LD1692: Giúp người phụ nữ nghèo tới mức phải đem con đi cho

MAI SINH |

Trong căn nhà nhỏ đã xuống cấp trầm trọng nằm lẻ loi cuối xóm Hòa Thịnh, xã Thượng Đình (Phú Bình, Thái Nguyên), hằng ngày, ba mẹ con chị Dương Thị Dự sống lay lắt trong bất hạnh, nghèo khổ, nghèo tới mức chị đã từng phải cho đi những đứa con mình rứt ruột đẻ ra.

Con đường vào nhà chị Dự vừa ngoằn ngoèo, vừa nhỏ như những bờ ruộng, hai bên cây cỏ mọc um tùm. Căn nhà của ba mẹ con chị đã dột nát, xiêu vẹo, trống huơ trống hoác, nhìn mãi chẳng thấy vật gì có giá trị ngoài chiếc xe đạp đã cũ hỏng. Trong căn nhà ba gian rộng chừng 50m2 thì một gian là buồng ngủ, hai gian còn lại, một bên là bếp với mỗi một chiếc nồi nấu cơm và một siêu đun nước; bên còn lại chị kê một chồng gạch, trên có chiếc mâm nhôm đặt bát hương thờ cúng gia tiên.

Khách đến, chị líu ríu mời vào nhà nhưng lại ngượng nghịu vì chẳng biết mời khách ngồi ở đâu vì nhà không có bàn ghế gì. Ngồi tạm ngoài hiên trò chuyện, chị Dự vừa tranh thủ chẻ nan đan rọ tôm, vừa ngậm ngùi kể về cuộc đời mình. Gương mặt đen sạm, khắc khổ, thân hình gầy gò, ốm yếu, giọng nói thều thào, đứt quãng như đã phần nào nói lên cuộc đời đầy bất hạnh, gian truân của chị.

 

 Hai gian nhà, một bên là bàn thờ gia tiên được kê bằng một chồng gạch

Sinh năm 1973 trong một gia đình vô cùng nghèo có 5 anh chị em, chị Dự không được học đến nơi đến chốn, chỉ biết chữ vừa đủ viết tên mình. Nhà nghèo, ít ruộng nên ai thuê gì làm nấy, đến tuổi thanh xuân, chị cũng khát khao có một mái ấm gia đình nhưng duyên phận hẩm hiu nên không có người đàn ông nào dám gắn bó với chị. Tới lúc quá lứa lỡ thì, cũng có những người đàn ông đến với chị, nhưng họ chỉ đến rồi đi để lại cho chị những đứa con nhưng lại không cho chị bờ vai tựa nương. Năm 2002, chị sinh cháu Dương Thị Khánh trong sự mặc cảm trước những lời dị nghị của xóm làng. Nhà đã nghèo lại không chồng mà có con, chị đành nhờ người thân dựng căn lều nhỏ ra sát bờ sông Cầu, ngày ngày đi làm thuê kiếm tiền nuôi con.

Năm 2010, duyên phận đưa đẩy một người đàn ông khác đến với chị và rồi đứa con thứ hai ra đời trong khi cuộc sống vô cùng chật vật, khó khăn. Vốn đã gầy yếu, sinh con xong chị lại càng yếu hơn, hoàn cảnh quá khốn khó, chị đành ngậm ngùi cho đi đứa con mới 10 ngày tuổi. Nhiều đêm chị khóc vật vã vì nhớ con, thương con và cũng thương cho thân phận chính mình. Chị lại mơ về một gia đình đúng nghĩa, nơi có người đàn ông bảo vệ, chở che cho hai mẹ con chị. Rồi năm 2012, ước mơ ấy tưởng như thành hiện thực khi có người mối lái cho chị một người đàn ông quê ở Tân Yên, Bắc Giang. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang vì không may anh ấy lại bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, mất trí nhớ và hiện đang sống trong một trung tâm bảo trợ xã hội. Gia đình nhà chồng cũng nghèo nên không cưu mang được hai mẹ con chị, chị đành khăn gói về quê trong khi đang mang trong mình đứa con với chồng. Rồi một thời gian sau, cháu Dương Thị Lệ Quyên ra đời nhưng không dễ nuôi như đứa con đầu, cháu Quyên thường xuyên nay ốm mai đau khiến cuộc sống của chị càng thêm chật vật, khốn khó. Năm 2015, khi cháu Quyên được hơn 1 tuổi, có gia đình hiếm muộn đến xin cháu về làm con. Phần vì cuộc sống quá khó khăn, phần vì mong muốn con sẽ có cuộc sống tốt hơn khi ở với chị nên lại một lần nữa chị nuốt nước mắt cho đi đứa con bé bỏng mình rứt ruột đẻ ra. Lúc cho con đi, người ta đưa cho chị 6 triệu đồng. Nhưng vì quá nhớ con nên mới được 13 ngày, chị lại đến nhà họ xin chuộc lại. Họ không muốn trả lại, chị phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp giúp mới xin được con về nhưng phải đưa cho họ thêm 6 triệu nữa. Chị gom góp hết số tiền tằn tiện được, bán hết cây cối trong vườn và vay mượn thêm bà con mới chuộc được con về. Đến nay, số tiền vay để chuộc con chị vẫn chưa trả được.

 

 Bếp nấu tuềnh toàng, bụi bặm

Cảm thương cho hoàn cảnh của chị, bà con trong xóm tuy nghèo nhưng cũng giúp đỡ chị, khi thì ít gạo, mớ rau rồi vài đồng mắm muối. Năm 2006, Hội Chữ thập đỏ xã Thượng Đình cùng với nhân dân địa phương đã xây cho chị ngôi nhà cấp bốn rộng 50m2 mà ba mẹ con chị ở hiện nay. Chục năm trôi qua, ngôi nhà nhỏ đã xuống cấp, hư hỏng, xập xệ: Tường và nền nhà đã bong tróc, sụt lở tạo thành từng vũng, mảng; mái nhà thủng lỗ chỗ, mưa thì dột, nắng thì nhìn thấy cả mây xanh. Nhà bếp, nhà tắm không có, sân thì vẫn là nền đất. Nhà có vài thước ruộng thì lại là đất bãi bạc màu, trồng cấy ít cho thu hoạch. Nuôi được vài con gà để bán lấy tiền cho con đi học thì cũng bị người ta bắt trộm mất. Trước kia, chị hay đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, nhưng giờ có con nhỏ nên chị phải ở nhà, chị miệt mài đan rọ tôm nhưng chân tay yếu lại chậm chạp nên mỗi tháng cũng chỉ kiếm được khoảng 400 nghìn đồng. Chị phải chạy ăn quanh năm, hai đứa con chị vì không được chăm bẵm đầy đủ, bữa no bữa đói nên cũng gầy gò, ốm yếu.

Mặc dù sống trong khó khăn nhưng con gái chị, cháu Dương Thị Khánh, con gái lớn của chị lại rất chăm học. Cháu luôn luôn là học sinh tiên tiến và giỏi của trường. Đã lớp 9 nhưng Khánh bé xíu như một em học sinh lớp 5. Ngoài giờ học, Khánh biết giúp mẹ đan rọ tôm để kiếm thêm thu nhập. Cháu Quyên 2 tuổi, đang lớn lên từng ngày và cũng chuẩn bị đi mẫu giáo. Hỏi về ước muốn của chị Dự, chị tâm sự: Mình nhà nghèo, không có học nên đời mình khổ, không muốn các con lại khổ như mình nên dù thế nào thì cũng cố gắng cho con đi học đến nơi đến chốn. Đứa con lớn học giỏi lắm nhưng chỉ sợ chẳng nuôi nổi nó. Nhiều lúc muối chả có mà ăn thì nói gì đến đi học... Nói đến đây, nước mắt chị lại trực trào ra.

Ông Dương Đình Hà, trưởng xóm Hòa Thịnh, xã Thượng Đình cho biết: Chị Dự là phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn nhất xóm. Do nhận thức có hạn nên cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Xóm cũng đã vận động bà con quyên góp ủng hộ chị nhân dịp lễ tết nhưng vì người dân nơi đây cũng nghèo nên không giúp được nhiều. Hoàn cảnh của ba mẹ con chị dự rất cần sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng.

Mọi sự giúp đỡ cho gia đình chị Dự (LD1692) xin gửi về Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động, địa chỉ: Quỹ XHTT Tấm lòng vàng: 51 Hàng Bồ, Hà Nội; ĐT: 04.39232748; hoặc chuyển về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, tài khoản: 102010000013374, Ngân hàng TMCP Công thương VN, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hoặc trực tiếp chị Dương Thị Dự, xóm Hòa Thịnh, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. 


MAI SINH
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.