Nga - Trung tính thỏa thuận khí đốt mới khi EU cực thiếu năng lượng

Ngọc Vân |

Nga và Trung Quốc dự tính ký thỏa thuận khí đốt mới trong bối cảnh Châu Âu đối mặt thiếu năng lượng trầm trọng.

Đường ống khí đốt "Sức mạnh Siberia 2"

Nga và Trung Quốc đã sẵn sàng ký thỏa thuận về một đường ống dẫn khí đốt mới - tờ Express đưa tin hôm 27.12. Thông tin được đưa ra sau khi ông Yuri Ushakov - cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin - nói rằng ông Putin đã tiếp Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tại Điện Kremlin để thảo luận về dự án "Sức mạnh Siberia 2". Đây là đường ống dẫn khí đốt khổng lồ, dự kiến sẽ đi qua Mông Cổ và có thể cung cấp tới 50 tỉ mét khối khí đốt của Nga cho Trung Quốc mỗi năm.

Hiện tại, Nga đang cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống "Sức mạnh Siberia" theo hợp đồng 30 năm được ký vào năm 2014.

Đường ống Sức mạnh Siberia 2 dự kiến ​​sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2030 và sẽ thuộc sở hữu của cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga.

Mùa xuân năm ngoái, Tổng thống Putin đã giao nhiệm vụ cho Gazprom chuyển sang giai đoạn đầu của việc thực hiện dự án Sức mạnh Siberia 2.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Mông Cổ cũng diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm trực tuyến.

Tổng thống Vladimir Putin hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15.12.2021. Ảnh: AFP
Tổng thống Vladimir Putin hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15.12.2021. Ảnh: AFP

Trong khi cả hai bên vẫn phải đồng ý về giá cả cho dự án Sức mạnh Siberia 2 trước khi tiến hành xây dựng, các nhà phân tích cho rằng Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn để đạt được một thỏa thuận. Đường ống này, cũng như việc tăng cường xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc, sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của Mátxcơva vào các thị trường Châu Âu và giảm sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào các tuyến hàng hải.

Lin Boqiang, chủ nhiệm Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn nói với tờ Nikkei Asia: “Lợi thế là rất rõ ràng: Nga có các nguồn năng lượng và Trung Quốc có thị trường. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Nga và Trung Quốc sẽ sớm đạt được thỏa thuận cuối cùng cho đường ống Sức mạnh Siberia 2, và thậm chí có thể có nhiều dự án hơn nữa nếu Nga có thể bán nhiều khí đốt hơn".

Dự án Sức mạnh Siberia 2 sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc. Hai bên đã nhiều năm đàm phán về đường ống này nhưng có rất ít tiến triển.

Tuy nhiên, theo ông Alexander Gabuev - thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Mátxcơva - những động thái gần đây với Mông Cổ cho thấy các cuộc đàm phán giữa Nga và Trung Quốc đang đạt đến giai đoạn tiến triển.

Ông Gabuev nói rằng đường ống Sức mạnh Siberia 2 sẽ mang lại cho Gazprom "đòn bẩy bổ sung khi nói chuyện với các khách hàng Châu Âu, đặc biệt là vào thời điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng".

Ông nói thêm, một khi thỏa thuận được ký kết, Nga sẽ có một tuyến đường thay thế để vận chuyển khí đốt của mình.

Điều này xảy ra sau khi Nga cắt giảm khối lượng khí đốt cho Châu Âu qua đường ống Yamal - Châu Âu vào tuần trước, khiến giá khí đốt ở Châu Âu tăng vọt lên mức cao kỷ lục, tăng gần 800% kể từ đầu năm.

Số liệu của nhà điều hành vận chuyển khí đốt Gascade của Đức cho hay ngày 27.12 là ngày thứ 7 liên tiếp đường ống dẫn khí Yamal - Châu Âu, vốn thường dẫn khí đốt từ Nga đến Tây Âu, hoạt động theo chế độ ngược lại, cụ thể là vận chuyển nhiên liệu từ Đức sang Ba Lan.

Đây là ngày thứ 7 liên tiếp đường ống này đổi hướng dòng chảy. Kết quả đấu giá khí đốt cho thấy nhà xuất khẩu khí đốt Gazprom của Nga đã không đăng ký vận chuyển khí đốt xuất khẩu qua đường ống Yamal - Châu Âu trong ngày 27.12.

Trong khi đó, Tây Âu đang cảnh báo một cuộc khủng hoảng năng lượng mùa đông khi nguồn cung giảm và giá tăng cao.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh tranh cãi kéo dài xung quanh dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) - đường ống dẫn khí đốt chạy qua Biển Baltic đã được hoàn tất nhưng vẫn chưa bắt đầu hoạt động thương mại để cung cấp khí đốt của Nga cho Châu Âu.

Đường ống Nord Stream 2. Ảnh: AFP
Đường ống Nord Stream 2. Ảnh: AFP

Đường ống "Sức mạnh Siberia" lập kỷ lục mới về cung cấp khí đốt cho Trung Quốc

Ngày 27.12, giám đốc điều hành Tập đoàn Gazprom, Alexey Miller, cho biết Gazprom đã lập kỷ lục lịch sử về việc cung cấp khí đốt trong một ngày của Nga cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia vào ngày 23.12.

Hãng thông tấn TASS dẫn thông tin từ Gazprom nhấn mạnh rằng, việc cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng ở Châu Âu được thực hiện đầy đủ theo các nghĩa vụ hợp đồng hiện hành.

Trước đó, ông Alexey Miller lưu ý rằng, kể từ tháng 11, nguồn cung cấp khí đốt của công ty cho Trung Quốc qua đường ống Sức mạnh Siberia đã vượt quá hơn 1/3 nghĩa vụ hợp đồng hàng ngày với các đối tác Trung Quốc.

Sức mạnh Siberia là đường ống vận chuyển khí đốt lớn nhất ở miền Đông nước Nga, cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng Nga ở Viễn Đông và Trung Quốc. Công suất xuất khẩu của đường ống dẫn khí là 38 tỉ mét khối khí mỗi năm.

Lượng khí đốt đầu tiên Nga cung cấp cho Trung Quốc qua đường ống này bắt đầu vào tháng 12.2019 theo hợp đồng 30 năm được ký giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc vào năm 2014. Khối lượng cung cấp khí đốt hàng năm đạt 38 tỉ mét khối, khối lượng của hợp đồng là 400 tỉ USD. Dự kiến ​​dự án sẽ đạt công suất thiết kế vào năm 2025.

Năm 2020, Gazprom cung cấp 4,1 tỉ mét khối khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống Sức mạnh Siberia từ mỏ Chayandinskoye. Năm 2021, lượng giao hàng thông qua đường ống này tiếp tục tăng và thường xuyên vượt quá các nghĩa vụ hợp đồng hàng ngày.

Ngọc Vân
TIN LIÊN QUAN

Giá khí đốt tăng cao, nhiều nhà cung cấp năng lượng Đức phá sản

Song Minh |

Thêm một nhà cung cấp năng lượng khác của Đức phá sản do giá khí đốt trên thị trường Châu Âu tăng mạnh chưa từng có.

Gazprom lên tiếng về cáo buộc "bóp nghẹt" khí đốt cho Châu Âu

Ngọc Vân |

Những cáo buộc về việc Nga "bóp nghẹt" nguồn cung khí đốt cho Châu Âu là dối trá - Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom khẳng định.

Tổng thống Putin nêu tên đối tác số một của Nga

Khánh Minh |

Tổng thống Vladimir Putin nói Trung Quốc và Nga quan trọng với nhau hơn bao giờ hết.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Giá khí đốt tăng cao, nhiều nhà cung cấp năng lượng Đức phá sản

Song Minh |

Thêm một nhà cung cấp năng lượng khác của Đức phá sản do giá khí đốt trên thị trường Châu Âu tăng mạnh chưa từng có.

Gazprom lên tiếng về cáo buộc "bóp nghẹt" khí đốt cho Châu Âu

Ngọc Vân |

Những cáo buộc về việc Nga "bóp nghẹt" nguồn cung khí đốt cho Châu Âu là dối trá - Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom khẳng định.

Tổng thống Putin nêu tên đối tác số một của Nga

Khánh Minh |

Tổng thống Vladimir Putin nói Trung Quốc và Nga quan trọng với nhau hơn bao giờ hết.