Cầu thủ nhập tịch vì tiền, đừng nghĩ đến màu áo đội tuyển quốc gia

HOÀI ĐAN |

Mỗi lần đội tuyển Việt Nam tập trung cho các giải đấu lớn, vấn đề có hay không gọi cầu thủ nhập tịch lại được xới lên. Mới đây, khi SHB Đà Nẵng nhập tịch thành công cho Gaston Merlo, chủ đề này tiếp tục được mang ra bàn tán trong bối cảnh bóng đá Việt khủng hoảng tiền đạo và ĐTQG đang thiếu một trung phong thực thụ.

Vì tiền và quyền lợi

Đã có một thời V.League từng là bến đỗ lý tưởng của nhiều cầu thủ ngoại, đặc biệt là cầu thủ Châu Phi, khi thậm chí có cả những anh chàng “Tây balô” cũng có thể trở thành sao hạng A ở các đội bóng, nhận mức lương “khủng”. Nhiều cầu thủ đã xoá được nạn thất nghiệp nhờ có V.League.

Để tăng cường số ngoại binh ra sân ở mỗi trận đấu, nhiều CLB đã thuyết phục cầu thủ nhập tịch với những hứa hẹn, cam kết cùng điều kiện đãi ngộ từ các ông bầu. Và nhiều ngoại binh chẳng có lý do gì để từ chối trước sức hút của đồng tiền ở nơi mà họ xác định đá bóng để kiếm kế sinh nhai.

Câu chuyện điển hình nhất cho việc này chính là từ vụ lùm xùm giữa Đinh Hoàng La (tên cũ Mykola Oleksandrovych Lytovka) và CLB Vissai Ninh Bình (đã giải thể) cách đây 6 năm. Khi nhận được lời mời gọi của Becamex Bình Dương, thủ môn nhập tịch này nhất quyết rời đội bóng Hoa Lư để đầu quân cho đội bóng đất Thủ với mức lương hấp dẫn hơn và khoản tiền lót tay khủng.

Khi hai bên xảy ra tranh cãi, kiện cáo, vì quá bức xúc nên phía Vissai Ninh Bình đã chưng ra các bằng chứng, trong đó có tiết lộ thông tin sốc là đội bóng này đã phải “ngã giá” với Đinh Hoàng La để cầu thủ này đồng ý trở thành công dân Việt Nam, với khoản tiền 50.000USD. Là chuyện tiền bạc và quyền lợi, thế nên những gì tốt đẹp thủ thành này từng nói trước đó trở thành vô nghĩa, khi tranh cãi liên quan đến quyền lợi nảy sinh.

Nhập tịch để ra sân với tư cách cầu thủ nội, chắc chắn giá trị chuyển nhượng của các ngoại binh sẽ tăng lên. Thế nên mục đích của việc nhập quốc tịch Việt Nam của đa phần ngoại binh vốn không đơn giản vì tình yêu, vì sự gắn bó và hay sự hoà nhập văn hoá, mà đó cũng là con đường mưu sinh.

Ngay cả bầu Đức - người từng nhập tịch hàng loạt cầu thủ cũng phải lên tiếng về vấn đề này. Ông cho rằng “cầu thủ nhập tịch đá bóng vì tiền, không vì Việt Nam”. Theo bầu Đức, các cầu thủ nhập tịch chỉ để hợp thức hóa việc chơi bóng ở Việt Nam. Các đội bóng muốn nhập tịch cho cầu thủ, còn bản thân họ chưa chắc muốn điều này. Một ông bầu hiện đang nắm giữ cương vị Phó Chủ tịch VFF, có nhiều năm tháng lăn lộn cùng với bóng đá Việt và cũng có thời điểm đi đầu trong cuộc chơi biến ngoại binh thành cầu thủ nội, đã thẳng thắn ý kiến như vậy cho thấy trong làng bóng Việt, chuyện nhập tịch cho cầu thủ vẫn còn nhiều góc khuất, nhất là có giai đoạn trào lưu này trở thành cuộc chơi mà tất cả các đội bóng chuyên nghiệp đều tham gia để chạy đua thành tích.

Con đường lên ĐTQG

Thời điểm ĐT Việt Nam còn được dẫn dắt bởi HLV Calisto năm 2008, những cầu thủ nhập tịch như Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max… đã được trao cơ hội và khoác lên mình màu áo đỏ. Đó cũng là giai đoạn mà khán giả cũng như những nhà quản lý bóng đá Việt Nam được chứng kiến những bất cập từ những cầu thủ nhập tịch khi khoác áo ĐTQG.

Trong trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam và Olympic Brazil, trong khi quốc ca của đội bóng xứ Samba vang lên, Phan Văn Santos đã mấp máy hát theo như một hành động bản năng. Hình ảnh khiến nhiều quan chức VFF không khỏi xấu hổ và không ít khán giả không giấu được sự bức xúc. Ở Cúp bóng đá TPHCM sau đó, chính thủ môn này đã chủ động rời đội tuyển để về nhà chăm sóc vợ đẻ. Điều này khiến HLV Calisto đã quyết định “cấm cửa” thủ môn từng là trò cưng ở Đồng Tâm Long An.

Bởi những câu chuyện “dở khóc, dở cười” và nhạy cảm về cầu thủ nhập tịch lên tuyển mà VFF đã nhận chỉ thị “cấm” gọi cầu thủ nhập tịch. Tuy chỉ là “lệnh cấm” bất thành văn, thế nhưng từ đó đến nay, việc có hay không triệu tập cầu thủ lên đội tuyển được các lãnh đạo VFF rất cân nhắc, thậm chí là cố tránh mỗi khi được đặt vấn đề.

Thực ra chuyện cầu thủ nhập tịch một quốc gia khác và thi đấu trong màu áo ĐTQG là điều không hiếm ở nhiều nơi trên thế giới, chẳng đâu xa như Singapore hay Philippines là 2 quốc gia Đông Nam Á đã đi tiên phong. Tuy nhiên, so sánh là khập khiễng bởi bóng đá cũng như văn hóa của một quốc gia phát triển và “mở” như Singapore có những đặc trưng riêng. Còn Philippines lại là câu chuyện khác, khi cầu thủ được triệu tập khoác áo ĐTQG đều mang trong mình dòng máu Philippines, có bố mẹ hay ông bà định cư ở nước ngoài.

Có những thời điểm, lãnh đạo VFF cũng rất muốn mở cửa với cầu thủ nhập tịch ở ĐTQG. Họ rất muốn những cầu thủ nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, thấm nhuần văn hoá Việt có mặt trong đội hình. Một câu chuyện được Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng kể, trong một lần ăn sáng tại khách sạn, ông gặp tiền đạo Huỳnh Kesley đi cùng con gái. Đây là cầu thủ không chỉ có quốc tịch Việt mà còn có vợ người Việt. Gặp người đứng đầu VFF, Huỳnh Kesley cất tiếng “chào bác Chủ tịch” và như một lễ nghĩa của người Việt, anh nói với cô con gái mình rằng: “Con chào ông đi con”. Chi tiết ấy khiến Chủ tịch VFF rất thích, bởi đó là một lối ứng xử rất thuần Việt. Và với những cầu thủ như thế, họ rất xứng đáng được góp mặt trong màu áo ĐTQG. Qua đó cũng thấy rằng, có những cầu thủ nhập tịch đã hoà nhập được với phong tục, bản sắc Việt Nam chứ không chỉ đá bóng vì tiền đơn thuần.

Rất nhiều cầu thủ nhập tịch nói rằng họ yêu Việt Nam, ước mơ được khoác áo ĐTQG. Thế nhưng khi nhìn vào mục đích nhập tịch ban đầu và cả những câu chuyện phía sau, như Hoàng Vũ Samson hay một vài ngoại binh nhập tịch khác, với sự phức tạp liên quan đến cuộc sống gia đình mà thực tế và trên giấy tờ hoàn toàn khác biệt, rất khó để đề cập đến khái niệm tình yêu. Thế nên, câu chuyện gọi cầu thủ nhập tịch lên ĐTQG đã, đang và sẽ vẫn là một chủ đề nhạy cảm.

Bây giờ, mỗi lần triệu tập danh sách cho ĐTQG, trả lời câu hỏi vì sao không có gọi cầu thủ nhập tịch, HLV Hữu Thắng thường nói rằng luôn tạo cơ hội cho tất cả các cầu thủ có năng lực và phù hợp với lối chơi của ĐTVN mà ông đang xây dựng. Còn đại diện VFF thì cho rằng họ không cấm HLV gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển, nhưng cầu thủ đó phải đáp ứng đủ điều kiện về chuyên môn và đặc biệt là thấm được văn hoá Việt, vì màu cờ sắc áo. Và quả thật, tìm ra được những trường hợp như thế không nhiều, chưa nói đến “lệnh cấm” bất thành văn kia vẫn chưa thể xoá bỏ.

 

HOÀI ĐAN
TIN LIÊN QUAN

Lì xì mùa Tết hết cả tháng lương

Phương Minh |

"Để chuẩn bị tiền lì xì một mùa Tết đi tong cả tháng lương của tôi, thậm chí phải hơn khi tiền lì xì cũng leo thang theo giá cả" - chị Phạm Ngọc Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi được hỏi về việc lì xì đầu năm.

Hàng nghìn người lỉnh kỉnh đồ đạc xuống Ga Thanh Hóa để về quê đón Tết

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão - 2023, tại nhà Ga Thanh Hóa đã đón hàng nghìn người về quê ăn Tết. Tại đây, nhiều người lỉnh kỉnh đồ đạc, “tay xách nách mang” hối hả ra xe người thân chờ sẵn để về đón Tết đoàn viên cùng gia đình.

Người dân chen chân trong siêu thị ngày cận Tết mua hàng giảm giá, bình ổn

THUỲ TRANG |

Đà Nẵng - Với nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá, các siêu thị đang thu hút lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Trách nhiệm cá nhân trong vụ Chủ tịch Vimedimex thâu tóm "đất vàng" ra sao?

Việt Dũng |

Hà Nội - Ngoài bị can Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Vimedimex và 8 người trong vụ dìm giá, thâu tóm 49.000 m2 đất, công an còn nêu trách nhiệm của nhiều cá nhân.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.