"Vừa là vợ, vừa là HLV rất khó"
Hình ảnh chị và Phan Hiển ôm nhau khóc sau khi đoạt 3 huy chương vàng với bộ môn Khiêu vũ Thể thao tại SEA Games 31 được chia sẻ khắp mạng xã hội. Khán giả để lại lời chúc mừng cho cả tấm huy chương và cho cả tình yêu của anh chị. Về phía mình, chị có nghĩ rằng, chị đã phải đi một chặng đường rất dài để vượt qua được những định kiến về tình yêu?
- Nếu nói không suy nghĩ gì sẽ là không đúng. Nhưng phải mãi về sau này, tôi mới suy nghĩ, khi tôi đã có tuổi. Trước đây, tôi chẳng nghĩ gì. Nếu suy nghĩ, nếu sợ dư luận, tôi đã không yêu Hiển.
Có một sự thật rằng, tôi thích được nhìn Hiển nhảy, thích được nhìn anh ấy thi đấu. Tôi yêu Dancesport và tôi muốn anh ấy phải được nhảy. Hiển còn rất trẻ. Khi tôi còn đang ở tuổi thi đấu, tôi 30-31 tuổi. Hiển của bây giờ còn chưa chạm đến tuổi đó. Anh ấy mới 28-29 tuổi. Đàn ông có thể thi đấu đến năm 35 tuổi, họ trường sức và có nền tảng sức khỏe tốt hơn phụ nữ.
Trong tôi luôn có rất nhiều tình yêu, tình yêu với Dancesport, tình yêu của huấn luyện viên dành cho học trò, tình yêu nam nữ.
Chúng tôi cũng có nhiều lúc cãi nhau, những lúc đó tình yêu nam nữ sẽ bị phai nhạt, nhưng thứ níu giữ chúng tôi lại với nhau, chính là Dancesport. Tôi trân trọng tài năng của Hiển và muốn anh ấy phải đạt đến đỉnh cao.
Chính vì có quá nhiều tình yêu như thế, nên tôi không để ý đến dư luận và định kiến. Cũng có người nói với tôi rằng, “đợi 10 năm nữa xem”. Cứ để thời gian trả lời vậy, trước mắt, chúng tôi phải sống vui đã.
Có nghĩa, chị yêu Phan Hiển, vì chị muốn mình phải là người đứng cạnh anh ấy, giữ cho anh ấy đi trên con đường thi đấu đỉnh cao với Dancesport?
- Đôi khi, Hiển cũng không nhìn thấy hết tình yêu của anh ấy dành cho Dancesport. Tôi vừa là vợ, vừa là HLV, tôi phải xác định được điểm rơi của chồng. Hiển cần một người đồng hành, có kế hoạch, có chiến lược và đưa anh đến đích sự nghiệp.
Ở vai trò làm vợ, tôi cũng chăm chồng hết mực. Tôi còn biết ơn khi được bố mẹ chồng rất yêu quý. Tôi không thể bỏ lỡ những cơ hội được yêu quý như thế.
Bây giờ, chúng tôi còn có con rồi. Là vợ thì tòng phu, là huấn luyện viên phải có trò giỏi. Đã đi thi đấu, phải có giải. Có rất nhiều thứ như thế để đẩy chúng tôi đi về phía trước, tôi không thể lùi được.
Chị vừa là vợ, vừa là huấn luyện viên của chồng. Khi nào 2 vai trò đó tách nhau, và khi nào là một?
- Rất khó đấy. Vừa là vợ, vừa là huấn luyện viên, quả thực rất khó với tôi. Tôi đã phải né vai trò huấn luyện viên trực tiếp dạy là vì thế. Tôi rất ngại. Khi dạy, tôi không biết phải nói với Hiển như thế nào.
Chẳng lẽ cứ suốt ngày, “anh phải làm thế này, anh phải làm thế kia”. Chưa kể, Dancesport là bộ môn nhạy cảm, 2 bạn nhảy phải đụng chạm hình thể rất nhiều. Tôi không thể dạy chồng và bạn nhảy, “anh phải ôm cô ấy thế này”, “anh phải chạm cô ấy thế kia”.
Tôi chỉ ngồi xem, chứ không thể đứng dạy trực tiếp cách chồng ôm và chạm vào một cô gái khác.
"Chỉ thấy thất bại nếu không làm cho chồng hạnh phúc"
Vận động viên bơi lội Brazil Bruno Fratus từng giành huy chương đồng tại Thế vận hội Olympic Tokyo cũng có huấn luyện viên chính là vợ mình. Bruno Fratus từng nói, anh ấy chịu áp lực khi huấn luyện viên là vợ. Nếu thất bại, anh ấy sợ vợ mình sẽ cảm thấy có lỗi. Với chị, nếu Phan Hiển thất bại, cảm giác của chị sẽ là gì?
- Phan Hiển đã thất bại rất nhiều ở đấu trường quốc tế. Và vợ chồng tôi nghĩ đơn giản đó là sự cọ sát, học hỏi. Tôi chưa bao giờ thấy mình thất bại. Nếu trải qua cảm giác đó, tôi chỉ thấy thất bại khi không làm cho chồng mình hạnh phúc.
Trước đây, nhiều vận động viên đã rời bỏ tôi vì cho rằng tôi khắc nghiệt. Tôi lại quan điểm rằng, bộ môn Dancesport rất dễ khiến người ta ảo tưởng về mình. Nhiều người sẽ lầm tưởng về tài năng và danh tiếng của bản thân vì chỉ vừa đoạt một giải nhất nào đó.
Bởi thế, tôi cho rằng sự nghiêm khắc là cần thiết với Dancesport. Một số người rời tôi và đã mất hết. Với Dancesport, phải có thất bại mới đi đến thành công.
Tôi vẫn nói với chồng, nếu chỉ muốn thành công mà không thất bại, sẽ không bao giờ có. Vì thế, tôi yêu cầu vận động viên tập luyện tập trung hết sức. Sự may mắn có thể có ở showbiz, nhưng không có ở thể thao. Vì trong thể thao, bạn phải thi đấu trực tiếp với những vận động viên tài năng như mình, tài năng hơn mình để giành chiến thắng.
Chị nói chị nghiêm khắc, quân phiệt khi là huấn luyện viên. Vậy chị có từng nghĩ đến áp lực đối với Phan Hiển khi chị là huấn luyện viên?
- (Cười), có lẽ phải hỏi thêm Hiển về chuyện này. Đôi khi ở góc độ Hiển, anh ấy sẽ nghĩ, anh đã đạt được kỹ năng như thế, tại sao lại phải hơn? Huy chương Vàng đã có, tại sao vẫn phải đạt được hơn thế? Tâm lý sẽ rất phức tạp, tôi không thể nói thay Hiển.
Nhưng sắp tới đây, chúng tôi sẽ cùng nhau vươn đến các giải đấu ở tầm châu lục.
Đặc thù của Dancesport là va chạm cơ thể giữa 2 vận động viên nhảy cặp. Phan Hiển liên tục thay đổi bạn nhảy. Với chị, đây là chiến lược của một huấn luyện viên hay là “tính toán” của người vợ?
- Khi tôi dừng sự nghiệp thi đấu, trở về là huấn luyện viên, tôi đã đi tìm bạn nhảy cho chồng. Nhiều người nói tôi “điên rồ”, như thể tôi đi tìm bạn gái cho chồng.
Vì đúng như chị đã nói, Dancesport yêu cầu sự va chạm hình thể rất nhiều. Nhưng chúng tôi coi đó là đối tác. Hiển rất hợp tác trong việc tôi tìm bạn nhảy cho anh. Trong suốt quá trình Hiển thi đấu đến nay đã đổi 6 bạn nhảy. Nhưng với cả 6 bạn nhảy, Hiển và đối tác đều đoạt ngôi vô địch.
Hiển đề cao việc tập luyện, kết quả thi đấu, hơn là việc vợ tìm cho mình một “bạn gái” mới (cười).
Nhưng ở góc độ của tôi, tôi cũng có vai trò người vợ trong đó. Bởi thế, mỗi bạn nhảy của Hiển, chúng tôi thường hợp tác trong thời gian 2-3 năm. Tôi cho như thế là đủ, không nên quá dài. Tôi không để xảy ra những việc không nên xảy ra.
Có nghĩa, sắp tới đây, chị sẽ đổi Thu Hương – bạn nhảy vừa đoạt huy chương vàng cùng Phan Hiển tại SEA Games 31?
- Hương lại khác. Hương đã có gia đình, đã có con. Tôi rất thương Hương. Cô ấy có hoàn cảnh đặc biệt. Hiển cũng chỉ kết hợp với Hương trong giải vô địch Châu Á sắp tới, sau đó Hiển sẽ nghỉ thi đấu. Hiển nói với tôi, anh cũng mệt rồi.
Sau khi đoạt Huy chương Vàng tại SEA Games 30, Hiển đã định nghỉ. Anh bảo, “anh đã thi đấu từ khi thế hệ các anh chị thi, giờ họ nghỉ rồi, anh thi với trẻ con à?” (cười).
Tôi có động viên anh, vậy phải thi với những người cao hơn mình. Chính vì thế, chúng tôi sẽ chuẩn bị cho giải vô địch Châu Á sắp tới.
Chị cũng từng nghỉ thi đấu sau khi vô địch Châu Á. Anh chị tự thấy cần phải dừng lại trước khi xuống sức hay có những tính toán riêng?
- Với thể thao, không mù quáng được. Tôi dừng lại vì nhận ra rằng, tôi không thể đánh mất cả tuổi xuân của mình vào đó. Có không ít vận động viên nữ sau khi dừng thi đấu đỉnh cao đã về bán bánh mì.
Thời điểm tôi nghỉ thi đấu, ở Việt Nam gần như không có huấn luyện viên Dancesport có thể đào tạo được vận động viên thi đấu quốc tế.
Khi tôi và Chí Anh còn thi đấu, chúng tôi không có huấn luyện viên, chỉ tự đi “tầm sư học đạo”, chúng tôi không có ai đồng hành, định hướng cho mình, bởi vậy hành trình đi học của chúng tôi rất vất vả, tốn tiền và tiêu tốn cả thanh xuân.
Vì thế, tôi quyết định dừng lại và chuyển sang công tác huấn luyện viên.
Đã đi một chặng đường dài. Nhìn lại 12 năm với những gì đã có khi chọn ở cạnh Phan Hiển, đến bây giờ, chị có thấy mình đã đúng ?
- Tôi không dám nói trước điều gì. Tôi cũng không dám nói mình đã đúng. Như ai đó đã nói với tôi, "Đợi 10 năm nữa rồi xem".
Sau 12 năm bên nhau, chúng tôi lại đợi thêm "10 năm nữa rồi xem" vậy (cười).