Quê hương Pi Năng Tắc trù phú vùng đất anh hùng

Khả Như |

Từ đèo Gia Túc - nơi Anh hùng LLVT nhân dân Pi-năng Tắc tổ chức những trận phục kích bằng bẫy đá huyền thoại trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, nhìn về xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận), dọc theo các con suối, triền dốc núi là những cánh đồng ngô, khoai, vườn cây ăn trái bạt ngàn một màu xanh của đồng bào dân tộc Raglai. 

Nhớ về người con ưu tú của đồng bào

Từ TP. Phan Rang - Tháp Chàm, chúng tôi vượt trên 70km dọc theo quốc lộ 27 đến ngã tư Ninh Bình thuộc địa phận Ninh Sơn rồi tiếp tục rẽ phải theo hướng tây bắc đến xã Phước Hòa, vượt cung đường đèo độc đạo men theo sườn núi uốn lượn, một bên là vực thẳm, bên kia là vách núi đá mới đến Phước Bình.

Bẫy đá Pi-năng Tắc sừng sững giữa đình đèo Gia Túc. Nhiều người kể, dựa vào địa hình hiểm trở, ông đã nghĩ ra cách làm bẫy đá thô sơ để ngăn quân địch mở các đợt càn quét vào Phước Bình. Ông chỉ huy quân du kích tạo ra một bẫy đá lớn từ việc kết nối 17 bẫy đá liên hoàn (mỗi bẫy đá liên hoàn dài 5m, rộng 2m và chứa 10 tấn đá/bẫy) đặt trên đoạn đường dài khoảng 500 mét dọc theo con đường độc đạo. Nơi giáp với mé sông phía vực sâu là những hố cắm chông nhọn được phủ nhiều lớp lá cây mục để ngụy trang...

Ngày 10.8.1961, hàng trăm quân địch đi càn đã lọt vào ổ phục kích và bị diệt gọn. Chiến thắng oai hùng trên đèo Gia Túc được ghi vào lịch sử cách mạng và được ca ngợi cho đến hôm nay.

Anh hùng LLVT Nhân dân Pi-năng Tắc sinh năm 1910 tại xã Phước Thành, tham gia cách mạng năm 1946. Trong những năm kháng chiến, ông đã kêu gọi, chỉ huy hàng nghìn đồng bào ra sức ủng hộ cách mạng. Bằng tài trí của mình, ông hướng dẫn đồng bào liên kết thành những tổ vần đổi công, giúp nhau tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm để ổn định đời sống và ủng hộ bộ đội ăn no đánh giặc.

Với những thành tích xuất sắc, ông được Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì; nhận danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân vào tháng 5.1965; nhận 3 Huân chương chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba...

Năm 1993, bẫy đá Pi-năng Tắc được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng “Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia”. Nhà Bảo tàng Ninh Thuận đã dựng bia kỷ niệm chiến tích tại đèo Gia Túc gắn với tên vị anh hùng. Ghi nhận nhiều chiến công của ông, tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm có con đường mang tên Pi-năng Tắc; huyện Bác Ái có ngôi trường mang tên ông.

Vươn lên từ nội lực...

Phước Bình là xã miền núi được hỗ trợ từ Chương trình 30a của Chính phủ. Toàn xã có 925 hộ, với 4.261 nhân khẩu, bao gồm các dân tộc: Raglai, Kinh, Chu, K’ho... sống tại sáu thôn: Hành Rạc 1, Hành Rạc 2, Gia É, Bố Lang, Bậc Rây 1 và Bậc Rây, tổng diện tích đất tự nhiên của xã hơn 28 nghìn ha; trong đó, đất nông nghiệp gần 2,5 nghìn ha nhưng chủ yếu là đất đồi núi. Người dân ở đây trồng bắp và lúa nhưng nguồn nước tưới chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa, đời sống sản xuất của đồng bào gặp nhiều khó khăn.

Trước bài toán làm sao để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào là một trong những vấn đề được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Phước Bình trăn trở, suy nghĩ. Công tác tuyên truyền được lồng ghép trong các buổi họp thôn triển khai chính sách để người dân hiểu rõ lợi ích đưa cây trồng có giá trị kinh tế vào trong sản xuất.

Bằng các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình 30a, 135, 167, dự án hỗ trợ tam nông tỉnh, chính quyền xã hỗ trợ, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để đầu tư sản xuất, nhân rộng. Các loại cây được vận động đưa vào sản xuất là bắp lai, chuối, điều, sầu riêng, bưởi, mít, chôm chôm thay thế cho những cây trồng chịu hạn kém, năng suất thấp.

Trước đây, gia đình ông Katơr Chiên ở thôn Bạc Rây 1 chỉ biết trồng lúa và bắp, những năm hạn hán phải dừng sản xuất và cái đói luôn quay trở lại với gia đình ông. Năm 2011, được cán bộ xã vận động, Vườn quốc gia Phước Bình hỗ trợ giống bưởi, ông trồng thử nghiệm 5 sào bưởi với hơn 150 gốc bưởi trên đất đồi dốc.

Ông Chiên phấn khởi: “Năm 2016, vườn bưởi gia đình cho thu hoạch lứa đầu tiên, trung bình mỗi quả nặng từ 1,5 - 2kg, được thương lái thu mua với giá hơn 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 40 triệu đồng. Khí hậu mát dịu nên cây bưởi năm nay phát triển tốt và ra hoa đậu trái rất nhiều, hứa hẹn một mùa bưởi cho năng suất và thu nhập cao nữa. Chuyện thiếu đói giáp hạt mỗi khi mùa khô kéo về sẽ không còn lo nữa, vì đã có cây bưởi da xanh thay thế rồi”.

Phước Bình là vùng đất nằm ở độ cao 600m so với mặt nước biển, được thiên nhiên ưu đãi khí hậu ôn đới rất mát mẻ, khá thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, chăn nuôi gia súc có sừng và trồng hơn 1,3 nghìn ha các loại cây ăn quả như sầu riêng, chôm chôm, chuối sứ, bưởi... nên thu nhập của đồng bào tăng đáng kể.

Những năm qua, đồng bào rất nỗ lực vươn lên giảm nghèo từ nội lực, tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước giảm nhiều. Nhận thức vươn lên của thanh niên ngày càng cao và trở thành lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động người dân tin và thực hiện tốt các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội đề ra.

Anh Nguyễn Đức Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, đến nay, 70% dân cư sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế và an ninh quốc phòng; huy động trên 1.100 học sinh các cấp học đến trường trong năm học này... Hằng năm, số hộ nghèo ở Phước Bình luôn giảm ở mức trên dưới 5%. Hiện nay, hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 404 hộ, 89 hộ cận nghèo, thấp nhất so với các xã khác trên địa bàn huyện “30a” của Bác Ái.

Đồng bào Raglai vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ cây bưởi da xanh.
Đồng bào Raglai vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ cây bưởi da xanh.

... và câu chuyện nghĩa tình!

Nghe Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Nghĩa kể, Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, đồng bào Phước Bình đồng thuận từ chối nhận gạo cứu đói giáp hạt của Chính phủ cho xã Phước Trung, cho thấy sự đổi thay tích cực trong ý thức tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo cũng như thể hiện tinh thần chia sẻ lúc khó khăn với cộng đồng của đồng bào nơi đây rất tốt.

Trước Tết năm ấy, huyện chỉ đạo các xã lập danh sách để nhận gạo cứu đói giáp hạt về cấp phát cho bà con, vì năm 2014, hạn hán kéo dài, nhiều vùng không sản xuất được. Thời điểm đó, cả hai mùa bắp, lúa rẫy năm 2014 ở Phước Bình không bị mất mùa, đồng thời trước Tết khoảng hai tháng, bà con còn trúng mùa chuối sứ, mỗi nhà lãi từ 3 đến 6 triệu đồng.

Trong khi đó, tại xã Phước Trung, đã bốn mùa bà con không có nước sản xuất, thiếu thốn trăm bề. Hiểu được hoàn cảnh đó, lãnh đạo xã Phước Bình tổ chức buổi họp xin ý kiến bà con về việc nhường gạo cho đồng bào ở xã Phước Trung. Nghe vậy, bà con đều đồng thuận “nhường cơm sẻ áo” cho người dân xã Phước Trung.

Năm ấy, Phước Bình đã nhường hơn 6 tấn gạo cứu đói cho xã Phước Trung. Nghĩa cử này, càng làm cho đồng bào hai xã khăng khít nhau hơn và trở thành địa phương đầu tiên của huyện miền núi Bác Ái báo cáo đã thoát đói giáp hạt kể từ sau khi có Chương trình 30a của Chính phủ.

Tạm biệt Phước Bình, khi ngược lại bẫy đá Anh hùng Pi-năng Tắc để về xuôi, tôi nhớ lời tâm sự của Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Nghĩa, đời sống bà con tuy vẫn còn khó khăn, nhưng đã tốt hơn trước rất nhiều rồi. Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư mọi mặt, người dân tích cực vươn lên, chỉ vài năm nữa xã anh hùng sẽ đẹp và giàu hơn. Mai này, mỗi khi về thăm bẫy đá Pi-năng Tắc, chúng ta sẽ được hoà mình giữa núi rừng trong nắng mai, nghe tiếng nước róc rách của con Sông Cái... tạo nên bản hòa âm trữ tình kỳ thú của thiên nhiên mà khó nơi nào có được như Phước Bình.

Khả Như
TIN LIÊN QUAN

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.