Nghệ sĩ điêu khắc Đinh Công Đạt: “Ai chăm hơn tôi thì... liệu hồn!”

Nguyên Lê |

Đinh Công Đạt còn có biệt danh là “Đạt rồ” vì toàn đi làm những việc chẳng giống ai. Người ta bảo anh giỏi, anh lại chỉ tự nhận là mình chăm, “chăm nhặt nhạnh, như một bà đồng nát”. Một cuộc trò chuyện thú vị với Đạt “rồ” nhân Triển lãm “Duo Design” (tựa Việt là “Múa đôi”, tổ chức cùng họa sĩ Lê Thiết Cương) sắp diễn ra vào ngày 10-13.5 tới tại Press Club, Hà Nội.
“Một thằng chuyên bóc hành, một thằng chuyên gói bánh”
Có thể nhận thấy bằng mắt thường những điểm đối lập giữa anh và họa sĩ Lê Thiết Cương, về con người cũng như sáng tác. Đó có phải là lý do của cuộc “múa đôi” này không, hay chỉ đơn giản là vì tình thân sẵn có giữa hai người?
- Có lẽ là cả hai. Bọn tôi chơi với nhau hơn hai chục năm nay, hút nhau phần nào đó hẳn cũng là do trái dấu. Trái dấu gần như tuyệt đối, từ trong lối sống đến tư duy sáng tác. Cương gọn gàng ngăn nắp tinh tươm nhã nhặn kiệm lời bao nhiêu thì tôi lại bề bộn suồng sã rườm rà lòe loẹt lắm lời bấy nhiêu.
Cương đi từ phức tạp tới tối giản và luôn cố bóc tới tận cùng các lớp vỏ bao quanh sự vật để chạm bằng được vào cái lõi bên trong nó. Còn tôi thì ngược lại, thường, tôi chọn tối đa. Tôi luôn cố nhồi nhét để lấp đầy các khoảng trống theo kiểu “thừa giấy vẽ voi”, dù những tạo hình của tôi thường bé li ti lít nhít như con sâu, cái kiến... Một thằng tìm đủ mọi cách bỏ đi, loại bớt; một thằng lại cứ ưa vơ vào, nhồi nhét. Một thằng chuyên... bóc hành, một thằng lại chuyên... gói bánh.
Hẳn là vì vậy mà càng chơi với nhau càng thấy mới, càng tôn trọng nhau hơn. Tôi “dan díu” với design cũng là do ảnh hưởng từ Cương, muốn làm được một điều gì đó cùng nhau. Thôi thì khác nhau đủ điều thì ít nhất cũng phải có một cái gì đó chung chứ! Cái sự “tằng tịu” ấy, hẳn cũng là một vui thú mà đến giờ mới nghĩ ra.
Ý là, anh có tư duy của một... bà đồng nát?
- Chính xác là như vậy. Trong nghệ thuật, nếu Cương là thằng “có của”, “đi chợ” nhiều khi đút tay vào túi chả thèm mua gì thì tôi đích thị là cái bà đồng nát, thấy gì cũng mua cũng nhặt, kể cả là “nhặt lá đá ống bơ”. Lá mà đẹp, ống bơ mà đẹp là cũng nhặt cũng đá đấy, chứ đừng nói là không (cười). Cương ra ngoài, đi xa nên tránh mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh. Tôi không đi xa, mà chỉ đi về, nên mới tha lôi đủ thứ. Nhà mình mà, chất gì chả được!
Không gian sống có ảnh hưởng đến tâm thế sáng tạo không, khi Cương sống trong một ngôi nhà mặt phố, lại là phố cổ; còn xưởng sáng tạo của anh lại tít ngoài bãi An Dương (Tây Hồ)?
- Tính cách quyết định không gian sống của bạn thì đúng hơn. Chính bởi Cương nghiêm ngắn, cẩn trọng, nên Cương mới sống và làm việc trong một ngôi nhà như thế. Còn tôi xuê xoa, nhảm nhí hơn nên tôi cứ phải mò ra sông, ra bãi mới tý toáy được.
“Tôi rối rắm như đàn bà”
Anh thậm chí còn đối lập với cả chính mình, giữa vẻ ngoài khoáng đạt, “rộng dài” và lối tạo hình tỉ mẩn, trong một bố cục khá là chật chội?
- Cũng có thể nói sáng tác của tôi rất giàu tính nữ, chi tiết hết sức có thể. Tôi thường để ý những thứ li ti lít nhít, thậm chí không ai buồn để ý, giống như một người phụ nữ luôn để ý đến... đồ lót của mình vậy, dù có thể đấy là một bí mật riêng của cô ấy. Tôi cầu kỳ và phức tạp. Tôi tiểu tiết như đàn bà, tôi cũng rối rắm như đàn bà vậy. Có cái ghế tôi làm hai năm chưa xong, vì cứ đắp mãi, lèn mãi vào nó đủ thứ hoa văn lít nhít. Tôi luôn nhìn thấy những khoảng trống, ở những chỗ tưởng đã được lấp đầy, lèn chặt. Tôi bị “hành” vì những khoảng trống, nhưng cũng không ít bận sướng điên lên vì lấp đầy được nó, dù có thể đó là khoảng trống chỉ mình tôi thấy.
Có người “lấy ngon làm no”, lại có người “lấy hết làm no”, anh thuộc “trường phái ẩm thực” nào?
- Đấy, chính xác là cái kiểu “lấy hết làm no” ấy đấy! Nếu Cương hẳn hoi là cái thằng khảnh ăn thì tôi đích thị là cái thằng ăn tạp, ăn như rồng cuốn, bạ gì cũng cho vào mồm, tiêu hóa thế nào tính sau (cười). Tôi dễ nuôi dễ sống dễ vui. Biết ngon chứ không phải không biết, nhưng không kén.
Người dễ gần chưa hẳn đã dễ tính. Tối giản hay tối đa hẳn cũng đều phải “tính nát óc” ra cả ấy chứ, có gì là dễ ăn đâu?
- Đúng ra thì tôi là cái thằng dễ tính với mọi người nhưng lại rất khắt khe với bản thân mình, công việc của mình. Tôi dễ nhìn ra cái đẹp nhưng lại không mấy khi hài lòng với nó. Đắp mãi, lèn mãi hẳn cũng là vì ít khi ưng ý với những gì đã có.
Khác biệt rõ nhất khi rẽ từ điêu khắc sang design?
- Nếu cái đẹp của điêu khắc là tuân theo chuẩn của nghệ sỹ và cái sự “thuận mắt” của hắn thì đồ design lại phải tuân theo cái chuẩn của thiên hạ. Với design, không thể ước lượng theo kiểu “khoảng” như trong hội họa mà phải chi tiết hóa, lượng hóa. Có làm đồ design mới hiểu vì sao Lê Thiết Cương phải kỹ tính tới mức “gay gắt” như vậy. Đồ design đôi khi chỉ cần sai lệch tỉ lệ đi 1-2 ly đã là đau khổ. Và cái tỉ lệ đó, sai số đó không thể đơn giản là kéo cái thước mét ra đo là xong, mà nó còn đến từ hành vi, lối sống của người tạo ra nó nữa.
“Thằng làm design giỏi phải là thằng... không có bản sắc”
Anh tự nhận mình là “thừa giấy vẽ voi”, nhưng thật ra “giấy” của anh đâu thừa, toàn những ô bé lít nhít đấy chứ?
- Cái kích thước mà tôi nói ở đây không phải nhìn thấy bằng mắt thường và cũng không đo được bằng thước. Thừa hay thiếu, rộng hay chật, nó phụ thuộc vào tâm thế, thái độ, trường tưởng tượng của người nghệ sĩ. Vì sao con mèo Nguyễn Sáng vẽ nó lại có thần thái của một con hổ, hơn là “tiểu hổ”? Chính là bởi người vẽ nó mang tâm thế của một người khổng lồ. Tương tự, một tượng đài lớn không hẳn đã làm chủ được không gian mà nó thuộc về. Nếu đo độ lớn của một tượng đài bằng mét hay bằng tấn, thì đó là tư duy của một anh thợ xây, thợ đúc đồng... Còn nếu là nghệ sĩ, anh phải nghĩ lớn hơn thế. Vì sao có những tượng đài chỉ cao chưa tới hai mét, nhưng nó vẫn cứ lồng lộng? Cái lồng lộng đó, nó là chiều kích của sáng tạo. Có những cái mặt ghế chỉ to bằng đúng cái mặt thớt, mà lắm khi tôi vẽ mãi chẳng xong vì tôi thấy nó rộng quá, nó có thể chứa chất bao nhiêu thứ...
Nhặt nhạnh mà ấm thân được như anh, chắc ai cũng muốn bỏ nghề đi... buôn đồng nát?
- Như tôi đã từng nói, ông cha đã để lại cho lũ con cháu chúng ta một tài sản lớn đến nỗi chỉ cần nhón tay gẩy ra một chút cũng đã đủ giàu có lắm rồi! Miễn đừng ăn gian, tháu cáy.
Ai đó đã nói rất hay rằng: Thằng làm design giỏi phải là thằng... không có bản sắc. Nghĩa là phải biết vứt bỏ cái tôi của nó đi, đúng hơn là biết giấu nó đi, khiến người ta không còn nhìn thấy nó đâu nữa. Bản sắc của thằng design giỏi chính là bản sắc của khách hàng. Một tay design hay bắt buộc phải có khách hàng hay.
Tôi thì không giỏi hơn ai, thậm chí còn hơi thiểu năng và chậm hiểu, chỉ được mỗi cái chăm chỉ, cầu thị và phục thiện. Tôi chính xác là “dân tộc Chăm” đây! Nên nếu ai đó tự nhận là chăm hơn tôi thì... liệu hồn đấy! (cười)
Xem những tác phẩm của anh, tôi có cảm giác như đang đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” vậy! Lại thêm một “chiếc vé đi tuổi thơ”?
- Ừ tôi chính xác là một thằng sến rện, chuyên đi ăn dỗ trẻ con, và ăn dỗ chính mình...
Nguyên Lê
TIN LIÊN QUAN

Thu Minh “căng thẳng” với Noo Phước Thịnh vì giọng ca phi giới tính

Bích Hà |

Hai huấn luyện viên đã tranh luận căng thẳng với nhau về tiết mục “Dệt tầm gai” của giọng ca phi giới tính Tùng Anh.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Thu Minh “căng thẳng” với Noo Phước Thịnh vì giọng ca phi giới tính

Bích Hà |

Hai huấn luyện viên đã tranh luận căng thẳng với nhau về tiết mục “Dệt tầm gai” của giọng ca phi giới tính Tùng Anh.