“Trỗi dậy” từ sình lầy

Bích Liên |

Trên diện tích 32ha sình lầy khi xưa, tại vị trí gói 9 tuyến đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, một nút giao lập thể quy mô nhất, hiện đại nhất Việt Nam đã “trỗi dậy” ngạo nghễ cùng trời xanh, mây trắng dưới những khối óc, bàn tay “vàng” của “Anh hùng lao động” Cienco 4.
“Thế mà cách đây chỉ hơn một năm, lần khảo sát đầu tiên, anh em chúng tôi đã tưởng phải chào thua, vì phần lớn mặt bằng thi công là sình lầy, lại chìm trong triều cường…” - Phó TGĐ TCty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) Nguyễn Tuấn Huỳnh, trực tiếp phụ trách công trình - bộc bạch.
Thuốc” đặc trị triều cường

Cũng từng chinh chiến trong Nam ngoài Bắc, làm rất nhiều công trình cầu có, đường có, song “chàng” phó TGĐ đẹp trai Nguyễn Tuấn Huỳnh mới vừa tròn tứ thập, khi được giao trực tiếp phụ trách gói thầu 9, dự án đường cao tốc Long Thanh - Dầu Giây cũng toát mồ hôi. Bởi lần đầu tiên nhận thi công một nút giao lập thể với 5 loại kết cấu xây dựng khác nhau, có quy mô lớn nhất Việt Nam, trên diện tích 32ha. “Ác” nhất là mặt bằng thi công nút giao là sình lầy và liên tục ngập dưới triều cường phần lớn thời gian trong ngày. 

“Thú thật, lúc đầu khảo sát nhìn mặt bằng mà ngao ngán, không biết sẽ làm theo cách nào. Bạn hãy tưởng tượng cả một vùng sình lầy ngập dưới... nước triều cường thì làm sao đóng cọc, làm sao đắp nền...?”. Nhưng rồi giữa ngột ngạt lo lắng, trắng đêm không chợp mắt, trong đầu người con vùng sông nước Nghệ An chợt lóe lên “phương thuốc” đặc trị địa hình thi công ngập trong triều cường: Sao không đặt máy xúc lên thuyền nhỉ. Triều cường sẽ nâng thuyền đến được vị trí cần đào đất đóng cọc? Và thế là kiểu thi công “made in Cienco 4” độc nhất vô nhị ra đời, như “cây đũa thần” ở dự án đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây.

“Gói thầu số 9 thuộc dự án đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây là một gói “khó nhằn” nhất, vì có nút giao lập thể lớn nhất và hiện đại nhất lần đầu tiên được thi công tại Việt Nam. Khối lượng thi công cũng thuộc dạng đỉnh, bởi đây là công trình có quy mô lớn nhất Cienco 4 trúng thầu từ trước đến nay, trị giá tới 2.400 tỉ đồng, mà chỉ được phép thi công trong 24 tháng” - Phó TGĐ Huỳnh chia sẻ - “Tuy nhiên, khi tìm ra giải pháp thi công bằng thuyền trên địa hình cực kỳ phức tạp, chúng tôi cảm giác đã đặt chân vào con đường đến thành công, chỉ còn phải thật cố gắng để hoàn thành công trình đúng tiến độ và đạt chất lượng”.
Kiểu thi công độc nhất vô nhị “made in Cienco 4” đặt máy xúc trên thuyền để đào đất bị ngập trong nước triều cường. Ảnh: Dũng Hà 
Khi người ta yêu…

Tôi ngắm nhìn những dải cầu vượt mềm mại, uốn lượn tỏa xuống các tuyến đường đầy ắp làn xe nối đuôi nhau bon bon trên mặt đường láng bóng, phẳng lì hút tầm mắt, một phần của nút giao lập thể đã được đưa vào khai thác sớm từ 31.1.2014 trên đoạn đầu đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây để giải toả ách tắc, san tải cho tuyến đường TPHCM đi Long Thành. Bỗng thấy nể phục Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Ban điều hành dự án gói 9 đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây của Cienco 4 - anh chàng có dáng vóc nhỏ bé, khuôn mặt đăm chiêu đang say sưa giới thiệu “đứa con cưng” các anh đã tạo ra từ tình yêu... 

Theo kế hoạch, gói 9 Long Thành - Dầu Giây sẽ được hoàn thành vào tháng 2.2015, song Cienco 4 đang phấn đấu sẽ hoàn thành cơ bản vào ngày 30.7 và ngày 30.9 sẽ bàn giao cho chủ đầu tư, về đích trước tiến độ 6 tháng. Tôi tròn mắt, không tin vào tai mình: “Dự án lớn thế, khó thế kia mà?”. Dũng cười, bảo: “Thú thật, mình cũng đã kinh qua vị trí giám đốc điều hành hàng loạt dự án khó, nhưng với gói 9 cao tốc Long Thành - Dầu Giây, độ khó là cấp số nhân. Nút giao lập thể với 5 loại kết cấu lần đầu tiên được thi công tại Việt Nam trong một địa hình chưa từng gặp là một thử thách không đơn giản. Biết khó nhưng sao mình thấy phấn khích lạ, lao vào làm ngày, làm đêm. Gặp khó chụm đầu bàn cách gỡ. Cứ thế công việc trôi băng băng. Có lẽ khi người ta yêu hết lòng thì sẽ được đền đáp...”.

Câu chuyện của Dũng ngược thời gian về hơn 13 tháng trước khi bắt đầu khởi công gói 9 ngày 2.4.2013. Địa hình thì cực kỳ phức tạp, công nghệ nút giao lập thể chưa từng làm. Dù 5 loại kết cấu riêng rẽ không mới, song làm thế nào để “ghép” chúng với nhau một cách uyển chuyển và hoà hợp lại là cả một bài toán hóc búa. Mặt bằng mới chỉ nhận được 11%, trong khi tiến độ thì căng như dây đàn. Nếu giải phóng mặt bằng chậm, rất có thể ngập tiến độ, mọi cố gắng có khi “đổ sông đổ biển” như chơi. Là giám đốc ban điều hành dự án cũng khác nào một nhạc trưởng. Bản hoà tấu có hay, nhạc trưởng rất cần phải biết nhanh, chậm, thăng, trầm đúng lúc. Vì vậy, hai việc đầu tiên của dự án cần phải làm ngay đó là săn sóc khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).

Có lẽ không ở đâu nhà thầu lại nhiệt tình với việc GPMB như ở gói 9 Long Thành - Dầu Giây. Lâu nay chuyện GPMB chậm đã là một tệ nạn trong xây dựng cơ bản, khiến công trình bị kéo dài tiến độ, thiệt hại về kinh tế vô cùng lớn. Có lẽ để tránh vết xe đổ đó, ngay từ những ngày đầu, Cienco 4 đã lăn xả cùng chủ đầu tư và địa phương đến từng hộ dân phải di dời, thuyết phục, đề nghị mượn đất để thi công. Với các hộ gia đình chính sách, những hộ khó khăn, Cienco 4 còn hỗ trợ thêm ngoài chính sách thông thường nên phần lớn bà con rất thiện chí, nhiệt tình hợp tác. 

“Song cũng có một ca khó” - Phó TGĐ Huỳnh nhớ lại - “Đó là một gia đình mà chúng tôi đã thuyết phục được người chồng và người con trai đồng ý giao đất trước, song người mẹ không đồng ý và bỏ đi xa. Cienco 4 đã lặn lội tìm tới tận nơi thuyết phục bà. Cuối cùng, vì cảm động trước nhiệt tình với công việc, bà đã đồng ý. Vì vậy, ngày 2.4.2013 mới có 11,2% mặt bằng, song đến ngày 13.9.2013 đã có được 87% và ngày 5.4.2014 đã có đủ 100% mặt bằng thi công. Mừng hút chết, vì đa phần các dự án đều lỗi hẹn do GPMB chậm”.

Song bí quyết thành công không chỉ nằm ở khâu lăn xả với GPMB, mà còn do Cienco 4 đã biết “an cư” cho anh em công nhân mới tạo nên sự “lạc nghiệp”. Một trong những “nghiệp khổ” của “phu đường” bấy nay là gần như suốt cuộc đời ở tạm trong những lán trại sơ sài. “Đêm nằm, năm ở, thấu hiểu nỗi thiệt thòi của đời công nhân công trường, từ lâu nay, Cienco 4 đã rất chú ý đến chỗ ăn, chỗ ở cho công nhân các dự án. 

Việc đầu tiên trước khi khởi công dự án là tìm chỗ xây nhà cho công nhân. Lúc cao điểm có tới 600 công nhân được huy động cùng với rất nhiều máy móc thiết bị, vì thế khu nhà hai tầng khá khang trang đã được xây dựng có cả điều hoà, tivi. Công nhân được ăn tại nhà ăn tập thể, được giặt là quần áo nên chỉ còn chú tâm, hết lòng với công việc. Có lẽ vì thế mà bao sáng kiến đã nảy sinh, tạo ra năng suất, tiến độ kỷ lục.

Sẽ có kỳ tích ra đời

Mặc dù gói 9 đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây đang trong những ngày hoàn thiện cuối cùng để đưa vào sử dụng, nhưng cũng đã hé lộ những kỳ tích. Lần đầu tiên Cienco 4 nhận được một công trình quy mô kỷ lục, công nghệ cực kỳ phức tạp, địa hình khó khăn bậc nhất, khiến lãnh đạo tổng công ty phải có chế độ chỉ đạo điều hành đặc biệt. Song, nói như TGĐ Cienco 4 Lê Ngọc Hoa, lại là một công trình lãnh đạo ít mất công sức nhất mà vẫn về đích sớm nhất. 

Đặc biệt, trong khi thi công Cienco 4 đã linh hoạt đáp ứng yêu cầu đưa vào sử dụng trước hai nhánh kết nối A1, D1 trước Tết Nguyên đán 2014, san tải cho xa lộ Hà Nội và giúp chủ đầu tư thu phí trước 14 tháng (vì nếu đúng kế hoạch, tháng 4.2015 dự án mới hoàn thành). Theo Tổng Cty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam, mỗi ngày đoạn đưa vào khai thác trước thu phí được 500 triệu đồng. Như vậy, tính ra số tiền do khai thác sớm lên tới hơn 200 tỉ đồng, chưa kể lợi ích xã hội khi giảm tắc đường trầm trọng cho xa lộ Hà Nội.

Tạm biệt Long Thành - Dầu Giây, tôi nhớ mãi ước mơ giản dị, chân thực của Trần Văn Vũ - cán bộ kỹ thuật 25 tuổi, thuộc Cty 499, đang cùng tốp thợ đổ bờ bo cho những đoạn cầu vượt cuối cùng của nút giao: “Tổ em chắc cố gắng vượt tiến độ một ngày để được thưởng, nên phải căn chỉnh kỹ càng làm một lần đạt chất lượng luôn. Mỗi cá nhân của Cienco 4 đều say sưa thi đua như vậy, hèn gì chả làm nên kỳ tích”.

Bích Liên
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.