Rượu “quốc lủi” cũng phải đăng ký, dán tem

LÃNG QUÂN - TÂM NINH |

Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định kể từ ngày 1.11.2017, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, hoặc bán cho người tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép đăng ký kinh doanh và dán nhãn theo quy định. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến phải đăng ký với UBND cấp xã. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý “quốc lủi” không dễ dàng đối với cơ quan chức năng.

Thảm họa gắn mác “rượu quê”

Một số năm trước, chúng ta đã có NĐ số 94/2012/NĐ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, kể từ ngày 1.1.2013 các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để bán hoặc chế biến lại. Sau nhiều năm áp dụng, dường như NĐ này vẫn chỉ nằm trên giấy, bằng chứng là không khó để bắt gặp một vài bình rượu quê hay chum rượu sành cỡ vài trăm lít ở các quán ăn, nhà hàng, thậm chí là trưng bày ở khách sạn hay hội chợ quốc gia; mà khi hỏi về nguồn gốc đều nhận được câu trả lời chung là rượu quê, đặc sản của vùng… nào đó. Thì cần gì phải giấy phép, vẽ! Rượu quê, bằng nhiều hình thức khác nhau, đã đi ra thị trường với nhu cầu vô tận và giá thành cũng vô cùng. Nhiều thương lái đã lợi dụng điều đó để pha chế, phù phép hàng rởm, hàng giả để bán với giá cắt cổ, đánh lừa và đầu độc người tiêu dùng.

Sáng 28.9.2017, Công an tỉnh Hà Nam kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu của anh Phạm Văn Tùng (SN 1985) ở TP.Phủ Lý, phát hiện cơ sở này có 125 lít rượu, gồm ba kích, ngô và táo mèo không có tem nhãn hàng hóa theo quy định. Rượu có pha phẩm màu và dương tính với methanol, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép kinh doanh rượu theo quy định. Thập chí, rượu giả được đưa vào giữa làng rượu truyền thống ở Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội) để lấy mác bán. Sự việc chỉ bị phát hiện khi làm 9 học sinh phải nhập viện cấp cứu vào ngày 8.3.2017.

Chị Tuyết (chủ một cơ sở sản xuất rượu nấu truyền thống ở Phú Diễn, Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Tôi là người vừa trực tiếp nấu rượu, vừa mang đi bán, nói thật, bây giờ rượu thật-giả lẫn lộn, người tiêu dùng khó mà phát hiện được đâu là rượu nấu, rượu pha”. Chính chị là người còn bị mời mọc mua rượu táo mèo, nếu mua 20 lít sẽ được tặng 10 lít. Chị ngớ người, bảo: Làm gì có rượu đặc sản rẻ như vậy, rượu nấu của tôi bán chưa qua ngâm ủ chế biến mà cũng không có cái khuyến mại như thế. Sau này mới biết đó là rượu độc.

Chị Vượng đang túc trực bên mẻ rượu quê ngon và lành với công nghệ truyền thống từ nhiều đời của gia đình, chị rất băn khoăn về tính khả thi và hữu ích của các quy định mới về lĩnh vực này. Ảnh: P.V
Chị Vượng đang túc trực bên mẻ rượu quê ngon và lành với công nghệ truyền thống từ nhiều đời của gia đình, chị rất băn khoăn về tính khả thi và hữu ích của các quy định mới về lĩnh vực này. Ảnh: P.V

“Thà không có giấy phép kinh doanh rượu còn hơn”

Làng rượu truyền thống Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) được xem là nơi cung cấp nguồn rượu lớn cho Hà Nội từ nhiều thập kỷ qua. Nhưng vì nhiều lý do, số lượng gia đình nấu rượu ở đây ngày càng ít đi, quy mô sản xuất cũng không lớn, việc xuất bán rượu cũng không dễ vì cạnh tranh với nhiều loại rượu pha chế hiện nay trên thị trường. Ông Vũ Văn Thành - Trưởng Hiệp hội Làng nghề ở Cự Đà - cho biết: “Cự Đà chỉ còn khoảng 20 hộ nấu rượu, số lượng rượu xuất bán ra ngoài không nhiều nên hầu như chưa có gia đình nào đăng ký giấy phép kinh doanh”. Chỉ có một hộ kinh doanh lớn ở Cự Đà có giấy phép kinh doanh, nhưng gần đây vì buôn rượu nơi khác về, rượu kém chất lượng, gây ngộ độc nên đã bị tước giấy phép và đóng cửa.

Chị Vượng, 48 tuổi ở xóm Điếm Tuần (làng Cự Đà) đang lụi hụi với bếp nấu rượu khá nhiều tầng bằng inox cho mẻ rượu mới. Chị bảo, bếp nấu của chị vẫn chưa hiện đại bằng những gia đình có bếp nấu bằng điện. Chị nấu nhiều năm rồi, mỗi tuần chỉ vài mẻ, mỗi mẻ vài chục lít cho người ta đặt mua. Hỏi về thủ tục, giấy tờ, chị lấy ra một xếp, nào giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, giấy mua gạo, giấy xác nhận đã qua tập huấn nấu rượu. Tất cả đều mới được cấp từ tháng 1.2017.

“Giấy người ta cấp cho nhưng chẳng đọc được chữ, mắt cứ lóa lên, chị mới học hết lớp 2 mà. Từ xưa nấu rượu vẫn thế, có khác gì nhau đâu. Nhưng vừa rồi có nhà ở làng bị bắt vì buôn rượu vớ vẩn, pha cồn, nước lã vào thế là công an kiểm tra cả loạt. Nhà nào cũng sợ kiểm tra cả, mình không sợ rượu của mình giả, nhưng sợ họ kiểm tra về khâu vệ sinh, họ cứ vin vào chỗ này bẩn, họ xách đi vài can rượu thì mình mất rượu. Có nhà khi công an đến kiểm tra thì khóa cửa đi vắng, lấy cớ để khỏi mất rượu” - chị Vượng thở dài.

Là người vừa trực tiếp sản xuất, vừa mang rượu ra thị trường bán, chị Tuyết (ở xóm 2, Phú Diễn) - chủ của cơ sở nấu rượu hiếm hoi ở trong làng có giấy phép đăng ký kinh doanh, chị chua xót nhận ra rằng: “Thà không có giấy phép còn tốt hơn, có rồi bán rượu lại ế hơn trước. Bởi vì, nhà hàng họ trả giá rượu nấu của tôi rẻ như nơi cung cấp rượu pha chế cho họ, mà rượu pha họ cũng có được giấy phép kinh doanh mà giá lại rẻ nên bán dễ hơn, người kinh doanh thì họ trọng lợi nhuận”.

Điều chị nhấn mạnh là những bất cập về việc cấp phép: Đó là giấy phép đăng ký kinh doanh đôi khi vẫn được cấp dễ dàng quá, không có giá trị nhiều, thông tin ghi còn chung chung. Chẳng hạn, nguyên liệu sản xuất là gạo hay sắn thì cũng phải ghi rõ. Cấp phép rồi cơ quan chức năng cũng không kiểm tra thường xuyên xem họ bán thế nào, bán có đúng như đăng ký không. Xử phạt thì cũng phải mạnh tay, họ làm ra tiền tỉ nhờ sai phạm mà khi bị phát hiện, xử phạt vài triệu rồi thì họ vẫn làm. Thậm chí, có phạt vài trăm triệu họ vẫn làm, chỉ có phạt tù may ra họ mới sợ.

Những bình rượu ngâm xác động vật hoang dã quý hiếm rất tàn nhẫn và có thể gây ngộ độc, Nghị định mới về quản lý rượu có thể sẽ hữu ích trong việc loại bỏ các “đặc sản” này.
Những bình rượu ngâm xác động vật hoang dã quý hiếm rất tàn nhẫn và có thể gây ngộ độc, Nghị định mới về quản lý rượu có thể sẽ hữu ích trong việc loại bỏ các “đặc sản” này.

Trả lại sự an toàn cho... “quốc lủi”

Bác sĩ, thạc sĩ Phùng Thanh Hải - một chuyên gia có uy tín ở BV Tâm thần Trung ương, nơi nghiên cứu và điều trị cho nhiều người loạn thần do rượu rởm, rượu giả, rượu độc - cho biết: “Đôi khi, rượu ở những nhà máy kém cỏi còn độc hại hơn “quốc lủi”. Bởi ở nhà máy, họ còn thường phải xử lý nhiều quy trình và khó mà không can thiệp bằng hóa chất để việc tạo hương vị, màu mè. Ngộ độc thường xảy ra là bởi sự mất an toàn từ nhà máy “rởm” hoặc các tư thương pha chế độc hại; chứ có mấy khi rượu truyền thống thật sự gây ra đâu”.

Nhưng theo anh Hải, việc đề ra NĐ kể trên là điều cần thiết, bởi đây là một hình thức để chống rượu giả, rượu cồn… Nhà nước phải có quy định rượu nào bán, rượu nào được lưu hành, phải có tem, có nguồn gốc và kiểm tra các “tín chỉ” đó nhằm đem lại an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Còn việc người dân nấu rượu quốc lủi thì chẳng có vấn đề gì cả, chắc chắn là khó có quy định nào ngăn cấm được. Mà ngay cả khi cấm, thì cũng lấy đâu ra người đến từng nhà, từng bàn tiệc, từng bếp nấu để... xử phạt? Đấy là chưa kể ở các thôn sâu bản vắng với truyền thống nấu rượu tự cung tự cấp của bà con vùng thiểu số.

Anh Nguyễn Văn Thịnh - chủ nhà hàng cá sông Đà ở Hà Nội - cho biết. Theo anh, mục đích của NĐ 105 là tốt, nhưng phải có những điều khoản rõ ràng và hợp nhẽ để có thể kiểm soát một cách đích thực. Hiện nay nhà nhà nấu rượu, ai ai cũng quảng cáo tôi bán rượu quê, ngâm ủ rượu thuốc bắc nên ngoài giám sát chặt chẽ cần sự tự giác của chính những người nấu và bán “quốc lủi”.

LÃNG QUÂN - TÂM NINH
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.