Trích đoạn "Trong vô tận" của Vĩnh Quyền

VĨNH QUYỀN |

Ánh sáng lịm dần trong bước đi âm thầm không cưỡng của bóng tối. Từ độ cao mười nghìn mét qua cửa sổ máy bay có thể nhận ra đường biên ngày đêm trên bề mặt trái đất. Bóng tối mon men tới đâu đèn đóm phát sáng tới đó, chỗ chi chít bao la chỗ rải rác, lẻ loi lấp lánh tín hiệu hiện hữu của con người. Một lần bắt gặp cuộc giao hoan âm dương lộng lẫy nao lòng như vậy, tôi đặt vé cạnh cửa sổ cho mỗi dịp bay xuyên bán cầu. Đó là lý do tôi chần chừ không nhường ngay chỗ cho cô gái tóc vàng người Mỹ. Khi ngoài kia ráng chiều chuyển sậm và màn tối mơ hồ dâng lên cô nghiêng sang tôi thì thầm: làm ơn giúp tôi tránh gã bên cạnh. Thay vì đổi chỗ theo yêu cầu, tôi muốn giải quyết tình huống của tóc vàng từ gốc là gã người Việt trạc tuổi tôi, hai lăm.

Đang mải mê soi cô gái, nghe tiếng hắng giọng, hắn ngước lên đấu mắt tôi. Hòa hoãn, tôi bảo hắn giữ thể diện quốc gia chút đi. Hắn phun câu chửi tục cực ngắn. Tôi bật cười cũng cực ngắn khiến hắn ngạc nhiên. Cười nhận ra điều to tát đặt lên vai thằng lùn văn hóa. Cũng là cười đắng vì hắn đánh thức trong tôi một con người khác muốn quên.

Ngồi xuống giữa tóc vàng và hắn, tôi chậm rãi xắn tay áo phải, việc không muốn làm trước mặt mọi người, và nói đủ nghe bằng giọng thản lạnh, rằng đến Sài Gòn sẽ tính chuyện phải quấy. Nhìn trân cánh tay tôi, đọc ra lớp tối tăm mật phục ở đấy, hắn từ từ co người rồi ngả hẳn vào góc xa lưng ghế, ngoảnh đi và lim dim mắt như trôi vào cơn buồn ngủ chợt đến.

Tóc vàng rời mắt khỏi sẹo dài ngót hai tấc bổ đôi hình xăm rồng trên tay tôi, ra một cử chỉ cám ơn và thì thầm: Nhát chém?

Vờ không nghe thấy, tôi lặng lẽ cài lại tay áo.

Bên ngoài bóng tối còn nhạt nhưng đã bao trùm. Hãy cố chợp mắt một lúc, tôi thầm nhủ. Từ ngày nhận tin ba tôi chìm vào mê sâu tôi lội ngược dòng với ông, mất ngủ. Còn lúc này, âm thanh rù rì bất tận của máy bay trở thành điệu ru phát ngấy nhưng hiệu quả.

Tôi chợt nhận ra chỗ của cô gái tóc vàng giờ là ba tôi, dù ông nghiêng mình nhìn ra ô cửa máy bay.

Ba không thay đổi gì bởi bao năm qua tôi chỉ kết nối ông qua mỗi tấm ảnh phai úa. Tôi không thể nhớ mình mấy tuổi khi lần đầu mẹ cho xem chân dung ba, nhưng hẳn lúc ấy tôi đã có nhận thức, thậm chí biết hỏi câu hỏi mà đứa trẻ nào trong hoàn cảnh tôi có ngày sẽ phải hỏi: mẹ ơi ba con đâu hoặc mẹ ơi ba con là ai. Tôi đã câm nín khi mẹ nhìn bức ảnh và nói với nhịp thở gấp: đây là ba con. Bởi tôi tin mẹ sẽ bật khóc nếu tôi hỏi như vậy, và tôi luôn đau lòng, bất lực mỗi khi mẹ khóc. Người trong ảnh, tiến sĩ khoa nhân văn Đại học Waseda 1974, trông trạc tuổi tôi lúc này, hai lăm, và giống tôi. Tuy nhiên đôi mắt ông như buồn hơn sau đôi kính gọng tròn và hàng ria con kiến cùng mái tóc ngôi giữa cũng khiến ông trông chững chạc hơn.

Từ ngày sống chung với ba dượng, tấm ảnh ấy thành tài sản riêng của tôi. Tôi rất thích những dịp hai mẹ con cùng xem ảnh ba, hy vọng biết thêm đôi điều về hai người. Nhưng mẹ nhẹ nhàng né tránh những gợi ý vụng về của tôi. Thỉnh thoảng, thường là lúc có tâm trạng buồn trống hoặc hoang mang về bản thân, tôi trốn vào một góc vắng, trò chuyện một chiều với người đàn ông trong ảnh. Thậm chí tôi còn gặp ông trong giấc ngủ.

Con xin lỗi ba… Tôi nói nhẹ êm như thở dài và thấy lòng bình yên lạ.

Rời biển tối vô tận ngoài kia, ba quay lại thật chậm, hốc mắt sâu đọng thứ ánh sáng tiết kiệm năng lượng của máy bay làm tăng vẻ tĩnh lặng nhẫn chịu. Trông chúng tôi cứ như hình với bóng. Ông không hỏi tôi xin lỗi điều gì, ánh mắt êm đềm cho thấy ông coi lời tôi chỉ là giao thức khai thông tình cha con sau bao năm lặng lẽ.

Tôi nói ba à, con đã vượt qua chặng đường dài không dễ dàng gì, và một mình. Rồi sửa lại, thực ra luôn có ba đâu đó. Và giải thích về điều đó, rằng mỗi khi cô đơn tới mức không chịu được tôi lại tự hành hạ với ý nghĩ đang trả quả báo vì đã bỏ mặc ba một mình ở Huế, cái thành phố mà mẹ bảo giỏi khiến người ta cô đơn gấp nhiều lần mức cần thiết.

Tôi thấy mình nói nhiều và không giống giọng tôi ngày thường. Có lẽ tôi muốn bù đắp khoảng lặng trước đó hay đã đến lúc tôi chịu thua trước sức lặng của ba.

Dẫu gì cũng mừng khi tôi không phải độc thoại. Ba nói đừng đổ lỗi cho không gian, nó có làm sao là do con người, ba mới là người có lỗi đã không ở cạnh con và mẹ của con, ba đã không chuẩn bị làm người đàn ông của gia đình. Và ông khái quát, rằng nhà mình, dòng họ mình, hình như đàn ông ai cũng như tê giác đơn độc.

Tê giác? Lời của Thích Ca? Tôi buột miệng.

Ờ, Thích Ca: “Hãy lên đường một mình như tê giác”.

Biết mình một mình chẳng liên quan Thích Ca nhưng tôi không bình luận, sợ bị dẫn vào ngả rẽ kinh sách mù khơi. Và bởi lúc này tôi yếu đuối bất thường, chỉ muốn được thật sự ở bên ông, người cha tê giác.

Cú tiếp đất trả tôi lại chuyến bay Los Angeles-Tân Sơn Nhất. Trả luôn sự thật ba tôi đang hôn mê ở Huế.

Hê, Tóc Vàng, chuyến đi vui vẻ nhé. Tôi nói.

Thoáng ngạc nhiên nhưng cô gái tỏ ra thông minh: Cám ơn Sẹo Rồng, tạm biệt.

[ Trang 227-234 ]

Trong mơ màng nghe tiếng khóc chính mình. Choàng thức tôi nhận ra có lẽ đó là phần sót lại của giấc mơ không thể phục hồi. Chung quanh yên tĩnh đến quái dị mới là cảm giác thật. Sẽ hoàn hảo nếu tôi biết tôi ngâm mình trong giếng trời này từ lúc nào và chợp mắt được bao lâu.

Mặt trăng thoát khỏi mây xám, quanh tôi hiện hình lớp lớp đồi cát vàng. Chợt nhớ ra hôm nay là ngày lạ lùng, cứ như tập tin nén khổng lồ, nén không gian Huế-Sài Gòn-Bình Thuận, nén chia ly vào hội ngộ, quá khứ vào hiện tại. Ngày bâng khuâng căng thẳng rồi buông bỏ hết để nằm đây một mình giữa tiểu hoang mạc.

Lúc ở sân bay Phú Bài chờ chuyến đi Tân Sơn Nhất, trong đám đông hành khách phát tiếng bíp bíp quen thuộc giúp tôi nhớ tôi đã thật sự ra khỏi thế giới không kết nối mươi ngày qua. Trong biệt phủ rêu phong và khu vườn cây lưu niên chỉ có ba tôi chìm trong hôn mê và tôi bên cạnh.

Tôi mở nguồn chiếc điện thoại đã tắt hôm nào. Cuộc sống số ngày thường ập đến với chuỗi cuộc gọi nhỡ và các thứ tin thư...

Hi, Sẹo Rồng.

Rời mắt khỏi màn hình điện thoại, tôi gần như reo: Hi, Tóc Vàng.

Không thể tiếp tục với biệt danh ngẫu hứng gán cho nhau theo đặc điểm ngoại hình lần gặp trên chuyến bay Los Angeles-Tân Sơn Nhất, chúng tôi giới thiệu tên. Lúc đó tôi không nghĩ về sau hai biệt danh ấy vẫn được sử dụng khi Fiona và tôi giữ liên lạc.

Lần này chúng tôi không cùng chuyến, Fiona đi Hà Nội rồi từ đó trở về Mỹ.

Đang trao đổi mấy câu xã giao thông lệ, tôi bị hút vào màn hình ipad trên tay Fiona. Một tấm ảnh lạ. Bối cảnh là ngôi nhà ngói đỏ giữa đồng lúa xanh, phía trước và trên sân phơi lát gạch cô gái Mỹ tóc vàng đứng cạnh đôi vợ chồng nông dân Việt đen đúa và người chồng trạc sáu mươi mặc quần sọt để lộ cẳng chân giả sờn bạc. Vẻ tương phản ấy làm sáng lên ba gương mặt cười nhoẻn.

Thấy tôi quan tâm, Fiona tỏ ra thích thú. Cô ngồi xuống bên, lướt sang những ảnh khác cho tôi xem. Hầu hết là nhân vật và cảnh trí thuộc về vùng ngoại thành Huế. Tôi ngỏ lời khen góc nhìn độc đáo của Fiona và đoán cô là nhà báo đang làm phóng sự về Việt Nam.

Fiona khẽ lắc đầu, vào một thư mục mới. Chùm ảnh đen trắng đã úa vàng lần lượt hiện ra. Ảnh nào cũng được ghi chú địa chỉ, thời gian. Tôi kinh ngạc nhận ra sự kết nối kỳ dị giữa hai bộ ảnh mới và cũ. Tấm đầu tiên chẳng hạn, với ảnh cũ là một lính Mỹ mồi lửa vào mái tranh túp lều thấp tè, khói bắt đầu bốc lên, trên sân phơi đất nện người chồng trẻ nằm sóng soài với đầu gối bị bắn vỡ trong khi bên cạnh người vợ quỳ lạy xin tha. Có thể nhận ra họ chính là nhân vật trong ảnh mới.

Cha tôi đấy, Fiona nói rất khẽ.

Hiểu cô ám chỉ người lính Mỹ, tôi an ủi: Rất tiếc. Dù sao Fiona đã đến đây và có những hình ảnh mới.

Cám ơn, tôi sẽ thuật lại lời anh cho cha tôi.

Vậy, chuyến đi này là cho ông ấy?

Fiona gật đầu: Cha tôi chưa biết. Tôi muốn đây là món quà bất ngờ. Phải thật bất ngờ mới hiệu quả. Cha tôi chưa trở lại Việt Nam từ tháng ba năm 1973, vẫn sống với hình ảnh đất nước này thời chiến tranh. Mỗi ngày, sau công việc ở trạm xăng đơn độc bên đại lộ xuyên hoang mạc Mojave nối nam Cali với Las Vegas, cha tôi hầu như chỉ có mỗi việc uống bia lạnh trước một màn hình lớn, xem đi xem lại bộ ảnh và những đoạn phim cũ do ông và Tim thực hiện mà nay đã được số hóa. Tim, bác sĩ quân y cùng sở thích nhiếp ảnh với cha tôi. Một lần tôi ghé thăm bất ngờ khiến cha tôi không kịp giấu nước mắt. Lúc đó tôi thấy sợ lẫn xót xa nhưng đồng thời biết rằng nỗ lực chia sẻ của tôi nếu có chỉ làm tình hình tồi tệ thêm bởi chúng tôi không có chung ký ức và vì ông ấy là một người lính. Không phải lúc nào cha tôi cũng ngược thời gian một mình. Thỉnh thoảng, thường là cuối tuần, vài đồng đội cũ của ông từ đâu đó đánh xe đến cây xăng mồ côi, cùng nhau im lặng uống bia nghe lại tiếng nổ, tiếng gào thét, tiếng khóc và gặp lại hình ảnh chính họ thời trai trẻ bùn và máu, và cả hình ảnh những đồng đội không có cái may thoát khỏi hỏa ngục trần gian, trong đó có Tim, người đã ghi lại khoảnh khắc cha tôi châm lửa đốt nhà một gia đình nông dân Việt Nam mà anh vừa xem.

Fiona nghẹn lời.

Cô có sao không? Tôi ái ngại.

Nước mắt chực trào nhưng cô lắc đầu, mái tóc vàng xòe rộng thật dịu dàng, tiếp tục: Con gái của Tim không muốn giữ trong nhà những hình ảnh như vậy, đã chuyển cho cha tôi. Nhưng mỗi năm, vào ngày giỗ Tim, cô đến cây xăng để gặp lại hình ảnh cha. Tôi là kết quả của lần hai người an ủi nhau quá mức.

Giờ họ sống chung? Tôi hỏi với lòng mong một kết thúc đẹp.

Fiona lắc đầu, tiếp: Ký ức giúp con người hoàn thiện nhưng có thứ ký ức quá ngưỡng chịu đựng của một số người, trở thành nơi giam hãm. Với bộ ảnh ghi nhận cuộc hồi sinh tại chiến trường xưa, tôi hy vọng sẽ đưa được cha tôi ra khỏi vùng ký ức thương tổn.

Fiona đáp lại cái vẫy tay của tôi trước khi khuất sau cửa xe buýt rước khách ra máy bay. Nhưng mẩu chuyện của cô ở lại với tôi đầy ám ảnh, và lúc này đang cùng tôi.

Sóng cát nhấp nhô vô tận vây quanh cho phép phóng tầm mắt tận chân trời trong ánh trăng nhưng để chẳng thấy gì ngoài bản thân khiến tôi chia sẻ nỗi cô độc của người cựu binh Mỹ giữa hoang mạc Mojave.

Chiếc máy bay thương mại xuất hiện đơn độc trên bầu trời và âm thanh động cơ không đến được chỗ tôi. Nó làm tôi nhớ giấc mơ về ba trên chuyến bay. Tự hỏi trong mơ lần tới tôi vẫn gặp lại ba như một thanh niên trong ảnh cũ hay là ba của giây phút vĩnh biệt trong vòng tay tôi? Và nhớ cả cú tiếp đất cắt đứt giấc mơ tôi ở sân bay Tân Sơn Nhất mươi ngày trước.

Nxb Trẻ, 2019.

Điều gây “mùi nhớ” dai dẳng, quyến rũ và lôi cuốn cái đọc tiểu thuyết Trong vô tận, chính là giọng kể thâm trầm, đong đầy suy tưởng, miên man hồi cố và chiêm nghiệm thấm thía về thế sự lịch sử, chan hòa trong thế sự thời hiện đại. Tôi như nhìn thấy cuộc chơi cấu trúc tiểu thuyết độc đáo của nhà văn. Một cấu trúc ly kì lắt léo, chồng chất sấp ngữa, phi lý ngược chiều trong cài đặt thời gian-không gian. Đường tuyến tính thời gian nối quá khứ-hiện tại-tương lai bất ngờ bị phá vỡ. Không gian Hà Nội-Huế-Sài Gòn của Việt Nam và của nước Mỹ, Pháp, Nhật bị đảo chiều, nhảy cóc, xô lệch, chỉ cốt chiều theo duy nhất sự xiêu lạc, giằng xé ngổn ngang của nội tâm chất chứa riêng “một cõi đi về”, trong hố thẳm tiềm thức của các nhân vật ngôi thứ nhất - “tôi”, bỗng dưng thành tha nhân của chính mình trong vô tận. PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái

VĨNH QUYỀN
TIN LIÊN QUAN

Gặp người viết tiểu thuyết “Nguyễn Du”

Bút ký của Nguyễn Ngọc Phú |

Nhà văn Nguyễn Thế Quang, tác giả tiểu thuyết “Nguyễn Du”, chỉ bắt đầu viết văn sau khi nghỉ hưu, thành danh bằng tiểu thuyết lịch sử với 4 cuốn chỉ trong thời gian khoảng 10 năm và là người đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn cùng Giải thưởng văn học ASEAN. Ông viết về bốn con người ở ba vùng đất sát nhau đó là: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ ở Hà Tĩnh; bà Hoàng Thị Loan ở Nghệ An và mới đây nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình.

Ấn ức Trắng và Thám Tử Kỳ Phát: 2 tiểu thuyết trinh thám Việt hấp dẫn

Thu Lan |

Không hề kém cạnh những tiểu thuyết trinh thám nước ngoài, 2 tác giả Việt Nam dưới đây đã đem đến cho độc giả sự thích thú, hồi hộp và cuốn hút.

Chàng Tây vượt "phong ba bão táp" viết báo, tiểu thuyết bằng tiếng Việt

Thùy Dung - Thu Hà - Lan Anh |

Marko Nikolic, chàng trai người Serbia đã đến Hà Nội và có 6 năm làm việc, trải nghiệm và học tiếng Việt. Hiện tại, anh đã có cho mình 1 cuốn tiểu thuyết và nhiều bài báo bằng tiếng Việt.

Những góc quán cafe ngắm pháo hoa lý tưởng ở TPHCM

Quỳnh Nga |

Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, TPHCM dự kiến bắn pháo hoa ở 6 điểm. Đừng bỏ qua những địa điểm ngắm pháo hoa ở TPHCM cực “chill” dưới đây.

Những địa điểm kỳ lạ được phát hiện trên Google Earth

Anh Vũ |

Hình ảnh trên Google Earth có sẵn cho bất kỳ ai tải xuống phần mềm và các nhà khảo cổ học đã tận dụng nguồn tài nguyên phong phú này.

Mất việc cận Tết, công nhân ngậm ngùi: "Tết năm sau con về!"

Chân Phúc - Phương Ngân |

Mất việc làm vào những ngày cận Tết, đồng nghĩa với việc mất đi thu nhập, không ít công nhân đã phải ngậm ngùi ở lại TPHCM trong dịp Tết Nguyên đán này. Buồn, tủi thân,... nhưng họ buộc phải chấp nhận điều đó, và chỉ có thể hẹn với bố mẹ,... Tết năm sau con về!

Vẻ đẹp kỳ vĩ của moong than sâu nhất Đông Nam Á tại Quảng Ninh

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Mỏ than lộ thiên Cọc 6, thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong những mỏ than lâu đời và xuống sâu nhất của TKV, thậm chí được coi là mỏ than lộ thiên sâu nhất của Đông Nam Á hiện vẫn đang được khai thác.

Khó khăn đổi tiền mới, lì xì online lên ngôi

Nhóm PV |

Thay vì mừng tuổi với những phong bao lì xì đỏ như mọi năm, thì năm nay, xu hướng lì xì online lại lên ngôi. Quả thật, với sự phát triển của công nghệ, việc lì xì ngày càng trở nên dễ dàng hơn dù chúng ta cách xa nhau hàng nghìn cây số.

Gặp người viết tiểu thuyết “Nguyễn Du”

Bút ký của Nguyễn Ngọc Phú |

Nhà văn Nguyễn Thế Quang, tác giả tiểu thuyết “Nguyễn Du”, chỉ bắt đầu viết văn sau khi nghỉ hưu, thành danh bằng tiểu thuyết lịch sử với 4 cuốn chỉ trong thời gian khoảng 10 năm và là người đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn cùng Giải thưởng văn học ASEAN. Ông viết về bốn con người ở ba vùng đất sát nhau đó là: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ ở Hà Tĩnh; bà Hoàng Thị Loan ở Nghệ An và mới đây nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình.

Ấn ức Trắng và Thám Tử Kỳ Phát: 2 tiểu thuyết trinh thám Việt hấp dẫn

Thu Lan |

Không hề kém cạnh những tiểu thuyết trinh thám nước ngoài, 2 tác giả Việt Nam dưới đây đã đem đến cho độc giả sự thích thú, hồi hộp và cuốn hút.

Chàng Tây vượt "phong ba bão táp" viết báo, tiểu thuyết bằng tiếng Việt

Thùy Dung - Thu Hà - Lan Anh |

Marko Nikolic, chàng trai người Serbia đã đến Hà Nội và có 6 năm làm việc, trải nghiệm và học tiếng Việt. Hiện tại, anh đã có cho mình 1 cuốn tiểu thuyết và nhiều bài báo bằng tiếng Việt.