Tan tác sông Thương

LONG NGUYỄN |

Không chỉ vơ vét tài nguyên từ lòng sông, “những kẻ đứng trên lợi ích nhân dân” còn chiếm dụng cả một dải dài bãi bồi rồi ngang nhiên cắt xẻ, chia thành những bến bãi khổng lồ hòng tập kết, kinh doanh vật liệu.

Trên mặt đê yếu đã xuống cấp nghiêm trọng, từng đoàn xe quá tải rầm rập chạy suốt ngày đêm đến rung cả thân đê…

Sự bất lực của ông Hạt trưởng

Yên Dũng (Bắc Giang) một ngày đầu tháng 11.2017. Văn bản số 67/HQLĐ-VP của Hạt Quản lý đê Yên Dũng (Chi cục Thủy lợi Bắc Giang) vừa ban hành vẫn chưa ráo mực, cay nhức như chính lời tâm sự của ông Hạt trưởng Phạm Văn Tuân: “Năm nào cũng vài lần báo cáo nhưng chả ăn thua. Mình chỉ là cơ quan tham mưu, thẩm quyền chỉ đến thế, đành chịu…”.

Theo đó, văn bản có tên “Kiến nghị ngăn chặn, xử lý xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê” ban hành ngày 7.11 nêu rõ: “Hiện nay trên tuyến đê tả Thương (Yên Dũng), thường xuyên có xe tải trọng lớn đi trên đê đoạn từ K16+700 đến K20+300 thuộc địa bàn xã Hương Gián và Xuân Phú (xe cơ giới chở vật liệu có tải trọng từ 20 đến 40 tấn, hoạt động cả ngày lẫn đêm, điểm cập cảng khu vực bãi bến của ông Trần Hữu Trường.

Việc các xe tải trọng lớn đi trên đê đã gây ra hư hỏng mặt đê, mất an toàn cho công trình đề điều, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân trong khu vực…”.

Thế nhưng cũng giống như những lần gửi kiến nghị trước, lần này, ông Tuân không dám tin mọi thứ sẽ được thay đổi bởi ở sông Thương còn ngồn ngộn những bất cập khác mà theo đó, vấn đề nào ông cũng năm lần bảy lượt trình văn bản kiến nghị, nhưng sau tất cả, vẫn chỉ như ném vào thinh không.

Tập dầy những văn bản kiến nghị của Hạt Quản lý đê Yên Dũng đã gửi trong thời gian qua.
Tập dầy những văn bản kiến nghị của Hạt Quản lý đê Yên Dũng đã gửi trong thời gian qua.

Vị Hạt trưởng cũng cho chúng tôi xem tập dày những văn bản kiến nghị về các nội dung khác như: “Đề nghị xử lý vi phạm chất tải vật liệu xây dựng trên bãi sông, hành lang đê” hoặc: “Yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm trên hành lang đê…” cùng một danh sách dài dằng dặc những công trình xây dựng, bến bãi sai phạm (không phép) tại địa phương rồi tận cùng chán nản: “Nhiều lúc chán không muốn ban hành thêm văn bản nữa”.

Quả đúng như nỗi lòng của vị Hạt trưởng, trong hành trình đi chiêm nghiệm thực tế, nhóm PV Báo Lao Động đã mắt thấy tai nghe những điều trái khoáy vẫn ngang nhiên tồn tại ở nơi này. Dưới sông, cứ mỗi khi bóng chiều lặn xuống, những chiếc tàu hút cát khổ lớn lại thi nhau dàn trận tủa xuống dưới đáy những chiếc vòi khổng lồ để xục xạo, nạo hút… Trên mặt nước, ngày cũng như đêm, những chiếc tàu chở đầy cát sỏi ỳ oạp rẽ nước ngược xuôi, hoặc tấp vội vào một bến bãi ngay sát bờ để giao dịch vật liệu. Khu vực bãi bồi dọc con sông thơ mộng giờ tan nát như một gương mặt chằng chịt sẹo. Những bãi tập kết vật liệu chất cao như núi, công trình xây cất ngổn ngang, phủ bóng đen lên tính nghiêm minh của pháp luật.

Những điều mắt thấy tai nghe

Trong vai “con buôn” đi thu mua vật liệu, chúng tôi lần lượt tiếp cận với các đầu nậu buôn bán cát sỏi đồng thời là chủ những bãi vật liệu khổng lồ lấn chiếm nghiêm trọng khu vực hành lang đê, bãi sông dọc theo sông Thương đoạn qua xã Xuân Phú (huyện Yên Dũng). Tại bãi vật liệu của Cty TNHH Phúc Hợp, một người đàn ông tên H tự nhận là quản lý, báo giá cát san lấp mua tại bãi không hóa đơn là 45.000 đồng/khối, còn cát vàng Vĩnh Phú không hóa đơn là 360.000 đồng/khối.

Một bãi vật liệu không phép của Công ty Phúc Hợp nằm bên bờ sông Thương.
Một bãi vật liệu không phép của Công ty Phúc Hợp nằm bên bờ sông Thương.

Khi được hỏi tại sao lại báo giá “không hóa đơn”, người này khẳng định vì cát mua vào là cát “lậu”, đồng thời tiết lộ một nhân vật tên Nh thường cung cấp cát không hóa đơn cho toàn khu vực. Ông H nói: “Chả một bến nào có hóa đơn cả. Dọc từ đây lên đầu cầu. Cả tuyến này luôn. Mua cát cứ như mua mớ rau ngoài chợ ấy. Các tàu chở cát đi ngang qua gọi điện hỏi có mua không, mình thấy được giá thì mua. Bán cho dân xây nhà thì lấy hóa đơn làm gì…”. Khi hỏi về giấy phép bến bãi, ông H thừa nhận, cơ sở của mình rộng 2.600m2 và chưa hoàn thiện thủ tục cấp phép, nghĩa là vẫn đang làm… chui.

Người đàn ông này khẳng định việc mua bán cát của toàn khu vực không hề có hóa đơn.
Người đàn ông này khẳng định việc mua bán cát của toàn khu vực không hề có hóa đơn.

Đánh giá về chất lượng cát tại sông Thương, ông H cho biết, ở mức chấp nhận được. “Cùng một tàu cát đổ về bãi, có khi quay đầu hút bên này thì là cát san lấp nhưng quay đầu bên kia thì lại là cát xây trát. Cũng tùy yêu cầu của khách” - ông nói.

Ở một bãi vật liệu khác dưới chân cầu Bến Đóm, một người phụ nữ ra dáng bà chủ, chỉ tay vào đống sỏi cao quá đầu người, đon đả chào mời chúng tôi mua về để đổ trần. Trên bãi, xe tải máy xúc chạy qua chạy lại. Ở sát mép nước, một chiếc cẩu quăng đang hối hả đưa cát từ một chiếc tàu trọng tải lớn lên bờ; tiếng người gọi nhau ý ới, tiếng máy nổ phành phành đinh tai nhức óc, vang dội cả một khúc sông...

Đêm. Mỗi khi bóng tối bịt bùng giăng xuống, cũng là lúc bức xúc dồn nén của những người dân sống gần khu vực Ao Giời (xã Đồng Việt) bị đẩy lên kịch điểm bởi suốt thời gian qua, cuộc sống của họ bị đảo lộn nghiêm trọng vì tình trạng khai thác cát trái phép. Đã thế, những kẻ cắp tài nguyên với những con tàu hút khổng lồ khi đã no nê giữa dòng, ngày càng có xu hướng táp vào gần bờ, đe dọa sự an nguy của tuyến đê xung yếu. Cũng vì thế, đã biết bao kiến nghị, bức xúc đã được chuyển đến các cấp thẩm quyền tại địa phương nhưng rồi mọi việc vẫn chẳng thể dứt điểm.

Một góc sông Thương sáng rực về đêm.
Một góc sông Thương sáng rực về đêm.

Để làm rõ hơn về tình trạng “cát tặc” trên khúc sông này, với sự giúp đỡ tận tình của những người dân bản xứ, ròng rã nhiều đêm trường, nhóm PV Báo Lao Động đã có mặt để chứng kiến và ghi nhận lại tất cả. Thực vậy, cứ khi màn đêm buông xuống, cả khúc sông vốn êm đềm vào ban ngày bỗng như khoác lên một tấm áo mới đầy hung hãn. Tàu bè giăng kín. Tiếng máy nổ vang vọng, ánh đèn từ tàu loang loáng, tiếng sục bùn ùng ục…

Sau khi đã củng cố cơ bản tài liệu, lúc 0h ngày 9.11.2017 tại hiện trường, nhóm PV Báo Lao Động đã quyết định thực hiện nhiều cuộc điện thoại để cấp báo tình hình thực tế đến những người có trách nhiệm của chính quyền huyện Yên Dũng.

Thử thách của tân Chủ tịch

10h sáng 9.11, trong cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động tại trụ sở, ông Bùi Quang Huy - Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng - tỏ ra là một người khá cởi mở. Ông dùng từ “căng thẳng” để miêu tả tình trạng khai thác cát sỏi không phép trên địa bàn. “Tình trạng này như là cái dằm cắm sâu rồi. Rất nhức nhối. Tôi mới về nhận công tác hơn 1 tháng và cũng đã nghe báo cáo. Người dân cũng đã 2-3 lần gọi điện trực tiếp cho tôi để phán ánh” - ông Huy thẳng thắn nói.

Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Bùi Quang Huy trong buổi trao đổi với PV Báo Lao Động.
Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Bùi Quang Huy trong buổi trao đổi với PV Báo Lao Động.

Vị Chủ tịch huyện cũng thừa nhận công tác ngăn chặn chưa hiệu quả và nói ra nhiều lý do, trong đó nhấn mạnh việc phối kết hợp giữa các lực lượng từ tỉnh đến huyện chưa đạt được sự đồng thuận cao. “Chúng hoạt động rất tinh vi, không hiểu như thế nào, nhưng cơ quan chức năng cứ có mặt là chúng đã chạy mất tự bao giờ…” - ông Huy chia sẻ thêm.

Người đứng đầu chính quyền huyện Yên Dũng cũng đặt dấu hỏi về chức năng nhiệm vụ của Trạm Kiểm tra đường thủy (Phòng CSGT - Công an tỉnh Bắc Giang) khi địa điểm xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép đặt “ngay trước mũi” trạm này. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết thêm, điểm phức tạp nhất về tình hình cát tặc tại huyện Yên Dũng bây giờ vẫn là ở xã Trí Yên, nơi có con sông Lục Nam chảy qua. Còn khu vực PV phản ánh, ông đã chỉ đạo lực lượng công an huyện xuống địa bàn nắm tình hình từ sáng sớm.

Về vấn đề bến bãi trái phép, xe quá khổ quá tải chạy trên mặt đê hay tình trạng kinh doanh cát sỏi nhập nhằng nguồn gốc, giấy tờ, vị tân chủ tịch cho biết sẽ cho rà soát ngay và hứa sẽ sớm thông tin lại cụ thể.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tiếp nhận thông tin của PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - tỏ ra khá bất ngờ bởi “nghĩ rằng Yên Dũng yên ắng rồi”. Ông Linh cho biết mới đây, trước “điểm nóng” Trí Yên, đích thân ông cũng đã xuống tận nơi kiểm tra và tại thời điểm đó, lực lượng chức năng cũng bắt giữ được một số tàu hút cát trái phép. Còn về vấn đề kinh doanh cát sỏi không hóa đơn, ông Linh nói đó là vấn đề mới, sẽ sớm chỉ đạo các cơ quan vào cuộc, làm rõ…

Nguyên Chủ tịch huyện Yên Dũng từng bị phê bình

Ngày 20.1.2017, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra văn bản số 284/UBND-TN về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác cát, sỏi trên địa bàn 2 huyện Yên Dũng và Lục Nam, trong đó có nội dung phê bình Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng, Chủ tịch UBND xã Trí Yên trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn vì đã để xảy ra khai thác cát, sỏi và khai thác, vận chuyển đất sét trái phép mà không kịp thời kiểm tra, xử lý... Tại thời điểm đó, Chủ tịch UBND Yên Dũng là ông Trần Văn Dũng. Hiện ông Dũng đã được điều chuyển lên làm Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang.

LONG NGUYỄN
TIN LIÊN QUAN

Lì xì mùa Tết hết cả tháng lương

Phương Minh |

"Để chuẩn bị tiền lì xì một mùa Tết đi tong cả tháng lương của tôi, thậm chí phải hơn khi tiền lì xì cũng leo thang theo giá cả" - chị Phạm Ngọc Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi được hỏi về việc lì xì đầu năm.

Hàng nghìn người lỉnh kỉnh đồ đạc xuống Ga Thanh Hóa để về quê đón Tết

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão - 2023, tại nhà Ga Thanh Hóa đã đón hàng nghìn người về quê ăn Tết. Tại đây, nhiều người lỉnh kỉnh đồ đạc, “tay xách nách mang” hối hả ra xe người thân chờ sẵn để về đón Tết đoàn viên cùng gia đình.

Người dân chen chân trong siêu thị ngày cận Tết mua hàng giảm giá, bình ổn

THUỲ TRANG |

Đà Nẵng - Với nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá, các siêu thị đang thu hút lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Trách nhiệm cá nhân trong vụ Chủ tịch Vimedimex thâu tóm "đất vàng" ra sao?

Việt Dũng |

Hà Nội - Ngoài bị can Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Vimedimex và 8 người trong vụ dìm giá, thâu tóm 49.000 m2 đất, công an còn nêu trách nhiệm của nhiều cá nhân.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.