Số phận thảm thương của vợ con một lính lê dương

HUY BA |

Những cuộc hôn nhân bất đồng ngôn ngữ giữa các hàng binh từng là lính lê dương của thực dân Pháp và những người phụ nữ Việt Nam để lại biết bao hoàn cảnh éo le đến tận bây giờ.

Mấy chục năm đã trôi qua, trong số hơn 300 lính lê dương ở nông trường Việt Phi (Ba Vì - Hà Nội), nhiều người cùng vợ con đã hồi hương, nhưng còn đó không ít những số phận đầy ngán ngại.

Ba anh em Nguyễn Văn Tuấn “cô cô”, Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Văn Út cũng là kết quả của một trong những cuộc hôn nhân bất đồng ngôn ngữ ấy. Số phận của anh em họ có thể nói là bất hạnh nhất trong số những người con lai Morocco hiện còn cư trú tại Đoan Hùng - Phú Thọ.

“Bố tôi chết trước một tháng, đúng một tháng trước khi hồi hương về nước...”

Về đến xã Sóc Đăng, chỉ còn cách thị trấn Đoan Hùng hơn 1km, hỏi ai ở độ tuổi ngoài 20 cũng đều biết gia đình bà Lộc (Nguyễn Thị Lộc) lấy chồng tây (dù bà đã mất gần 15 năm nay).

Tôi đến gặp anh Tuấn “cô cô” - con trai cả của bà Lộc - tại căn nhà ba gian ẩm mốc trống trải, chỉ có bộ bàn ghế cũ kê tại gian giữa, góc nhà than vẫn còn đỏ bếp, mọi sinh hoạt của anh chỉ gói gọn tại nơi này. Đầu nhà, tấm bạt đã rách tơi tả không che hết những khe hở gió lùa của bức tường mộc cũ kỹ. 

Được thông báo trước bởi chị Hiền (vợ anh Nguyễn Văn Sinh - tức Xuep Ben Mohamed Ben Sait, em trai thứ 2 của Tuấn) về chuyến ghé thăm của tôi nên nom anh diện hơn ngày thường trong chiếc áo sơ mi màu nâu, quần vải đóng thùng rất lịch sự.

Khuôn mặt của Tuấn “cô cô” đậm nét tây, rất tây, thoạt nhìn có thể nhận ra màu mắt rất đẹp, vẻ đẹp kết hợp của hai dòng máu cách nhau nửa vòng trái đất. Thân hình vạm vỡ nhưng đôi chân tong teo, cong queo, được kéo lê theo tấm thân to lớn được di chuyển bằng sức lực của đôi tay. Hai cánh tay xỏ thêm đôi dép khi phải gánh thêm trách nhiệm đi lại thay cho đôi chân tàn tật.
 Tuấn “cô cô” có tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tuấn, tên Morocco của anh là Coco Ben Mohamed BenSait.

Tuấn “cô cô” có tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tuấn, tên Morocco của anh là Coco Ben Mohamed BenSait, chính vì vậy, khi đổi tên Việt Nam theo họ mẹ, mọi người vẫn quen gọi tên thêm hai chữ “cô cô” là vì vậy. Coco Ben Mohamed BenSait là sinh linh đầu lòng của người hàng binh Morocco Mohamed Ben Sait với bà Nguyễn Thị Lộc. 

Cậu bé Coco sinh ra giữa nông trường Việt Phi (Ba Vì) năm 1961. Sau đó lần lượt 3 người em trai của cậu ra đời là Main Ben Mohamed BenSait (sinh năm 1963), Xuep Ben Mohamed BenSait (sau này là Nguyễn Văn Sinh, sinh năm 1966), và Boualen Ben Mohamed BenSait (Nguyễn Văn Út, sinh năm 1970).

Tôi thắc mắc rằng vì sao bây giờ chỉ còn lại ba anh em, Tuấn nhớ lại: “Lúc tôi tròn 10 tuổi, thằng em Main của tôi lên 8, cả hai anh em tôi cùng mắc viêm màng não, em tôi không qua khỏi, còn tôi may mắn thoát chết nhưng để lại di chứng, hai chân teo lại, liệt từ ngày đó”. 

Tiếp đó, anh Tuấn lại kể về người mẹ quê gốc Đan Phượng (Hà Tây) của mình: “Mẹ tôi mồ côi từ nhỏ, bà cùng em trai sống ở nhà cậu mợ. Bà ít học nên từ nhỏ cứ đi làm thuê cho người ta kiếm thêm cái ăn. Tuổi vừa 17, bà bỏ nhà đi buôn bán. Thế rồi mấy năm sau được bạn bè rủ vào nông trường Việt Phi chơi rồi quen bố tôi”. 

Có lẽ “được lời như cởi tấm lòng”, anh Tuấn kể lại mọi chuyện còn vương trong trí nhớ của mình cho chúng tôi nghe. “Sau khi gặp nhau, bố mẹ tôi yêu nhau, về Đan Phượng ra mắt rồi xin cưới đàng hoàng, Nhà nước chứng nhận kết hôn tử tế đấy nhé” - anh Tuấn sang sảng.
 Giấy khai sinh của anh Nguyễn Văn Út.

Anh Tuấn kể ngày ở Ba Vì, do còn bé nên không nhớ được nhiều, nhưng khi di tản lên nông trường ở Yên Bái do Mỹ ném bom miền Bắc với tuyên bố “đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá” thì mọi chuyện anh nhớ rất rõ. Cả nông trường Yên Bái rộng lớn, “hàng trăm ông lính tây, đen, Bắc Phi, Nam Phi, Châu Âu... người chăn bò, người trồng cỏ...”. Ông Main Mohamed Ben Sait khi đó là lái xe ở nông trường, “tôi còn nhớ khi ấy, cứ mỗi lần nhìn thấy cái ôtô là thích lắm, thi thoảng ông cho tôi đi cùng, thằng Sinh còn bé cứ chạy theo xe đòi đi theo suốt”.

Năm 1971, chương trình hồi hương về cố quốc đến gần, cả nông trường Yên Bái biết bao người gia đình rộn rã chuẩn bị đồ đạc lên đường. “Anh Bình “tây” vẫn kể về chuyến đi Hà Nội năm ấy khi chuẩn bị được đón về Morocco nhận làm con nuôi, còn cả gia đình chúng tôi thì trong diện được về quê cha”. Nhưng một sự kiện mà đến tận bây giờ có lẽ đã thay đổi số phận của không chỉ bà Lộc với 3 người con, mà cả những thế hệ thứ hai, thứ ba sau này. 

Sau cơn thương hàn, ông Ben Sait đột ngột qua đời. “Bố tôi chết trước một tháng, đúng một tháng trước khi hồi hương về nước. Sau khi bố tôi mất, mẹ tôi khóc rất nhiều, mẹ tôi theo ông chịu khổ biết bao năm, sinh cho ông 4 mặt con, đến ngày nghĩ có thể thay đổi số phận thì chồng chết, mọi sự dở dang còn... tương lai thì mờ mịt...” - anh Tuấn nghẹn ngào.

Sau cái chết đột ngột của ông Mohamed Ben Sait, cơ hội trở lại quê cha Morocco đóng sầm lại do không có người bảo lãnh, lại mất đi người đàn ông trụ cột, bà Lộc và các con như rơi xuống vực thẳm. Cả gia đình 4 người của bà Lộc được đưa về sinh sống tại trại “Tự Lập” (nay là Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ). Với hai đứa con nhỏ dại, Nguyễn Văn Út (tức Boualen Ben Mohamed Ben Sait) khi ấy mới được 6 tháng tuổi, con trai cả Nguyễn Văn Tuấn tàn tật đôi chân, một mình bà Lộc bươn chải làm đủ thứ nghề nuôi con qua ngày. Trong ba anh em, chỉ có người con trai thứ hai Nguyễn Văn Sinh học đến lớp 7, bản thân anh Tuấn và người em út đều không một ngày cắp sách đến trường.

Trong ký ức của anh Tuấn về lời kể của bố mình về người thân ở Morocco, bố anh là con cả trong một gia đình gia giáo, nền nếp. Ông Ben Sait có một người em gái làm nhân viên hải quan, một người em trai làm cảnh sát, và gia đình ông được coi là khá giả nhất trong số những hàng binh Morocco tham chiến tại Việt Nam. “Ông kể với tôi rằng, có lẽ quyết định sai lầm nhất trời trai trẻ là đi lính cho “mẫu quốc” để rồi làm lá chắn đạn trong cuộc chiến phi nghĩa bên kia bán cầu” - anh Tuấn nhớ lại.

Nỗi bất hạnh “kẻ què, người cụt” và con đường lầm lỗi từ “nàng tiên nâu”

Sau khi về trại “Tự Lập”, gia đình bà Lộc là những người đầu tiên xin ra ngoài tự sản xuất. Gia đình khi đó được cấp đất và những người con của bà Lộc bắt đầu làm lò gạch. Từ đây kinh tế khá hơn, có của ăn của để. Nhưng cũng từ đây, mộng ước làm giàu bắt đầu cuốn cả ba anh em họ Ben Sait vào vòng lao lý và bất hạnh khôn cùng.

Nguyễn Văn Út được đánh giá là người em nghịch ngợm nhất, tuy vậy, khi ở tuổi 22, anh cũng có cho riêng mình một gia đình nhỏ. Năm 1994, khi đứa con gái chưa tròn 2 tuổi, vợ anh là chị Ngô Thị Dung đi buôn bán vùng biên, nhưng đó là lần cuối cùng anh được trông thấy vợ. Gia đình chỉ nghe tin phong thanh rằng chị nhà bị bắt bán sang Trung Quốc. Cũng từ năm ấy, lần lượt người anh cả Tuấn “cô cô”, người anh thứ Nguyễn Văn Sinh, và Nguyễn Văn Út lao vào vòng tay cám dỗ của “nàng tiên nâu”.

Năm 2007, cô con gái Nguyễn Thị Thủy của anh Út đi làm tại Hà Giang cũng bị dụ dỗ lừa bán vào nhà thổ mãi bên kia biên giới khi chưa tròn 15. Tuy rằng may mắn hơn mẹ cô khi sau 14 tháng làm việc trong khổ cực, tủi nhục để trả món nợ bán thân, cô được về nhà. Nhưng trong từng ấy thời gian cô biệt tích, người cha đã thấm nghiện mười mấy năm khi xưa mất vợ, giờ mất con lại túng quẫn lao sâu vào vòng nghiện ngập. Một tai nạn giao thông cướp đi chiếc chân phải của anh, khi đó cả gia đình cũng mới biết anh Út đã nhiễm HIV.

Ba anh em Tuấn, Sinh, Út giờ mỗi người một nơi. Tuấn “cô cô” thụ án 10 năm tù về buôn bán chất gây nghiện ma túy (giảm án 2 năm) và trở về vào đầu năm 2013. Cũng trong năm, người em út của Tuấn cũng mãn hạn 8 năm tù. Tuy nhiên, anh cũng đang bị giam ở Sơn La, chờ ngày xét xử tội danh buôn chất trắng lần thứ hai. Còn Nguyễn Văn Sinh cũng thụ án được 5 năm, trong bản án 9 năm, tại trại giam Tân Lập, Hạ Hòa. Đáng buồn thay, một người về, người khác lại đi. Bản án 9,5 năm tù triện dấu chưa ráo mực (xét xử đầu tháng 7.2014) về tội buôn bán chất ma túy của chị Nguyễn Thị Kim (vợ Tuấn “cô cô”) tăng tổng số năm tù tội mà “nàng tiên nâu” đem đến cho gia đình này ngót con số 40 năm.

Có lẽ ở Sóc Đăng, hoàn cảnh gia đình của Tuấn và các em là đặc biệt nhất, đặc biệt không chỉ với những gia đình con lai hàng binh từng là lính lê dương tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Mão - trưởng công an xã Sóc Đăng - cho biết: “Lãnh đạo xã và các ban ngành đoàn thể luôn quan tâm, tạo điều kiện để gia đình bà Lộc, anh Tuấn hòa nhập, và có cuộc sống ổn định, vì thực sự họ có hoàn cảnh rất đặc biệt, giờ đây ba anh em đều tù tội, vừa đáng trách, vừa đáng thương”. Hiện giờ, duy chỉ có người con gái của anh Nguyễn Văn Sinh là được học hành đầy đủ, tốt nghiệp đại học và lấy được một tấm chồng ưng ý.

Giờ đây, Tuấn “cô cô” chỉ còn một mình trong căn nhà ba gian cũ kỹ vốn đã ít hơi người. Một thân một mình trở về từ tù tội, chế độ hỗ trợ người tàn tật tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ bị cắt, Tuấn nhiều lần vào Trung tâm để “đòi” chế độ thì đều nhận lại những cái lắc đầu, những câu xua đuổi, những sự hắt hủi. Nửa đời lầm lỗi, Tuấn cũng không giấu tâm sự mà chia sẻ rằng: “Tôi đã phải trả giá cho sự ham vui, dại dột, rồi túng quá làm liều, giờ là vợ tôi. Bấy nhiêu năm cải tạo, tù tội trở về cũng chỉ mong được Đảng, Nhà nước quan tâm để cuộc sống đủ cái ăn, ấm cái mặc và không phải lao vào sai trái một lần nữa. Nguyện vọng bao năm nay của mấy anh em chúng tôi vẫn chỉ mong được về quê cha, dù chỉ là một lần”.

Thi thoảng, chị Hiền mang đồ ăn qua cho anh vào lúc xế chiều, còn bình thường có cậu thanh niên hàng xóm mồ côi cả cha lẫn mẹ vẫn sang bắc bếp thổi cơm giúp người đàn ông tuổi ngoài 50 đi lại sinh hoạt chỉ bằng đôi bàn tay. Tấm lưng rộng khom người đi vào nhà nom... cô đơn quá!

HUY BA
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, du lịch ở Bến Tre có gì hấp dẫn?

Thành Nhân |

Tại tỉnh Bến Tre với nhiều điểm du lịch sinh thái, trong đó, có du lịch tái tạo, săn bắt tôm trên các con sông và thưởng thức tại chỗ. Đây sẽ là trải nghiệm giúp du khách có được kỳ nghỉ tuyệt vời trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.