Tết trên công trường “không ngủ”

Nhiệt Băng |

Vậy là cái tết thứ hai, hàng trăm công nhân tại công trình Nút giao thông khác mức ngã ba Huế (TP.Đà Nẵng) lại ngậm ngùi xa quê. Uớc mơ một cái tết đầm ấm bên gia đình trong họ cứ chập chờn lóe lên rồi lụi tắt như tia lửa hàn giữa đêm công trường…

Đón giao thừa bằng… thơ

Đêm mồng 2 tết, dưới vòng xuyến ngã ba Huế, gần 20 công nhân và bộ phận kỹ thuật, giám sát hiện trường Công ty CP Lắp máy và xây dựng Trung Nam (Trung Nam E&C) vẫn cật lực tăng ca. Anh Lê Chí Dũng - Chỉ huy trưởng nhánh Tôn Đức Thắng - vừa chạy tới chạy lui hướng dẫn nhóm công nhân trải thảm nhựa đường dẫn vừa tranh thủ trò chuyện với tôi: “Không về ăn tết được với gia đình, anh em ai cũng chất chứa trong mình một tâm trạng khó tả, nhưng tất cả đều vì tiến độ công trình mà hăng say làm việc, nhiều đêm tăng ca đến 23h mới nghỉ. Anh thấy đó, làm từ tối đến giờ gần 21h rồi mà chưa ai ăn gì lót bụng. Đang trải thảm mà bỏ đi ăn giữa chừng là hỏng ngay cái đường”.

So với tết năm ngoái, công trường Nút giao thông khác mức ngã ba Huế có hai cái khác. Một là hệ thống đèn về đêm giảm đi một phần vì nhiều hạng mục đã hoàn thành. Hai là người trẻ ở lại công trình đông hơn thấy rõ. Tôi bắt chuyện Đỗ Văn Hoàng (23 tuổi, quê Quảng Bình) trong lúc anh đang cặm cụi đúc nắp hố ga mặt đường. Là năm đầu tiên “nếm mùi” không về quê ăn tết cùng gia đình, đêm giao thừa tại công trường, Hoàng nhớ nhà, nhớ người yêu… đến phát khóc. Thời khắc giao thừa càng tiến gần bao nhiêu thì Hoàng lại thấy càng trống vắng, thiếu thốn bấy nhiêu. Đang lúc cảm xúc trào dâng, bế tắc chẳng biết giải bày cùng ai, nhìn mấy tấm bê tông đang đúc trước mặt, em làm ngay bài thơ không đề an ủi: “Xuân đến rồi em có biết không / Ngoài kia xuân thắm, nắng xuân hồng / Xuân chốn công trường anh cũng đón / Mà sao xuân mặn vị bêtông”. Hoàng kể: “Tủi nhất là ngày mồng 1 tết, quán xá nghỉ hết, công nhân ở Đà Nẵng, Quảng Nam còn gói được cơm nhà ra công trường ăn, còn em ở trọ không biết ăn gì, phải “quất” mì tôm cả ngày… càng làm em thèm khát cái cảm giác sum vầy, đoàn viên bên gia đình ngày tết”.

ăn tạm bánh mì giữa đêm giao thừa để tiếp tục làm việc. Ảnh: C.T.V 

“Một mình một ngựa” ôm xẻng bêtông hì hục cào vữa hồ lấp ống thoát nước cách đó vài chục mét là anh Nguyễn Anh Vũ (SN 1995, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Vũ là con út trong gia đình 2 anh em. Hai năm nay, bố Vũ mắc bệnh tiểu đường nặng phải ngồi xe lăn, chị gái lại đi lấy chồng, thế là bao ước mơ, hoài bão của chàng trai trẻ như còn vẹn nguyên trong ngăn kéo. Không chỉ dang dở học hành, mà ngay cả cái tết đầm ấm bên gia đình cũng không được như bao người. “Tranh thủ mấy ngày tết tiền công cao hơn ngày thường và có thưởng, em tranh thủ đi kiếm tiền lo thuốc thang cho bố, chứ mẹ dọn rác ở chợ chỉ lo đủ 3 bữa trong nhà”. Dứt lời, Vũ tiếp tục cắm mặt khỏa vữa hồ. Trên cầu vượt chính Nút giao thông, 16 công nhân Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) vẫn miệt mài làm việc 3 ca liên tục. Anh Hoàng Văn Toàn (25 tuổi, quê Nghệ An), công nhân xí nghiệp 17 (Cienco 1) - buồn lo: “Em mới có vợ nên cuộc sống còn khó khăn. Mình sao cũng được, có điều thương vợ, chắc cô ấy tủi thân lắm. Trong khi tết đến, người ta có chồng chở đi đây đi đó mua sắm thì cô ấy chỉ biết ngồi nhà ôm đứa con dại mới 2 tuổi mà thẫn thờ nhớ mong”.

Hoàng kể, đêm giao thừa, mặc dù cũng tranh thủ đi chợ, mua ít đồ về nhà thuê làm mâm xôi, con gà cúng ông bà, song, mấy anh em người Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định… ngồi nhìn nhau vẫn bùi ngùi, đông người mà cảm giác vẫn trống vắng, không ấm cúng như ở nhà. “Không biết, sang năm mới ở quê thế nào, mong sao cho xóm làng có nhiều đổi thay, bà con làm ăn phát tài, phát lộc hơn năm cũ” - Hoàng buông lửng ưu tư về chốn quê nhà, bên tia lửa hàn sáng lòe giữa đêm công trường. Ngoài công nhân trực tiếp ở lại làm việc, tại công trường còn có một số người xin làm những ngày tết để lo cơm áo gia đình. Phần lớn họ đều có hoàn cảnh khó khăn, không thể đón tết cùng gia đình. Đơn cử như trường hợp ông Phạm Ngọc Mỹ (50 tuổi, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Ông Mỹ nhận thi công mặt đường dẫn vòng xuyến Điện Biên Phủ từ hôm 29 tết. Ông có 4 người con, hai đứa lớn ra trường đang “cà lơ phất phơ” chưa có việc làm, hai đứa nhỏ thì đang tuổi ăn học. “Tôi bị đại tràng 4 năm nay, vợ thì bị tai nạn nằm ở nhà. Tôi tranh thủ ba ngày tết đi kiếm tiền ra giêng nộp tiền học cho con. Không có tiền nên không có mùa xuân, chú à!” - ông Mỹ buồn bã nói.

Tự hào vì góp phần làm thành phố hiện đại

Tranh thủ nghỉ giữa ca, kỹ sư Nguyễn Quốc Đạt - phụ trách mảng công nhân, kiêm kỹ thuật Công ty Trung Nam E&C - chạy vội vào quán ăn bên đường lót bụng bằng tô mì tôm chế nước sôi. Lời anh nói cũng “nóng” như tô mì tôm đang bốc khói: “Mấy ngày tết, mình đứng 24/24 trên công trường, vợ anh cằn nhằn suốt. Nhưng trách nhiệm cty giao phó mình phải hoàn thành”. Một năm 365 ngày, chỉ có mấy ngày tết là được sum họp gia đình, nhưng anh nghĩ phải quên đi chút riêng tư để công trình hoàn thành đúng tiến độ. Hơn nữa, anh rất tâm huyết với công trình số một này của thành phố, khi công trình hoàn thành, anh cũng tự hào vì đã góp một phần công sức của mình vào đó.

Đêm mồng 3 tết bên trụ tháp cầu vượt, nhìn hình ảnh que hàn sáng lòe, tôi lại nhớ đến bức ảnh “Ca ba” của tác giả Võ Triều Hải bấm máy ngay tại đây. Bức ảnh vượt qua hơn 2.000 bức ảnh dự thi khác, đoạt giải nhất cuộc thi “Đà Nẵng toàn cảnh” năm 2014 được tổ chức vừa qua tại Đà Nẵng. “Bình” về bức ảnh ấy, anh Phạm Hồng Nhân - Phó Trưởng tư vấn giám sát (Công ty Tư vấn và đầu tư xây dựng EEC) - tâm đắc: “Bức ảnh xứng đáng đạt giải vì phản ánh được cuộc sống đời thường nhưng hết sức cực nhọc, vất vả của người công nhân. Chính họ đã góp phần làm nên những công trình hiện đại của thành phố hôm nay. Điều đặc biệt hơn là thời khắc chụp rơi đúng vào lúc trụ tháp đang thi công, tàn của xỉ hàn rơi xuống, hậu cảnh là vầng trăng khuyết nên hết sức chân thật, ăn điểm”.

 

Miệt mài làm việc dưới trụ tháp, dây văng cầu vượt chính. Ảnh: N.Băng 

Kinh qua nhiều công trình, anh Nhân đánh giá, chưa công trình nào mà sáng thức dậy anh thấy khác hôm qua nhiều đến thế. “Khi công trình mới thi công được nửa chặng, anh em chúng tôi đã quen miệng nói là công trình không ngủ, không nghỉ. Công trình bình thường ít nhất phải 36 tháng mới hoàn thành, nhưng ở đây thời gian rút xuống còn 16 - 18 tháng. Để làm được khối lượng công việc như vậy, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân phải chịu đựng một áp lực khá lớn. Từ khi khởi công đến giờ, lễ lớn, lễ nhỏ đều không nghỉ, đều đặn làm 3 ca/ngày. Đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn lao động đặt lên hàng đầu” - anh Nhân tâm sự. Ông Trần Trung Nghĩa - Phó Giám đốc Công ty TNHH BT Ngã ba Huế - Trung Nam, kiêm Trưởng phòng dự án Nút giao thông khác mức ngã ba Huế - nói: “Thật không tưởng, còn hơn 1 tháng nữa khánh thành mà công trình đã hoàn thành hơn 90%. Lãnh đạo các bộ ngành, thành phố ai cũng đánh giá khá cao. Đây là công trình theo hình thức BT lớn nhất Đà Nẵng, khối lượng công việc ngang ngửa cầu Rồng, Trần Thị Lý…. nhưng tiến độ chỉ bằng nửa thời gian (16 tháng). Tết này, hơn 300 công nhân vẫn miệt mài làm việc để đảm bảo tiến độ công trình. Đêm giao thừa, chúng tôi cũng đã xuống trao quà động viên tinh thần anh em. Vào guồng quay làm việc là ai nấy cũng hăng say xoắn theo. Bản thân tôi cũng không biết tết, hết ngồi văn phòng điều hành lại chạy ra công trường nhắc nhở anh em làm việc”.

Điều thuận lợi nữa, theo ông Nghĩa, là công trình nằm giữa lòng thành phố, phải đền bù giải tỏa đến 400 hộ dân, nhưng tất cả đều ổn thỏa chỉ trong thời gian ngắn. Chỉ có mặt đường phía nam cầu, sau khi thi công xong thì mặt đường hẹp, một số người dân không hài lòng, và thành phố đang tính toán điều chỉnh. Điều này chứng tỏ người dân rất hiểu tầm quan trọng của công trình, không chỉ xóa “điểm đen” giao thông mà còn là điểm nhấn kiến trúc của thành phố trong tương lai. Ông Nghĩa cho biết, trong quá trình thi công, khối lượng hạng mục phát sinh thêm 30% (gồm nhịp dây văng và trục tây bắc) nhưng công trình vẫn đảm bảo đúng tiến độ. Được như vậy là nhờ sự đồng thuận cao của các nhà thầu, chủ đầu tư trong việc đảm bảo nguồn vốn, chi phí. Thay mặt nhà đầu tư, ông Nghĩa gửi lời cảm ơn chân thành đến các kỹ sư, nhiên viên, công nhân trên công trường đã không ngại khó, ngại khổ, lặng lẽ làm việc không ngừng nghỉ trong cả ngày tết, góp sức lực cho công trình hoàn thành đúng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29.3.2015).

Dự án Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 896/TTg-KTN ngày 10.7.2013. Theo đó, công trình được đầu tư phân kỳ làm 2 giai đoạn theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.797 tỉ đồng theo QĐ số 2296/QĐ-BGTVT do Bộ GTVT ban hành ngày 2.8.2013. Ngân hàng SHB tài trợ cho vay 85% tổng mức đầu tư, giải ngân từ 2013 đến 2015 và dự kiến thu hồi vốn từ năm 2017. Công trình sẽ hoàn thành vào ngày 29.3.2015. Tính đến nay, công trình đã hoàn thành được 90% khối lượng.

Nhiệt Băng
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, du lịch ở Bến Tre có gì hấp dẫn?

Thành Nhân |

Tại tỉnh Bến Tre với nhiều điểm du lịch sinh thái, trong đó, có du lịch tái tạo, săn bắt tôm trên các con sông và thưởng thức tại chỗ. Đây sẽ là trải nghiệm giúp du khách có được kỳ nghỉ tuyệt vời trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.