Bản tổng kết tháng 10
Nói một cách hình ảnh, tháng 10 là thời điểm kỳ trăng mật của huấn luyện viên Philippe Troussier với Đội tuyển Việt Nam kết thúc.
Sau 3 trận toàn thắng vào tháng 6 và tháng 9 mà không thủng lưới lần nào, đội tuyển Việt Nam thua 3 trận liên tiếp trong tháng 10. Lần lượt, tỉ số là 0-2 trước tuyển Trung Quốc (hạng 80 thế giới), 0-2 trước tuyển Uzbekistan (75 thế giới) và 0-6 trước tuyển Hàn Quốc (26 thế giới).
Không ghi bàn thắng nào và còn có thêm 2 thẻ đỏ. Cho dù tìm kiếm những khía cạnh tích cực, sự bào chữa cho 2 tấm thẻ đỏ, hay chút tiếc nuối vì không tận dụng được cơ hội khá rõ rệt, ai cũng hiểu rằng, hành lý mà thầy trò huấn luyện viên Troussier mang về trong dịp FIFA Days tháng 10 thật tệ. Đương nhiên, sức nặng áp lực đè lên huấn luyện viên người Pháp dày thêm nhiều phần.
Thực ra, một điều thú vị là chính ở trận đấu với đối thủ mạnh nhất, tuyển Việt Nam lại có những thể hiện tích cực nhất. Có thể hiểu rằng, đó là thế trận mà các học trò của ông Troussier buộc phải chơi phòng ngự - phản công - triết lý đã mang đến thành công cho người tiền nhiệm Park Hang-seo 5 năm trước đó. Nó vừa tạo cho các cầu thủ một cảm giác quen thuộc nhất định, nhưng vẫn phải thực hiện yêu cầu mà ông Troussier đưa ra.
Câu hỏi đặt ra là, sau trận đấu mà ông Troussier ví như “một món quà”, ông có trở nên linh hoạt hơn trong chiến thuật hay không, với điệu kiện trình độ cầu thủ như hiện tại? Thông số của bản tổng kết có thể rất buồn, nhưng đổi lại, phía bên kia của “hành lý” là một tập hợp những kinh nghiệm cho không chỉ các cầu thủ mà cho cả nền bóng đá Việt Nam.
Với cấp độ trình độ của đối thủ nâng dần qua 3 trận, có những điều được rút ra cho lối chơi kiểm soát bóng. Tốc độ và thể lực là yêu cầu cơ bản, bởi chỉ cần di chuyển nhiều, các cầu thủ Hàn Quốc đã có thể gây náo loạn hàng thủ tuyển Việt Nam. Thể hình, thể lực cho phép họ áp sát nhanh để tranh bóng, tốc độ để phá sức đối phương và việc di chuyển đồng bộ kéo sập cả một hệ thống.
Và để cho những pha phối hợp, đập nhả nhanh được thực hiện ở phạm vị hẹp, tốc độ cao, đương nhiên là trình độ kỹ thuật phải rất cao. Có thể thấy, mặc dù các cầu thủ Việt Nam có thể thích nghi dần theo thời gian trận đấu nhưng một là quá muộn, hai là không duy trì được lâu.
Nếu ông Troussier tiếc nuối các cơ hội hiếm hoi của tuyển Việt Nam, đồng nghiệp Jurgen Klinsmann sẽ còn tiếc nhiều hơn với hơn 30 cú dứt điểm mà Son Heung-min cùng các đồng đội thực hiện.
Hướng đến tháng 11
Một lần nữa, bỏ qua vấn đề kết quả ở các trận giao hữu, ông Troussier sẽ phải chuẩn bị cho tháng 11 với những trận đấu chính thức đầu tiên tại vòng loại thứ hai World Cup 2026, trước khi đến Asian Cup vào đầu năm 2024. Có một điều thú vị là lịch thi đấu trong tháng 11 sẽ cho phép ông Troussier và các học trò thực hành những kinh nghiệm rút ra được từ 3 trận đấu vừa qua.
Một là trước đội tuyển Philippines (hạng 132 thế giới) cùng khu vực Đông Nam Á và không được đánh giá cao bằng. Đây là trận đấu mà lối chơi kiểm soát bóng cần được thể hiện cùng những điểm nhấn trong tấn công. Cụ thể hơn, tuyển Việt Nam sẽ cần cho thấy được sự chủ động và cách giải quyết khâu tấn công một cách mạch lạc, có “bài vở” cụ thể.
Sau đó ít ngày, trận đấu với tuyển Iraq (hạng 69 thế giới) là sự kiểm nghiệm cho những bài học từ các trận gặp Uzbekistan và Hàn Quốc. Tháng 10 đi qua với sự kiên nhẫn vẫn còn. Nhưng tháng 11 sẽ là bản lề với tương lai của ông Troussier.