Thưởng tết - lá rách đùm... lá te tua

Trần Lưu |

Nghe tôi hỏi chuyện thưởng tết, thầy Trần Ngọc Phú (Trường Tiểu học Đôn Xuân A, xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), cười chọc quê: “Nhà báo hỏi “lộn tiệm” rồi, giáo viên xứ này làm gì có thưởng tết. Mình khó một, học sinh còn khổ tới mười, nên xuân về, nhiều thầy cô phải bỏ tiền túi ra cho các em chút quà mừng năm mới. Người ta “lá lành đùm lá rách”, còn mình “lá rách đùm lá te tua”…

Không biết thưởng tết là gì

Nhà thầy Phú ở ấp Long Trường, xã Tân Hiệp, ngày hai bận đến trường phải đi khoảng 20 cây số. Vừa là giáo viên chủ nhiệm, vừa phụ trách giảng dạy, mỗi tuần, thầy dạy suốt buổi sáng, cộng với một buổi chiều thứ 5, thời gian còn lại, thầy dành cho công việc đồng áng để phụ giúp kinh tế gia đình. Đồng cảm, thương yêu, năm 2013, thầy Phú cưới vợ (cũng là giáo viên), rồi dắt nhau về dựng tổ ấm ở vùng quê nghèo Long Trường. Dù biết dè sẻn, chí thú làm ăn, cộng thêm mức phụ cấp 70% cho giáo viên vùng khó, nhưng cuộc sống của gia đình thầy cũng chỉ đủ ăn đủ mặc, đó là chưa kể thầy phải nuôi cha mẹ già để tròn phận con trai út. “Thưởng tết ư? Nó như một điều gì đó quá xa xỉ với những giáo viên ở huyện Trà Cú, không chỉ dịp tết năm nay mà năm nào cũng vậy. Tôi về đây dạy học hồi năm 2011, 2 năm đầu được quà tết là bịch bột ngọt và chai dầu ăn, đến 2 năm gần đây thì… hổng có luôn. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhân viên của họ được thưởng hàng chục triệu đồng, nghe mà thấy tủi”, thầy Phú chia sẻ.

Trà Cú là một trong những địa phương có số lượng đồng bào dân tộc Khmer đông nhất nước, đây cũng là huyện nghèo “có sổ” ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Và câu chuyện của thầy Phú là điển hình cho sự hẩm hiu ngày tết của tất cả giáo viên vùng này. Nói cho dễ hiểu là họ chưa từng biết thưởng tết là gì, nếu có cũng chỉ là khoản hỗ trợ nhỏ nhoi để đỡ chạnh lòng. “Ở những nơi có điều kiện kinh tế khá giả, giáo viên còn được hội phụ huynh học sinh hỗ trợ người được ký đường, bịch kẹo (hoặc cái phong bì), còn ở đây, ngày tết, chúng tôi vui nhất là được sum vầy, vui vẻ bên người thân, gia đình. Riêng chuyện mua một ít bánh mứt, vài kilôgram thịt kho… cho đúng cái gọi là truyền thống đều phải theo kiểu “ma róc” tức “móc ra”. Một giáo viên của trường Đôn Xuân A chua chát.

Bỏ tiền túi mua quà cho học sinh

Không được thưởng tết, có buồn thì cũng đã quen, nhưng nỗi lo mỗi dịp xuân về không chỉ dừng lại ở đó. Theo lời thầy Phú, hằng năm, như thông lệ, các em được nghỉ học ở nhà đón tết, rồi sau đó… bỏ học luôn. Do gia cảnh nghèo khó, nhiều em phải theo cha mẹ, anh chị lên TPHCM, Bình Dương… để làm việc. “Cứ thấy tết đến là ngành giáo dục bắt đầu lo sốt vó, còn giáo viên chúng tôi phải lên kế hoạch vận động đến “điên đầu”.

Dịp sau tết của năm học rồi, em Nguyễn Khánh An đang học lớp 5 phải nghỉ học giữa chừng để lên TPHCM chăm sóc đứa em nhỏ bệnh nặng. Thời điểm đó thi học kỳ cũng cận kề, thầy Phú phải nhiều lần đến gia đình bên nội của em để vận động, và gọi không biết bao nhiêu cuộc điện thoại cho ba mẹ em. “Mãi đến lần cuối cùng tôi cùng thầy hiệu trưởng đến vận động, hứa hẹn…, gia đình mới chịu cho em về nhà và tiếp tục chuyện học hành. Sau đó, tôi và nhiều giáo viên khác phải bỏ thời gian, công sức để tổ chức các buổi ôn tập, phụ đạo đặc biệt giúp em theo kịp kiến thức với bạn bè”.

Giữa những mối lo toan và đủ bề thiếu thốn, nhưng các giáo viên ở huyện Trà Cú chưa từng có một lời than vãn. Song, điều quý giá nhất là những câu chuyện chói ngời tình thương của những người thầy, người cô đang ngày đêm tận tụy trên những “chuyến đò chở chữ”. Thầy Phú cho biết thêm: Có lần vào dịp giáp tết, nhìn mấy đứa học trò mặc chiếc áo cũ kỹ, giày dép thì rách tùm lum, cầm lòng không được, tôi tự bỏ tiền túi mua cho tụi em nó chiếc áo, đôi dép để gọi là quà đón năm mới. Tụi nhỏ cầm trên tay mà mừng khôn xiết giống như vừa nhận được thứ gì quý giá lắm”. Thương học trò nghèo, nhiều giáo viên còn trích tiền lương đóng góp để mua gạo, sách vở, quần áo, bánh mứt… cho hàng ngàn học sinh nghèo dịp tết. Việc làm mang nhiều ý nghĩa ấy vẫn được duy trì hằng tháng để giúp những em học sinh tiếp tục thực hiện ước mơ. Biết rằng, những tình cảm ấy như một món quà vô giá, nó không mang nặng về vật chất nhưng cũng đủ để các em ấm lòng trong những ngày đón xuân.

 

 

Một trong những giáo viên có nghĩa cử cao đẹp ấy là thầy Trần An Khương - giáo viên dạy môn thể dục Trường Tiểu học Hàm Giang B, hằng năm đều trích ra khoản tiền lương của mình để làm học bổng cấp cho học sinh vào dịp Tết Nguyên đán. Thầy Khương, chia sẻ: “Tôi về trường công tác đã được 10 năm, thấy nhiều em học sinh của trường có hoàn cảnh hết sức khó khăn khi phải đi làm thuê, làm mướn, gia đình không đất sản xuất… nên tôi muốn đóng góp một phần nhỏ, giúp các em mua quần áo, tập sách, ít bánh để năm mới được ấm lòng hơn”. Theo đó, mỗi năm, thầy Khương dành 1 suất học bổng trị giá 300.000 đồng cho học sinh nào có thành tích xuất sắc nhất trong năm học vừa qua, số tiền tuy chẳng đáng là bao, nhưng là nguồn động viên quý báu, giúp các em vượt khó học tập.

Với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, khi tết đến, xuân về, thầy cô giáo ở huyện Trà Cú hỗ trợ học sinh bằng nhiều phong trào nghĩa tình như “Hũ gạo tình bạn”, “Hớt tóc miễn phí”, “Nuôi heo đất”. Được biết, các trường phát động phong trào với tiêu chí vận động mỗi giáo viên góp ít nhất 5kg gạo; mỗi học sinh 1 hoặc 2 lon để giúp các bạn học trò nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vậy là, một góc diện tích nhỏ của thư viện trong các trường được chọn là “kho” để tiếp nhận gạo quyên góp. Thầy cô, gia đình khá giả, làm ruộng thì góp từ 10 - 20kg gạo, thậm chí nhiều hơn. Còn học sinh thì mỗi ngày xin cha mẹ một nắm gạo để đem đến trường góp vào quỹ. Chính vì vậy, phong trào giúp đỡ được rất nhiều học sinh tiếp tục cuộc hành trình đi tìm chữ.

Không bỏ học đã là thưởng tết

Thầy Kim Tấn Lộc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Giang B, cho biết: “100% số học sinh trong trường đều thuộc diện người dân tộc, trong đó học sinh nghèo chiếm hơn 40% nên tỉ lệ bỏ học, theo cha mẹ đi làm ăn xa hằng năm ở mức cao. Hằng năm trường tổ chức vận động, tuyên truyền một số phong trào để giúp đỡ những em học trò nghèo có nguy cơ bỏ học. Trước đây, 20 - 30 em học sinh bỏ học. 3 - 4 năm gần đây không còn trường hợp nào học sinh nghỉ học. Đấy là kết quả thật đáng mừng”.

Cũng theo thầy Lộc, nhà trường không có thưởng tết cho giáo viên, nếu có chỉ trông vào nguồn quỹ công đoàn. Năm nào quỹ công đoàn có “dư” thì giáo viên được tặng bộ quần áo hay nửa ký bột ngọt hoặc bịch muối, gói đường… Hằng năm, chỉ riêng việc khui heo đất của trường đã có trên 12 triệu đồng. Còn việc khui hũ gạo được hơn

800kg. Đặc biệt, không giáo viên nào nhận quỹ đóng góp này mà họ chia đều cho tất cả các học trò nghèo vào dịp Tết cổ truyền và Tết dân tộc Khmer. Bên cạnh đó, các giáo viên còn đi vận động nhà hảo tâm, mạnh thường quân để giúp các em học trò.

Cảm động trước tấm lòng nhân ái của đội ngũ giáo viên mãi đưa những chuyến đò sang sông, trước khi nghỉ tết học trò ở huyện Trà Cú chẳng có những món quà sang trọng nên dành biếu những món quà “cây nhà lá vườn” đến thầy cô như bó rau, ít trái cây, mớ cá, mớ tép làm quà do chính gia đình các em trồng và bắt được nhằm thể hiện niềm tri ân. Thầy Phú, thổ lộ: “Nhiều lúc đi dạy được học trò biếu tặng bó rau, mớ cá, mớ tép tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Đặc biệt phần thưởng quý giá nhất đối với tập thể giáo viên ở đây là học sinh đều đặn đến lớp, không bỏ học giữa chừng và đạt kết quả học tập cao xem như đó là phần thưởng tết vô giá đối với chúng tôi”.

Trần Lưu
TIN LIÊN QUAN

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.