơn và muốn chăm vết thương cho tôi theo cách của chúng. Lúc ấy tôi mừng thấy có cơ hội đếm đi đếm lại bầy koala, như kẻ bần cùng đếm mãi món tài sản khiêm tốn của mình. Cũng là tài sản chung trái đất này. Mười ba… Mười ba… Nước mắt tôi ứa ra làm rát da mặt nứt nẻ. Lúc ấy, lời Katy vẳng quanh tôi như điệp khúc opera:

Chẳng thể thay đổi ký ức thương tổn nhưng tình yêu có thể làm nên ký ức tương lai, thứ ký ức xoa dịu đau buồn trong ký ức quá khứ...

Trích tiểu thuyết chưa xuất bản của Vĩnh Quyền
TIN LIÊN QUAN

Chiến lược trần thuật trong "Mảnh vỡ của mảnh vỡ" của Vĩnh Quyền

Nguyễn Thị Tịnh Thy |

Nhân tiểu thuyết Debris of Debris (Mảnh vỡ của mảnh vỡ) của nhà văn Vĩnh Quyền vừa tái bản lần thứ tư tại Canada, Lao Động Cuối tuần trân trọng giới thiệu bạn đọc một trích đoạn từ công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Tịnh Thy: "Nhân vật mảnh vỡ trong tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ".

Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết "Trong vô tận" của Vĩnh Quyền

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy |

Lời kể, lời tả và lời bình luận trong Trong vô tận được tác giả tạo nên nét riêng biệt. Các kiểu lời đó đậm dấu ấn cảm quan lịch sử lẫn tố chất văn hóa hoàng gia trong ngòi bút Vĩnh Quyền. Ông từng chinh phục người đọc bởi vẻ quý phái trong Qua miền phủ đệ, tập tản văn về cố đô Huế, với tư cách là một người con của Huế, một hậu duệ của hoàng gia. Trong tiểu thuyết cũng vậy, văn phong của Vĩnh Quyền thư thái, ung dung. Lối kể chậm rãi, khoan thai đó phù hợp với kiểu truyện giàu chất hồi cố như Trong vô tận.

Trích đoạn "Trong vô tận" của Vĩnh Quyền

VĨNH QUYỀN |

Ánh sáng lịm dần trong bước đi âm thầm không cưỡng của bóng tối. Từ độ cao mười nghìn mét qua cửa sổ máy bay có thể nhận ra đường biên ngày đêm trên bề mặt trái đất. Bóng tối mon men tới đâu đèn đóm phát sáng tới đó, chỗ chi chít bao la chỗ rải rác, lẻ loi lấp lánh tín hiệu hiện hữu của con người. Một lần bắt gặp cuộc giao hoan âm dương lộng lẫy nao lòng như vậy, tôi đặt vé cạnh cửa sổ cho mỗi dịp bay xuyên bán cầu. Đó là lý do tôi chần chừ không nhường ngay chỗ cho cô gái tóc vàng người Mỹ. Khi ngoài kia ráng chiều chuyển sậm và màn tối mơ hồ dâng lên cô nghiêng sang tôi thì thầm: làm ơn giúp tôi tránh gã bên cạnh. Thay vì đổi chỗ theo yêu cầu, tôi muốn giải quyết tình huống của tóc vàng từ gốc là gã người Việt trạc tuổi tôi, hai lăm.

Yên Bái: Ngang nhiên tổ chức sới chọi trâu quy mô khủng bất chấp quy định

Văn Đức |

Dù đã có quy định nghiêm cấm tổ chức chọi trâu. Tuy nhiên, Công ty Hải Cường vẫn ngang nhiên tổ chức sới quy mô khủng, thu hút hàng nghìn người tham gia.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân giá vàng bật tăng mạnh sau Tết

Thái Mạnh |

Thị trường vàng trong nước bắt đầu bước vào mùa cao điểm nhất trong năm khi chỉ còn ít ngày nữa là tới ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng).

Yên Bái: "Sới" chọi trâu tự phát thu hút hàng chục nghìn người xem

Văn Đức |

Một "sới" chọi trâu tại xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình không phép vừa được tổ chức, thu hút hàng chục nghìn người đến xem.

Hàng loạt xe khách trốn tiền bến bãi, trả khách vỉa hè sau Tết

THUỲ DƯƠNG - HẢI DANH |

Sau Tết, dọc đường Giải Phóng (cùng phía với bến xe) hàng dài xe khách ngang nhiên dừng đỗ ngay bên vỉa hè. Hành khách thì chán nản xuống xe còn cánh xe ôm, chở hàng thì nháo nhác vẫy khách, ngã giá ngay giữa lòng đường.

Hà Nội còn 27 hộ ở chung cư nguy hiểm, có thể sập nhưng chưa đồng ý di dời

PHẠM ĐÔNG |

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn quận Ba Đình còn tổng cộng 27 hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ nguy hiểm, có thể đổ sập bất cứ lúc nào chưa đồng ý di dời.

Chiến lược trần thuật trong "Mảnh vỡ của mảnh vỡ" của Vĩnh Quyền

Nguyễn Thị Tịnh Thy |

Nhân tiểu thuyết Debris of Debris (Mảnh vỡ của mảnh vỡ) của nhà văn Vĩnh Quyền vừa tái bản lần thứ tư tại Canada, Lao Động Cuối tuần trân trọng giới thiệu bạn đọc một trích đoạn từ công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Tịnh Thy: "Nhân vật mảnh vỡ trong tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ".

Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết "Trong vô tận" của Vĩnh Quyền

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy |

Lời kể, lời tả và lời bình luận trong Trong vô tận được tác giả tạo nên nét riêng biệt. Các kiểu lời đó đậm dấu ấn cảm quan lịch sử lẫn tố chất văn hóa hoàng gia trong ngòi bút Vĩnh Quyền. Ông từng chinh phục người đọc bởi vẻ quý phái trong Qua miền phủ đệ, tập tản văn về cố đô Huế, với tư cách là một người con của Huế, một hậu duệ của hoàng gia. Trong tiểu thuyết cũng vậy, văn phong của Vĩnh Quyền thư thái, ung dung. Lối kể chậm rãi, khoan thai đó phù hợp với kiểu truyện giàu chất hồi cố như Trong vô tận.

Trích đoạn "Trong vô tận" của Vĩnh Quyền

VĨNH QUYỀN |

Ánh sáng lịm dần trong bước đi âm thầm không cưỡng của bóng tối. Từ độ cao mười nghìn mét qua cửa sổ máy bay có thể nhận ra đường biên ngày đêm trên bề mặt trái đất. Bóng tối mon men tới đâu đèn đóm phát sáng tới đó, chỗ chi chít bao la chỗ rải rác, lẻ loi lấp lánh tín hiệu hiện hữu của con người. Một lần bắt gặp cuộc giao hoan âm dương lộng lẫy nao lòng như vậy, tôi đặt vé cạnh cửa sổ cho mỗi dịp bay xuyên bán cầu. Đó là lý do tôi chần chừ không nhường ngay chỗ cho cô gái tóc vàng người Mỹ. Khi ngoài kia ráng chiều chuyển sậm và màn tối mơ hồ dâng lên cô nghiêng sang tôi thì thầm: làm ơn giúp tôi tránh gã bên cạnh. Thay vì đổi chỗ theo yêu cầu, tôi muốn giải quyết tình huống của tóc vàng từ gốc là gã người Việt trạc tuổi tôi, hai lăm.