Thoi thóp sông Đồng Nai (kỳ 2): Mọi thủ đoạn “móc ruột” lòng sông

NHÓM PV |

Cách đây hơn 20 năm, con sông Đồng Nai hiền hòa uốn quanh, ôm tròn Cù lao Rùa, với những bến sông bình yên, tỏa rợp bóng cây bằng lăng…Vậy mà bây giờ, người dân sống ngay trên Cùa lao Rùa chỉ còn chua chát nói: “Bọn “cát tặc” đang từng ngày khoét rỗng ruột lòng sông. Chúng nó đang mỗi ngày bào mai một Cù lao Rùa… Đau lắm, nhưng chưa ai làm được gì để cứu sông, cứu cù lao”.

Dòng sông bị móc ruột

Ông Lê Văn Dũng - thường trú xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên - cho biết: “Bọn “cát tặc” rất ưa cát trên sông Đồng Nai, vì hạt cát vàng, to, bán rất được giá. Theo mấy vựa bán cát trên tỉnh lộ 747, cát sông Đồng Nai xây dựng rất chắc. Họ mua cát sông Đồng Nai về trộn với cát mua từ miền tây, thành loại cát tầm trung, bán được giá hơn”. Mỗi đêm, một ghe máy hút được khoảng 15m3 cát, với giá bán từ 200.000 - 350.000 đồng/m3, kẻ hút trộm đã bỏ túi gần chục triệu đồng. Vì lợi nhuận quá hời, lại kiếm được quá dễ dàng từ sông nước như vậy, nên những “cát tặc” trên sông Đồng Nai đã không từ thủ đoạn nào để rút ruột lòng sông. Có hẳn một lực lượng hàng ngày lảng vảng ven bờ, trên sông để nghe ngóng có lực lượng kiểm tra hay không để thông báo qua điện thoại để đồng bọn tẩu thoát.

Anh Phan Văn Quang (thường trú xã Thái Hòa, thị xã Tân Uyên) cho biết: “Đặc thù của ghe hút trộm cát là không bao giờ… lành lặn. Họ luôn đục sẵn một cái lỗ gọi là lỗ “lù” dưới đít ghe. Một khi nghe báo có lực lượng chức năng tuần tra, vây bắt… Ngay lập tức, họ tháo nút “lù”, đánh chìm ghe và phương tiện hút cát; đồng thời, họ lặn luôn xuống lòng sông bơi vô bờ tẩu thoát”. Tuy nhiên, cũng xảy ra không ít vụ “cát tặc” bị bắt tại trận, trong tình trạng chưa kịp tháo “lù” dánh chìm ghe, chưa kịp lặn xuống sông để tẩu thoát… 

“Cát tặc” đã không ngần ngại dùng dao, gậy chống trả quyết liệt lực lượng kiểm tra trong đêm. Với cường độ khai thác quyết liệt như thế của những “cát tặc” tinh quái, đất Cù lao Rùa không ngừng bị bào mòn, mai một từng ngày… Một người bạn quê gốc ở Cù lao Rùa đã nói với tôi trong cay đắng: “Chỉ 2 năm gần đây thôi, diện tích hành chính của Cù lao Rùa đã giảm nghiêm trọng, từ hơn 450ha giờ còn khoảng 420ha. Rất nhiều lần, bà con kéo lên chính quyền phản ánh gay gắt nạn hút cát lậu trên sông gây rỗng ruột lòng sông, sạt lở cù lao… Tuy nhiên, vụ việc vẫn rơi vào im lặng. Trong khi đó, “cát tặc” vẫn hoạt động ngày đêm rút ruột dòng sông”.

Trả lời báo chí xung quanh việc “cát tặc” lộng hành rút ruột lòng sông, gây ra cảnh sạt lở Cù lao Rùa, ông Trần Kim Quan - Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) - cho biết: “Nạn khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn qua Cù lao Rùa - xã Thạnh Hội đã xuất hiện nhiều năm nay, nhưng chưa thể dẹp triệt để là do nhiều nguyên nhân như: Đối tượng khai thác cát ngày càng tinh vi, chúng sử dụng máy hút công suất lớn, lén lút hoạt động chớp nhoáng, thường vào ban đêm… Trong khi lực lượng công an, cơ quan chức năng ở địa phương lại mỏng. Vì thế, việc tham gia ngăn chặn, bắt, xử lý các đối tượng bơm cát “lậu” chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. 

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa lực lượng các địa phương giáp ranh Bình Dương và Đồng Nai cũng chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ… Chính điều này làm cho các đối tượng bơm - hút cát trái phép lờn mặt. Để tránh nguy hiểm cho các hộ dân có vườn bị sạt lở nặng, có nguy cơ sạt nhà, thời gian qua, địa phương đã di dời gần chục hộ dân thuộc diện này đến nơi ở an toàn. 

Ở cấp xã, giải pháp của chúng tôi chủ yếu là vận động thanh niên, người dân trong xã không tham gia hút cát trái phép thuê cho các chủ đầu nậu. Về giải pháp căn cơ, chúng tôi đang kiến nghị UBND thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cần có biện pháp mạnh, kiên quyết bắt, xử lý các đầu nậu, tổ chức đứng ra thu mua cát lậu, trực tiếp hoặc thuê người bơm - hút cát trái phép dưới sông”.

Đất hóa dòng sông

Không chỉ gánh hậu quả do các tác nhân tiêu cực từ phía thượng nguồn, càng về hạ du, sông Đồng Nai càng phải chịu thêm thảm nạn tàn sát. Đến địa phận TP.HCM, dân ven hai bờ sông cũng dần mất đất vì nạn “cát tặc”, uống nước ô nhiễm từ dòng sông bẩn...

Một ngày có mặt tại xã Long Phước (quận 9), tôi đã nghe được không biết bao nhiêu câu chuyện của những người dân mất đất vì… “cát tặc”. Qua cầu Võ Khế, thêm cầu Trường Phước là vô khu vực sạt lở nặng. Men theo bờ con sông Tắc, xưa bình yên với những vạt đất đầy cỏ hoa, vườn cây xum xuê…, thì nay, thay vào đó là những mảng đất hoen đỏ, lở loét như những vết thương bầm dập, không biết đến bao giờ lành lặn? Có không ít đoạn sông, sạt lở ăn vào từ 30 - 40m. 

Gặp bà Nguyễn Trung Thu - nạn nhân điển hình của “cát tặc” trên sông Tắc. Bà Thu kể: “Vợ chồng tôi ki cóp mua hơn 3.000m2 đất để làm vườn, trồng cây ăn trái. Nhưng suốt thời gian qua, nào có yên… Đêm nào tụi nó cũng hút cát; hút suốt đêm… Bực quá, có đêm tôi đứng trên bờ chưởi theo, chẳng ma nào nghe. Thế rồi bất ngờ, một khoảnh đất men sông thuộc diện tích đất nhà tôi, đổ ầm xuống lòng sông. Lòng tiếc đứt ruột, vì đó là đất đai do mồ hôi, nước mắt vợ chồng thôi tạo ra, nay trôi theo sông hết trơn hết trọi. 

Rồi lần lữa những ngày sau, tiếp tục từng mảng, từng mảng vườn bị hà bá nuốt, mà nhà tôi không cách gì ngăn nổi…”. Bà Thu trưng ra tờ sổ đỏ ghi rõ vợ chồng bà sở hữu 3.000m2 đất. Nhưng trên thực tế, nay khu vườn chỉ còn vẻn vẹn… 1.000m2.

Cách đó không xa, gia đình ông L.V.C cũng thở ngắn thở dài khi đất vườn giáp sông của ông cũng bị nuốt mất vài trăm mét vuông… Tương tự, bà V.X.H bị sạt mất 2.000m2, ông T.V.T và T.V.Th bị mất 1.000m2/người. Ông N.V.H bị mất 700 m2… Riêng số hộ bị sạt lở ăn theo rìa, dọc theo những mảnh vườn rộng hàng ngàn mét vuông, thì không tính xuể, nhưng với số lượng ít, nên bà con không kêu ca gì… 

Tiếp xúc với ông N.V.Q - nông dân chính hiệu ở xã Long Phước, ông Q. chỉ tay ra dòng sông Tắc nói: “Chúng quá tham lợi, mỗi khối cát vài ba trăm ngàn, một đêm hút trộm, tụi nó kiếm 10 - 20 triệu đồng như chơi, nên bất chấp. Chúng cứ nghĩ cát là của trời, của đất, chứ có nghĩ là tài nguyên, khoáng sản do Nhà nước quản lý gì đâu … Chỗ đó trước đây là đất vườn ven sông, vậy mà tụi nó cũng không tha. Hàng đêm chúng thọc ống vô hút, hết đêm này sang đêm khác, đất nào chịu cho nổi, đổ ập, bốc hơi hết xuống lòng sông. Tôi sợ có ngày, nhà chúng tôi cũng không còn đất để đứng chân nữa”. Một cán bộ địa chính xã đã tiết lộ: Vào đầu năm 2016, UBND xã Long Phước thông kê, diện tích đất bị mất trên địa bàn lên tới gần 45ha. Nguyên nhân dẫn tới lở đất này, nói thẳng không cần giấu diếm, do “cát tặc” mà ra.

Có những bất cập ngay từ chính sách chế tài, dẫn đến… khó xử lý “cát tặc”. Theo trung tá Nguyễn Sinh Thu - trạm trưởng trạm Cát Lái, Phòng CSGT đường thủy, Công an TP.HCM): “Nghị định số 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, thì sau khi được khai thác, khoáng sản trở thành một loại hàng hóa. Nên việc mua bán, vận chuyển, tiêu thụ và tàng trữ khoáng sản không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về khoáng sản nữa. Vì vậy, bọn “cát tặc” rất tinh quái, chúng luôn cho một lực lượng theo sau “cát tặc” là những tàu, sà lan mua bán cát. Cát hút trộm xong, bán ngay trên sông cho những đầu nậu mua cát, nhằm lách luật, cát không lúc đó không còn là tài nguyên, khoáng sản nữa… Khi bị cảnh sát môi trường bắt quả tang, ghe hút trộm sản sàng bị đánh chìm, vì không đáng giá là bao, nhưng tàu chở cát đã mua bán, thì cảnh sát môi trường không thể xử lý, vì cát đã thành hàng hóa, không thuộc thẩm quyền xử lý của cảnh sát môi trường. Chợ mua bán cát trên sông thật sự là vấn nạn cho chúng tôi, không biết xử lý như thế nào”.

Trả lời xung quanh cuộc chiến chống “cát tặc” vì sao không hiệu quả ? Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Chủ tịch UBND quận 9 (TP.HCM) cho rằng: “Việc trên địa bàn, có tới hơn 40ha đất của dân bị mất, sạt lở xuống lòng sông là có. Nhưng việc chống “cát tặc” hiện gặp nhiều cái khó. Do địa bàn TP.HCM và Đồng Nai cài răng lược với nhau, lực lượng kiểm tra của hai địa phương phối hợp thiếu đồng bộ, nên công tác cũng chưa tốt lắm. Cứ đuổi ở bên này, “cát tặc” chạy qua bên kia là không thể xử lý, không làm gì được”. Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, do chưa có kinh phí cho lực lượng kiểm tra ban đêm, dẫn đến việc ngăn chặn tệ nạn hút cát lậu trên sông cũng không mang lại hiệu quả. “Chống”, chỉ “chống” trong nhất thời, trong chiến dịch, còn sau đó, đâu lại vào đấy… Lãnh đạo sở này cũng thừa nhận có đơn vị lợi dụng giấy phép “khai thông dòng chảy” để hút cát bán trái phép trên sông… Riêng việc hỗ trợ người dân bị mất đất, thì hầu hết đại diện lãnh đạo địa phương từ TP cho đến phường, xã, đều cho biết “hiện chưa có chủ trương”. Trước mắt, bà con nên tự đóng kè, xây thành chắn sóng để ngăn sạt lở…

(Còn tiếp)


NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Thoi thóp sông Đồng Nai

PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA CỦA NHÓM PHÓNG VIÊN LAO ĐỘNG |

Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, lớn thứ nhì Nam Bộ về lưu vực. Chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh... Với lịch sử hình thành lâu đời và gắn liền với sự hình thành các vùng đất phì nhiêu vùng Đông Nam Bộ, các đô thị đang phát triển, sông Đồng Nai có vai trò quan trọng trong đời sống của hàng triệu cư dân ven hai bên bờ, trên suốt chiều dài gần 600km. Thế nhưng, chưa bao giờ sông Đồng Nai bị xâm hại nghiêm trọng như bây giờ! Sự khốc liệt này không còn là cảnh báo, mà đã phơi bày toàn diện chỉ sau vài năm các thủy điện vận hành, các đô thị phát triển ồ ạt... Phóng viên Lao Động thực hiện chuyến khảo sát dài ngày ngược xuôi từ thượng nguồn đến hạ du sông Đồng Nai.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Thoi thóp sông Đồng Nai

PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA CỦA NHÓM PHÓNG VIÊN LAO ĐỘNG |

Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, lớn thứ nhì Nam Bộ về lưu vực. Chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh... Với lịch sử hình thành lâu đời và gắn liền với sự hình thành các vùng đất phì nhiêu vùng Đông Nam Bộ, các đô thị đang phát triển, sông Đồng Nai có vai trò quan trọng trong đời sống của hàng triệu cư dân ven hai bên bờ, trên suốt chiều dài gần 600km. Thế nhưng, chưa bao giờ sông Đồng Nai bị xâm hại nghiêm trọng như bây giờ! Sự khốc liệt này không còn là cảnh báo, mà đã phơi bày toàn diện chỉ sau vài năm các thủy điện vận hành, các đô thị phát triển ồ ạt... Phóng viên Lao Động thực hiện chuyến khảo sát dài ngày ngược xuôi từ thượng nguồn đến hạ du sông Đồng Nai.