Suy ngẫm bên 360 ngọn núi lửa

Đỗ Doãn Hoàng |

Từ đảo Nami (cách thủ đô Seoul vài giờ đi tàu điện), chúng tôi mua vé bay ra thiên đường du lịch: Đảo Jeju với 360 kỳ quan nón phóng của núi lửa đã tắt giữa Thái Bình Dương xanh thắm. Hòn đảo lớn nhất Hàn Quốc này thấy nhiều cái hấp dẫn lắm, chẳng trách người ta gọi nó là Hawaii của xứ sở kim chi. Nhưng đong đưa với đủ thứ lung linh, lạ lẫm rồi, bạn cũng đừng quên thưởng lãm một món độc đáo thượng thừa của thiên đường du lịch, một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của nhân loại: Đảo núi lửa Jeju.

Không gian địa chất và kinh tế, văn hóa, du lịch, tộc người được trùm phủ lên bởi vô số những yếu tố liên quan đến núi lửa, xuất phát từ núi lửa. Nghe đồn, vài ngọn trong số 360 nón phóng thỉnh thoảng vẫn âm ấm tỏa nhiệt!

360 cái nón phóng dung nham núi lửa đã làm ra bao nhiêu tiền?

Các trầm tích văn hóa, các tàn tro và thành tạo tuyệt mỹ của mênh mông dung nham núi lửa phun trào từ hàng triệu năm trước vẫn tràn ngập trong từng hơi thở, từng cọng cây, từng ngọn núi và từng nét son văn hóa của người Jeju. Các tàn tích của các trận quả đất nổi giận, phun ra thứ nham thạch cuồn cuộn đỏ lửa vừa gieo giết chóc kinh hoàng, vừa có vẻ đẹp kỳ diệu của sự hủy diệt... để sinh sôi.

Có thể nói không ngoa, toàn bộ đảo Jeju thiên đường du lịch hôm nay là một ngọn núi lửa khổng lồ đã tắt, nó dắt theo đàn con cháu nhấp nhô kiêu hãnh nhìn nhân gian, nó ôm trong lòng hoa thơm trái ngọt và cái không gian nhà bằng đá, tường rào bằng đá, các phom cổng, các ngôi đền, đường đi và trăm thứ bà rằn các công trình đá xám xốp khác. Đến mộ chí cũng đắp, ốp đá núi lửa. Không gian của bộ phim nổi tiếng “Nàng Đê Chang Kưm” cũng là một trong số những ngôi nhà đá kể trên. Người tham gia đóng bộ phim ấy, dù đã gần 60 tuổi, hằng ngày vẫn rất phiêu trong thuyết minh hướng dẫn du lịch với từng cái chuồng lợn, chuồng gà, từng bờ rào, góc bếp đều xếp bằng lộc ngộc những đá núi lửa.

Người Hàn chụp từ trực thăng xuống, bức ảnh với ngọn núi lửa đã tắt lớn nhất của Jeju (tạm dịch: Đỉnh Nhật Xuất), nó tròn xoe, nhô cao lên mặt biển như một miệng phễu. Đỉnh khối đá hình trụ lõm xuống, đúng là một cái miệng núi lửa xinh xắn rộng hàng trăm mét. Đó là cái lỗ mà liên tiếp hàng nghìn đến hàng triệu năm trước, dung nham triệu tấn đã thay nhau phọt lên giời, tràn ra biển, đông kết lại thành mỏm đầu rồng, thành hang động, thành các vách đá bazan dạng cột... - những điểm đến lừng danh của Hàn Quốc hiện nay. Đó cũng là lý do Jeju là tỉnh duy nhất của Hàn đến nay vẫn không có tàu điện ngầm.

Đi Jeju chỉ chủ yếu ngắm các ngọn, nón phóng, các bọt khí núi lửa đã tắt, chúng đều khổng lồ dưới dạng núi non vực sâu và đều được ngào nặn, vuốt vẽ, đông cứng quyến rũ theo một thứ phong cách mà loài người đã phải gọi cho nó bằng cả một cái tên riêng: Các kỳ quan thành tạo do dung nham núi lửa. Đỉnh đầu rồng bằng đá chênh vênh giữa trời. Vụng biển xanh kỳ lạ do đáy biển hủm hoắm và các cột dung nham lục giác đều tăm tắp được hình thành là nham thạch núi lửa đông kết lại theo cùng một môi trường và cùng một quy luật. Các bán đảo tròn vành vạnh, lõm ở giữa, tròn xoe xinh xắn như lòng bát đĩa mà lại dài rộng cả cây số. Các hang động kỳ thú với chất liệu là đá núi lửa đen nhoáy lởm chởm. Những vách đá cao từ mặt biển lên mây mù, chúng vằn vện với các cụm dung nhan uốn éo. Núi như được làm bằng bột mì vừa vân vi hàng triệu tấn chảy ra. Chảy ra từ một hố sâu tròn xoe to lớn. Hố ấy, dung nham ấy từ trong bụng quả đất, chúng tuôn bay tràn ra thành muôn hình vạn trạng. Bỗng dưng gặp khí lạnh và nước biển nó đông cứng lại rồi vĩnh viễn “chết đứng” giữa trời biển như thế. Đã hàng triệu năm qua. Người Hàn cấm tuyệt đối du khách mang đá núi lửa ra khỏi hòn đảo du lịch Jeju, ai vi phạm bị phạt rất nặng, trừ khi họ mang những sản phẩm chế tác từ đá núi lửa đã được cấp phép sản xuất và bán ra thị trường. Họ nói đơn giản, đặc sản núi và đá của chúng tôi, 7 tỉ người trên trái đất, mỗi anh khiêng về một cục thì mấy chốc mà sông cạn núi mòn. Mà mặt khác, cho các anh tự khiêng đá về, thì sản phẩm đẽo gọt phục vụ du lịch của chúng tôi bán cho ai!

Tất tật, cầu đá, con đường lát đá, nhà vệ sinh ốp đá, nhà cửa, mọi công trình nuôi súc vật, bờ rào giậu cũng rặt một thứ đá núi lửa xù xì, xôm xốp, đen đen, vài chỗ phủ rêu xanh xanh. Đá ấy nhẹ bẫng và rất hút nước. Một vẻ đẹp khiến người ta không thôi xuýt xoa mê mẩn. Tượng các vị phúc thần của người Jeju đẽo từ đá núi lửa được trưng bày khắp nơi. Tượng đá, cầu đá, nhà đá, đến cả cái móc đeo chìa khóa bé bằng ngón tay bán làm hàng lưu niệm, cũng gọt bằng đá núi lửa. Chữ “Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới” (bằng tiếng Anh và tiếng Hàn) của nhân loại cũng được đẽo bằng đá to đùng, dựng ở gần miệng núi lửa lớn nhất đảo, tạm dịch là đỉnh Mặt trời Nhật xuất, nơi lý tưởng để đón bình minh và tiễn hoàng hôn. Mỗi chặng dừng chân leo đỉnh núi Mặt trời, người ta lại cho du khách ngắm những hình núi rất có hồn được cấu thành do núi lửa phun trào. Đây con cừu bông xốp béo mẫm, đây con chó đáng yêu đang ngồi ngỏng cổ chun miệng hôn vào vách đá.

Người Hàn dựng bảng giới thiệu di sản, chữ nghĩa kỹ càng, khắc ghè vào trong lòng đá để phục vụ khách tham quan. Dựng cả trên đỉnh Mặt trời. Họ cũng bay flycam lên đỉnh trời chụp ảnh bán đảo có nón phóng vĩ đại của núi lửa để phục vụ khách. Họ có cả một “ngành công nghiệp” đóng gói cam vàng ươm và chocolate tinh vị của Jeju cho khách quốc tế, theo kiểu chân lấm tay bùn nhất mà cũng chuyên nghiệp nhất. Đúng là, họ tổ chức kinh doanh nhan sắc và đặc sản của hòn đảo núi lửa này rất tài hoa.

Cay khóe mắt trước tượng đài những người đàn bà lặn biển

Người Jeju làm du lịch chuyên nghiệp đến mức ở nhiều quốc gia, du khách có thể bay thẳng đến hòn đảo mấy trăm nghìn dân này (tạm dịch là “Tế Châu đặc biệt tự trị đạo”) mà không cần visa, cứ đến đó mà du lịch, còn đi những nơi khác thì bao giờ có visa mới được… đi. Đến Jeju, bạn sẽ được đưa đi thăm “đặc sản” phụ nữ của đảo. Nhiều đàn ông nghe hướng dẫn viên địa phương nói đặc sản phụ nữ thì nhấm nháy nghĩ tới... phố đèn đỏ (red light, sexshow). 

Tôi cũng thoáng nghĩ thế, vì đúng là nhiều nơi ở Châu Âu chúng tôi được dẫn vào các sexshow, thậm chí các bảo tàng sex museum thật sự. Nhưng khi đến nơi có “đặc sản phụ nữ” của Jeju rồi, ai nấy đều xúc động nhận ra mình đã sai... Người Hàn trân trọng phụ nữ đảo Jeju và cũng coi các bà, các mẹ, các chị em là một phần của câu chuyện về 360 cái nón phóng dung nham mà hoạt động núi lửa phun trào đã sinh ra từ hàng triệu năm trước. Đảo giữa đại dương, các vực xoáy do dung nham trồi thụt, phun trào đã sinh ra các kỳ quan địa chất nhưng cũng sinh ra bao vực xoáy hiểm nguy cho người đi biển kiếm cá tôm. Thế là có nhiều làng góa bụa với quá nhiều đàn ông ra khơi không bao giờ trở về. Bao năm đói khát, người đàn bà phải xông pha ra đại dương cáng đáng. Lịch sử đã ghi lại, có thời kỳ, đàn ông Jeju trở thành của hiếm, họ chẳng phải làm gì ngoài làm thiên chức... người chồng. Tận bây giờ, từ ống nhòm trên đỉnh vách đá du lịch, từ ống tele máy ảnh, tôi vẫn thấy rất đông các bà, các chị lúi húi trong các tảng đá đen nhánh (tàn tro núi lửa) để kiếm cá, hải sâm và nhiều loài hải sản khác. Họ đều đeo kính lặn rất to theo truyền thống từ xửa xưa, mặc quần áo bình thường như người đi tắm biển. Cứ lặn chay thế, mà họ như rái cá băng xuống kiếm ăn ở tít độ sâu 20m của biển cả. Những người đàn bà ấy, vì mưu sinh vất vả, chẳng ai da trắng, tóc mượt, dáng thon như
gái Seoul.

Việc mưu sinh của các cộng đồng phụ nữ này trở thành truyền thống từ nhiều đời. Đến mức người ta coi nó là di sản phi vật thể phục vụ du lịch, với cái tên Haenyeo (phụ nữ lặn biển đánh bắt hải sản). Khắp nơi, họ dựng tượng phụ nữ Jeju, mặc quần áo lặn, đeo kính lặn và ôm dụng cụ đánh bắt cá thô sơ. Tượng nào cũng bằng đá núi lửa, cũng thấy các nữ ngư dân cục mịch, chân chất. Phần đá đẽo làm chài lưới, ngư cụ thật khổng lồ, nó trùm lên dáng mộc mạc, ngực và hông nở rộng, mặc đồ bơi đi kiếm sống dưới đáy biển của “chị em”. Giống như những người đàn bà ấy mọc ra từ một tảng đá gốc mà núi lửa đã đùn ra rồi đông kết lại từ hàng triệu năm trước. Vẻ xốc vác, lầm lũi, lấm láp của họ làm người ta cay tròng mắt. Đến tận bây giờ, tôi có cảm giác món hàu sống, sò sống ốp miếng kim chi và mù tạt của chị em trong mái đá nguyên thủy hôm đó vẫn làm mình cay chảy nước mắt.

Những chữ “Giá mà” gửi về ngành du lịch Việt Nam

Như đã viết, đảo Jeju có cả một hệ thống đá bazan dạng cột (như kiểu Ghềnh đá đĩa, Di tích quốc gia ở tỉnh Phú Yên của nước ta) và Mỏm đá Đầu rồng thiêng liêng của những người dân vốn rất trọng phong thủy ở nơi này. Những bãi đá đen kịt, đá như được làm bằng than củi, người ta dùng cả một hệ thống đèn chiếu để hắt các loại ánh sáng lên đó. Đêm đến, ánh sáng nhân tạo giúp đỉnh đầu rồng, “long mạch” tuyệt vời của người Jeju, thêm tỏa sáng. Từng gờ đá đẹp, từng vón cục bọt khí dung nham “chảy” trên vách núi triệu triệu năm trước đều được tôn vinh, sắp đặt đến tận mỗi điểm nhìn giúp cho du khách chiêm ngưỡng đến tận cùng vẻ đẹp của núi và biển. Jeju, đến đó bạn sẽ nghe chuyện và hiểu thêm về núi lửa với vai trò rất lớn của nó cho việc kiến tạo ra “trái đất này là của chúng mình”.

Đảo Jeju là một công viên địa chất lớn và độc đáo hiếm thấy của loài người. Thông tin khoa học được đính trên đỉnh núi cao nhất. Đi mới thấy thương cho các di sản địa chất ở Việt Nam. Chúng ta có hệ thống cảnh quan lừng danh thế giới, điều này không còn phải bàn cãi nữa. Ngay chuyện núi lửa cũng vậy. Các dấu tích, liên quan đến núi lửa tuyệt đẹp ở ta rất nhiều. Ghềnh đá đĩa ở Phú Yên, bờ biển Ba Làng An (Quảng Ngãi), thành đá Tà Cơn (tỉnh Bình Định), rồi cả hệ thống thác tạo thành do núi lửa ở Đắk Nông, Đắk Lắk (như thác Trinh Nữ, thác Dray Soap, thác Gia Long); đặc biệt quyến rũ và thú vị là 15 miệng núi lửa nổi tiếng ở Pleiku, tỉnh Gia Lai, gồm miệng núi lửa dương (nhô lên mặt đất) - núi Hàm Rồng, miệng núi lửa âm (thụt xuống mặt đất) - Biển Hồ (“đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”). Rồi các hang động do núi lửa tạo ra ở Đắk Nông, nó sâu, dài và đẹp đến mức: Vừa được khám phá đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, nó đã gây sửng sốt cho các nhà địa chất toàn thế giới.

Thế nhưng, ở ta, quá nhiều các di sản địa chất kỳ thú cứ nằm im trong quên lãng thế, thậm chí nó bị tàn phá không thương tiếc suốt bao năm qua. Mặt khác, giả dụ những người yêu vẻ đẹp thiên nhiên đó như chúng tôi, sau khi làm ngót chục bộ phim khoa học khám phá chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam, sau khi vinh danh các kỳ quan đó trên khắp nhiều diễn đàn, thì chúng tôi phải làm gì nữa? Đó hầu hết là việc của ngành du lịch và các nhà quản lý. Mà ngay cả khi chúng tôi, vì mê đắm các ngọn núi lửa và thành tạo của nó ở Việt Nam, nếu muốn đưa gia đình người thân đến đó, không lẽ bầu đoàn thê tử đi bộ cả ngày trời vào lòng núi, mang dao quắm và gậy gộc mở đường và đuổi rắn rết để ngắm miệng núi tròn rồi đất đá và cây cỏ kỳ lạ xong thì... mở cơm nắm muối vừng ra ăn và căng bạt ngủ giữa hoang vu ư? Cái đó chỉ người khỏe đi du lịch mạo hiểm mới dám làm. Và có lẽ cũng chỉ là một lần trong đời. Thế nên, hầu hết du khách không thể tiếp cận được vẻ đẹp đó, ngay cả khi họ muốn.

Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta cần đầu tư các dịch vụ tương ứng, để các giá trị di sản địa chất, các kỳ quan, thắng cảnh là thành tạo do núi lửa kia trở thành điểm nhấn thu hút và phục vụ khách du lịch. Cần hướng dẫn và chăm bẵm đến từng góc đứng ngắm - chụp - quay, từng cảm xúc và kiến thức của người ta về giá trị địa chất mình đang hướng tới. Ít ra là như cách người Hàn đang làm. Một vách đá dạng cột bazan của họ, là cả một khu nghỉ dưỡng kèm theo, trăm nghìn thứ dịch vụ hốt bạc ra đời, và từng tay vịn khi đi ra bờ vịnh ngắm biển xanh bên bờ vách đá trắng cũng được đầu tư bằng inox an toàn, sang trọng. Như thế người năm châu bốn biển mới đến xùy tiền ra một cách vui vẻ, mới không phụ lòng các vẻ đẹp trời đất đã ban tặng cho xứ sở mà mình sinh sống.

Nội trong việc “sang Hàn Quốc mà mua núi lửa”, trong so sánh với các di sản cùng loại ở Việt Nam, đã gợi nhiều xót xa thay! Quả đúng là: Trông người lại ngẫm đến ta! Đúng là đi xa là để ngẫm ngợi về nhà. Chưa nói gì xa xôi, ở góc độ du lịch và tôn vinh văn hóa tổ tông, giá mà ta làm được như người của xứ sở kim chi kia thôi, đã là tốt lắm rồi.

 
 
 

Khai thác du lịch núi lửa ở đảo jeju (Hàn Quốc). Ảnh: doãn hoàng 

 
 
Đỗ Doãn Hoàng
TIN LIÊN QUAN

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Interactive: Bạn có hiểu đúng về cách bày mâm ngũ quả 3 miền?

Nhóm PV |

Bày mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Tùy theo vùng miền, mâm ngũ quả lại được bài trí với nhiều loại quả khác nhau. Vậy mâm ngũ quả mỗi miền gồm những quả gì và ý nghĩa của nó là gì, cách chưng ra sao? Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Những người lính canh giữ mùa xuân biển cả

Tạ Quang |

Kiên Giang - Trong những ngày Tết, khi người dân được vui vầy sum họp bên gia đình thì những cán bộ, chiến sĩ, tàu cảnh sát biển 9003, Hải đội 401-Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, lại lên đường làm nhiệm vụ trực Tết trên biển, vì nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Người Việt chi hàng trăm triệu đồng nuôi mèo quý tộc

ANH HUY |

Mặc dù có giá lên tới hàng trăm triệu đồng song những con mèo quý tộc có nguồn gốc từ Châu Âu vẫn được giới sành chơi Việt săn đón, đặc biệt là trong năm Quý Mão 2023.

Bóng đá Việt Nam 2022: Vui, buồn lẫn lộn

TAM NGUYÊN |

Bóng đá Việt Nam năm 2022 nhiều tin vui nhưng cũng không ít chuyện buồn…