Kiên định lập trường "Dân là gốc, là chủ thể, là trung tâm”

Minh Bằng |

Thế hệ cha ông đã thực hiện được khát vọng độc lập, tự do. Thế hệ ngày nay tiếp bước con đường đưa Việt Nam trở thành một đất nước giàu mạnh, phồn vinh hơn, hạnh phúc hơn, có vị thế trên trường quốc tế cao hơn. Nền tảng là kiên định lập trường, quan điểm “dân là gốc”, “người dân là chủ thể, là trung tâm của công cuộc đổi mới”.

Quan điểm vì nhân dân, vì dân tộc trong bản Tuyên ngôn độc lập đến Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm nay, người dân Việt Nam hân hoan chào đón 79 năm Ngày Quốc khánh - khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời cũng là chặng đường 55 năm nhìn lại công cuộc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 2.9.1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào - một văn kiện lịch sử trong bước ngoặt lớn lao của dân tộc.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập đó, Người nhấn mạnh: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Hưởng thụ sự “tự do, độc lập” không ai khác chính là nhân dân, là mỗi người dân. Tư tưởng vì nhân dân, vì dân tộc xuyên suốt tư duy và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến đúng dịp Quốc khánh năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh viễn ra đi.

Trong bản Di chúc, Người đúc kết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Về trách nhiệm của Đảng và mỗi Đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Người giao nhiệm vụ: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Cuối bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Quan điểm vì nhân dân, vì dân tộc trong những quyết sách hôm nay

Gần 80 năm là một chặng đường đầy gian lao nhưng cũng hào hùng của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tiếp tục bước trên con đường mình đã chọn với những thành tựu mới.

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: "Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa.

Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Quan điểm, lập trường vì dân, lấy dân làm gốc, là trung tâm cũng đã được thể hiện trong bài viết nổi tiếng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

Những quan điểm, lập trường này một lần nữa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục khẳng định trong bài viết được công bố đầu tháng 8.2024 dưới tiêu đề: "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Kiên định phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Đặc biệt coi trọng và không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.

Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”, “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; có nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.

Về mục tiêu “Kiên định phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đưa ra cũng chính là quan điểm chỉ đạo được Đảng ta xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và phát triển đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm”.

Đây là quan điểm hết sức đúng đắn, thể hiện rõ vị trí, vai trò trung tâm của nhiệm vụ phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đường phục hồi sau dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII như: Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỉ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP...

Đây là những chỉ tiêu không dễ, nếu không nói là thách thức lớn. Về bản chất đặt “phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm” thì cũng vẫn quay về đối tượng hưởng thụ là người dân. Chỉ khi “người dân là chủ thể, là trung tâm của công cuộc đổi mới” thì “mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Soi rọi thành quả sau 79 năm, kể từ khi thành lập nước và những định hướng trong thời gian tới, mỗi người dân Việt Nam tràn đầy tin tưởng về sức mạnh và khí thế của dân tộc, cùng nhau vượt qua những thách thức, khó khăn để đưa Việt Nam tiến lên, hùng cường và giàu mạnh.

Minh Bằng
TIN LIÊN QUAN

Đặt tư tưởng "dân là gốc" làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động của cán bộ mặt trận

PHẠM ĐÔNG |

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, đặt tư tưởng "dân là gốc" làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động của cán bộ làm công tác mặt trận ở tất cả các cấp. Muốn đất nước phát triển bền vững cần phải "khoan thư sức dân", phải yên dân và trừ bạo, làm sao để mọi người dân được sống mạnh khỏe, an cư, an toàn và an tâm, hạnh phúc, hăng say học tập, lao động, đóng góp, cống hiến cho gia đình, quê hương, đất nước.

Giảng viên Phổ thông Cao đẳng FPT TPHCM tiếp tục giảng dạy

Chân Phúc |

Trường Phổ thông Cao đẳng FPT TPHCM cho biết, giảng viên M.D sẽ tiếp tục tham gia giảng dạy tại trường.

Dự báo mới nhất cường độ và hướng di chuyển bão số 3 Yagi

AN AN |

Tối nay 3.9, cơ quan khí tượng của Việt Nam đã cập nhật vị trí, cường độ và hướng di chuyển của bão số 3 Yagi.

Chính thức mở tuyến xe khách du lịch Nam Ninh - Hạ Long

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Các cơ quan chức năng Quảng Tây (Trung Quốc) và Quảng Ninh (Việt Nam) ngày 3.9 đã cho phép chính thức mở tuyến xe khách du lịch Nam Ninh - Hạ Long.

Thêm hàng trăm triệu cổ phiếu thép đổ bộ sàn chứng khoán

Lục Giang |

Năm 2024, thị trường ghi nhận hàng trăm triệu cổ phiếu phát hành mới của các doanh nghiệp ngành thép chuẩn bị đổ bộ sàn chứng khoán.

Nga oanh tạc các cơ sở quân sự của Ukraina

Cao Thảo |

Các địa điểm quân sự, nơi sản xuất và sửa chữa máy bay, tên lửa của Ukraina bị Nga tấn công.

Công an Yên Bái nói gì về phát ngôn của nam sinh Đường lên đỉnh Olympia?

Đinh Đại |

Công an tỉnh Yên Bái đánh giá, nam sinh Đường lên đỉnh Olympia do hiểu biết còn hạn chế dẫn đến có những phát ngôn chưa chuẩn mực trên mạng xã hội.

Người dân ùn ùn trở lại Thủ đô, cửa ngõ phía Nam ùn tắc 3km

HỮU CHÁNH |

Từ chiều 3.9, người dân bắt đầu trở về các thành phố lớn sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày. Nhiều tuyến bắt đầu đông đúc và xuất hiện tình trạng ùn tắc.

Đặt tư tưởng "dân là gốc" làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động của cán bộ mặt trận

PHẠM ĐÔNG |

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, đặt tư tưởng "dân là gốc" làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động của cán bộ làm công tác mặt trận ở tất cả các cấp. Muốn đất nước phát triển bền vững cần phải "khoan thư sức dân", phải yên dân và trừ bạo, làm sao để mọi người dân được sống mạnh khỏe, an cư, an toàn và an tâm, hạnh phúc, hăng say học tập, lao động, đóng góp, cống hiến cho gia đình, quê hương, đất nước.