Ngoại giao Việt Nam 2022: Nâng cao vị thế, tiềm lực, uy tín quốc gia

Song Minh |

Năm 2022, ngoại giao Việt Nam để lại dấu ấn đậm nét với những hoạt động ngoại giao cấp cao sôi động và hiệu quả. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương tham gia hàng loạt hoạt động, sự kiện đa phương nổi bật của khu vực và thế giới, góp phần quảng bá mạnh mẽ ra quốc tế hình ảnh sinh động về một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, đổi mới, năng động, sáng tạo, giàu bản sắc và truyền thống, là người bạn thủy chung, là đối tác tin cậy.

Củng cố quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn và các đối tác quan trọng

Các chuyến thăm chính thức nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong năm qua không nằm ngoài mục đích tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng, nước lớn và các đối tác quan trọng; xử lý hài hòa, cân bằng quan hệ giữa các nước.

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 30.10-1.11.2022 là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc, được dư luận hai nước và quốc tế rất quan tâm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo cao nhất nước ngoài đầu tiên mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này thể hiện sự coi trọng lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước, nhất là sự trân trọng của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa hết sức quan trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn mới; củng cố tin cậy chính trị, góp phần tạo nền tảng vững chắc và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước; tăng cường tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đón và hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Seoul ngày 5.12.2022.  Ảnh: TTXVN
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đón và hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Seoul ngày 5.12.2022. Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm góp phần thể hiện Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, vì lợi ích căn bản, lâu dài của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới và khu vực.

Chuyến thăm cấp nhà nước Đại Hàn Dân Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 4-6.12.2022 theo lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol mở ra chương mới trong quan hệ Việt - Hàn. Đúng như kỳ vọng của nhân dân hai nước, với sự hội tụ những điều kiện cần và đủ, niềm tin và quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk-yeol đã cùng nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện. Việc nâng cấp quan hệ sẽ đưa hợp tác hai nước phát triển mạnh mẽ, như khẳng định của Tổng thống Yoon Suk-yeol rằng chuyến thăm là “điểm khởi hành mới” trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.

Chuyến thăm chính thức 3 nước Châu Âu và dự Hội nghị cấp cao ASEAN - EU của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 9-15.12.2022 góp phần tăng cường, củng cố quan hệ giữa Việt Nam với Luxembourg, Hà Lan và Bỉ trong bối cảnh năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và 3 nước. Chuyến công tác vừa tăng cường, củng cố quan hệ giữa Việt Nam và các nước; khẳng định vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong quan tâm, ưu tiên của ba nước Châu Âu với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 30.11-6.12.2022 là bước triển khai thiết thực chủ trương đối ngoại quan trọng của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII nhằm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, trong đó có Australia và New Zealand là những đối tác chủ chốt, quan trọng trên nhiều phương diện đối với Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Đặc biệt, chuyến thăm đã tăng cường sự tin cậy chiến lược ở cấp cao nhất và đây là cơ sở rất quan trọng để nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và hai nước trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất AIPA-43 tại thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, ngày 21.11.2022. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất AIPA-43 tại thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, ngày 21.11.2022. Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng từ ngày 17-19.10.2022 được các nhà lãnh đạo Campuchia và truyền thông nước này đánh giá là sẽ tiếp tục góp phần vun đắp, thúc đẩy, nâng cao hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Campuchia - Việt Nam.

Tại các cuộc hội đàm, yết kiến, hội kiến với các nhà lãnh đạo Campuchia, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải ưu tiên tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ song phương theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Hai nước đã phối hợp tổ chức tốt các lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Hun Sen. Đây là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước.

Các nhà lãnh đạo Campuchia vui mừng trước sự phát triển của mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia, cảm ơn sâu sắc và bày tỏ tình cảm thắm thiết về việc Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam đã đoàn kết, giúp đỡ Campuchia qua các thời kỳ, trong đó có việc giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pol Pot; khẳng định sẽ cùng với Việt Nam bảo vệ, giữ gìn, vun đắp và truyền tiếp cho thế hệ mai sau về mối quan hệ tốt đẹp này.

Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển

Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển là nhiệm vụ trung tâm trong các chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong năm qua, nhằm triển khai chỉ thị mới của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ.

Điểm nhấn trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hai bên ký kết 13 văn kiện hợp tác, trong đó nhấn mạnh Việt Nam - Trung Quốc là đối tác thương mại rất quan trọng và giàu tiềm năng của nhau. Hai nước nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm giảm bớt vấn đề mất cân bằng thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư và kinh tế - thương mại. Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đủ điều kiện, đầu tư vào Việt Nam trên nguyên tắc thị trường và thương mại.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, 24 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước đã được ký kết, trong đó có 16 thỏa thuận hợp tác, cam kết giao ước, đề xuất đầu tư mới và mở rộng với tổng giá trị ước tính khoảng 15 tỉ USD. Hai bên quyết tâm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỉ USD vào năm 2023 và hướng tới mục tiêu 150 tỉ USD vào năm 2030.

Thủ tướng Xavier Bettel đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, ngày 9.12.2022. Ảnh: VGP
Thủ tướng Xavier Bettel đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, ngày 9.12.2022. Ảnh: VGP

Chuyến thăm 3 nước Châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính giúp Việt Nam mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh của mỗi nước, phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam như công nghệ dược phẩm, logistics với Luxembourg; kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo với Hà Lan; kinh tế biển, nông nghiệp sinh thái với Bỉ. Cùng với đó, khuyến khích ba nước nói riêng và các nước EU nói chung đầu tư vào hạ tầng chiến lược của Việt Nam như chuyển đổi số, logistics, cảng biển, hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh...

Nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong đối ngoại đa phương

Trong năm 2022, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chủ động, tích cực thúc đẩy đối ngoại đa phương, góp phần bảo đảm lợi ích của đất nước và đóng góp vào giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển trên thế giới.

Chuyến thăm chính thức Campuchia, dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 8-13.11.2022 thành công tốt đẹp. Chuyến thăm có ý nghĩa nhiều mặt, thể hiện sự coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác, củng cố tình hữu nghị, đoàn kết, sự tin cậy giữa hai nước trong “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022”, đúng với tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị cấp cao ASEAN với tinh thần trách nhiệm và có nhiều đóng góp thực chất cho hợp tác ASEAN và với các đối tác cũng như thành công chung của các hội nghị. Những chia sẻ của Thủ tướng không chỉ khẳng định vai trò và trách nhiệm của Việt Nam mà còn góp phần củng cố lập trường nguyên tắc và cách tiếp cận khách quan, cân bằng của ASEAN. Qua đó, giúp phát huy giá trị đối thoại và hợp tác của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, khuyến khích sự tham gia xây dựng và đóng góp có trách nhiệm của các đối tác cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.

Nhìn tổng thể, sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị với tâm thế của một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm đã cho thấy vai trò và vị thế quan trọng của Việt Nam trong khu vực được các nước ASEAN và các đối tác tôn trọng, đánh giá cao.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin, tháng 10.2022. Ảnh: TTXVN
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin, tháng 10.2022. Ảnh: TTXVN

Cũng tại Campuchia, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA 43), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh những dấu ấn Việt Nam trong tiến trình trưởng thành và phát triển AIPA. Là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của AIPA, Quốc hội Việt Nam không chỉ tham gia đầy đủ các hoạt động trong khuôn khổ AIPA mà còn đóng góp nhiều ý tưởng, sáng kiến thiết thực nhằm đổi mới tổ chức, hoạt động, chương trình nghị sự của AIPA, thúc đẩy vai trò của AIPA và sự kết nối với ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực.

Trong chuyến thăm chính thức Thái Lan và dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 16-19.11.2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, đóng góp một cách xây dựng vào tất cả hoạt động của hội nghị. Ngoài những phiên họp hẹp, Chủ tịch nước đã tham gia đối thoại với các khách mời, cộng đồng doanh nghiệp và có bài phát biểu dẫn đề tại Diễn đàn thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước và lãnh đạo các bộ, ngành đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo các nền kinh tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới. Đoàn Việt Nam đã chia sẻ những ý tưởng, quan điểm mới về xu thế phát triển, định hướng của APEC trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay. Những đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao.

Song Minh
TIN LIÊN QUAN

3 bài học kinh nghiệm giá trị của ngành Ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Ngoại giao kinh tế tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước

Song Minh |

Trong năm 2023, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, với phương châm “Quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước”.

Ngoại giao năm 2022: Phát huy mạnh mẽ bản sắc "cây tre Việt Nam"

Song Minh |

Bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã được phát huy và thể hiện rõ trong từng hoạt động đối ngoại năm 2022, qua đó đã khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, đồng thời giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Lý do hộ chiếu UAE quyền lực nhất thế giới năm 2023

Chí Long |

Hộ chiếu UAE từ vị trí thứ 32 trong bảng xếp hạng năm ngoái đã leo lên đầu bảng, theo chỉ số mới của công ty tư vấn thuế và nhập cư Nomad Capitalist.

Hình ảnh đoàn khách Trung Quốc đầu tiên nhập cảnh Lạng Sơn sau COVID - 19

Trần Tuấn |

Chiều 15.3, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trở nên sôi động khi đoàn khách du lịch 124 người đến từ Trung Quốc qua biên giới, làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.

Công an TPHCM triệt phá hai công ty đòi nợ thuê quy mô lớn

Anh Tú |

TPHCM- Ngày 15.3, Công an quận Tân Bình đã khởi tố 14 đối tượng hoạt động thu hồi nợ về tội “Cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng và Chi nhánh Công ty TNHH Luật Thế Hệ Trẻ.

Lãnh đạo Apax Leaders hứa lộ trình trả học phí sẽ bắt đầu từ tháng 11.2023

HUYÊN NGUYỄN |

TPHCM - Tại buổi họp chiều 15.3, lãnh đạo hệ thống Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders cam kết với phụ huynh sẽ thành lập văn phòng riêng để giải quyết vấn đề rút học phí. Theo dự kiến, lộ trình trả học phí sẽ bắt đầu từ tháng 11.2023.

Từ ngày 18.3, đăng kiểm có thêm 30 kiểm định viên Bộ Quốc phòng hỗ trợ

HỮU CHÁNH |

Từ ngày 18.3, ngành Đăng kiểm sẽ có thêm 30 cán bộ, chiến sĩ Bộ Quốc phòng hỗ trợ kiểm định xe cơ giới.

3 bài học kinh nghiệm giá trị của ngành Ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Ngoại giao kinh tế tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước

Song Minh |

Trong năm 2023, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, với phương châm “Quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước”.

Ngoại giao năm 2022: Phát huy mạnh mẽ bản sắc "cây tre Việt Nam"

Song Minh |

Bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã được phát huy và thể hiện rõ trong từng hoạt động đối ngoại năm 2022, qua đó đã khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, đồng thời giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.