Văn hóa đọc cần một cuộc cải cách mới...

Việt Văn (thực hiện) |

Về nhu cầu đọc của giới trẻ và cách tôn vinh văn hóa đọc một cách hiệu quả nhất - phóng viên Báo Lao Động đã đặt câu hỏi với Tống Phước Bảo, Phan Đức Lộc, Tịnh Bảo - cả ba đều là những nhà văn trẻ có nhiều tác phẩm hay, đoạt nhiều giải thưởng được giới trẻ mến mộ.

Giới trẻ hiện nay thích đọc gì theo góc nhìn của bạn?

Nhà văn Tống Phước Bảo: Độc giả trẻ hiện nay may mắn được thụ hưởng sự phát triển của thời đại kỹ thuật số phát triển, vì thế văn hóa đọc của các bạn trẻ cũng thay đổi nhiều hơn trước. Sách in không còn là lựa chọn duy nhất, phần lớn các tác phẩm bắt đầu được dịch chuyển qua xuất bản trên mạng, hoặc trang cá nhân tác giả.

Đa số các bạn trẻ sẽ chú ý vào những tác phẩm ngôn tình nhẹ nhàng, hoặc các tác phẩm có tính thực tiễn xã hội đời sống hơn. Hầu hết chúng ta thấy các tác phẩm đậm chất văn chương rất kén độc giả và chưa thể là ưu tiên chọn lựa của các bạn. Dĩ nhiên vẫn có một số ít tác giả có lượng bạn đọc trung thành vẫn ủng hộ họ. Thời gian gần đây các bạn trẻ lại bắt đầu chú ý đến dòng trinh thám và số lượng  nhóm hoạt động phổ biến tác phẩm trinh thám cũng đạt được số lượng lớn bạn đọc quan tâm.

Nhà văn Phan Đức Lộc: Tùy vào công việc, gu thẩm mỹ, nhu cầu giải trí và nhiều yếu tố khác nữa mà mỗi người có một sở thích đọc khác nhau. Vì vậy, tôi chỉ xin mạn phép chia sẻ một chút về góc nhìn cá nhân trong phạm vi thể loại sách văn học. Theo quan sát của tôi trên Facebook, các kênh mua hàng trực tuyến hay tủ sách cá nhân của bạn bè thì phần đông người trẻ mà tôi quen thường có xu hướng đọc sách mỏng, cốt truyện rành mạch, lôi cuốn, dễ hiểu, lời văn mềm mại và tác động trực tiếp đến nhận thức, cảm xúc, đặc biệt là những cuốn sách buồn và đẹp, rõ thông điệp.

Những cuốn hàn lâm nặng ký cả về lượng và chất thường kén độc giả hơn. Bởi lẽ để đọc, hiểu và thẩm thấu những cuốn đó, người đọc cần có thời gian, sự kiên trì và hơn hết là một vốn kiến văn sâu rộng nhiều lĩnh vực, trí nhớ và khả năng tiếp nhận, phân tích, đánh giá vấn đề một cách thấu đáo, linh hoạt. Nói chung, là một người trẻ, tôi suy nghĩ về việc đọc sách rất nhẹ nhàng, bớt thời gian dùng mạng xã hội lại, duy trì thói quen đọc đều đặn hằng ngày, những cuốn mình thích, thấy đồng cảm, khoái cảm, và tăng dần độ dày, độ khó, sự đa dạng đề tài, kỹ thuật, đơn giản vậy thôi.

Nữ nhà văn Tịnh Bảo: Đọc sách cũng là một nhu cầu cần thiết của con người. Nhất là với giới trẻ bởi đọc không chỉ để giải trí mà còn là tiếp cận, mở mang nhân sinh quan của mỗi cá thể. Vì vậy mà việc đọc gì nó cũng sẽ mang tính giáo dục thời cuộc. Nhu cầu đọc cũng vì vậy mà được thay đổi phù hợp với guồng quay cuộc sống.

Hiện nay, dưới góc nhìn của tôi thấy rằng chủ đề mà các bạn chọn đọc nhiều nhất là những cuốn sách nói về cách làm sao giải quyết, vượt qua áp lực cuộc sống, sẻ chia gánh nặng cộng đồng. Các vấn đề xã hội được các tác giả gài cắm khéo léo trong các thể loại văn chương không gây nhàm chán. Đặc biệt đang nóng lên hiện nay đó là chủ đề dành cho thiếu nhi. Đối tượng đang rất được quan tâm bởi hàng loạt những câu chuyện đau lòng xảy ra ngoài xã hội. Chứng tỏ rằng các bạn trẻ tuy tuổi đời còn nhỏ nhưng đã rất quan tâm đến những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống hằng ngày.

Theo bạn, cần những hoạt động cụ thể gì để tôn vinh văn hóa đọc?

Nhà văn Phan Đức Lộc: Những năm qua đã có rất nhiều những giải pháp tôn vinh văn hóa đọc được thực hiện như việc tổ chức cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, sân thơ, ngày hội đọc sách, đường sách, hội sách trực tuyến, các hội nhóm trao đổi sách trên Facebook... Tuy những hoạt động đó về cơ bản còn mang tính phong trào, nhưng tôi tin, về lâu dài, nếu kiên trì đầu tư một cách bài bản, trọng tâm và hấp dẫn thì sẽ ngày càng lan tỏa hơn nữa, tạo thành một nét đẹp văn hóa thực thụ.

Có ai đó từng nói: “Ai cũng muốn làm những điều gì đó lớn lao nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo thành từ những điều rất nhỏ”. Là một tác giả trẻ, tôi chỉ biết chia sẻ một chút tấm lòng với văn hóa đọc bằng cách góp những cuốn sách nhỏ tự mình sáng tác, những cuốn sách cũ đã đọc xong hay thậm chí xin sách từ các bạn văn để tặng cho một số trường học vùng sâu, vùng xa. Tôi nghĩ, mỗi người chung tay một chút, chúng ta sẽ đưa văn hóa đọc phát triển hơn, theo cách “mưa dầm thấm lâu”.

Nữ nhà văn Tịnh Bảo: Hiện nay văn hóa đọc đang được rất nhiều độc giả hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi. Tuy nhiên vẫn còn một số nơi bị hạn chế, các hình thức văn chương vẫn chưa tiếp cận được nhiều tới người đọc do đặc điểm địa lý. Ví dụ như vùng sâu, vùng xa, những nơi còn nhiều khó khăn về vật chất và điều kiện cuộc sống. Tôn vinh văn hóa đọc, trước tiên các tác giả phải là những người nghiêm túc trong sáng tác. Bởi vì một sản phẩm chất lượng, có giá trị văn hóa, tinh thần cao thì sự tôn trọng dành cho tác phẩm đó mới được nâng lên. Khi người đọc họ thấy tôn trọng tác phẩm thì đồng nghĩa văn hóa đọc đã được tôn vinh.

Ngoài ra, cũng có thể cụ thể hóa bằng những hoạt động văn chương như tổ chức những buổi Talk show giữa tác giả và độc giả, những buổi ra mắt, kỷ niệm một tủ sách nào đó, mời những tác giả có sức ảnh hưởng giao lưu cùng các độc giả hay tổ chức các cuộc thi viết review về một cuốn sách, chủ đề nào đó mà người đọc cảm thấy có ích với bản thân mình.

Nhà văn Tống Phước Bảo: Mỗi một sự phát triển nào cũng mang đến thách thức. Văn hóa đọc cũng phải nắm bắt kịp xu thế này. Dĩ nhiên đọc trên mạng sẽ có tác phẩm chất lượng, hoặc cũng có những tác phẩm dễ dãi, cẩu thả và cố tình chiêu trò để thu hút bạn đọc. Vì vậy, thiết nghĩ chúng ta nên có những hoạt động định hướng để độc giả trẻ có một văn hóa đọc tích cực và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng ta có thể tạo ra các cuộc giao lưu giữa tác giả với độc giả, để trực diện lắng nghe xu hướng độc giả của mình, tương tác trực tiếp để độc giả thấy không còn khoảng cách giữa người viết và người đọc. Hoặc chúng ta mạnh dạn đầu tư vào các tác phẩm chất lượng, hỗ trợ tác giả viết xuất bản nhanh và lan tỏa bằng các kênh truyền thông chính thống để tác phẩm chất lượng đến với bạn đọc yêu thích...

* Tống Phước Bảo (bút danh Trúc Thiên), Hội viên Hội Nhà văn TPHCM từng đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới”, Giải B Giải thưởng “Cây bút Vàng” lần thứ IV, Hai giải Nhất hai cuộc thi tạp bút “Thành phố tôi yêu” và “Quê nhà dấu yêu”, Tặng thưởng Văn xuôi Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội... có nhiều đầu sách in riêng.

* Trung úy công an Phan Đức Lộc, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, là đại biểu dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam, lần thứ III đoạt tới 17 giải văn học lớn, nhỏ, có 7 đầu sách in riêng.

* Tịnh Bảo, Hội viên Hội Nhà văn TPHCM, còn là biên kịch của nhiều phim truyền hình, sitcom, cộng tác viên của nhiều tờ báo, giải 4 cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới”, giải 4 cuộc thi truyện ngắn Quán Chiêu văn 2021...


Việt Văn (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

NXB Kim Đồng giới thiệu nhiều tựa sách hay nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc

Thanh Hương |

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều tựa sách mới cũng như tổ chức nhiều hoạt động giao lưu nhằm tôn vinh văn hóa đọc, lan tỏa tình yêu đọc sách trong cộng đồng.

Sắp diễn ra ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh năm 2022

HỮU CHÁNH |

Bắc Ninh - Ngày Sách là sự kiện tôn vinh giá trị và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

TPHCM tổ chức Ngày hội văn hóa đọc bằng công nghệ thực tế ảo

NGUYỄN ĐĂNG |

TPHCM – Khác với mọi năm, ngày hội Văn hóa đọc TPHCM năm 2021 với chủ đề "Hành trình tri thức – Bừng sáng tương lai" sẽ tổ chức bằng hình thức trực tuyến, trên nền tảng thực tế ảo, phục vụ tối đa nhu cầu của người dân.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

NXB Kim Đồng giới thiệu nhiều tựa sách hay nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc

Thanh Hương |

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều tựa sách mới cũng như tổ chức nhiều hoạt động giao lưu nhằm tôn vinh văn hóa đọc, lan tỏa tình yêu đọc sách trong cộng đồng.

Sắp diễn ra ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh năm 2022

HỮU CHÁNH |

Bắc Ninh - Ngày Sách là sự kiện tôn vinh giá trị và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

TPHCM tổ chức Ngày hội văn hóa đọc bằng công nghệ thực tế ảo

NGUYỄN ĐĂNG |

TPHCM – Khác với mọi năm, ngày hội Văn hóa đọc TPHCM năm 2021 với chủ đề "Hành trình tri thức – Bừng sáng tương lai" sẽ tổ chức bằng hình thức trực tuyến, trên nền tảng thực tế ảo, phục vụ tối đa nhu cầu của người dân.