Đường ống dẫn khí Nord Stream đưa khí đốt Nga đến châu Âu từng được coi là thắng lợi với hoạt động kinh doanh không biên giới nhưng cuộc xung đột ở Ukraina đã chấm dứt nhận định này, cây viết Elisabeth Braw của Foreign Policy nhận định.
Nord Stream và Nord Stream 2 - hai đường ống dẫn khí được xây dựng để đưa khí đốt Nga tới Đức, bị rò rỉ ở 3 vị trí vào ngày 27.9.2022.
Bởi vì cả 2 đường ống đều chứa đầy khí đốt nên một lượng lớn khí methane đã thải ra khí quyển. Vài giờ sau, giới chức Thụy Điển thông báo phát hiện vị trí rò rỉ thứ 4.
Một thời gian ngắn sau, Thụy Điển, Đan Mạch, Ủy ban châu Âu và Chính phủ Mỹ tuyên bố vụ rò rỉ đường ống Nord Stream là do phá hoại.
Dù thủ phạm là ai thì vụ phá hoại này cũng đồng nghĩa với kết thúc kịch tính của 2 đường ống dẫn khí được hình thành trong thời kỳ đỉnh cao của quá trình toàn cầu hóa để cung cấp khí đốt từ Nga cho Đức và các nước châu Âu khác, Foreign Policy nhận định.
Những người ủng hộ toàn cầu hóa coi 2 đường ống dẫn khí này là thành công tuyệt vời của hoạt động kinh doanh không biên giới.
Ngược lại, Ba Lan, Ukraina và các nước vùng Baltic cáo buộc Đức khiến nước này phụ thuộc một cách nguy hiểm vào Nga khi xây dựng 2 đường ống Nord Stream.
Theo Reuters, đường ống Nord Stream và Nord Stream 2 thuộc sở hữu phần lớn của tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga và được sử dụng để vận chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu qua vùng Baltic đến điểm cuối ở Đức.
Nord Stream hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2011. Nord Stream 2 hoàn thành vào mùa thu năm 2021 nhưng chưa bao giờ đi vào hoạt động. Sau khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra ngày 24.2.2022, Đức rút giấy chứng nhận Nord Stream 2, do đó đường ống này chưa bao giờ được vận hành chính thức.
Cả 2 đường ống dẫn khí này đều đi qua biển Baltic, bỏ qua các tuyến đường ống hiện có đi qua Ukraina, có nghĩa là Ukraina không chỉ mất thu nhập từ phí trung chuyển mà còn không thể sử dụng trực tiếp lượng khí đốt mà hệ thống đường ống này vận chuyển.
Trước khi xảy ra vụ phá hoại Nord Stream và Nord Stream 2, Gazprom tạm dừng dòng khí đốt qua Nord Stream vào ngày 2.9.2022 với lý do có các vấn đề liên quan đến lệnh trừng phạt mà châu Âu áp đặt với Nga.
Ba tuần sau, cả Nord Stream và Nord Stream 2 đều gặp sự cố dẫn tới không thể hoạt động và làm rò rỉ đáng kể lượng khí đốt đang có sẵn trong đường ống.
Độ sâu của đường ống dẫn khí này và sự phức tạp của việc sử dụng chất nổ dưới nước khiến nhiều giả thuyết cho rằng các tác nhân nhà nước có chuyên môn xử lý hoạt động như vậy mới có thể gây ra vụ tấn công.
Cho tới nay, các cuộc điều tra Nord Stream do Đan Mạch, Thụy Điển và Đức triển khai đều chưa đưa ra được kết luận gì về thủ phạm phá hoại đường ống.