Đất rừng phương Nam cán mốc doanh thu 100 tỉ, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Càng khó khăn, tôi càng cố gắng

Hào Hoa (thực hiện) |

Phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khi doanh thu bộ phim “Đất rừng phương Nam” đã cán mốc hơn 100 tỉ đồng.

Doanh thu “Đất rừng phương Nam” đã cán mốc hơn 100 tỉ đồng, sau nhiều sóng gió. Doanh thu phim có ý nghĩa như thế nào đối với anh?

Là đạo diễn, tôi thường chỉ lo làm nghề, không lo về doanh thu. Nhưng tất nhiên, phim có doanh thu tốt, có lãi, tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Sóng gió với “Đất rừng phương Nam” tác động đến anh như thế nào?

Khi càng khó khăn, tôi càng cố gắng. Thị trường lúc nào cũng vậy. Bất cứ sản phẩm nào, không chỉ phim ảnh, khi khách hàng càng khó tính, chúng ta sẽ càng phát triển.

Dù khó quá, đôi khi cũng mệt mỏi. Nhưng không phát triển, thì chết. Đó là quy luật, bởi vậy tôi sẽ cố gắng hơn.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Ảnh: Facebook nhân vật
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Ảnh: Facebook nhân vật

"Đất rừng phương Nam” gây tranh cãi trong suốt quá trình quay phim, cho đến khi ra rạp, đó hẳn là hành trình nhiều cảm xúc phức tạp mà chính bản thân anh không thể lường đến?

Tôi luôn nghĩ, nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh một dự án phim là điều tốt, tốt cho dự án, và tốt với thị trường.

Bản thân tôi đã lường được việc, dự án điện ảnh của “Đất rừng phương Nam” sẽ không thể tránh khỏi việc có sự so sánh với tiểu thuyết, với bản phim truyền hình năm 1997. Tôi từng đảm nhận nhiều phim “remake” (làm lại) từ các tác phẩm nổi tiếng của Ý (như Tiệc trăng máu), của Hàn (như Tháng năm rực rỡ).

Dự án phim càng được chú ý sẽ càng dễ tranh cãi, sẽ bị soi, so sánh... Điều đó cũng tốt.

Thế nhưng, ở “Đất rừng phương Nam” những luồng tranh cãi quá nhiều, vượt xa những gì tôi dự kiến. Quả thực, tôi không lường được và không tưởng tượng được.

Khi nhiều tranh cãi quá, cũng thấy... mệt. Có hai nghề phải chịu áp lực rất lớn là nghề làm phim và huấn luyện viên bóng đá. Nếu không chịu được áp lực, tốt nhất là không nên làm.

Sức của tôi có hạn, không thể đáp ứng và làm vừa lòng được tất cả. Áp lực giúp tôi cố gắng nhiều hơn mỗi ngày.

Nên sau tất cả, tôi nhìn nhận mọi tranh cãi và áp lực dư luận dưới cái nhìn tích cực. Rằng tôi sẽ phải cố gắng hơn.

“Đất rừng phương Nam” vốn được đặt nhiều kỳ vọng, khi bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng cùng tên, được nhiều thế hệ độc giả yêu mến. Chưa kể, miền Tây còn được tái hiện trên rất nhiều tác phẩm kinh điển như Cánh đồng hoang, Mùa nước nổi... Bắt tay vào một dự án có chất liệu, sự chú ý sẵn có, lại dưới cái bóng lớn từ nhiều tác phẩm cùng chủ đề, vậy tài năng của đạo diễn đóng góp bao nhiêu phần trăm?

Tôi không ý nghĩ gì về tài năng của mình (cười), tôi chỉ nỗ lực cố gắng tiếp cận câu chuyện. Khi kể lại một câu chuyện ai cũng đã biết, tôi cần một góc nhìn, một cách tiếp cận mới. Sẽ không ai đi xem một bộ phim – mà mọi tình tiết, kết cấu truyện đều đã biết hết.

Thế nên khi đọc tiểu thuyết, xem bản truyền hình, góc nhìn của tôi phải khác đi, những tình tiết nhân vật được tô đậm ở truyền hình rồi, tôi sẽ kể khác đi chút, hoặc tình tiết nào còn “nhẹ”, tôi sẽ tô đậm hơn... Ví dụ vậy.

Nhưng, cũng giống như ẩm thực, gu xem phim của mỗi khán giả sẽ giống như việc, có người thích ăn cá kho, lại có người thích ăn thịt rang vậy. Ai xem phim cũng sẽ có đòi hỏi riêng. Thị trường vì thế cũng đa dạng, nhiều thể loại phim khác nhau.

Còn với cá nhân tôi, ở dự án này, tôi muốn kể câu chuyện về cuộc sống ở miền Tây trù phú, tươi đẹp như thế nào, giống như trong lời kể của ba tôi, khi ông còn sống.

Đất rừng phương Nam cán mốc doanh thu 100 tỉ sau nhiều tranh cãi, sóng gió. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp
"Đất rừng phương Nam" cán mốc doanh thu 100 tỉ đồng sau nhiều tranh cãi, sóng gió. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Miền Tây trong cảm xúc của anh?

Ba má tôi đều quê gốc ở An Giang. Tuổi thơ tôi đầy ắp những câu chuyện về miền Tây trong lời kể của ba má.

Ba tôi có thời gian dài công tác ở nhiều tỉnh miền Tây, ông vẫn hay kể về mảnh đất này phồn vinh, trù phú, là nơi giao thương sầm uất ra sao, thiên nhiên hùng vĩ thế nào, đặc trưng của vùng sông nước ở miền Tây, kể cả những chuyện như xuồng ghe đi đến đâu, cá nhảy lên xuồng tới đó... ví dụ vậy.

Tôi muốn đưa vào phim những tình tiết thú vị, mơ mộng trong hành trình tìm cha của một cậu bé.

Trong hành trình đó, có rất nhiều cảm xúc của cá nhân tôi.

Khi ba má tôi ở An Giang cũng đã trải qua cuộc chiến, gia đình ngoại tôi ly tán, má tôi được bà con cưu mang nuôi nấng. Với tôi, “Đất rừng phương Nam” là một bộ phim gia đình, là hành trình đi tìm cha và hiểu hơn về cha mình của cậu bé An.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có chiến lược về công nghiệp văn hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045, và kỳ vọng, điện ảnh Việt sẽ kiếm ra tiền và đóng góp cho GDP như Hàn Quốc. Không chỉ kiếm ra tiền, còn phải quảng bá được bản sắc văn hóa ra thế giới. Việc đưa văn hóa vùng miền lên màn ảnh như "Đất rừng phương Nam" có thể tạo ra sức hút với cả những khán giả chưa từng đến miền Tây, theo anh dễ hay khó?

Tôi lớn lên ở Sài Gòn, nhưng tôi thích Tây Bắc, thích Hà Nội, thích cả Nhật Bản, Hàn Quốc... bởi ở nơi đó có những nét văn hóa, ẩm thực tôi chưa từng trải qua.

Tôi cho rằng, điện ảnh cũng là một phương thức để trải nghiệm, nhưng sẽ không có tác phẩm dành cho tất cả mọi người, bởi mỗi người có gu thưởng thức khác nhau.

Phim nào cũng vùng miền, nhưng vượt lên trên tất cả, vẫn là câu chuyện gia đình, câu chuyện thế hệ, mà bất cứ nơi nào, vùng đất nào cũng có.

Anh có tin vào chiến lược công nghiệp điện ảnh được “hiện thực hóa” ở Việt Nam, khi phim đạt doanh thu trăm tỉ đếm trên đầu ngón tay, nhân sự tài năng ít ỏi, chưa kể khán giả thậm chí còn chưa đặt niềm tin vào chất lượng phim nội?

Hàn Quốc sở hữu nền công nghiệp giải trí đặc biệt, thế giới không có nhiều có nền điện ảnh như vậy, không có nhiều quốc gia thành công được như vậy.

Nhưng tôi nghĩ, chúng ta có quyền mơ mộng. Việc đặt ra chiến lược không quan trọng, quan trọng là phải làm thế nào, làm gì, để chiến lược đó thành công.

Tôi lấy ví dụ, muốn công nghiệp hóa một ngành nghề, điều đầu tiên phải có là nhà máy. Với phim ảnh, “nhà máy” chính là phim trường. Chúng ta thậm chí còn chưa hề có phim trường.

Để được như Hàn Quốc cần đến rất nhiều yếu tố, họ đã đầu tư mạnh ra sao, đưa người đi học nước ngoài thế nào, sự vào cuộc của những doanh nghiệp sản xuất ô tô, công nghệ...

Khi chúng ta chưa có được điều kiện để phát triển như họ, trước mắt, cứ làm tốt thị trường trong nước đã. Các nhà làm phim, phát hành, quản lý hỗ trợ nhau.

Thực tế thị trường Việt Nam rất lớn, dân số chúng ta đông hơn Hàn Quốc nhiều. Nên trước mắt, chúng ta cứ cố gắng nuôi thị trường trong nước, chinh phục khán giả nội địa trước, đã tốt lắm rồi.

Hình ảnh trong phim “Đất rừng phương Nam“. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp
Hình ảnh trong phim “Đất rừng phương Nam“. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Hiện, khán giả đang có quá nhiều lựa chọn khi những nền tảng chiếu phim trực tuyến bùng nổ. Một dự án phim muốn bán được vé, phải cần đến hiệu ứng ngôi sao như Trấn Thành, phải cần có tranh cãi, hay cần chất lượng phim... theo anh?

Tôi nghĩ, gồm tất cả mọi yếu tố. Với tôi, mọi thứ đều có lý do. Tôi làm nhiều phim, một số đạt doanh thu tốt nhưng tôi không biết công thức cụ thể là gì. Tôi cho rằng, công thức sẽ thay đổi.

Khán giả ở Việt Nam thay đổi rất nhanh. Những năm 1990, khi phim nước ngoài mới du nhập vào, thị hiếu khán giả khác, bây giờ khi phim thế giới chiếu khắp các nền tảng, khán giả sẽ đòi hỏi nhiều hơn.

Hoặc, đơn giản vào thời điểm nhất định nào đó, khán giả đang cần những thứ họ thiếu, khi cuộc sống quá nhiều áp lực, họ cần một bộ phim chữa lành, chẳng hạn vậy. Khán giả muốn xem những điều gần gũi, nhưng điều gần gũi, quen thuộc phải được kể lại theo cách mới lạ.

Bộ phim chỉ cần đi trước, hoặc đến sau thời điểm, là có thể thua lỗ.

Vậy, chiến lược công nghiệp hóa điện ảnh của chúng ta có phải là mơ mộng hão huyền?

Mơ mộng là tốt. Nếu đến việc nghĩ cũng không dám, sẽ càng không thể làm được.

Hào Hoa (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Út Trong của “Đất rừng phương Nam” là gương mặt quen thuộc của phim giờ vàng

Huyền Chi |

Nữ diễn viên trẻ Bích Ngọc được chú ý nhờ nhan sắc ngọt ngào, trong veo khi thủ vai Út Trong trong "Đất rừng phương Nam".

Sự khác biệt trong hành trình nổi tiếng của “Võ Tòng” Mai Tài Phến

Bình An |

Mai Tài Phến ít đóng phim và nổi tiếng từ việc quay 2 MV ca nhạc cùng Hương Tràm, Mỹ Tâm.

Lý do Mai Tài Phến đóng Võ Tòng không có lời thoại ở “Đất rừng phương Nam”

Bình An |

Nhiều câu hỏi đặt ra, có phải Mai Tài Phến được chọn đóng Võ Tòng ở “Đất rừng phương Nam” do mối quan hệ thân thiết giữa đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và ca sĩ Mỹ Tâm?

Chiến lược giúp Grab giữ chân người dùng cũ và hút người dùng mới

Như Quỳnh |

Trong bối người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cung cấp các lựa chọn dịch vụ với mức giá hợp lý là cách siêu ứng dụng này thu hút và giữ chân người dùng một cách bền vững.

Cựu tuyển thủ Linh Chi hé lộ điều kiện trở lại với bóng chuyền nữ Việt Nam

NHÓM PV |

Góc nhìn thể thao số 134 có buổi trò chuyện với cựu tuyển thủ đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam Nguyễn Linh Chi, hiện là trợ lý huấn luyện viên câu lạc bộ Bộ Tư lệnh Thông tin Trường Tươi Bình Phước để nghe chia sẻ về thời điểm và điều kiện để cô trở lại với bóng chuyền nữ Việt Nam thời gian tới.

Bếp trưởng nổi tiếng Peru mê đặc sản Việt Nam, mang cả tía tô về nước trồng

Minh Anh |

“Với tôi, ẩm thực Việt Nam nằm trong top đầu thế giới”, đầu bếp nổi tiếng Peru - José Maria Murga Brescia chia sẻ.

Có trách nhiệm hiệu trưởng trong vụ nam sinh bị đánh hội đồng sang chấn tâm lý

Khánh Linh |

Đó là khẳng định của ông Đỗ Công Dực - Hiệu trưởng trường THCS Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) liên quan đến vụ việc nam sinh lớp 7 bị các bạn thay phiên nhau đánh hội đồng trong một thời gian dài.

Gói thầu di dời công trình điện thuộc dự án Metro số 2 vẫn im lìm sau 4 tháng khởi công

HỮU CHÁNH |

TPHCM - Khởi công từ tháng 6.2023 song đến nay, khối lượng thực hiện hai gói thầu thi công di dời - tái lập công trình điện Dự án Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vẫn giậm chân tại chỗ.

Út Trong của “Đất rừng phương Nam” là gương mặt quen thuộc của phim giờ vàng

Huyền Chi |

Nữ diễn viên trẻ Bích Ngọc được chú ý nhờ nhan sắc ngọt ngào, trong veo khi thủ vai Út Trong trong "Đất rừng phương Nam".

Sự khác biệt trong hành trình nổi tiếng của “Võ Tòng” Mai Tài Phến

Bình An |

Mai Tài Phến ít đóng phim và nổi tiếng từ việc quay 2 MV ca nhạc cùng Hương Tràm, Mỹ Tâm.

Lý do Mai Tài Phến đóng Võ Tòng không có lời thoại ở “Đất rừng phương Nam”

Bình An |

Nhiều câu hỏi đặt ra, có phải Mai Tài Phến được chọn đóng Võ Tòng ở “Đất rừng phương Nam” do mối quan hệ thân thiết giữa đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và ca sĩ Mỹ Tâm?