Phóng sự dự thi:

Pitơ Hoan ở “cửa tử ” Cù Bai

Lâm Hưng Thơ |

Vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” với những đồi cỏ tranh ngậm thuốc khai quang, lùng nhùng dây thép gai và lúc nhúc bom đạn, từng là một Cù Bai “cửa tử” trên tuyến đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh. “Nhưng 15 năm, chỉ 15 năm mà màu xanh nhợt nhạt trên gương mặt và con mắt sâu hoắm vì đói của người Vân Kiều đã cùng hồi sinh với bạt ngàn những vườn bời lời mỗi ngày “hái ra tiền”. Giới thiệu với bà con bản làng ở xa đến, Pả Hoan - người đã viết nên một câu chuyện hồi sinh ở chính nơi này…”.
Những câu từ ngọt như mật của em-xi (MC) trong đám cưới một sĩ quan biên phòng người đồng bào Vân Kiều cùng một cô thôn nữ tại bản Cù Bai bỗng sôi động - khi nhân vật vừa được giới thiệu bước lên sân khấu: “Tôi là Lê Đình Hoan, trước kia mọi người thường gọi là Hoan “điên”, lúc gặp trên rẫy gọi là Hoan “bời lời”, khi sinh hoạt trong bản làng gọi là Pả Hoan (bố Hoan). Còn khi bước lên sân khấu, mọi người còn gọi tôi là Pitơ Hoan...”. Đám cưới kết thúc, tôi kéo Pitơ Hoan vào ngôi nhà sàn cạnh sân bóng bản Cù Bai để “tra cứu” những biệt danh khó hiểu. Anh Hoan cười lớn: “Đồng bào ở đây xem phim, thấy người nổi tiếng hay có tên như thế, nên đùa tôi vậy. Những biệt danh mà anh đã tự giới thiệu trên sân khấu cùng những lời bóng bẩy của em-xi chỉ là... nói điên cho vui miệng”.
Từ “thằng Hoan điên”…
Bản Cù Bai nằm sát biên giới với Lào thuộc huyện Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị), dân cư chủ yếu là người Vân Kiều. Cách đây khoảng 15 năm, Cù Bai là một bản khó khăn với trên 60% số hộ nghèo. Trong chiến tranh, nơi này bị rải xuống một lượng lớn chất độc hóa học nên cây cối và sự sống gần như bị hủy diệt. Hòa bình lập lại, người dân trở về mảnh đất cũ để xây dựng cuộc sống. Nhưng đường giao thông hiểm trở, xa xôi nên mọi sinh hoạt dường như ngăn cách với bên ngoài, bà con dân bản chủ yếu làm nương rẫy, săn bắt thú rừng. Lúc đó, anh Lê Đình Hoan (sinh năm 1956, quê ở Hải Lăng, Quảng Trị) đã lên vùng núi Hướng Hóa lập nghiệp.
Làm nghề thu gom sắt phế liệu, ra vào Cù Bai như cơm bữa, anh Hoan nhận thấy ở vùng này có cây bời lời, dù chỉ mọc thành cụm nhưng rất tốt, thế là anh thử đặt mua loại vỏ cây này với người đồng bào và bán lại có lãi. Sau vụ đó, không biết ai xui khiến thế nào, anh lại bỏ nhà, bỏ phố, khăn gói vào vùng rừng núi Cù Bai... trồng bời lời. Biệt danh “thằng Hoan điên” - có từ đó. “Tôi bỏ nhà đi vào năm 1999. Lúc đó dân bản, gia đình và họ hàng tôi ai cũng trố mắt lên. Khuyên bảo nhiều, dọa nạt cũng không ít nhưng tôi vẫn quyết tâm đi, bởi tôi nhìn ra được những cơ hội lớn ở Cù Bai, mà nếu không có tôi thì người đồng bào ở đây sẽ không nhìn thấy” - anh Hoan cười, chia sẻ về biệt danh ấn tượng của mình.
Cái cơ hội mà anh Hoan nói tới đó bắt nguồn ở tận Tây Nguyên, sau chuyến đi thăm một người bà con. Chứng kiến người dân trồng cây bời lời như ở Cù Bai - một loại cây dễ trồng, có khả năng tái sinh tốt - khiến anh nghĩ ngay đến việc phát triển nó ở vùng đất chết. Trở về, anh bán mảnh đất ở thị trấn Khe Sanh rồi khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh vay thêm tiền của người bà con để làm vốn sản xuất. Anh đặt mua 120.000 cây con từ Tây Nguyên, sau đó vận chuyển thẳng đến thôn Cù Bai để thực hiện trồng thí điểm. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm, trong quá trình vận chuyển, hơn 70% số cây con bị chết. Lúc này, anh không nhận được sự sẻ chia nào, mà mọi người dường như hí hửng bởi biệt danh “thằng Hoan điên” họ đặt là quá đúng!
…đến Hoan “bời lời”
Do số cây con còn lại ít, anh Hoan chỉ triển khai trồng trên khoảng 15ha và cú sốc này không ngăn cản được giấc mơ bời lời của anh. Anh lại khăn gói vào Tây Nguyên rồi ở lỳ luôn mấy tháng liền để học kỹ thuật trồng cây bời lời. Lúc trở về Cù Bai, anh bắt đầu chăm sóc đúng cách nên 15ha bời lời bắt đầu bám rễ, lớn vùn vụt. Rồi cứ thế, mỗi năm anh lại trồng mới thêm trên dưới 10ha nữa. “Lúc đó tôi khuyên mọi người hưởng ứng trồng bời lời, tôi sẽ cung cấp cây giống và kỹ thuật chăm sóc. Đến khi thu hoạch thì chia sản phẩm, nhưng nói chẳng ai nghe nên tôi cứ hì hục làm một mình. Cho đến khi lứa cây trồng đầu tiên thu hoạch, mọi người mới ngớ ra” - anh Hoan nói.
Đó là những ngày đầu năm 2007, khi anh Hoan đã có trong tay hàng chục hécta bời lời, trong đó 15ha trồng đầu tiên đã đến kỳ thu hoạch. Ở lần cạo vỏ đầu tiên, anh Hoan đã thuê nhiều nhân công ở bản, rồi đến lúc bán sản phẩm, thu gần 50 triệu đồng tiền mặt thì dân bản bắt đầu nhốn nháo. Chỉ vài ngày sau đó, hơn chục hộ dân tìm đến nhà anh Hoan, đặt vấn đề muốn được học nghề. Anh Hoan cười, bắt tay chỉ việc cho từng người rồi cùng huy động nhân lực trong gia đình khai hoang những quả đồi trọc để trồng bời lời. Việc phủ xanh núi rừng Cù Bai đã được bắt đầu như thế. “Kể từ đó, anh có thêm biệt danh Hoan “bời lời” à?” - tôi hỏi. Anh Hoan cười: “Chưa, còn xa lắm”. Cầm được ít tiền từ đợt khai thác bời lời đầu tiên, anh lại liều lĩnh dùng toàn bộ số tiền đó để thử nghiệm mô hình vườn ươm bời lời con. “Mình chủ động được nguồn giống thì chi phí sẽ giảm, không phải vận chuyển xa nên cây con sẽ mạnh hơn. Lợi rứa nên phải mày mò” - anh Hoan tiếp lời.
Thêm một lần cất công vào Tây Nguyên học tiếp lớp nữa, rồi anh Hoan trở về hồ hởi bắt tay vào việc. Thành quả bước đầu là vườn ươm 10.000 cây, rồi anh mở rộng đến 20.000... Cứ thế, anh ươm đủ cây giống để cấp cho bà con khắp vùng. Chỉ riêng bản Cù Bai có 105 hộ dân thì có đến hơn 600ha bời lời, 100% các hộ dân đều tham gia trồng, trong đó số hộ nghèo chỉ trên dưới 10 hộ, không có hộ đói. Trung bình cứ mỗi hécta người dân trồng khoảng 2.000 cây, trên diện tích 600ha đó sẽ là sự hiện diện của 1 triệu 200 ngàn cây bời lời. Mà cứ mỗi hécta bời lời sẽ cho khoảng 2 tấn vỏ khô với giá thị trường khoảng 40 triệu đồng, trong năm 2014 này có gần 100ha bời lời đã đủ tuổi khai thác. Nói đến đây, anh Hoan nheo mắt, cười cười nhìn tôi: “Câu hỏi lúc nãy, đặt ở đây mới đúng, chú à”.
…và, Pả Hoan lưỡng quốc
Tôi cùng anh Hoan và Trưởng thôn Cù Bai Hồ Thới theo con đường nhỏ leo lên sườn đồi. Chỉ cách bản Cù Bai chưa đầy một cây số, từng đám bời lời xanh non đã phủ kín những sườn đồi, mà theo anh Thới thì trước kia không cây cỏ gì mọc lên được. Anh Thới hồ hởi: “Bời lời của dân Cù Bai giờ phủ kín núi rừng rồi, trong bản có người phải đi tới tận 10km để tới được rừng của mình. Mỗi năm diện tích một tăng, bà con phấn khởi lắm”. Từ khi cây bời lời phát triển mạnh, thanh niên trong bản không còn bê tha rượu chè và bỏ cho vợ lên nương như trước. Họ nghe theo lời anh Hoan, chăm chỉ lên rừng chăm sóc cây và tham gia các lớp tập huấn về tỉa cành, khai thác bời lời...
Hiệu quả kinh tế cây bời lời đem lại cao, đời sống của người dân ở bản Cù Bai được “thay áo” mới nên nhiều người từ các địa phương trong và ngoài huyện đã đến Cù Bai để học tập mô hình. Vì thế, anh Hoan lại mở rộng vườn ươm để cung cấp cây giống cho các xã Hướng Việt, Hướng Lập. Đáng chú ý, anh Hoan còn “xuất khẩu” hơn 100.000 cây giống sang Lào tại các huyện Mường Noòng, Tù Muồi, Sê Pôn với nhiều ưu ái như: “Mình đem cây giống sang, trực tiếp hướng dẫn họ trồng. Sau 2 tháng đi kiểm tra, nếu cây sống mới lấy tiền, cây chết thì đền bù lại. Thậm chí có hộ sắp đến lúc thu hoạch họ mới trả tiền cây giống, tôi vẫn chấp nhận. Cái được của mình ở đây là phủ xanh đồi trọc, mở rộng thị trường và kết nối được mối thâm giao hai bên biên giới” - anh Hoan nói. Tôi nhớ lời Chủ tịch xã Hướng Lập - ông Hồ Đức Vân - trước khi chỉ đường cho tôi vào Cù Bai rằng: “Hoan là người Kinh, nhưng rất có uy tín với bà con Vân Kiều ở Cù Bai và một số bản Xeng Túp, Rạc (Lào), nên mọi người còn gọi là Pả Hoan. Hoan đã tìm được hướng sản xuất cho bà con ở các xã dọc biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đồi trọc nên chúng tôi rất ghi nhận”.
Tôi leo lên ngọn đồi ngay trước bản, phóng tầm mắt nhìn xuống bao quát cả thung lũng. Mỏi mắt không tìm thấy mái nhà tranh lụp xụp trong ký ức của trưởng thôn Thới, mà thay vào đó là những ngôi nhà kiên cố cùng hàng trăm hécta bời lời tiền tỉ. Tôi nhìn anh Hoan, hỏi: “Có tiền tỉ trong tay, anh trở về phố chứ?”. Anh Hoan lại cười: “Tôi không muốn mọi người ở đây lập lại biệt danh cũ - thằng Hoan điên”.

Lời bình:
Phóng sự viết duyên dáng, có văn và giọng điệu riêng, đọc cuốn hút. Chỉ tiếc là một số chi tiết, ví dụ nhân vật chính bỗng dưng bỏ nhà, bỏ phố vào rừng trồng bời lời; hay “xuất khẩu” hơn 10.000 cây giống bời lời sang giúp người dân Lào thay đổi cuộc sống..., tác giả không dụng công đào sâu khiến nhân vật vẫn còn chút nhợt nhạt, gượng gạo. Đây cũng là nhược điểm khiến tác giả không vượt hẳn những người đi trước khi cùng khai thác về nhân vật được mệnh danh Pitơ Hoan ở Cù Bai.
Hoàng Văn Minh

 

 


Lâm Hưng Thơ
TIN LIÊN QUAN

Chuyện dở khóc, dở cười của những người chăm sóc thú cưng ngày Tết

PHẠM ĐÔNG - THU HIỀN |

Khi Tết đến xuân về, mọi người được quây quần bên gia đình thì những người chăm sóc thú cưng vẫn phải làm luôn chân, quanh quẩn bên những chú chó, mèo. Cũng từ đây đã xuất hiện những câu chuyện thú vị, hài hước và cảm động.

VPF lên tiếng về tranh cãi quảng bá tài trợ của Hoàng Anh Gia Lai

AN NGUYÊN |

Ông Nguyễn Minh Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có những chia sẻ xoay quanh tranh cãi về việc quảng bá cho tài nhà trợ của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai tại V.League 2023.

Ngư dân Quảng Nam đón giao thừa trên biển: Nhớ nhà, nhớ con lắm chứ

Nguyễn Linh |

Những ngày cận tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các ngư dân Quảng Nam hối hả chuyển lương thực, nước uống xuống tàu để chuẩn bị một chuyến vươn khơi xuyên Tết.

Kỳ vọng về những thay đổi trong chính sách bán lẻ xăng dầu

Anh Tuấn |

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dự báo 2023 sẽ là năm tiếp tục khó khăn với thị trường xăng dầu nên chúng ta cần có giải pháp ứng phó mang tính dài hạn và bền vững để tránh những cú sốc cho nền kinh tế. Trong đó, mấu chốt là cần phải thay đổi những chính sách bán lẻ xăng dầu.

Đề xuất sửa đổi một số thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip

Việt Dũng |

Trong dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất thay đổi một số thông tin trên mặt trước và mặt sau của thẻ căn cước.

Dàn sao Việt trải lòng trước thềm năm mới Quý Mão 2023

DI PY |

Chỉ còn một ngày nữa là bước sang năm Quý Mão 2023. Trong không khí rộn ràng của những ngày Tết đến Xuân về, dàn sao Việt đã tạm gác lại những công việc bận rộn để về với tổ ấm gia đình và có những trải lòng về một năm qua.

Loạt cửa hàng ăn uống tại TPHCM phục vụ xuyên Tết

NGỌC LÊ |

TPHCM - Thời điểm này, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ tại TPHCM đã bắt đầu nghỉ bán. Tuy nhiên, một số quán cà phê, quán kinh doanh đồ ăn thức uống ở thành phố vẫn mở bán xuyên Tết để phục vụ khách du xuân.

Nghệ An: Nhất chi mai ế ẩm, chủ vườn lo âm vốn

Quỳnh Trang |

Nhất chi mai là một loài mai thuộc top “thập đại danh hoa” nổi tiếng đẹp bậc nhất. Tính đến thời điểm hiện tại (29 tết) thị trường hoa Tết ở Nghệ An loài hoa này chưa đủ cạnh tranh với các loài hoa khác nên rất ít người quan tâm.