Người tên lửa và giấc mơ chinh phục vũ trụ giá rẻ

hương giang (tổng hợp) |

Tỉ phú người Anh Richard Branson mơ ước sẽ tạo ra một phương tiện có thể đưa người lên vũ trụ với giá rẻ. Tuy nhiên giấc mơ tham vọng ấy của ông sẽ khó có thể trở thành hiện thực nếu thiếu sự giúp sức của một viên phi công thử nghiệm tài năng - nhân vật được mệnh danh là người tên lửa. 

Chuyến bay sau tai nạn chết người

5 giờ sáng ngày 5.4.2018, Mark Stucky lái xe tới sân bay ở Mojave, California, Mỹ. Ông ghé mắt nhìn SpaceShipTwo, một con tàu vũ trụ dài 18,8 mét thuộc sở hữu của Virgin Galactic - công ty con chuyên về mảng không gian của tập đoàn Virgin Group. Con tàu sơn màu trắng này trông giống một chiến đấu cơ tới từ tương lai, nhưng thực tế nó là tàu dân sự, có nhiệm vụ chở hàng ngàn du khách lên vũ trụ và trở về.

Stucky đã điều khiển SpaceShipTwo trong hơn 20 chuyến bay thử nghiệm trước đó, gồm 3 trên 4 lần con tàu phóng động cơ đẩy để đưa nó lên không gian vũ trụ. Trong ngày 31.10.2014, ông không điều khiển con tàu mà ở trong phòng chỉ huy. Đó là lần thứ 4 con tàu thử động cơ đẩy. Thật không may, sự cố đã xảy ra khiến con tàu lao thẳng xuống mặt đất, giết chết người bạn thân nhất của ông.

Sau 4 năm tạm ngưng để xác định lỗi và chế tạo một con tàu thay thế, Virgin Galactic nay đã sẵn sàng để khôi phục hoạt động thử nghiệm. Stucky là người đóng vai trò quyết định xem chương trình có thể tiếp tục thực hiện được không, và giấc mơ lên vũ trụ giá rẻ có phải là một điều quá xa vời?

Theo đúng lịch trình, vào sớm ngày 5.4, Stucky và phi công phụ, một người Scotland có tên Dave Mackay, dành 30 phút trên một thiết bị mô phỏng để làm quen với điều kiện thời tiết và gió ở bên ngoài. Tiếp theo, họ ngồi vào ghế lái tàu SpaceShipTwo. Con tàu được gắn dưới bụng máy bay mẹ WhiteKnightTwo và cất cánh từ một đường băng như máy bay thông thường.

Lên tới độ cao 15.000 mét, SpaceShipTwo được tách ra khỏi tàu mẹ. Stucky chờ cho tới khi hai phương tiện có khoảng cách an toàn mới ra lệnh kích hoạt động cơ tên lửa. Lực đẩy cực mạnh khiến lưng họ lập tức dính vào ghế.

Khi còn ở dưới mặt đất, tất cả đã thỏa thuận rằng động cơ tàu SpaceShipTwo sẽ chỉ hoạt động trong 30 giây. Cảm biến gắn với thân thể Stucky cho thấy trong những giây đầu tiên sau khi động cơ được kích hoạt, nhịp tim của ông đã nhảy lên mức cao hơn bình thường tới 40 nhịp mỗi phút. Tuy nhiên sâu thẳm trong thâm tâm, Stucky thấy mình bĩnh tĩnh kỳ lạ.

10 giây kể từ thời điểm động cơ được kích hoạt, SpaceShipTwo đã bay siêu âm, với vận tốc Mach 1,8 (nhanh gấp 1,8 lần tốc độ âm thanh). Stucky bắt đầu điều chỉnh để con tàu từ từ xoay tới một góc 68 độ. Bên ngoài con tàu, ánh sáng dần rút khỏi bầu trời, để lại một màu xanh thăm thẳm. Con tàu đã chạm mốc độ cao 20.000 mét.

Khi Stucky lấy lại quyền kiểm soát con tàu, ông đã ở độ cao 27.000 mét và có thể thấy được những đường cong tuyệt đẹp của Trái đất. Sau đó ông dựa vào Mặt trăng để xác định vị trí và lái con tàu trở lại mặt đất. SpaceShipTwo hạ cánh vào 9 giờ 14 phút sáng, đúng 13 phút sau khi nó tách khỏi WhiteKnightTwo - một kết quả cho thấy chương trình chinh phục không gian giá rẻ của Virgin Galatic đã có thể trở lại sau sự cố.

Các phi công thử nghiệm của SpaceShipTwo trước chuyến bay dùng động cơ tên lửa đầu tiên, từ trái qua gồm Clint Nichols, Mike Alsbury, Brian Maisler, Mark Stucky, and Dave Mackay. Alsbury sau đó thiệt mạng trong vụ tai nạn xảy ra hồi năm 2014.
Các phi công thử nghiệm của SpaceShipTwo trước chuyến bay dùng động cơ tên lửa đầu tiên, từ trái qua gồm Clint Nichols, Mike Alsbury, Brian Maisler, Mark Stucky, and Dave Mackay. Alsbury sau đó thiệt mạng trong vụ tai nạn xảy ra hồi năm 2014.

Một chương trình tham vọng

Virgin Galactic là một trong ba công ty đã tham gia cuộc thi X Prize nhằm chế tạo và thử nghiệm tên lửa có người điều khiển. Đối thủ của công ty gồm có Blue Origin thuộc sở hữu của tỉ phú Jeff Bezos - sáng lập viên Amazon - và SpaceX của tỉ phú Elon Musk. Gần đây Branson nói với CNN rằng ông hy vọng Virgin Galactic sẽ là công ty đầu tiên đưa người lên vũ trụ với giá rẻ.

Các công ty có những viễn cảnh khác nhau về hoạt động chinh phục không gian của mình. Virgin Galactic và Blue Origin muốn đưa khách hàng lên khu vực cận quỹ đạo thấp, tức khoảng 26km so với mặt đất. SpaceX tham vọng nhất khi muốn đưa người lên sao Hỏa.

Sao Hỏa có thể là một mục tiêu xa xôi, trong khi cận quỹ đạo thấp của Trái đất - khu vực nằm cách mặt đại dương của Trái đất khoảng 160km - lại dễ thực hiện. Cần biết rằng Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đang hoạt động ở quỹ đạo tầm trung, cách quỹ đạo thấp khoảng 241km.

Ngay từ đầu, Virgin Galactic đã chọn mục tiêu là các chuyến bay lên khu vực cận quỹ đạo thấp. Hoạt động này không đòi hỏi phải chế ra một con tàu vũ trụ ngốn quá nhiều nhiên liệu, với đủ loại công nghệ phức tạp kèm theo. Quan trọng là giá vé sẽ rất rẻ, so với mức hàng chục triệu USD như hiện nay.

Thêm nữa, hành khách đi lên quỹ đạo thấp chỉ trải nghiệm vận tốc tối đa là Mach 3 (gấp 3 lần vận tốc âm thanh) trong quá trình bay lên kéo dài khoảng 1 phút. Trong khi đó hành khách lên quỹ đạo tầm trung bằng tên lửa đẩy thông thường phải trải qua vận tốc đỉnh Mach 25, với hành trình bay lên kéo dài tới 8 phút. Điều này khiến không phải ai có tiền cũng đủ tiêu chuẩn sức khỏe để tham gia các chuyến bay trên tàu vũ trụ thực thụ.

Tỉ phú Branson tin một chuyến bay trong quỹ đạo thấp sẽ là trải nghiệm khó quên. Cách hành khách của Virgin Galactic sẽ có 90 phút ở trên không trung. Trong phần lớn thời gian, con tàu sẽ gắn liền với máy bay WhiteKnightTwo khi nó leo dần lên độ cao 13.000 mét. Sau khi SpaceShipTwo kích hoạt động cơ tên lửa, con tàu sẽ phóng lên với một góc gần như 90 độ.

Các hành khách sau đó sẽ được giải thoát khỏi trọng lực và họ thậm chí có thể tháo dây an toàn để trôi lơ lửng trong không gian không trọng lượng khoảng 4 phút. Trong lúc này, họ có thể ngắm nhìn khung cảnh ấn tượng của Hẻm núi lớn, đường bờ biển California và Bán đảo Baja tuyệt đẹp nằm ở phía dưới. Giống như các tài xế xe du lịch, phi công Virgin Galatic sẽ giúp khách nhận ra các thiên thể nổi tiếng và các thắng cảnh dưới đất, có thể được nhìn thấy qua cửa sổ của con tàu.

Tuy nhiên hiện nay những điều này vẫn chỉ là trên giấy tờ. Bất chấp việc Virgin Galactic đã nhận tiền đặt trước từ 600 khách hàng, với mỗi người bỏ ra 250.000 USD, hoạt động của SpaceShipTwo vẫn mới chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm. Phương tiện lai giữa máy bay và tên lửa này sử dụng nhiên liệu lai, pha trộn giữa nhiên liệu lỏng và rắn. Sử dụng nhiên liệu lai - một sự pha trộn giữa nhiên liệu rắn với nitơ ôxít lỏng - về lý thuyết sẽ là sự kết hợp hoàn hảo ưu điểm của cả hai, nhưng thực tế lại khiến nhà chế tạo phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro mới chưa từng có ai giải quyết. Với việc mỗi chuyến bay trong tương lai, SpaceShipTwo mang theo 6.700 lít nitơ ôxít lỏng và khoảng 1.000kg nhiên liệu rắn, nếu sự cố xảy ra trong hành trình bay, con tàu sẽ rất dễ biến thành một quả pháo hoa.

Thực tế thì sự cố đã xảy ra, không phải trên trời - trong sự cố hồi năm 2014 - mà ở dưới đất. Ngày 26.7.2007, một đội kỹ sư và kỹ thuật viên đã gặp nạn khi thử nghiệm động cơ dùng nhiên liệu lai lắp trên SpaceShipTwo. Trong quá trình thử nghiệm, thùng chứa nitơ ôxít bị tăng áp quá mức và phát nổ. Mảnh vỡ bắn ra khắp nơi đã khiến 3 người chết tại chỗ, 3 người bị thương nặng.

Đã có người đánh giá việc Virgin Galactic đặt mục tiêu đưa du khách đi vào không gian là quá mạo hiểm. Quả thực, chinh phục không gian chưa bao giờ là một con đường an toàn và êm ả. Vụ nổ tàu con thoi Challenger vào năm 1986 và tàu con thoi Columbia vào năm 2003 giống như những lời cảnh báo đanh thép rằng ngay cả các cơ quan chính phủ giàu kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính hùng mạnh vẫn không thể tránh khỏi sự cố chết người.

Với một doanh nghiệp tư nhân như Virgin Galactic, tai nạn chết người trên không gian có thể đánh dấu chấm hết cho hoạt động của công ty. An toàn vì thế là ưu tiên hàng đầu và sự thành bại của dự án phụ thuộc rất nhiều vào Stucky.

Virgin Galactic cạnh tranh với SpaceX và Blue Origin nhằm sản xuất ra một con tàu có thể đưa người vào không gian.
Virgin Galactic cạnh tranh với SpaceX và Blue Origin nhằm sản xuất ra một con tàu có thể đưa người vào không gian.

Hy sinh tất cả vì tình yêu bay lượn

Mark Stucky sinh ra và lớn lên ở Salina, Kansas, nơi cha đẻ ông dạy vật lý tại một trường cao đẳng địa phương. Thuở bé, Stucky rất mê chương trình chinh phục không gian của Mỹ và muốn trở thành phi hành gia, nhưng cha đẻ, một người theo giáo phái Mennonite, tuyên bố rằng nhà chức trách chỉ tuyển phi hành gia từ quân đội và ông không cho phép các con đi lính.

Stucky không phản đối cha trong nhiều năm. Nhưng ông cũng không từ bỏ ước mơ. Stucky theo học tại Đại học Kansas, chuyên ngành vật lý và ngay sau khi tốt nghiệp đã lập tức gia nhập lực lượng Lính thủy đánh bộ, trái với ý nguyện của cha.

Đổi lại việc quan hệ cha con căng thẳng, Stucky thực hiện được ước mơ của mình là tham gia một trường huấn luyện bay. Nhờ thành tích tốt, năm 1982 ông đã gia nhập một đội bay huấn luyện phi công F-4 Phantom ở Arizona.

Stucky dần trở thành một phi công nổi bật, một phần vì ông có thị lực quá tốt - yếu tố ghi điểm ở thời kỳ các cuộc cận chiến trên không vẫn được đề cao. Một phần nữa là vì ông hay có các trò chơi nổi gây tiếng tăm. Đơn cử như năm 1985, trong một nhiệm vụ bay tuần tra ở biển Nhật Bản, Stucky phát hiện thấy một chiếc máy bay ném bom Liên Xô ở phía xa. Ngay lập tức ông bay tới gần chiếc máy bay này rồi lộn ngược máy bay của mình. Đôi bên gần nhau tới mức khoang lái của ông chỉ cách khoang lái chiếc máy bay ném bom có vài mét. Rồi ông rút ra một chiếc máy ảnh và chụp nhanh một tấm.

Năm 1989, Stucky đăng ký để trở thành phi hành gia của NASA, nhằm thỏa mãn giấc mơ thời bé. Ông tiến tới tận vòng cuối, nhưng không được chọn. 2 năm sau ông tiếp tục "trượt vỏ chuối". Nhìn lại quãng thời gian đó, Stucky nói rằng ông thấy nó giống như cuộc thi Hoa hậu Mỹ vậy. "Bạn có thể là một trong 50 cô gái tài năng và xinh đẹp nhất, nhưng vẫn không thể chiến thắng. Vì bạn thiếu chút yếu tố may mắn", ông nói.

Tuy nhiên giới lãnh đạo NASA không phải những gã đần. Họ nhìn thấy tiềm năng của Stucky nên đã đề nghị ông một vị trí phi công thử nghiệm. Ông đồng ý và rời khỏi lực lượng Lính thủy đánh bộ. 3 năm sau, ông được NASA điều tới Trung tâm nghiên cứu bay Drydens.

Các cấp trên của Stucky ở trung tâm vô cùng ấn tượng với kỹ năng lái của Stucky. Một bản đánh giá năng lực thậm chí còn viết rằng ông "không có điểm yếu nào”. Năm 1997, ông đã có cơ hội lái chiếc máy bay gián điệp nhanh nhất thế giới, mẫu SR-71 Blackbird. Lần ấy, ông mặc bộ quần áo tăng áp màu vàng, bay lên độ cao 40.000 mét với tốc độ Mach 3. Chuyến bay khiến Stucky nhớ mãi, bởi ông đã ở rất cao trên trời, tới mức có thể thấy không gian đen thăm thẳm trên đầu.

Tuy nhiên làm việc ở Drydens được một thời gian, Stucky cho rằng các quan chức NASA quá quan liêu, không chấp nhận ủng hộ các ý tưởng mới. Vì lẽ đó, ông rời khỏi NASA để thành một phi công dân sự, trước khi gia nhập Không lực Mỹ vào năm 2003.

Trở lại quân ngũ, nhưng cảm giác nhàm chán vẫn không buông tha Stucky. Thời gian đóng quân ở Iraq, ông giải khuây bằng cách lái trực thăng lướt qua Baghdad ở độ cao chỉ khoảng 30 mét so với mặt đất. Nhưng cũng chính trong lúc đóng quân ở Iraq mà Stucky biết tin về cuộc thi X Prize và tàu SpaceShipOne, con tàu được chế tạo trước mẫu SpaceShipTwo.

Sau 4 lần được triển khai tới Iraq, Stucky trở về Mỹ. Năm 2007, ông dọn tới Nevada để tham gia một chương trình tuyệt mật. Ông thậm chí đã viết sẵn di chúc và bài điếu văn dành cho mình, đề phòng tình huống tai nạn chết người xảy ra. Thời khóa biểu không theo một trật tự nào, những lần vắng nhà dài ngày để bay thử nghiệm, lịch trình hoạt động chìm trong bí mật đã khiến quan hệ của Stucky với gia đình trở nên căng thẳng. Stucky đâm đơn ly hôn vợ không lâu sau đó, với lý do bà không ủng hộ đam mê và công việc của mình. Khi biết chuyện, 3 đứa con đã lập tức từ mặt ông.

Năm 2007, Stucky liên hệ Scaled Composites, công ty chế tạo động cơ cho tàu SpaceShipTwo, với ý định trở thành phi công thử nghiệm cho công ty này. Hai năm sau, Stucky được tuyển dụng và được đưa ngay tới chương trình SpaceShipTwo. Giấc mơ tham gia chinh phục không gian từ thời bé cuối cùng đã thành hiện thực, dù cái giá của nó là Stucky sống cảnh không gia đình ở tuổi cận kề 50.

Tương lai xán lạn của SpaceShipTwo

Ở Scaled Composite, Stucky cùng các phi công thử nghiệm khác liên tục tiến hành các chuyến bay của SpaceShipTwo. Ngày 10.10.2010, viên phi công Peter Siebold thử nghiệm thành công chế độ lướt trên không của SpaceShipTwo và Stucky tham gia hoạt động này không lâu sau đó. "Lướt trên không" nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng đây thực ra là một trong những thử nghiệm khó khăn nhất, do nó sẽ kiểm tra độ bền và khả năng kiểm soát của con tàu.

Trong ngày 29.9.2011, Stucky thực hiện cuộc lướt trên không thứ 16. Các kỹ sư muốn ông đi trở lại bầu khí quyển với một góc tấn lớn, nhằm đạt tốc độ gần Mach 1. Tuy nhiên họ đã không tính toán được việc góc tấn lớn khiến phần đuôi của con tàu bị mất lực nâng. Trong quá trình bay xuống, tàu bất ngờ lộn ngược và xoay vòng về phía trái, với tốc độ ngày một nhanh.

Các cú xoay vòng do mất kiểm soát như thế thường rất nguy hiểm. Năm 1953, viên phi công thử nghiệm Chuck Yeager đang lái một chiếc báy bay X-1 khi ông bất ngờ gặp sự cố khiến máy bay xoay vòng ở độ cao 24.000 mét. Trong vòng gần 1 phút tiếp theo, Yeager phải vật lộn để vừa cố lấy lại quyền kiểm soát máy bay, vừa không ngất đi do tốc độ xoay vòng quá cao. Ông chỉ đưa máy bay trở lại trạng thái bình thường khi đã rơi xuống độ cao 8.000 mét. 32 năm sau sự kiện này, Art School, một viên phi công quay cảnh mạo hiểm trong phim Top Gun cũng để máy bay rơi vào tình trạng xoay vòng mất kiểm soát và đâm thẳng xuống đất.

Ngày hôm ấy, nhờ kỹ năng lái tốt mà Stucky mới lấy lại quyền kiểm soát SpaceShipTwo và hạ cánh thành công, cứu thoát ông, viên phi công phụ và viên kỹ sư thử nghiệm bay khỏi cái chết mười mươi.

Scaled Composites bắt đầu thử nghiệm các chuyến bay có dùng động cơ tên lửa của SpaceShipTwo từ tháng 4.2013. Mọi chuyện diễn ra êm thấm cho tới khi xảy ra tai nạn thảm khốc vào năm 2014, giết chết viên phi công thử nghiệm Michael Alsbury, bạn thân nhất của Stucky. Các chuyên gia cho biết, SpaceShipTwo đã bị vỡ tung ở độ cao khoảng 20.000 mét. "Rất nhiều chuyện xấu có thể xảy ra ở độ cao đó", Bill Thornton, một viên tướng Không lực Mỹ về hưu cho biết. "Trên đó nhiệt độ là -60 độ C. Gần như chẳng có khí oxy để thở”.

Đã từng có các phi công sống sót khi phải nhảy ra ở độ cao lớn, nhưng trải nghiệm rất kinh hoàng. Năm 1959, một viên phi công thử nghiệm máy bay F-8 Crusader đã phải nhảy dù ở độ cao 12.000 mét và sống sót, nhưng khi chạm đất, máu đã tuôn ra từ tai, mũi và miệng anh. Năm 1976, một viên phi công điều khiển máy bay SR-71 cũng phải nhảy ra từ độ cao 21km, nhưng sống sót nhờ mặc quần áo tăng áp và có bình dưỡng khí.

Cùng bay với Alsbury trong ngày hôm ấy có Siebold, người đã kịp nhảy dù ra khỏi con tàu và sống sót thần kỳ. Siebold sau này kể rằng anh nghe thấy một tiếng động lớn khi đôi cánh, phần đuôi, động cơ tên lửa và khoang chở khách bị xé rách khỏi khoang lái. Anh chỉ kịp tháo dây an toàn và bắn ra khỏi con tàu. Trong khi đó, Alsbury được tìm thấy trong tình trạng chỉ còn một phần thân trên vẫn đang được dây an toàn gắn chặt lấy ghế lái.

Sau vụ tai nạn, báo chí bắt đầu chất vấn liệu Virgin Galactic có thể tồn tại? Khách hàng đòi hoàn tiền. Các nhà đầu tư muốn rút vốn. Stucky thì băn khoăn liệu có phải những ngày lái SpaceShipTwo của ông sắp kết thúc? Tuy nhiên bi kịch đã không xảy ra. 5 tuần sau tai nạn, Virgin Galactic bắt đầu khởi động nỗ lực chế tạo con tàu SpaceShipTwo thứ hai và khôi phục chương trình. Chuyến bay thử nghiệm thành công của Stucky trong tháng 4.2018 cho thấy nỗ lực của công ty đã thành công.

Với Branson, vị tỉ phú đứng sau Virgin Galactic, ông biết rằng phía trước mắt vẫn còn nhiều thách thức. Công ty còn phải tiến hành vài cuộc thử nghiệm bay lặp đi lặp lại để trấn an công chúng, rằng SpaceShipTwo thực sự là một con tàu an toàn. Sau đó ông có thể bắt đầu kinh doanh.

Branson ước tính ông đã tiêu gần 1 tỉ USD vào chương trình, nhưng tin mình sẽ thu hồi vốn nhanh khi đi vào khai thác thương mại. "Chúng tôi tin thế giới có hàng triệu người yêu thích việc đi vào không gian và chúng tôi muốn khai thác nguồn khách hàng rất giá trị này", ông tuyên bố với phóng viên New Yorker. Ông đánh giá Virgin Galactic và công ty Virgin Orbit chuyên kinh doanh dịch vụ vệ tinh đang có giá "vài tỉ đô la", nhưng lạc quan tuyên bố chúng sẽ sớm có giá "rất nhiều tỉ đô la" trong tương lai rất gần, ám chỉ tới sự thành công cận kề của chương trình nghiên cứu tàu SpaceShipTwo.

hương giang (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Phi hành gia Nga chơi bóng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế để cổ động cho World Cup 2018

Văn Thắng |

Để cổ động cho World Cup 2018 được tổ chức tại quê nhà, hai phi hành gia người Nga là Anton Shkaplerov và Oleg Artemyev đã cùng nhau chơi bóng trong môi trường không trọng lực của Trạm Vũ trụ Quốc tế.

NASA phóng thành công tàu vũ trụ thám hiểm hành tinh đỏ

Hà Phương |

Ngày 5.5 tại Căn cứ Không quân Vandenberg ở California (Bờ Tây của Hoa Kỳ) NASA đã phóng thành công tàu vũ trụ Mars InSight Lander để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu Sao Hỏa.

NASA phóng thành công kính thiên văn vũ trụ săn người ngoài hành tinh bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX

Văn Thắng |

SpaceX của tỷ phú Elon Musk vừa thực hiện thành công một sứ mệnh quan trọng, đó là đưa kính thiên văn vũ trụ tìm kiếm người ngoài hành tinh của NASA lên quỹ đạo cao Trái đất. Đây đã là lần thứ 8 SpaceX phóng thành công tên lửa tái sử dụng Falcon 9 trong năm nay.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Phi hành gia Nga chơi bóng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế để cổ động cho World Cup 2018

Văn Thắng |

Để cổ động cho World Cup 2018 được tổ chức tại quê nhà, hai phi hành gia người Nga là Anton Shkaplerov và Oleg Artemyev đã cùng nhau chơi bóng trong môi trường không trọng lực của Trạm Vũ trụ Quốc tế.

NASA phóng thành công tàu vũ trụ thám hiểm hành tinh đỏ

Hà Phương |

Ngày 5.5 tại Căn cứ Không quân Vandenberg ở California (Bờ Tây của Hoa Kỳ) NASA đã phóng thành công tàu vũ trụ Mars InSight Lander để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu Sao Hỏa.

NASA phóng thành công kính thiên văn vũ trụ săn người ngoài hành tinh bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX

Văn Thắng |

SpaceX của tỷ phú Elon Musk vừa thực hiện thành công một sứ mệnh quan trọng, đó là đưa kính thiên văn vũ trụ tìm kiếm người ngoài hành tinh của NASA lên quỹ đạo cao Trái đất. Đây đã là lần thứ 8 SpaceX phóng thành công tên lửa tái sử dụng Falcon 9 trong năm nay.