Giải mã quốc yến Mỹ

Hương Giang (Theo Foreign Policy) |

Thực đơn quốc yến với ngồn ngộn những món ăn mà giới lãnh đạo Mỹ tổ chức vào năm 1939 để thết khách quý có thể khiến chúng ta thấy khó nuốt nổi khi nhìn lại hôm nay. Nhưng đồ ăn ngon hay dở không phải điều quan trọng nhất. Thay vì thế, đó là các thông điệp chính trị mà giới lãnh đạo Mỹ gửi kèm theo chúng.

Thông điệp về khẩu vị của nước Mỹ

Ngay từ khi bắt đầu tổ chức quốc yến đầu tiên, lãnh đạo Mỹ luôn coi ý tưởng một bàn ăn thịnh soạn mang một giá trị biểu tượng mạnh mẽ, cho thấy sức mạnh và tiềm lực của đất nước. Frank Ruta, cựu bếp phó Nhà Trắng đánh giá quốc yến là "lời tuyên bố chính thức cho thấy Mỹ thừa nhận vị thế của một lãnh đạo nước ngoài và đất nước này chào đón vị lãnh đạo đó thông qua một sự kiện thể hiện sự nồng ấm".

Quốc yến là một công cụ ngoại giao có hai tác dụng. Một mặt, bữa tiệc dùng để thết đãi các vị khách quý, khiến họ thấy được tôn trọng và muốn củng cố quan hệ với lãnh đạo Mỹ. Mặt khác, tiệc cho thấy khẩu vị của nước Mỹ - chính xác hơn là của những người đang lãnh đạo Mỹ. Như vậy, món bánh gatô phô mai cừu được phục vụ chưa chắc đã vì nó ngon. Món này được đưa vào thực đơn quốc yến 2018 chỉ bởi nó cho thấy nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của ông Trump, đang coi thứ gì là ngon lành vào thời điểm ấy.

Thực đơn quốc yến của Nhà Trắng luôn thay đổi theo thời gian và cùng biến đổi với nó là hình ảnh mà nước Mỹ muốn phô ra cho thế giới thấy. Quốc yến Mỹ có những thay đổi đáng chú ý đầu tiên dưới thời Franklin Roosevelt. Người tiền nhiệm của ông, Herbert Hoover, thích tiệc tùng hoành tráng. Các quốc yến của Hoover luôn gồm tới 7 món: Một món sò,  một món súp, một món cá, một món thịt, một đĩa salad, một món tráng miệng và cuối cùng là hoa quả. Tuy nhiên khi Roosevelt cầm quyền, Mỹ đang tham gia Thế chiến II. Cả nước đều phải tiết kiệm tối đa, không có lý gì lãnh đạo quốc gia lại tiệc tùng linh đình. Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt đã cắt bớt 2 món khỏi thực đơn, gồm súp hoặc khai vị và hoa quả. Và Eleanor luôn tin rằng mua đồ ăn nhiều dinh dưỡng với giá thấp nhất luôn tốt hơn là xơi đồ ăn ngon. Bà đã kiên trì truyền tải thông điệp này cho các bà nội trợ Mỹ, thông qua những công thức nấu ăn như spaghetti bỏ lò và bánh pudding mận khô. Bà cùng quản gia Henrietta Nesbitt đã biến khu bếp của Nhà Trắng thành một mô hình kinh tế thắt lưng buộc bụng thu nhỏ. Bà tự hào khi luôn có thể tạo ra một bữa ăn với giá chỉ 0,1USD thời ấy. Người ta có thể thấy phần nào cảm xúc của thực khách trong lá thư mà nhà văn Ernest Hemingway viết cho mẹ vợ vào năm 1937, về bữa ăn tối của ông ở Nhà Trắng: "Chúng con được dùng súp nhạt như nước mưa, sau đó là món chim câu non dai nhách như cao su, một đĩa salad héo úa và một chiếc bánh mà ai đó ngưỡng mộ gia đình Tổng thống gửi tới. Một người ngưỡng mộ mê làm bánh, nhưng không giỏi lắm về khoản này".

Thời Harry S. Truman cầm quyền, ông giao khu bếp Nhà Trắng  cho đầu bếp riêng - một người phụ nữ Mỹ gốc Phi tên Vietta Garr - người đã hầu hạ gia đình ông kể từ năm 1928. Bà hướng dẫn các đầu bếp của Nhà Trắng nấu nướng theo phong cách Missouri, nghĩa là rất nhiều món gà rán, gà tây rán, dưa hấu và các món muối.

Công chúa Elizabeth (trước khi bà trở thành Nữ hoàng Anh) từng được Truman chiêu đãi thịt lợn muối Missouri nướng, dưa hấu muối và tôm hùm bỏ lò vào tháng 10.1951. Cho tới thời điểm này, rượu vang vẫn hiếm khi xuất hiện trong quốc yến, chỉ vì một lý do là vang Mỹ quá dở!

Thời Dwight D. Eisenhower cầm quyền vào năm  1953, ông đặc biệt mê súp và bánh mỳ nướng. Khẩu vị khá đơn giản và dù bản thân là một đầu bếp giỏi, ông vẫn thích các loại đồ ăn không qua chế biến cầu kỳ. Vợ ông, bà Mamie Eisenhower, thực sự đã cai trị khu bếp của Nhà Trắng bằng một bàn tay thép xỏ găng hồng. Quốc yến dần trở nên hoành tráng hơn, phù hợp với thời kỳ bùng nổ kinh tế của những năm 1950. Lần đầu tiên quốc yến có sự xuất hiện của nhiều món về sau đã trụ lại mãi cho tới tận thời Tổng thống G.W.H Bush: Cơm gạo đen, salad rau diếp, atiso, bánh mousse. Nếu Roosevelt tổ chức quốc yến chỉ để cho thấy Mỹ sẵn sàng hy sinh trong Thế chiến thứ hai thì Eisenhower lại phát đi thông điệp khác, rằng đã tới lúc để người Mỹ có thể sống thoải mái trở lại.

Đỉnh cao của sự tinh tế và đẳng cấp

Phải tới khi John F. Kennedy lên cầm quyền vào năm 1961, quốc yến Mỹ mới đạt được sự tinh tế và đẳng cấp chưa có tiền lệ. Một đầu bếp người Pháp lừng danh có tên René Verdon được thuê và lập tức gây tác động vào thực đơn của Nhà Trắng. Bữa ăn chính được chuyển từ gà tây nướng sang “Tournedos Heloise” (bít tết bò với sốt nấm truffle đen). Món salad quả oliu và cần tây lập tức biến mất cùng những thức ăn tầm thường khác. Ông là người đầu tiên tự trồng rau trên phần mái của Nhà Trắng và rau thơm ở Khu vườn phía Đông, nhiều thập kỷ trước khi bà Michelle Obama làm điều tương tự.

“Nhà Trắng luôn tự nhận rằng biết nấu ăn kiểu Pháp. Nhưng chỉ từ thời Kennedy thì họ mới thực sự được thế,” sử gia William Seale nói. Rượu vang dùng trong quốc yến vẫn nhập chủ yếu từ Pháp. Nhưng trong bữa ăn tiếp đón Tổng thống Peru Manuel Prado Ugarteche vào ngày 19.9.1961, Kennedy trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên mời khách rượu vang Mỹ: Chai vang đỏ Almaden. Kennedy muốn thể hiện sự tự hào về thương hiệu Mỹ, bất chấp việc thương hiệu đó không được đánh giá cao trong giới sành rượu vang.

Lên cầm quyền thay người tiền nhiệm Kennedy xấu số vì bị ám sát, Lyndon B. Johnson đã chứng tỏ mình là người có gu ăn uống. Thực đơn quốc yến của ông luôn phải độc đáo nhất, đi trước thời đại và vượt xa mọi ranh giới về định nghĩa ăn ngon. Theo nhật ký của Đệ nhất phu nhân Bird Johnson, ông bà đã mời Thủ tướng Tây Đức Erhard và 300 người khác món đậu pinto, sườn bò nướng ngon lành, salad bắp cải trộn, bánh mơ dùng với cà phê nóng. Và khách được tắm trong bia tại cuộc đó.

Danh sách thực đơn quốc yến của Nhà Trắng dưới thời Johnson không bao giờ có món thịt nướng babercue. Thay vì thế, nó giống một cuốn sách nấu ăn kiểu Pháp, nhưng được trình bày theo cách hiểu của người Texas. Johnson không chỉ là một người kén ăn mà ông còn ăn rất đơn giản. Vì thế hơn 3/4 thực đơn quốc yến của ông chỉ có thịt bò, thịt cừu hoặc bê. Danh sách món ăn được viết trở lại bằng tiếng Anh. Vài món tráng miệng bắt đầu được đặt theo tên khách, ví dụ Glace Macapagal dành cho Tổng thống Philippines Diosdado Macapagal khi ông thăm Mỹ vào tháng 10.1964. Johnson là người đầu tiên chỉ dùng mỗi rượu vang Mỹ. Đây là thời điểm 10 năm trước khi diễn ra sự kiện Cuộc thử rượu Paris 1976, khi giới sành rượu vẫn tự động đánh giá vang Mỹ là phế phẩm. Các đại sứ quán Mỹ nhận được yêu cầu phải mời khách vang Mỹ. Việc ngừng nhập vang ngoại đắt tiền còn “giúp giải quyết vấn đề cân bằng thâm hụt chi tiêu và dòng vàng chạy ra ngoài Mỹ” như nhận xét của tờ New York Times vào năm 1965. Nói một cách khác, Johnson sẽ không đẹp mặt nếu tiếp tục đặt mua vang Dom Pérignon đắt tiền, trong khi kêu gọi người Mỹ ngừng dùng đồ nhập khẩu.

Được xem là một trong những Tổng thống tham vọng nhất thế kỷ 20, Johnson nắm kỷ lục vì tổ chức quốc yến nhiều nhất: 54 cuộc. Con số này cao gấp 8 lần thời Truman. Lyndon và vợ còn ra quyết định giúp định hình thực đơn Nhà Trắng trong nhiều thập kỷ. Khi bếp trưởng Verdon nghỉ việc vào tháng 12.1965, họ thuê Henry Haller thay thế. Là một bếp trưởng khách sạn sinh ra tại Thụy Sĩ, Haller đã giám sát thực đơn các món ăn tại Nhà Trắng trong suốt 21 năm sau đó.

Khi Richard Nixon trở thành tổng thống vào tháng 1.1969, ông đã đảo ngược thực đơn đồ ăn và rượu, đưa tất cả trở lại như dưới thời Kennedy. Thực đơn quốc yến của Richard Nixon cũng giống hệt tính cách ông này: Phức tạp, bị đánh giá thấp so với thực tế và suýt hỏng bét vì những khiếm khuyết nhỏ. Ông còn là Tổng thống Mỹ đầu tiên thết đãi một nhà lãnh đạo Liên Xô kể từ những năm 1950 - Tổng Bí thư Leonid Brezhnev vào tháng 6.1973. Nhằm cho phía Liên Xô thấy sự vượt trội của Mỹ về chất lượng sống, Nixon đã mời Brezhnev ăn món tôm hùm thượng hạng được lột vỏ nấu kiểu Pháp ăn kèm nấm truffle và rau tươi. Món này nổi tiếng khó thực hiện, ngầm phát đi thông điệp rằng Mỹ thừa mứa các nguyên liệu và trình độ để làm những loại đồ ăn ngon nhất, hoành tráng nhất. Ngoài món tôm, thực đơn còn có phi lê bò rưới sốt vang đỏ bordelaise, phô mai chiên paillettes dorées, cà tím nấu đậu xanh, salad rau diếp phô mai Port Salut và bánh táo tráng miệng.

Màn nổ súng trên bàn ăn của Nixon với Brezhnev được trả lời sau đó 5 ngày, khi Tổng Bí thư Liên Xô tổ chức một bữa tối “đáp lễ” tại Đại sứ quán Liên Xô ở Mỹ. Brezhnev đã mời Nixon ăn trứng cá với bơ, bánh coulibiac, hải sản thập cẩm, thịt chim rừng, dưa chuột và cà chua tươi, súp cà chua củ dền, cá tầm nấu nấm champignon, súp thịt và khoai tây kiểu Nga cùng bánh mousse dâu tây.

Chẳng rõ bên nào thắng, bên nào thua trong cuộc đọ sức về ẩm thực này. Nhưng bên thu lợi nhiều nhất dường như là nước Pháp! Dù Nixon xuất thân khiêm tốn, ông lại có gu rượu đắt tiền, đặt biệt là rượu vang. Nhiều chai rượu ông ưa thích đều là loại vang Bordeaux Pháp hoặc riesling của Đức rất đắt tiền. Ví dụ như chai Bernkasteler Doctor - loại vang Đức đắt nhất mà người ta có thể mua được khi ấy. Thật không may, sự lựa chọn salad của Nixon rất tồi. Ông từng phục vụ lặp đi lặp lại món salad rau diếp tại 14 quốc yến liên tục, với cuộc cuối cùng diễn ra trước vụ Watergate khiến ông phải từ chức.

Những thập kỷ tẻ nhạt

Lên nắm quyền có 2 năm rưỡi nhưng Gerald Ford đã tổ chức tới 34 quốc yến. Ford là một Tổng thống chuyển giao nên các bữa ăn của ông cũng thế. Ford rất thích mời khách ăn cơm gạo đen với cá hồi sông Columbia. Tới cuối năm 1974, tất cả rượu vang dùng trong quốc yến của Ford đều sản xuất ở Mỹ.

Nếu các sử gia đánh giá tổng thống Mỹ chỉ dựa vào khả năng ẩm thực của họ thì Jimmy Carter có lẽ phải là một trong những người vĩ đại nhất. Ngày 7.9.1974 ông đã mời đại biểu từ 27 nước Mỹ Latin dự quốc yến nhân lễ ký kết để Mỹ chuyển quyền sở hữu kênh đào Panama. Bữa tiệc ông tổ chức vào tháng 3.1979 để mừng lễ ký kết thỏa ước hòa bình Israel - Ai Cập cũng là sự kiện lớn nhất do Nhà Trắng thực hiện, với 1.360 khách. Đồ ăn được phục vụ tại cả hai cuộc có thể được coi như những ví dụ kinh điển về quốc yến hoành tráng - tôm hùm Maine luộc, thịt nai nướng ăn kèm nhiều loại rau trong quốc yến năm 1974; cá hồi sông Columbia với thịt đông và thịt thăn bò nướng ăn kèm rau củ tại quốc yến năm 1979.

Với những người hâm mộ quốc yến, chính quyền Ronald Reagan giống như buổi sớm mai của nước Mỹ. Các cuộc quốc yến do ông tổ chức là sự kết hợp giữa sự hào nhoáng của Kennedy và số lượng đều đặn của Ford. Ông suýt đánh bại thành tích của Johnson, khi tổ chức 52 cuộc quốc yến trong sự nghiệp. Chưa có vị Tổng thống nào tổ chức một cuộc thết đãi mà ở đó tài tử John Travolta khiêu vũ cùng Công nương Diana. Tại quốc yến 1985, Công nương xứ Wales và Thái tử Charles được mời ăn tôm hùm sốt mousseline, gà kho ớt capsicum, cơm gạo lứt, rau củ trồng trong vườn, salad jicama và bánh đào. Sử gia William Seale giải thích: Nhà Reagan có xuất thân từ ngành điện ảnh nên họ không thể sống thiếu tiệc tùng!

Khi lên nắm quyền, Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) tổ chức 32 quốc yến. Theo chân nhà Reagan, nhà Bush tìm cách thử nghiệm ý tưởng mới trên thực đơn đã khá cũ kỹ, nhưng kết quả chỉ như một miếng vá mới trên một cái quần đã cũ mèm. Vua Hassan II của Morocco từng được mời ăn món súp bí đỏ lạnh trộn sốt dâu đen vào năm 1991, sau khi ăn món cá hồi rưới sốt trứng cá tẻ nhạt.

Các toan tính của nhà Clinton

Khi Bill Clinton lên nắm quyền, bà Hillary vợ ông đã thuê bếp trưởng người Mỹ Walter Scheib vào tháng 4.1994 và tạo ra sự dịch chuyển lớn nhất về thực đơn của Nhà Trắng trong vòng 30 năm qua. Aspic cuối cùng bị loại khỏi thực đơn; Field greens và đậu fava được thêm vào. Danh sách các món ăn bị cắt bớt xuống còn con số 4. Giống như nhiều Tổng thống  khác, thực đơn quốc yến của Clinton mang một thông điệp chính trị: Đồ ăn Mỹ đa dạng, tốt cho sức khỏe và ngang tầm với ẩm thực của nhiều  quốc gia khác, kể cả Pháp.

Hillary Clinton đã nỗ lực cổ súy cho các bữa ăn ít chất béo. Thịt bò chỉ được phục vụ có 2 lần trong 32 quốc yến dưới thời Clinton. Bữa tối chính thức ông dành để tiếp Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam vào tháng 11.1993 có kem gừng hạnh nhân với chỉ 2% thành phần là sữa để đảm bảo ít chất béo nhất có thể. “Hillary Clinton chả biết quái gì về ẩm thực. Bà ấy là một con người tính toán chính trị. Bà ấy làm thế, đơn giản vì phong trào ăn ít béo đang được ưa chuộng vào giai đoạn đó. Nếu người ta nói ăn bơ tốt cho sức khỏe, hẳn bà ấy cũng sẽ khuyên người dân ăn nhiều bơ vào”, cựu đầu bếp Chambrin bị Nhà Trắng đuổi việc trước đó nói.

Tính toán chính trị hay không thì chẳng thể phủ nhận dưới thời Clinton, quốc yến Mỹ rất tích cực thu nhập cái mới. Nó vừa vươn ra xa và tìm cảm hứng từ quê hương của khách, vừa tiếp tục đào sâu vào sức mạnh ẩm thực Mỹ. Một quốc yến có món ngô đường luộc và kem tequila? Eisenhower hẳn phải đội mồ sống dậy để phản đối. George W. Bush (Bush con) chưa từng nổi tiếng về việc tổ chức yến ẩm hoành tráng. Thay vì thế ông thích những cuộc tụ họp riêng tư hơn, ví dụ mời các nguyên thủ về trang trại nhà ông ở Crawford, Texas. Khẩu vị của ông thi thoảng bị người ta đặt dấu hỏi, giống như bằng chứng về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq. Bush con cũng không uống rượu như nhiều Tổng thống khác. Có lẽ vì những lý do này, ông chỉ tổ chức có 13 quốc yến. Nhưng ông vẫn để lại dấu ấn về quốc yến nhờ vợ Laura Bush. Bà sa thải Schieb vào tháng 2.2005 và thuê bếp trưởng Cristeta Comerford, một người Mỹ gốc Philippines. Cô là bếp trưởng da màu đầu tiên ở Nhà Trắng. Nhiều sự cải cách từ thời Clinton được giữ nguyên và bổ sung. Trong quốc yến đầu tiên đón Thái tử Charles và vợ mới,  Camilla Parker -Bowles, vào tháng 11.2005, Bush mời khách bánh pancake gạo đen, củ cải vàng và cà rốt non nấu sốt chua ngọt, tôm đá nấu với nước lèo cần tây, kem chartreuse phủ sốt nho xanh và đỏ. Đặc biệt, một món chính trong quốc yến là thịt thăn bò rừng Bắc Mỹ được phục vụ trên đĩa lớn! Thịt bò rừng Bắc Mỹ được ưa chuộng từ những năm 2000, do số lượng bò phục hồi và các lợi ích về sức khỏe được cho là lớn hơn thịt bò bình thường.

Quốc yến dưới thời ông Barack Obama và vợ Michelle cho thấy sự ngập tràn thông tin của những năm 2010. Cả hai người đều mê ẩm thực, họ nằm trong số ít những con người đã đưa ra các thử nghiệm táo bạo tại Nhà Trắng. Thực đơn quốc yến của họ chẳng hề giống những người tiền nhiệm mà liên tục thay đổi phong cách, rất để ý tới chi tiết, chú trọng sự tinh tế, bên cạnh việc đề cao sự thay đổi.

Và thông điệp thay đổi còn thể hiện rõ qua việc bếp trưởng không làm việc quá lâu trong Nhà Trắng. Rau từ khu vườn Nhà Trắng đã được dùng để làm salad tại nhiều quốc yến. Rượu mời khách cũng đa dạng y như đồ ăn và thi thoảng có liên hệ tới quê hương của khách. Ví dụ ông Obama đã dùng rượu gạo Shaoxing để thết đãi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2015. Đó là lần đầu một loại rượu Trung Quốc xuất hiện trong quốc yến Mỹ.

Trong suốt hai nhiệm kỳ của mình, ông Obama tổ chức vỏn vẹn 13 quốc yến. Nhưng con số đó vẫn cao hơn rất nhiều Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump, với một cuộc duy nhất để chiêu đãi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nhưng dù không có sự trợ giúp của các bếp trưởng nổi tiếng hay sự tinh tế và quan tâm chi tiết như ông Obama, quốc yến của ông Trump vẫn được đánh giá là rất ngon, nêu bật được các nguyên liệu Mỹ và có ít nhất 1 hương vị tới từ quê hương của khách.

Thực đơn của ông Trump khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi ông từng bị tờ New York Times chỉ trích là Tổng thống đồ ăn nhanh, bởi rất mê những món ăn mang tính công nghiệp. Ý tưởng của Trump về đồ ăn đã vứt bỏ triết lý ẩm thực được thiết lập tại khu bếp Nhà Trắng suốt 25 năm qua ra khỏi cửa sổ. Trump xem tiêu chuẩn ẩm thực thấp của mình như một chiến tích. Nó cho thấy ông không thuộc về tầng lớp tinh hoa thượng lưu, mà đứng về phía người lao động Mỹ, dù rằng ông nằm trong nhóm tỉ phú giàu nhất nước.

Và do muốn tạo khoảng cách với giới tinh hoa, Trump không mặn mà trong việc tổ chức quốc yến. Các bữa tiệc hoành tráng với đồ ăn ngập tràn và hàng trăm người tới dự sẽ khiến thông điệp chỉ trích giới tinh hoa Mỹ của ông trở nên vô nghĩa. Nhưng dù quan điểm của Trump là vậy, khi tổ chức quốc yến ông vẫn phải làm cho tử tế - và người ta có thể hình dung ra cái thở phào của Macron khi ông thấy thực đơn. Việc Trump vẫn phải tuân theo truyền thống cho thấy sức mạnh mang tính biểu tượng của quốc yến Nhà Trắng, tại đó đồ ăn nhanh không “có cửa” góp mặt. Chỉ những gì là tinh túy nhất của Mỹ mới được phô bày ở đây.

Hương Giang (Theo Foreign Policy)
TIN LIÊN QUAN

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023 (ngoài cùng, bên phải). Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.